20/08/2013 05:50 GMT+7

Hình ảnh khiêm tốn, giản dị của người lãnh đạo

Q.THANH - M.HƯƠNG - L.ĐIỀN
Q.THANH - M.HƯƠNG - L.ĐIỀN

TT - Ngày 19-8, TP.HCM long trọng tổ chức lễ kỷ niệm 125 năm ngày sinh Chủ tịch Tôn Đức Thắng (20-8-1888 - 20-8-2013). Đến dự có nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải; Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM Lê Thanh Hải.

* Quan tâm bảo tồn di tích Bác Tôn

Kỷ niệm 125 năm ngày sinh Chủ tịch Tôn Đức Thắng

Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch UBND TP Lê Hoàng Quân nêu bật hình ảnh dân chủ, gần gũi với nhân dân... của người chiến sĩ cách mạng kiên cường, một người lãnh đạo chủ chốt của Đảng và Nhà nước, người chiến sĩ xuất sắc của phong trào công nhân quốc tế. Ông Quân nhấn mạnh: Chủ tịch Tôn Đức Thắng đã để lại cho Đảng, Nhà nước và nhân dân nhiều bài học sâu sắc, một tấm gương trong sáng về chuẩn mực sống của một chiến sĩ cộng sản cả đời vì Tổ quốc, vì nhân dân. Chủ tịch Tôn Đức Thắng là hình ảnh của lòng trung thành vô hạn với Tổ quốc, của một ý chí chiến đấu kiên cường, của khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Phát biểu của ông Quân còn khắc ghi tác phong khiêm tốn, giản dị của người lãnh đạo, hình ảnh một vị Chủ tịch nước cao tuổi về thăm quê với bộ quần áo bạc màu, với yêu cầu hết sức hạn chế xe đưa người đón vì “sợ hao phí tiền của và công sức của Nhà nước và nhân dân”...

Cùng ngày, tại Cung văn hóa Lao động TP.HCM đã khai mạc triển lãm gồm 92 ảnh về “Cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Tôn Đức Thắng (1888-1980)”. Tại Nhà văn hóa Thanh niên cũng đã khai mạc triển lãm với chủ đề “Bác Hồ - Bác Tôn, tình bạn và tấm gương mẫu mực”.

* Cũng trong ngày 19-8 tại Bảo tàng Tôn Đức Thắng đã diễn ra hội thảo “Di tích lưu niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng tại TP.HCM - dấu ấn trong phong trào công nhân Sài Gòn - Chợ Lớn những năm 1920”.

Các tham luận khoa học tập trung phân tích vai trò của người công nhân Tôn Đức Thắng trong bối cảnh cộng đồng thợ thuyền Sài Gòn - Chợ Lớn những năm 1920 và những đóng góp của ông trong việc tiếp nhận và phổ biến chủ nghĩa Marx - Lenin, cũng như tổ chức Công hội bí mật và giác ngộ anh em thợ thuyền để họ đứng lên làm cách mạng. Một mảng đề tài quan trọng khác được đặt ra là cách ứng xử bảo tồn đối với các di tích của Bác Tôn trên địa bàn thành phố, trong đó có khu di tích Ba Son gắn với quy hoạch đô thị mới và chủ trương giữ lại xưởng cơ khí cùng với ụ tàu nơi đây để bảo tồn chứng tích về xưởng cơ khí tàu biển sớm nhất ở VN.

Hôm nay 20-8, Bảo tàng Tôn Đức Thắng kỷ niệm 20 năm ngày thành lập. Dịp này, bảo tàng tiếp nhận năm đầu hiện vật tương đương 138 tư liệu từ Bảo tàng Hồ Chí Minh trao tặng, đồng thời ra mắt, phát hành tập sách ảnh Hiện vật về Chủ tịch Tôn Đức Thắng.

Q.THANH - M.HƯƠNG - L.ĐIỀN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên