18/02/2013 08:29 GMT+7

TP.HCM khó nhọc "giải cứu" bệnh viện quá tải

LÊ THANH HÀ - DƯƠNG NGỌC HÀ
LÊ THANH HÀ - DƯƠNG NGỌC HÀ

TT - Hiểu rõ nỗi khổ quá tải ở các bệnh viện, nhiều năm qua, lãnh đạo TP.HCM tìm mọi cách xoay xở để “giải cứu” nhưng xem ra mọi chuyện không đơn giản.

E6oqTJ8g.jpgPhóng to
Người dân xếp hàng chờ tới lượt nộp sổ khám bệnh giữa trưa nắng tại Bệnh viện Nhi Đồng 1, TP.HCM - Ảnh: Thuận Thắng
5cpMn5Zg.jpgPhóng to
Nhà bà Đào Thị Thu Hà ở ấp 1, xã Tân Kiên, huyện Bình Chánh, TP.HCM nằm trong khu quy hoạch xây dựng Bệnh viện Nhi Đồng TP. Căn nhà gia đình bà đã xuống cấp nhưng không thể sửa chữa và chưa biết đi về đâu do dự án không bố trí nơi tạm cư (ảnh chụp trưa 17-1)- Ảnh: Quang Định

Theo đề án “Giảm tình trạng quá tải các bệnh viện chuyên khoa, đa khoa trọng điểm trên địa bàn TP.HCM giai đoạn 2012-2015 và giai đoạn 2016-2020” của UBND TP.HCM, ngoài các giải pháp về chuyên môn, TP còn đẩy mạnh việc đầu tư cơ sở vật chất và trang thiết bị y tế cho nhiều bệnh viện. Dự kiến giai đoạn 2012-2015, diện tích sàn sử dụng của các bệnh viện khu trung tâm tăng thêm 150.000m2, tương đương với 2.000 giường bệnh. Đặc biệt TP đã có kế hoạch và ráo riết triển khai tám dự án trọng điểm y tế (trong đó có sáu bệnh viện), theo kế hoạch, đến năm 2015 tăng thêm được 4.300 giường bệnh. Theo UBND TP, tổng nhu cầu vốn để thực hiện đề án giai đoạn 2012-2015 là 15.714 tỉ đồng. Trong đó khoảng 7.400 tỉ đồng từ nguồn ngân sách nhà nước, 3.320 tỉ từ nguồn vốn kích cầu và 5.000 tỉ đồng từ vốn trái phiếu Chính phủ.

Chậm tiến độ

Bệnh nhân nhiều gấp ba lần số giường

Bệnh viện quá tải nhất TP.HCM là Bệnh viện Ung bướu TP. Tổng diện tích hiện nay của bệnh viện này chưa đến 15.000m2 cho cả hai khu điều trị và khu xạ trị gia tốc. Tuy là bệnh viện hạng 1 thuộc Sở Y tế TP.HCM nhưng về mặt chuyên môn, Bộ Y tế giao bệnh viện phải gánh trọng trách chỉ đạo tuyến chuyên ngành ung bướu cho tất cả các bệnh viện từ Đà Nẵng trở vào. Số giường bệnh thực kê tại Bệnh viện Ung bướu chỉ có 631 giường nhưng chỉ tiêu giường kế hoạch giao cho bệnh viện hơn gấp đôi (1.300 giường), còn số lượt bệnh nhân nội trú thật sự điều trị trung bình một ngày lên tới 1.800, gấp gần ba lần số giường thực có nên bệnh nhân phải nằm chung ba người một giường. Trung bình một ngày số lượt bệnh nhân ngoại trú khám tại bệnh viện lên tới 9.510. Theo Bệnh viện Ung bướu TP, số bệnh nhân từ các tỉnh đến khám và nhập viện trong năm 2012 chiếm hơn 2/3 tổng số bệnh nhân đến bệnh viện. Với diện tích sử dụng, số giường điều trị nội trú không đổi, chưa kể đến sự xuống cấp của cơ sở hạ tầng, trong khi số lượt bệnh nhân đến khám và điều trị nội trú tăng 2-3 lần trong vòng mười năm qua đã làm bệnh viện quá tải ngày càng trầm trọng.

LÊ THANH HÀ

Theo đề án giảm tải của UBND TP.HCM, năm 2012 dự kiến khởi công ba dự án là Bệnh viện Đa khoa khu vực (ĐKKV) Củ Chi, Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình TP và Bệnh viện ĐKKV Hóc Môn. Năm 2013 khởi công Bệnh viện Nhi Đồng TP, Bệnh viện ĐKKV Thủ Đức, Bệnh viện Ung bướu TP cơ sở 2... Tuy nhiên, dù chính quyền địa phương, ban bồi thường giải phóng mặt bằng của các quận huyện triển khai các dự án trọng điểm y tế cũng như các sở, ngành liên quan phải toát mồ hôi, khổ sở chạy tới chạy lui, họp lên họp xuống nhưng các dự án trọng điểm y tế của TP vẫn đang tiến triển như... rùa bò.

Cụ thể, dự án xây dựng mới Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình TP theo mô hình BT (xây dựng - chuyển giao) do Tổng công ty cổ phần Đền bù giải tỏa làm chủ đầu tư khởi động từ năm 2009 nhưng đến nay vẫn còn bị “ách”. Báo cáo của Sở Y tế TP với Ban văn hóa - xã hội HĐND TP tại buổi làm việc ở sở hồi tháng 9-2012 cho biết sẽ hoàn tất công tác bồi thường vào cuối tháng 12-2012, có thể khởi công san lấp trong tháng 1-2013 nhưng đã đến giữa tháng 2 mà vẫn im hơi lặng tiếng.

Trong khi đó, dự án Bệnh viện Nhi Đồng TP cũng “rục rịch” nhiều lần mà vẫn chưa khởi công được. Cách đây gần ba năm, dù mặt mũi bệnh viện chưa thấy đâu nhưng bộ máy lãnh đạo Bệnh viện Nhi Đồng TP đã có quyết định bổ nhiệm. Khi đó, ông Nguyễn Ngọc Duy - trưởng phòng kế hoạch tổng hợp Sở Y tế TP - được bổ nhiệm làm giám đốc, ông Nguyễn Thanh Hùng - phó giám đốc Bệnh viện Nhi Đồng 1 - được bổ nhiệm làm phó giám đốc. Thế nhưng, báo cáo hồi đầu tháng 12-2012 của Sở Y tế TP cho biết phải cuối quý 1-2013 mới có thể tiến hành bàn giao mặt bằng trống cho ban quản lý đầu tư xây dựng các công trình. Tương tự, cách đây hơn sáu năm, TP có phương án xây mới khu khám bệnh, chẩn đoán và điều trị kỹ thuật cao ở số 47 Nguyễn Huy Lượng (quận Bình Thạnh) và Bệnh viện Ung bướu cơ sở 2 ở quận 9, nhưng việc triển khai hai dự án này đến nay vẫn còn trên giấy.

Tiến độ thực hiện dự án đối với ba bệnh viện ĐKKV Củ Chi, Hóc Môn, Thủ Đức ở các cửa ngõ trọng yếu cũng chưa đâu vào đâu. Dự án Bệnh viện ĐKKV Củ Chi đến đầu tháng 12-2012 vẫn còn đang chờ thẩm định để phê duyệt đơn giá bồi thường giải phóng mặt bằng. Dự án Bệnh viện ĐKKV Hóc Môn có tiến triển tốt hơn nhưng dân vẫn chưa đồng thuận với đơn giá tính bồi thường, hỗ trợ. Dự án Bệnh viện ĐKKV Thủ Đức thì chưa được phê duyệt thiết kế cơ sở...

Theo Sở Y tế TP, hiện nay dự án Bệnh viện Nhi Đồng TP còn vướng ở công tác bàn giao mặt bằng chậm, việc bốc mộ chưa được người dân đồng tình do chi phí bốc mộ và hỗ trợ cải táng thấp hơn chi phí thực tế. Dự án Bệnh viện Ung bướu cơ sở 2 cũng vướng việc thu hồi mặt bằng, vì các đơn vị thuê đất khiếu nại, yêu cầu được bồi thường, hỗ trợ và chậm giao mặt bằng.

Khó thu hồi mặt bằng

Nhiêu khê nhất là quá trình thu hồi khu đất để xây dựng Bệnh viện Ung bướu 2 tại phường Tân Phú (quận 9). Phần lớn diện tích đất của dự án này do Trường trung học Kỹ thuật nông nghiệp và Công ty Lâm nghiệp Sài Gòn đang sử dụng theo chế độ giao đất không thu tiền sử dụng đất và thuê đất của Nhà nước. Từ hơn mười năm nay, cả hai đơn vị này không có nhu cầu sử dụng đất nhưng không trả lại Nhà nước mà cho các công ty khác thuê lại đất bất hợp pháp để kinh doanh. Hiện nay khu đất hơn 45.000m2 của hai đơn vị có năm công ty đang thuê lại bất hợp pháp và nhiều năm nay không trả tiền thuê đất cho Nhà nước.

Tháng 7-2010, UBND TP đã có quyết định thu hồi toàn bộ diện tích đất trên, giao cho Trung tâm Phát triển quỹ đất của TP quản lý. Các doanh nghiệp đang sử dụng đất khiếu nại yêu cầu Nhà nước phải bố trí địa điểm khác để thuê đất tiếp tục sản xuất và hỗ trợ di dời tài sản trên đất. Tuy khiếu nại vậy nhưng khi các cơ quan chức năng giới thiệu thuê đất tại các khu công nghiệp thì các doanh nghiệp không đồng ý. Họ nại lý do giá thuê đất trong các khu công nghiệp cao, doanh nghiệp không đủ tiền thuê.

Ban bồi thường giải phóng mặt bằng quận 9 cho biết sau khi UBND TP có quyết định giải quyết khiếu nại mà các doanh nghiệp không di dời nhà xưởng sẽ tiến hành cưỡng chế để giao mặt bằng cho chủ đầu tư khởi công dự án vào ngày 30-4 tới.

Theo Ban bồi thường giải phóng mặt bằng huyện Bình Chánh, dự án xây dựng Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình ở xã Bình Hưng có diện tích 52.000m2, ảnh hưởng đến 57 hộ dân (25 hộ bị giải tỏa trắng). Dự án trên nằm trong diện tích đất có quyết định phê duyệt quy hoạch chung của Thủ tướng Chính phủ vào năm 1994.

Theo quy định thì chỉ có ba hộ dân trong dự án có nhà ở trước năm 1994 đủ điều kiện để bồi thường đất ở và được bố trí tái định cư, 22 hộ dân còn lại chỉ được bồi thường đất nông nghiệp với giá từ 200.000-250.000 đồng/m2 và không được tái định cư. Trong 22 hộ dân không được tái định cư, hộ nhận được tiền bồi thường cao nhất là 354 triệu đồng, thấp nhất là 5,8 triệu đồng. Với số tiền ít ỏi như vậy, các hộ dân sẽ không đủ điều kiện để tự lo chỗ ở mới.

Trước thực tế này, UBND huyện Bình Chánh kiến nghị cho phép xác định hiện trạng đất ở căn cứ vào thời điểm UBND TP có quyết định thu hồi đất (ngày 30-6-2004). Hiện UBND TP chưa có chỉ đạo thống nhất về thời điểm xác định pháp lý đất nên UBND huyện Bình Chánh chưa thể phê duyệt phương án bồi thường giải phóng mặt bằng cho dự án này.

Ngoài ra, trên diện tích xây dựng Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình còn có đất của ba doanh nghiệp. Trước đó, ba doanh nghiệp này được UBND TP chấp thuận chủ trương đầu tư nên đã thỏa thuận sang nhượng đất của dân với giá từ 750.000 đồng đến 7,5 triệu đồng/m2. Nếu nay bồi thường đất cho các doanh nghiệp với giá quy định (từ 200.000-250.000 đồng/m2) thì chỉ có nước “kêu trời”.

Bao giờ khởi công?

Báo cáo tiến độ thực hiện các dự án trọng điểm của Sở Y tế TP.HCM hồi tháng 12-2012 cho biết kế hoạch dự kiến phải đến tháng 12-2013 mới có thể triển khai thi công xây dựng Bệnh viện Ung bướu TP cơ sở 2. Các dự án xây dựng ba bệnh viện ĐKKV Thủ Đức, Củ Chi và Hóc Môn dự kiến nhanh nhất cũng phải đến tháng 10-2013 mới có thể khởi công.

Trong khi đó, dự án xây mới Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình TP thì chưa biết khi nào khởi công được vì dự kiến tháng 1-2013 mới hoàn tất việc lập và trình phê duyệt dự án đầu tư và trình Bộ Xây dựng góp ý thiết kế cơ sở, đến giữa tháng 2-1013 mới có thể xin phê duyệt dự án đầu tư. Với dự án xây dựng mới Bệnh viện Nhi Đồng TP cũng chưa biết đến bao giờ có thể thi công công trình được vì đến đầu tháng 12-2012 còn đang trình xin ý kiến UBND TP về chi phí thẩm định, lập dự án và thiết kế cơ sở, trước khi thực hiện các bước kế tiếp theo quy định.

Như vậy, dù TP đã có nhiều nỗ lực để “giải cứu” các bệnh viện quá tải nhưng với thực tế cho thấy người bệnh còn phải chờ đợi rất lâu mới có thể thoát khỏi nỗi khổ chầu chực mỏi mòn khi đi khám bệnh và phải nằm “chung chạ” khi nhập viện trong môi trường ngột ngạt, nhếch nhác hiện nay của nhiều bệnh viện.

Dân thiệt vì áp dụng quy định mới

Khuôn viên của dự án Bệnh viện Đa khoa khu vực Hóc Môn có chín hộ gia đình bị ảnh hưởng với diện tích gần 19.000m2 đất (ba hộ bị giải tỏa trắng, sáu hộ ảnh hưởng một phần). Tháng 6-2009, UBND TP duyệt dự án bồi thường tổng thể cho dự án này theo quyết định 17 năm 2008 của UBND TP (về bồi thường, hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi đất) với tổng giá trị khoảng 40 tỉ đồng. Ngay sau đó, UBND huyện Hóc Môn xây dựng phương án bồi thường, giải phóng mặt bằng và đưa dự thảo ra lấy ý kiến của người dân bị ảnh hưởng trong dự án.

Nhưng phương án chưa được phê duyệt chính thức thì nghị định 69 năm 2009 về bồi thường giải phóng mặt bằng có hiệu lực. Năm 2010, UBND TP ban hành quyết định 35 thay thế quyết định 17, UBND huyện Hóc Môn xây dựng phương án bồi thường mới có tổng giá trị bồi thường hỗ trợ về đất khoảng 14 tỉ đồng (giảm 2/3 so với phương án cũ). Người dân không đồng tình di dời do giá bồi thường giải phóng mặt bằng theo phương án mới quá thấp so với phương án trước đây.

Từ năm 2010 đến nay, UBND huyện Hóc Môn xin UBND TP được áp dụng cơ chế đặc thù để xây dựng phương án bồi thường, giải phóng mặt bằng cho dự án. Theo đó, ngoài giá bồi thường xây dựng theo quyết định 35, Nhà nước sẽ hỗ trợ thêm cho các hộ dân để mức giá bồi thường, hỗ trợ và diện tích đất được hỗ trợ bằng với mức giá đã dự kiến trước đây theo quyết định 17. Sở Tài chính đã thẩm định phương án đề xuất của UBND huyện Hóc Môn và cho rằng chưa có cơ sở pháp lý nên yêu cầu UBND huyện căn cứ tình hình của địa phương để có đề xuất phù hợp hơn.

DƯƠNG NGỌC HÀ

LÊ THANH HÀ - DƯƠNG NGỌC HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên