01/09/2012 08:36 GMT+7

Quản lý địa bàn yếu kém

L.KHÔI - C.MAI - V.SỰ - Đ.THANH
L.KHÔI - C.MAI - V.SỰ - Đ.THANH

TT - Đại biểu Quốc hội - luật sư Trương Trọng Nghĩa cho rằng việc để cho các bãi pha chế xăng dầu lậu hoạt động trong một thời gian dài là biểu hiện yếu kém trong quản lý của các cấp chính quyền.

Kỳ 1: Vào lò xăng dỏm Kỳ 2: Nấu dầu lậu trong rừng tràm Kỳ 3: Đường đi của xăng dỏm Kỳ 4: Chân dung “đầu nậu” xăng dỏm

zaJAghJt.jpgPhóng to
Cơ sở nấu dầu của ông Hùng trong rừng tràm ở Củ Chi khi chưa bị tháo dỡ - Ảnh: PV

Theo ông Nghĩa, khi chính quyền cơ sở đã bất lực thì chính quyền cấp TP nên vào cuộc. Cụ thể là công an, quản lý thị trường, Sở Công thương cần đích thân nhập cuộc dưới sự chỉ đạo trực tiếp của UBND TP.HCM. Thậm chí cấp trung ương, cụ thể là cảnh sát kinh tế của Bộ Công an, cũng cần tham gia, bởi lượng xăng dầu dỏm này có thể đã được bán đi nhiều nơi trong cả nước.

Chính quyền địa phương ở đâu?

Ông Trương Trọng Nghĩa khẳng định điều quan trọng nhất lúc này là các cơ quan chức năng phải khẩn trương xác minh và kết luận xem đến nay có bao nhiêu xăng dầu làm giả được tuồn ra thị trường, ai là người sản xuất ra nó, thiệt hại ra sao cho người tiêu dùng và cho xã hội. Nếu kết luận điều tra cho thấy hành vi pha chế xăng dầu giả là có thật thì đó là tội hình sự, như tội làm hàng giả, lừa dối khách hàng và những tội danh khác, chưa kể vi phạm các quy định về hành chính trong sản xuất, kinh doanh.

Về hành vi pha chế xăng dầu giả, pháp luật VN có quy định đầy đủ tội danh, hình phạt, biện pháp trừng phạt khác. Tuy nhiên, trước hành vi có dấu hiệu tội phạm diễn ra trong một thời gian dài, quy mô lớn như Tuổi Trẻ nêu, ngoài việc xử lý nghiêm minh những kẻ phạm tội, người dân có quyền đặt câu hỏi: chính quyền địa phương, hệ thống quản lý thị trường, các cơ quan thanh tra, cảnh sát kinh tế đã làm gì và tại sao lại không phát hiện hay ngăn chặn? Tương tự như các vụ xây dựng trái phép, tiệm quán chiếm dụng vỉa hè, những hành vi này đều không diễn ra chớp nhoáng bởi vài ba thủ phạm giữa đêm khuya, mà trước mắt mọi người, giữa thanh thiên bạch nhật, trên một địa bàn khá rộng. Trách nhiệm phát hiện và ngăn chặn tội phạm theo luật định là thuộc về các cơ quan nhà nước, trong vụ này rõ ràng một bộ phận trong bộ máy quản lý nhà nước, thực thi luật pháp đã không làm tròn chức trách. Khi bộ máy công quyền yếu kém, không làm hết trách nhiệm của mình thì những hành vi phạm pháp càng lấn lướt, kéo dài và bất chấp.

Gian lận thương mại

Cưỡng chế bãi nấu dầu lậu

Ngày 31-8, một cán bộ Phòng tài nguyên - môi trường H.Củ Chi (TP.HCM) cho biết đã hoàn tất việc tháo dỡ cơ sở sản xuất dầu tái từ nhớt của ông Hùng ở khu rừng tràm thuộc ấp Tam Tân (xã Tân An Hội).

Theo Phòng tài nguyên - môi trường, tháng 7-2012 cơ quan này đã ra quyết định xử phạt hành chính, đình chỉ hoạt động cơ sở nấu dầu ở rừng tràm, tuy nhiên cơ sở vẫn ngang nhiên hoạt động. Về việc xử phạt bổ sung hành vi hoạt động “chui” lặp lại nhiều lần, Phòng tài nguyên - môi trường Củ Chi cho biết chủ cơ sở hiện đã bỏ trốn. “Việc để cho cơ sở nấu dầu lậu hoạt động trái phép thuộc trách nhiệm của chính quyền địa phương và ban quản lý khu đô thị Tây Bắc Củ Chi” - đại diện Phòng tài nguyên - môi trường H.Củ Chi nói.

Đại diện Hội Chống gian lận thương mại và hỗ trợ người tiêu dùng TP.HCM nhìn nhận: hành vi dùng nước lã, xăng dầu phế thải… để pha chế thành xăng dầu, rồi bán cho người tiêu dùng bằng với giá của các loại xăng dầu đạt tiêu chuẩn như hành vi của bãi xăng dầu Trâu Điên là gian lận thương mại. Cụ thể việc đánh tráo chất lượng xăng dầu pha nước, tạp chất pha chế tạo thành các loại xăng A92, A95 là hành vi lừa dối người tiêu dùng. Trong quy định của luật về chất lượng sản phẩm hàng hóa, hành vi quảng cáo lừa dối, gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng về chất lượng hàng hóa, dịch vụ có thể bị xử phạt từ 20-30 triệu đồng.

Người tiêu dùng nếu có bằng chứng bị thiệt hại do đổ xăng dầu tại những cây xăng thì có thể liên hệ với Hội Chống gian lận thương mại và hỗ trợ người tiêu dùng TP.HCM để được hỗ trợ luật miễn phí đòi lại quyền lợi.

Cần xử lý nghiêm

Theo luật sư Nguyễn Hữu Thế Trạch - Đoàn luật sư TP.HCM, qua loạt bài điều tra của Tuổi Trẻ có thể thấy các xe bồn sau khi nhận xăng dầu tại các công ty xăng dầu (có thể gọi là xăng chuẩn) đã chạy vào một địa điểm tập kết để rút ruột. Hành vi này có thể bị xem là hành vi trộm cắp tài sản. Về hành vi chế biến xăng dầu không theo quy định của Nhà nước rồi đem ra bán ngoài thị trường nhằm thu lợi bất chính, được xem là hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả. Giả ở đây là giả chất lượng, công dụng của hàng hóa (xăng dầu). Tùy theo tính chất, mức độ vi phạm sẽ bị xử phạt hành chính hoặc xử lý hình sự về “tội sản xuất, buôn bán hàng giả”.

Có thể nhận định việc nấu dầu trong rừng tràm là biểu hiện của một “tổ chức tội phạm” xâm phạm đến trật tự quản lý kinh tế, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi của người tiêu dùng. Các cơ quan chức năng cần sớm vào cuộc để điều tra làm rõ và xử lý nghiêm minh trước pháp luật đối với những người trực tiếp tham gia vào đường dây sản xuất xăng dầu dỏm. Luật sư Trạch còn cho rằng cần xử lý nghiêm đối với các đại lý, cây xăng tham gia tiếp tay vào việc tiêu thụ các loại xăng dầu dỏm.

------------------------------------

* Tin bài liên quan:

Kỳ 1: Vào lò xăng dỏm Kỳ 2: Nấu dầu lậu trong rừng tràm Kỳ 3: Đường đi của xăng dỏm Kỳ 4: Chân dung “đầu nậu” xăng dỏmCó tiêu cực trong quản lý?

L.KHÔI - C.MAI - V.SỰ - Đ.THANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên