05/02/2013 06:24 GMT+7

"Hô biến lô cốt": chỉ tốn thêm tiền

THIÊN DI
THIÊN DI

TT - Trong không khí xuân đã về, hầu hết “lô cốt” đã lại được “hô biến” để trả lại cho đường phố thông thoáng.

Tiếp sau đợt “hô biến” thoáng qua hồi tết dương lịch, đợt “hô biến” này có phần dài hơn các năm trước do được khởi sự ngay từ rằm tháng chạp chứ không đợi đến tuần chót giáp tết, và kéo dài cho đến tận mồng 8 tết. Nếu tính gộp hai đợt này, vị chi các “lô cốt” cũng được “nghỉ phép” tròm trèm bốn tuần trong thời gian hai tháng. Đó là chưa kể sau tết, chỉ chừng hơn hai tháng là lại có dịp các “lô cốt” tiếp tục được “hô biến” dịp lễ 30-4.

qZf5aGzn.jpgPhóng to
“Lô cốt” tại giao lộ Hai Bà Trưng - Trần Quốc Toản (Q.3, TP.HCM) ngày 22-11-2012 - Ảnh: MẬU TRƯỜNG

Thế nhưng, nếu nhìn vào sự “hô biến” các “lô cốt” hào phóng hơn mọi năm, người dân đóng thuế không thể không suy nghĩ: có thật sự bức thiết phải đào đường thật sớm rồi bỏ đó hay không, nhất là khi đào lên ít lâu lại lấp xuống, lấp xuống ít lâu lại đào lên?

Nếu nhìn vào kế hoạch đào đường, không thể không đặt câu hỏi về khả năng tính toán của những người có trách nhiệm trong cuộc. Đơn cử một ví dụ nhỏ, báo chí đưa tin: “Đến hết Tết Nguyên đán 2013, Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước TP.HCM sẽ thực hiện 11 dự án cải tạo và xây dựng hệ thống thoát nước... để lắp đặt 4km cống... Một số dự án kéo dài đến tận giữa năm 2013 như dự án xây dựng hệ thống thoát nước đường Hậu Giang, Tháp Mười, Phạm Đình Hổ (quận 6)”. Tin này được đăng vào đầu tháng 11-2012, tức có thể nghĩ rằng mấy cây số có “lô cốt” đó đã “chào đời từ cuối năm ngoái, và được “hô biến” để ăn tết dương lịch rồi ăn tết ta, và một số sẽ còn được “nghỉ phép 30-4” sắp đến. Một câu hỏi: Liệu có thể không đào, dựng “lô cốt” rồi lấp lại, và tái đào, tái lấp... mà đợi ăn tết ta xong hãy khởi công để vừa khỏi cản trở giao thông vừa bớt tốn kém?

Vấn đề ở chỗ 4km đường có “lô cốt” này khi đào tới đào lui, lắp tới lắp lui bên cạnh việc phải kéo dài thời gian thi công gây tốn kém, còn phải cộng thêm chi phí khi tái lập mặt đường nhiều lần. Những câu hỏi không thể không đặt ra: Các chi phí này đã được tính thành tiền là bao nhiêu, chiếm bao nhiêu trong tổng kinh phí chương trình cải tạo và xây dựng hệ thống thoát nước? Và kinh phí đó có đến từ ngân sách, từ vốn ODA vay của Ngân hàng Thế giới cho chương trình chống ngập nước hay không?

Mười mấy năm qua, ở TP.HCM đã hình thành thói quen “hào phóng” đào đường lên rồi lấp lại, tới lui riết rồi biến thành cố tật mà quên rằng kinh phí đào, lấp, tái đào, tái lấp mấy trăm kilômet “lô cốt” đó chính là tiền vay nợ và cũng chính là tiền thuế của người dân. Bao giờ mới có thể thôi nghe câu nói thường nhật của người dân thành phố năm này sang năm khác: “Lô cốt” ơi, ta xin chào mi?

THIÊN DI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên