05/12/2012 07:49 GMT+7

Làm gì để dẹp cướp?

NHÓM PV-CTV Chính trị xã hội
NHÓM PV-CTV Chính trị xã hội

TT - Đây là một câu hỏi không khó, nhưng để triển khai thực hiện thì không đơn giản chút nào.

Đừng thờ ơ khi gặp cướpKhởi tố băng cướp chặt tay nạn nhânBị cướp ở mọi nơiTuyên chiến với cướp giậtCướp giật táo tợn trên đường phố Sài GònTáo tợn chặt tay người đi đường cướp tài sảnTôi là nạn nhân của cướp giật

GymkirVb.jpgPhóng to
Một tên cướp bị cảnh sát hình sự bắt trên đường Lê Quang Định (Q.Gò Vấp, TP.HCM) - Ảnh: CHÍNH THÀNH

Đánh giá lại mô hình cai nghiện tại cộng đồng

Đó là ý kiến của Phó chủ tịch UBND TP.HCM Lê Minh Trí. Ông Trí cho rằng gần đây các vụ mua bán ma túy tổng hợp tăng nhanh, chứng tỏ nhu cầu tiêu thụ loại ma túy tổng hợp hiện nay là rất lớn. Thực tế cho thấy trên 50% các loại tội phạm có liên quan đến ma túy, nhất là tội phạm cướp và cướp giật có sử dụng ma túy thường có tính chất liều lĩnh, táo tợn, dã man. Mục tiêu sắp tới là phải có kế hoạch tập trung đấu tranh quyết liệt với loại tội phạm này, đồng thời phải tiếp tục làm tốt công tác cai nghiện và dạy nghề ở các trường, trung tâm của TP.

Về việc cai nghiện, ông Trí cho biết: “Hiện TP đang triển khai thực hiện chủ trương của trên về cai nghiện tại cộng đồng nhưng biện pháp này có thể phù hợp với các địa phương khác, còn đối với TP.HCM - một đô thị lớn có nhiều người nhập cư thì chưa khẳng định được tính hiệu quả, thậm chí có người còn lo lắng tính khả thi của biện pháp này. TP sẽ thực hiện, có sơ kết, tổng kết mô hình này để đánh giá và kiến nghị nếu thấy cần thiết”.

Đồng tình với ý kiến này, ông Nguyễn Thành Tài - chuyên viên cao cấp UBND TP.HCM, nguyên phó chủ tịch thường trực UBND TP - cũng nói cần đánh giá lại xác thực việc cai nghiện tại cộng đồng. Ông Tài cho rằng khi thực hiện thí điểm nghị quyết của Quốc hội về cai nghiện tập trung thì tình hình an ninh trật tự TP có xu hướng chuyển biến tích cực, còn hiện nay rất phức tạp, khiến người dân bất an.

Phải có biện pháp quản lý chặt địa bàn cơ sở

Trung tá Vũ Như Hà - phó chánh văn phòng Công an TP.HCM - phân tích cho thấy hiện tượng đáng chú ý hiện nay là các đối tượng tội phạm thường sử dụng ma túy khi gây án, nhất là ma túy tổng hợp. Công an TP đã chỉ đạo các lực lượng nghiệp vụ đánh mạnh vào loại tội phạm mua bán, tàng trữ, tổ chức sử dụng ma túy, đặc biệt là ma túy tổng hợp. Ở đây vấn đề đặt ra là công tác quản lý địa bàn, không chỉ quản lý tại nơi cư trú mà cần phối hợp quản lý, xác minh cả ở những nơi thường trú của các đối tượng được coi là có khả năng gây án.

Đánh giá về công tác quản lý địa bàn, trung tá Lê Đức Thuận - trưởng Công an P.Bến Nghé (Q.1) - cho biết đơn vị thường xuyên quan tâm công tác tuyên truyền tới tận hộ gia đình, cơ quan, doanh nghiệp để đề cao tinh thần cảnh giác của người dân và kêu gọi mọi người tham gia phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc. “Từ quận xuống phường, công tác phòng ngừa, tuần tra công khai, hóa trang mật phục... nói chung là đầy đủ, bài bản. Nhưng số vụ phạm pháp hình sự tại phường vẫn tăng. Cả năm 2012 chỉ có một vụ phạm pháp hình sự là người ở phường phạm tội dâm ô trẻ em, hơn 50 vụ còn lại cả người bị hại lẫn đối tượng đều là khách vãng lai. Công tác phòng ngừa phải làm đồng bộ ở các địa phương chứ không thì chúng tôi chỉ chạy theo giải quyết cái ngọn, không thể giải quyết căn cơ được”.

Trung tá Nguyễn Trung Thành - phó trưởng Công an P.25, Q.Bình Thạnh - nói để đảm bảo an ninh trật tự, công an phường luôn quan tâm xác định phương thức thủ đoạn, đối tượng nghi vấn và thường xuyên kết hợp với hình sự đặc nhiệm và bảo vệ khu phố tuần tra kiểm soát. Theo ông Thành, công tác ở cơ sở rất nhiều, bọn tội phạm lại rất manh động, nhưng chế độ cho anh em dân phòng chỉ 350.000 đồng/tháng, bảo vệ dân phố 1,5 triệu đồng/tháng, chế độ như vậy rất khó đòi hỏi những người này nâng cao tinh thần trách nhiệm. “Chúng tôi biết nhiều bảo vệ khu phố, dân phòng vẫn còn lơ là. Chúng tôi chỉ có cách thường xuyên nhắc nhở...” - ông Thành nhìn nhận.

Cũng nói về công tác quản lý địa bàn, trung tá Trịnh Văn Sâm - đội trưởng đội cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội Công an Q.9 - cho rằng công tác phòng chống cướp giật trên địa bàn TP không có khó khăn nào đáng kể, điều cần thiết là lực lượng công an quận (huyện) có thực hiện đúng với chủ trương, kế hoạch của lãnh đạo Công an TP hay không. “Có người cho rằng lực lượng công an chúng ta mỏng, tôi đồng ý cũng có một số địa bàn rộng lớn, phức tạp. Tuy nhiên, ngoài hình sự đặc nhiệm của Công an TP, tổ đặc nhiệm của công an quận (huyện), cảnh sát khu vực, bảo vệ khu phố, dân phòng..., chúng ta còn có nhiều lực lượng hỗ trợ khác như cảnh sát giao thông, trung đoàn cơ động, phường đội... Nếu có kế hoạch phối hợp tốt thì chắc chắn địa phương đó giảm hẳn tình trạng trộm cướp” - ông Sâm nhấn mạnh.

Xét xử nghiêm vẫn chưa đủ

Thẩm phán Vương Văn Nghĩa, tòa hình sự TAND TP.HCM, cho rằng công tác giáo dục người phạm tội chưa có hiệu quả, chủ yếu là “bỏ tù”, còn mặt “cải tạo” phạm nhân chưa được tốt. Nhiều người phạm tội, bị tòa kết án cả chục năm tù nhưng khi chấp hành án xong, ra tù không có việc làm lại tiếp tục tái phạm. Để giảm các loại tội phạm thì không phải chỉ mình cơ quan chức năng về quản lý tội phạm có thể đảm đương được, mà cần có sự chung tay của nhiều cơ quan, ban ngành khác nhau. Nói chung là làm sao để người phạm tội hoàn lương, không tái phạm mới đạt được kết quả vững chắc trong phòng chống tội phạm.

Theo luật sư Trịnh Thanh - văn phòng luật sư Người Nghèo, khung hình phạt mà Bộ luật hình sự quy định cho các loại tội trộm cắp tài sản, cướp tài sản, cướp giật không phải là thấp. Nhiều bản án xét xử cũng đảm bảo tính nghiêm khắc, răn đe đối với loại tội phạm này nhưng tỉ lệ tái phạm của các bị cáo vẫn cao. Từ đó có thể thấy không phải xử phạt nghiêm khắc sẽ giảm được các loại tội phạm, cần phải giải quyết nguồn gốc sâu xa của tội phạm như tạo nhiều công ăn việc làm, kéo giảm tỉ lệ thất nghiệp, chống buôn bán ma túy...

Phải đẩy lùi tội phạm cướp giật tại TP.HCM

Đó là khẳng định của trung tướng Phạm Quý Ngọ, thứ trưởng Bộ Công an, với Tuổi Trẻ ngày 4-12. Ông Ngọ cho biết:

“Có thể nói các vụ cướp giật, đối tượng gây án manh động trong thời gian qua tại TP.HCM rất nhức nhối. Đó là trách nhiệm của Bộ Công an và Công an TP.HCM. Hiện Bộ trưởng Bộ Công an, thượng tướng Trần Đại Quang đang làm việc tại Công an TP.HCM và chắc chắn sẽ có những giải pháp chặn đứng, đẩy lùi loại tội phạm này.

Đối với tội phạm ma túy và tội phạm có sử dụng ma túy, về tổng thể chúng tôi chỉ đạo tập trung đánh vào các địa bàn trọng điểm như Tây Bắc, Tây Nam bộ, miền Trung và đặc biệt là cụm cảng hàng không của TP.HCM và Hà Nội. Lực lượng công an đã và đang phối hợp với hải quan, an ninh cửa khẩu, sử dụng các biện pháp nghiệp vụ để kiểm soát chặt chẽ đầu vào, đầu ra của các đối tượng buôn bán ma túy, nhất là ma túy tổng hợp.

Tới đây, TP.HCM cũng cần phải học tập Hà Nội, phải cơ cấu lại mô hình, tổ chức theo hướng đưa các cấp phòng làm lực lượng chủ công trong đấu tranh với tội phạm. Kế hoạch 141 của Công an Hà Nội đã sử dụng có hiệu quả sự phối hợp của ba lực lượng gồm cảnh sát giao thông, hình sự, cơ động và góp phần ngăn chặn được tội phạm”.

Cần nhân rộng mô hình “141”

Trong khoảng một năm trở lại đây, Hà Nội hầu như không còn trọng án từ va chạm giao thông, tỉ lệ cướp giật trên đường phố giảm rõ rệt. Đó không phải là nhận định trong bất cứ một báo cáo nào mà chính là đánh giá của hầu hết người dân thủ đô sau hơn một năm Công an Hà Nội triển khai các tổ công tác đặc biệt 141 nhằm ổn định tình hình trật tự xã hội thông qua kiểm soát vi phạm giao thông.

Từ trước, khi kế hoạch 141 về “tập trung kiểm tra, xử lý các đối tượng điều khiển môtô, xe máy lạng lách đánh võng, chở người sai quy định... mang theo vũ khí tham gia giao thông” ra đời, tình hình tội phạm hình sự tiềm ẩn nhiều phức tạp, gia tăng các băng, nhóm tội phạm, lưu manh côn đồ sử dụng vũ khí để thanh toán, trả thù lẫn nhau, đánh nhau trên đường... Nhiều vụ việc các đối tượng tàng trữ, sử dụng vũ khí quân dụng, vũ khí tự chế để giải quyết mâu thuẫn, thậm chí chống lại cả người thi hành công vụ. Kế hoạch 141 được thai nghén từ tình hình đó, ra đời và bắt đầu triển khai từ ngày 3-8-2011 với năm tổ công tác đặc biệt hình thành từ các lực lượng cảnh sát hình sự, giao thông, cơ động.

Sau hơn một năm thực hiện kế hoạch, hơn 1.800 vụ việc với trên 2.000 đối tượng có dấu hiệu phạm pháp hình sự bị các tổ công tác 141 bắt giữ. Hàng nghìn tang vật các loại từ vũ khí tự chế đến ma túy, các phương tiện, công cụ trộm cắp, cướp giật bị thu giữ, trong đó có tới 70 khẩu súng gồm cả súng quân dụng và súng tự chế, công cụ hỗ trợ, gần 300 viên đạn.

Những thành quả của lực lượng 141 đã góp phần giảm mạnh phạm pháp hình sự trên địa bàn thủ đô trong hơn một năm qua. Tính đến hết tháng 8-2012, số vụ phạm pháp hình sự ở Hà Nội giảm 6,2% so với cùng kỳ năm trước, số vụ án được điều tra khám phá gia tăng... Với hiệu quả của kế hoạch 141, lãnh đạo Bộ Công an quyết định nhân rộng, triển khai ở 18 tỉnh, thành phố.

NHÓM PV-CTV Chính trị xã hội
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên