24/09/2004 06:48 GMT+7

Ông Phạm Thế Duyệt tái đắc cử chủ tịch ủy ban trung ương

N.V.Hải lược ghi
N.V.Hải lược ghi

TT (Hà Nội) - “Đoàn kết rộng rãi, đoàn kết mọi thành viên trong xã hội, không phân biệt đối xử về quá khứ, dân tộc, tôn giáo, ở trong nước hay nước ngoài, đoàn kết chặt chẽ trên cơ sở mục tiêu chung là giữ vững độc lập, thống nhất, vì dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh…”.

Đại hội đại biểu Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) VN lần VI chiều qua 23-9 đã gửi lời kêu gọi trên tới đồng bào, chiến sĩ cả nước và đồng bào đang làm ăn, sinh sống ở nước ngoài trước khi kết thúc hai ngày làm việc tại Hà Nội.

Chủ tịch Phạm Thế Duyệt

Sinh năm 1936.Quê ở huyện Thanh Miện, Hải Dương.Trình độ: đại học, cao cấp lý luận, quản lý kinh tế ở Liên Xô (cũ).Chức vụ đã đảm nhiệm: Ủy viên Bộ Chính trị, bí thư Thành ủy Hà Nội; Ủy viên thường vụ-thường trực Bộ Chính trị; Chủ tịch Ủy ban trung ương MTTQ VN khóa V; Đại biểu Quốc hội các khóa VIII, X, XI.

Theo kết quả hiệp thương báo cáo tại đại hội, có 320 đại biểu được cử tham gia Ủy ban trung ương MTTQ VN khóa VI và 52 vị trong số này được cử tham gia Đoàn chủ tịch. Ông Phạm Thế Duyệt, chủ tịch Ủy ban trung ương MTTQ VN khóa V, tiếp tục được tín nhiệm cử giữ chức chủ tịch khóa VI. Ông Huỳnh Đảm giữ chức phó chủ tịch kiêm tổng thư ký Ủy ban trung ương bên cạnh hai phó chủ tịch chuyên trách là các ông Lê Truyền và Đỗ Duy Thường.

Ngoài ra còn có sáu phó chủ tịch Mặt trận kiêm nhiệm và bốn ủy viên thường trực. Trước đó trong ngày làm việc thứ hai, đại biểu của các giới, các dân tộc, tôn giáo và đại diện người VN ở nước ngoài đã đóng góp nhiều ý kiến cho đại hội. Đại biểu - giáo sư Tương Lai nhận xét những việc Mặt trận làm được vừa qua rất quan trọng, song những việc đó các cơ quan khác, các tổ chức khác cũng có thể làm được. Đúng ra Mặt trận phải tập trung sức để gánh vác việc mà “không cơ quan chức năng nào, một tổ chức xã hội nào có thể làm thay” - đó là “chăm lo phát hiện, khởi động và phát huy mọi tiềm năng của con người VN trong mọi tầng lớp xã hội, đánh thức lòng yêu nước trong mỗi con người”.

Đại biểu Việt kiều Nguyễn Đăng Hưng, giáo sư-tiến sĩ khoa học thuộc Đại học Liège, Bỉ, lại bày tỏ mong mỏi Mặt trận “chủ tâm hơn nữa trong việc sử dụng chất xám Việt kiều - nguồn tài sản vô giá của dân tộc đang nằm chờ khắp năm châu”. TS Hưng gợi ý Mặt trận nên có một ban riêng chuyên trách việc này, đồng thời sớm tổ chức một diễn đàn để trí thức, chuyên gia trong và ngoài nước trao đổi, bàn thảo, hiến kế cho Nhà nước về các lĩnh vực có tính chiến lược cho công cuộc phát triển.

Riêng về vấn đề vận động nhân dân giám sát các cơ quan công quyền, cán bộ công chức và tham gia chống tham nhũng, đại biểu Nguyễn Đăng Hưng kêu gọi Mặt trận xây dựng những biện pháp cụ thể, nhanh chóng bởi việc này “không những là hành động chính trị hữu hiệu nhất giành lại lòng tin của nhân dân mà còn mang lại cho Nhà nước hàng ngàn lần số tiền quyên góp...”.

Xung quanh vấn đề đoàn kết các giới, các lực lượng trong xã hội, đại biểu Hoàng Bình Quân - bí thư thứ nhất BCH Trung ương Đoàn, chủ tịch Hội LHTN VN - phân tích đoàn kết, tập hợp thanh niên “chẳng những là yếu tố quan trọng để ổn định chính trị mà còn là yếu tố cốt yếu để phát huy mạnh mẽ tiềm năng của giới trẻ cho sự nghiệp phát triển”. Chủ tịch Phạm Thế Duyệt trong diễn văn bế mạc đại hội cũng cho biết sẽ cùng lãnh đạo Mặt trận khóa VI nghiên cứu, tiếp thu những kiến nghị, giải pháp đúng đắn, có lợi cho sự nghiệp phát triển đại đoàn kết dân tộc.

Bên lề đại hội đại biểu UBTƯ MTTQ VN lần VI:

* Ông Vũ Quốc Hùng, thường trực Ban Chỉ đạo trung ương 6 (2): Làm sao để tránh sự vô cảm

Sau khi tập hợp được các ý kiến của nhân dân, Mặt trận và các tổ chức thành viên nên cân nhắc từng thông tin ấy trước khi gửi đi. Có rất nhiều địa chỉ để gửi. Nhưng theo tôi, lãnh đạo cao nhất của Mặt trận cần phải có chính kiến của mình trước mỗi vấn đề, xem xét và quyết định thông tin đó gửi tới cơ quan nào.

Nếu liên quan đến cán bộ đảng viên có thể gửi tới cơ quan kiểm tra Đảng; còn nếu liên quan về tổ chức có thể gửi cho ban tổ chức ở trung ương và các cấp; nếu liên quan đến xây dựng, chỉnh đốn Đảng có thể gửi thẳng tới thường trực Ban Chỉ đạo trung ương 6 (2)...

Mỗi nội dung gửi đi cũng cần phải có người theo dõi, yêu cầu sau một thời gian là bao lâu các cơ quan phải trả lời. Bản thân tổ chức Mặt trận cũng cần có trách nhiệm đối với mỗi thông tin ấy, phải có những sàng lọc sơ bộ, nếu không nhiều khi khiến các cơ quan thanh tra, kiểm tra rất vất vả...

Nhân dân là tai mắt, vì vậy cái xấu, cái sai của cán bộ giống như cái kim trong bọc, lâu ngày cũng sẽ lòi ra. Cần thiết lắng nghe ý kiến của dân, nhưng đồng thời cũng phải hết sức tỉnh táo, bởi cũng có một số người lợi dụng việc này để bêu riếu, nói xấu cán bộ.

* Ông Phạm Lợi, chủ tịch Ủy ban MTTQ thành phố Hà Nội:Phải theo đuổi đến cùng

Để làm tốt việc tham gia đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực trong xã hội, trước hết Mặt trận phải vận động được nhân dân phát hiện, phản ảnh về những biểu hiện tham nhũng, tiêu cực đó.

Tuy nhiên, nếu Mặt trận chỉ dừng ở mức “kính chuyển” để các cơ quan chức năng xem xét thì tôi nghĩ chưa đủ. Cần phải chọn lọc những thông tin có căn cứ rõ ràng, tố cáo tiêu cực, tham nhũng nghiêm trọng để Mặt trận đi sâu xem xét mức độ như thế nào. Khi Mặt trận ra kiến nghị cũng cần phải theo đuổi đến cùng, xem các cơ quan có trách nhiệm giải quyết kiến nghị ấy đến đâu, tránh tình trạng sự việc rơi vào im lặng, khiến người dân những lần sau đó không còn tin và tiếp tục ủng hộ Mặt trận trong cuộc đấu tranh chống tiêu cực, tham nhũng.

N.V.Hải lược ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên