27/04/2013 10:19 GMT+7

Hội thảo quốc tế về chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa

Bài, ảnh: VIỆT HÙNG
Bài, ảnh: VIỆT HÙNG

TTO - Sáng nay 27-4, tại TP Quảng Ngãi diễn ra hội thảo quốc tế chủ đề “Chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa - những khía cạnh lịch sử và pháp lý” do Trường đại học Phạm Văn Đồng tổ chức.

Hội thảo có sự tham dự của hơn 50 đại biểu là các học giả quốc tế, Việt kiều, các chuyên gia nghiên cứu đầu ngành thuộc các trường đại học, viện nghiên cứu đến từ Mỹ, Nga, Canada, Thụy Điển, Úc, Ấn Độ, Hàn Quốc, Philippines, Việt Nam và đại diện một số bộ, ban, ngành và địa phương trong nước.

Phát biểu đề dẫn khai mạc, PGS.TS Phạm Đăng Phước - hiệu trưởng Trường ĐH Phạm Văn Đồng - khẳng định: “Việt Nam có hơn 3.000 hòn đảo lớn nhỏ, trong đó có hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Ít nhất là từ thế kỷ 17, Việt Nam đã xác lập, thực hiện chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa một cách hòa bình, liên tục, từ khi hai quần đảo này còn là vùng đất vô chủ”.

Ông nói tiếp, hiện nay quần đảo Hoàng Sa đã bị Trung Quốc đánh chiếm bằng vũ lực vào các năm 1956 và 1974; một số bãi ngầm ở quần đảo Trường Sa cũng bị Trung Quốc đánh chiếm bằng vũ lực vào năm 1988. “Bất cứ hành động chiếm đóng bằng vũ lực ở quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa đều vi phạm nghiêm trọng Hiến chương Liên Hiệp Quốc và các chuẩn mực của luật pháp quốc tế”, ông Phước nhấn mạnh.

Q7ZodNx2.jpgPhóng to

Các đại biểu tham dự hội nghị

1M9CvtIX.jpgPhóng to

Các đại biểu trong và ngoài nước trao đổi ở hội nghị

l3BouLil.jpgPhóng to

Giáo sư Carlyle A. Thayer - Học viện Quốc phòng Úc - trao đổi với báo chí

TS Phạm Đăng Phước cho rằng trong bối cảnh tình hình biển Đông diễn biến phức tạp, việc Trung Quốc thành lập cái gọi là “thành phố Tam Sa” xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, nhà trường tổ chức hội thảo với mục đích làm rõ những cơ sở pháp lý lịch sử về chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, đồng thời trao đổi về phương hướng, giải pháp cho các tranh chấp để biển Đông trở thành vùng biển hòa bình, ổn định và hợp tác.

Hội thảo diễn ra hai phiên thảo luận, các nhà nghiên cứu và học giả tập trung thảo luận các vấn đề như: quy định của luật pháp quốc tế về vấn đề chủ quyền lịch sử; các phương thức thụ đắc lãnh thổ; các bằng chứng lịch sử, pháp lý khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa; phương thức giải quyết hòa bình những bất đồng, tranh chấp về chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa và các vấn đề liên quan biển Đông hiện nay...

Ngày 28-4, các học giả sẽ đi thăm các di tích gắn liền với hoạt động của đội hùng binh Hoàng Sa và tham gia lễ khao lề thế lính Hoàng Sa ở đảo Lý Sơn.

Bài, ảnh: VIỆT HÙNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên