28/07/2012 08:28 GMT+7

Việt-Nga tăng cường đối tác chiến lược toàn diện

TTXVN - VIỆT PHƯƠNG
TTXVN - VIỆT PHƯƠNG

TT - Chiều 27-7, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã hội đàm hẹp, sau đó hội đàm với thành phần rộng với Tổng thống Nga Vladimir Putin. Việt Nam và Nga đã ra tuyên bố chung, khẳng định kể từ khi hai nước ký Tuyên bố chung về quan hệ đối tác chiến lược năm 2001, quan hệ hợp tác giữa hai nước trên tất cả các lĩnh vực không ngừng được củng cố và tăng cường.

ef7R379G.jpgPhóng to
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Tổng thống Nga Vladimir Putin

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Tổng thống Nga Putin đánh giá tích cực việc hai bên phát triển hợp tác trong lĩnh vực năng lượng hạt nhân. Hai bên cũng đánh giá cao kết quả hoạt động của các doanh nghiệp và công ty liên doanh dầu khí hai nước, khẳng định sẽ tiếp tục tăng cường hợp tác thăm dò và khai thác dầu khí trên thềm lục địa của Việt Nam, phù hợp với luật pháp quốc tế, trước hết là Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển năm 1982.

Việt Nam và Nga cho rằng an ninh quốc tế là toàn diện và không thể chia tách. Hai bên cho rằng không được phép bảo đảm an ninh của một quốc gia này bằng cách gây phương hại đến an ninh của một quốc gia khác, bao gồm việc mở rộng các liên minh quân sự - chính trị và thành lập các hệ thống phòng thủ chống tên lửa toàn cầu và khu vực. Hai bên coi trọng tăng cường phối hợp hành động trên trường quốc tế nhằm đấu tranh chống chủ nghĩa khủng bố dưới mọi hình thức.

Hai bên cho rằng Liên Hiệp Quốc có vai trò trung tâm trong việc điều phối các công việc quốc tế, bao gồm bảo đảm an ninh và phát triển bền vững. Hai bên nhất trí rằng điều kiện tiên quyết để cải cách các cơ quan chủ chốt của Liên Hiệp Quốc là sự đồng thuận tối đa về vấn đề này giữa các nước thành viên Liên Hiệp Quốc.

Lãnh đạo hai nước nhấn mạnh việc can thiệp vũ trang vào các cuộc xung đột nội bộ của các quốc gia có chủ quyền, áp dụng trừng phạt đơn phương, không quan tâm thích đáng đến các đặc thù chính trị nội bộ, sắc tộc, tôn giáo, văn hóa và các đặc điểm khác, tiềm ẩn nguy cơ mất ổn định và làm gia tăng căng thẳng trong quan hệ quốc tế.

Hai bên cho rằng các tranh chấp lãnh thổ và các tranh chấp khác tại không gian châu Á - Thái Bình Dương cần được giải quyết chỉ bằng biện pháp hòa bình, không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, trên cơ sở luật pháp quốc tế hiện hành, nhất là Hiến chương Liên Hiệp Quốc và Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển năm 1982. Hai bên ủng hộ việc thực thi đầy đủ Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông năm 2002 và tiến tới sớm xây dựng Bộ quy tắc về ứng xử tại biển Đông.

* Trả lời phỏng vấn Hãng thông tấn Nga RIA Novosti ngày 27-7, Phó đô đốc Nga Viktor Chirkov cho biết Nga đang đàm phán với Việt Nam, Cuba và Seychelles để xây dựng các điểm bảo trì và cung ứng kỹ thuật cho các tàu của hải quân Nga.

Trong khi đó, Đài Tiếng nói nước Nga cũng đã phỏng vấn Chủ tịch nước Trương Tấn Sang ngày 27-7. Chủ tịch nước cho biết sẽ cho phép Nga lập một xưởng bảo dưỡng tàu tại cảng Cam Ranh nhưng nhấn mạnh cảng này sẽ không phải là một căn cứ quân sự của Nga. Chủ tịch nước cho biết Việt Nam đang lên kế hoạch để phát triển khả năng cung cấp các dịch vụ bảo dưỡng cho bất cứ tàu nước ngoài nào cập cảng Cam Ranh.

TTXVN - VIỆT PHƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên