27/01/2013 20:32 GMT+7

Thi nâng ngạch cạnh tranh: Đoạn tuyệt cơ chế "xin - cho"?

QUỐC THANH
QUỐC THANH

TTO - Sau hai ngày diễn ra, kỳ thi nâng ngạch từ chuyên viên lên chuyên viên chính dành cho cán bộ, công chức 10 tỉnh, thành phía Nam theo nguyên tắc cạnh tranh (Bộ Nội vụ tổ chức tại TP.HCM) đã kết thúc ngày 27-1. Những thay đổi căn bản nào từ kỳ thi này?

IZcomTJ0.jpg
Các thí sinh tham gia kỳ thi nâng ngạch từ chuyên viên lên chuyên viên chính do Bộ Nội vụ tổ chức tại Học viện Hành chính quốc gia ở TP.HCM - Ảnh: Minh Đức

Trao đổi với Tuổi Trẻ, Thứ trưởng Bộ Nội vụ TRẦN ANH TUẤN - chủ tịch Hội đồng thi nâng ngạch - nhấn mạnh:

- Các kỳ thi nâng ngạch từ nay trở đi phải đảm bảo nguyên tắc cạnh tranh, nghĩa là số người đăng ký dự thi phải bảo đảm nhiều hơn số chỉ tiêu nâng ngạch. Khi tổ chức thi theo nguyên tắc này, số lượng người đăng ký dự thi không hạn chế miễn là đủ điều kiện, tiêu chuẩn, điểm này cũng giống thi tuyển vào các trường đại học, cao đẳng hiện nay. Những ai đạt được kết quả cao nhất sẽ là những người trúng tuyển, được bổ nhiệm vào ngạch cao hơn cho đến khi hết chỉ tiêu. Còn những ai trượt đành phải tìm cơ hội ở các kỳ thi tiếp theo.

Trong trường hợp số người đủ tiêu chuẩn dự thi bằng chỉ tiêu nâng ngạch, nghĩa là không có yếu tố cạnh tranh, Bộ Nội vụ sẽ điều chỉnh chỉ tiêu xuống mức phù hợp để đảm bảo có yếu tố cạnh tranh. Sau này, khi triển khai xác định được danh mục vị trí việc làm và cơ cấu công chức theo ngạch của từng địa phương chỉ tiêu nâng ngạch sẽ được xác định rõ ràng và chính xác hơn.

* Với nguyên tắc cạnh tranh, có thể cam kết không còn “xin - cho”, thưa ông?

- Như tôi đã nói trên, cán bộ, công chức có đủ điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định đều được đăng ký dự thi, không phải “xin - cho” như trước đây, các cơ quan quản lý cán bộ, công chức xem xét và cử ai đi thì người đó mới được dự thi. Đồng thời từ nay trở đi, mọi cán bộ, công chức thiếu tiêu chuẩn, điều kiện đều không được dự thi. Bộ Nội vụ cương quyết không giải quyết trường hợp nào thiếu điều kiện, tiêu chuẩn và cho nợ như trước đây nữa.

Trước đây có quy định phải đạt hệ số lương 3,66 thì mới đủ điều kiện đăng ký dự thi nâng ngạch lên chuyên viên chính và tương đương. Tương tự, từ chuyên viên chính thi lên ngạch chuyên viên cao cấp và tương đương phải đạt hệ số lương là 5,42. Nay việc thi nâng ngạch không phải phụ thuộc căn cứ vào hệ số lương nữa. Điểm mới này sẽ không hạn chế lớp cán bộ, công chức trẻ, tạo điều kiện thu hút những người trẻ tuổi có trình độ, năng lực và tài năng… có được cơ hội sớm thăng tiến, phát triển chuyên môn nghiệp vụ, khẳng định mình trong nền công vụ.

Quy định về hệ số lương trước đây đã hạn chế trong việc thu hút những người trẻ tuổi, có năng lực ứng tuyển vào các vị trí cao hơn trong hoạt động công vụ.

Ngoài ra, đề thi được ra theo hướng “mở” một cách triệt để nhằm đánh giá thực chất năng lực thực thi công vụ của cán bộ, công chức có tương ứng và phù hợp với tiêu chuẩn của ngạch công chức dự thi không...

Năm 2012, Bộ Nội vụ đã chuẩn bị kỹ lưỡng để tổ chức thi nâng ngạch theo nguyên tắc cạnh tranh trong hệ thống các cơ quan nhà nước từ trung ương đến địa phương. Đây là kỳ thi nâng ngạch đầu tiên của Nhà nước tổ chức theo nguyên tắc cạnh tranh (năm 2011, Ban Tổ chức trung ương thực hiện thi nâng ngạch theo nguyên tắc này trong khối Đảng, đoàn thể). Đợt thi này có 579 cán bộ, công chức đăng ký dự thi trong khi chỉ tiêu nâng ngạch là 357 người.

* Lần này chỉ có 579 người đủ điều kiện và đăng ký dự thi, liệu có quá ít so với số cán bộ, công chức của 10 tỉnh, thành không? Ông có thể nói thêm điều gì về ý kiến cho rằng có khoảng 30% cán bộ, công chức không đáp ứng yêu cầu công việc?

- Tôi tin những người đủ điều kiện, tiêu chuẩn đều đã đăng ký dự thi hết khi các cơ quan quản lý đã không hạn chế số lượng người đăng ký. Còn chất lượng của đội ngũ cán bộ, công chức so với yêu cầu, tất nhiên hiện nay còn nhiều bất cập, chúng ta phải có nhiều biện pháp và tập trung vào vấn đề này hơn nữa.

Thi nâng ngạch theo nguyên tắc cạnh tranh là một trong các giải pháp góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức. Cách thi này cũng kỳ vọng lựa chọn được các nhân tố tích cực, đáp ứng được cơ bản yêu cầu công việc và từng bước nâng cao chất lượng cán bộ, công chức, cải cách chế độ công vụ.

Còn dư luận cho rằng có đến vài chục phần trăm cán bộ, công chức không đáp ứng yêu cầu công việc thì hiện chúng tôi chưa có căn cứ và số liệu điều tra để khẳng định có bao nhiêu cán bộ, công chức rơi vào diện này. Theo tôi, sẽ phải tổ chức ngay một chương trình điều tra, khảo sát trong các cơ quan nhà nước để có một đánh giá chính xác, cụ thể, chính thống. Điều quan trọng, dù số liệu là bao nhiêu phần trăm đi nữa thì cái chính là phải đề ra được các giải pháp xử lý, khắc phục tình trạng này.

* Dư luận đang rất quan tâm, bức xúc vấn đề “chạy” và các biểu hiện tiêu cực trong các cuộc thi, theo ông, cơ chế nào thật sự hiệu quả để có thể giám sát vấn đề này?

- Dư luận cho rằng có việc “chạy” trong các kỳ thi liên quan đến công chức thì phải lắng nghe, kiểm tra và xác định rõ để có giải pháp khắc phục, hạn chế. Trước hết, bản thân những người làm công tác tổ chức các kỳ thi như thế này phải tự đề cao trách nhiệm, nghiêm túc, đảm bảo đúng quy định, nội quy. Đồng thời, cần phải tiếp tục nghiên cứu để có biện pháp khi tổ chức thi thì các yếu tố tiêu cực, nhờ vả, quan hệ không thể chi phối.

Vừa qua, Bộ Nội vụ đã tổ chức thi tuyển công chức qua hệ thống phần mềm máy tính trực tuyến đã được nhiều người, kể cả các em thí sinh ủng hộ vì nó bảo đảm tính công bằng, khách quan và minh bạch. Tôi tin việc ứng dụng công nghệ thông tin vào thi tuyển như thế này sẽ không ai can thiệp được. Phần mềm máy tính quản lý thời gian, đề thi, đáp án, kết quả thi… chứ không có người chấm thi. Đấy là cách thi công bằng, khách quan, thế giới đã làm từ lâu, nay Việt Nam mới bắt đầu thực hiện.

FvI4Ovy9.jpg
Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn - Ảnh: Minh Đức

* Qua nhiều kỳ thi, có bao giờ ông nhận được những lời gửi gắm? Ông có thể nói thẳng thắn về vấn đề này?

- Tại sao lại không. Tôi nghĩ rằng bước vào mỗi kỳ thi, không chỉ mọi cán bộ, công chức dự thi là đi thi, mà các thành viên trong hội đồng thi cũng đi thi. Một đằng thì vượt qua các môn thi để đạt kết quả cao nhất có thể. Một đằng thì phải vượt qua các thách thức của đời thường, vượt qua những vi phạm rất có thể xảy ra do nể nang, dễ dãi, hoặc phải xử lý các mối quan hệ nhờ vả.

Việc bạn bè, anh em, đồng đội khi đi thi, lo lắng phải nhờ vả, gửi gắm là chuyện bình thường và có trên thực tế. Tuy nhiên, vấn đề là thái độ, nhận thức và hành động của các thành viên hội đồng thi, ban coi thi, ban chấm thi phải luôn đề cao trách nhiệm, tuân thủ các quy định của kỳ thi, chấp hành kỷ luật, nội quy kỳ thi, nghiêm túc, trung thực, đúng mực, không được làm điều gì sai quy định.

Như thế sẽ tránh được các tiêu cực, sai phạm xảy ra trong thi cử. Vừa qua, khi Bộ Nội vụ ứng dụng công nghệ thông tin để phục vụ thi tuyển công chức thì tôi thấy không ai gửi gắm nữa, nhờ nữa. Có thể đấy cũng là một giải pháp để nâng cao chất lượng kỳ thi và bảo đảm tính công khai, minh bạch.

QUỐC THANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên