31/03/2012 07:00 GMT+7

Không thể "ngăn sông cấm chợ"

Nhóm PV - CTV TUỔI TRẺ
Nhóm PV - CTV TUỔI TRẺ

TT - Chỉ có chất lượng của y tế cơ sở mới có thể “hóa giải được mọi thứ” trong việc giảm tải cho tuyến trên. Cần có cơ chế liên thông trong hệ thống chứ không thể “ngăn sông cấm chợ”.

Siết là chuyển viện giải pháp tối ưu?Khó siết chặt chuyển việnNỗi lòng bệnh nhân vượt tuyến

yEWDV0iP.jpgPhóng to

Đông đảo bệnh nhân chờ làm thủ tục đăng ký khám và điều trị tại Bệnh viện Ung bướu TP.HCM - Ảnh: Thanh Đạm

Để chủ trương phân tuyến kỹ thuật đạt hiệu quả giảm tải, không làm xáo trộn hệ thống khám chữa bệnh, nhiều bác sĩ khẳng định điều trước tiên cần làm là các địa phương phải được đầu tư nhiều hơn cho y tế để nâng cao năng lực khám chữa bệnh của bệnh viện tỉnh cũng như tuyến huyện.

“Cùng với việc nâng cấp cơ sở vật chất, phải thực hiện song hành cả hai giải pháp: đưa bác sĩ tuyến trên về tuyến dưới, đồng thời các tuyến dưới cũng phải tự nỗ lực phấn đấu nâng cao trình độ, kỹ năng chuyên môn. Khi có năng lực rồi mới có thể xóa bỏ tâm lý “lên tuyến trên” của người dân” - bác sĩ Tăng Chí Thượng, giám đốc Bệnh viện Nhi Đồng 1, nhấn mạnh.

Không thể “ngăn sông cấm chợ”

"Trong hàng chục ngàn ca chuyển viện từ dưới lên, rất hiếm trường hợp được phản hồi việc xử lý của tuyến dưới đúng hay sai, chuyển hợp lý hay cần điều chỉnh chuyên môn gì. Như vậy rất khó nâng cao trình độ của các bệnh viện tuyến dưới."

Bác sĩ Nguyễn Văn Nghĩa (phó giám đốc Bệnh viện Đa khoa TP Cần Thơ)

Một bác sĩ nguyên là phó giám đốc sở y tế một TP lớn nói việc phân tuyến điều trị và phân cấp kỹ thuật chuyên môn theo tuyến là đúng đắn, phải làm. Nhưng đó chỉ mới là một nửa của hệ thống khám chữa bệnh. Muốn hệ thống này vận hành hiệu quả, cần có cơ chế liên thông trong hệ thống chứ không thể “ngăn sông cấm chợ”, bảo tuyến dưới không được chuyển hay tuyến trên từ chối nhận bệnh nhân. Khi đã đụng đến sinh mạng của mình, không thể bắt người dân đến nơi họ cảm thấy không an tâm.

Về phía cơ sở điều trị, nếu giữ bệnh nhân lại mà xảy ra tử vong, ai sẽ chịu trách nhiệm? Do đó, cần cơ chế đúng đắn để điều tiết dòng chảy bệnh nhân chứ không thể giải quyết bằng một biện pháp hành chính. Theo bác sĩ này, chỉ đến khi nào người dân nhận thấy việc điều trị ở tuyến dưới gần nhà hơn, ít tốn kém nhưng chất lượng vẫn như tuyến trên thì lúc đó không mời họ cũng đổ về tuyến dưới.

Đồng quan điểm, bác sĩ Nguyễn Văn Nghĩa - phó giám đốc Bệnh viện Đa khoa TP Cần Thơ - nói: “Phải hiểu tình trạng chuyển viện hay bệnh nhân vượt tuyến quá nhiều là hậu quả của cả một quá trình đầu tư cho hệ thống y tế lâu nay. Muốn có sự thay đổi và chuyển biến, không thể ngày một ngày hai mà làm được. Bây giờ chúng ta thắt chặt chuyển viện, tức thắt chặt quyền lợi của người bệnh. Liệu có nên làm và có làm được điều đó không?”.

Chuyển giao thương hiệu, công nghệ

Bác sĩ Lê Hoàng Minh - giám đốc Bệnh viện Ung bướu (TP.HCM) - cho biết có đến 70% bệnh nhân của bệnh viện từ các tỉnh chuyển lên. “Chúng tôi luôn trong tình trạng quá tải. Nhưng rõ ràng đây không phải là trách nhiệm của riêng bệnh viện” - bác sĩ Minh bày tỏ. Theo bác sĩ Minh, để bệnh viện tuyến dưới là “địa chỉ tin cậy của người dân”, phải có giải pháp chuyển giao kỹ thuật công nghệ, cân ứng hai chiều giữa tuyến trên và tuyến dưới. Khi bác sĩ, chuyên gia có tay nghề của tuyến trên xuống hỗ trợ tuyến dưới thì buộc phải cầm tay chỉ việc trong thời gian đầu. Về lâu dài, bệnh viện tuyến dưới cần có đủ bác sĩ chuyên khoa được đào tạo cơ bản để tiếp thu chính xác kiến thức và vận hành hiệu quả các trang thiết bị kỹ thuật.

Đối với chủ trương “đưa thương hiệu tuyến trên về tuyến dưới”, bác sĩ Minh đưa ra ví dụ việc Bệnh viện Ung bướu liên kết với Bệnh viện Q.Bình Thạnh (TP.HCM) triển khai một phòng khám bệnh lý tuyến giáp. Tuy nhiên, do vướng vấn đề bảo hiểm y tế nên chỉ giải quyết khám bệnh theo yêu cầu. Đây cũng chỉ là phòng khám, khi có các chỉ định phẫu thuật hay cần kỹ thuật sâu hơn, bệnh nhân lại phải trở về Bệnh viện Ung bướu.

Do vậy, số lượng bệnh nhân đến phòng khám không đông. Chính vì thế, các bệnh viện chuyên khoa của TP đều muốn nhận hẳn một bệnh viện quận huyện nào đó làm cơ sở 2 của mình. “Chúng tôi đang đi khảo sát Bệnh viện Q.7 với quy mô 100 giường. Nếu phù hợp và được TP đồng ý, chúng tôi sẵn sàng mang cả êkip gồm bác sĩ, các khoa lâm sàng, cận lâm sàng, phòng chức năng để lập cơ sở 2 tại đây nhằm giải quyết các bệnh lý cần điều trị nội khoa, tiểu phẫu, trung phẫu và bệnh nhân ngoại trú” - bác sĩ Minh cho biết.

Không đầu tư dàn trải

Theo tiến sĩ Đặng Quang Tâm - giám đốc Bệnh viện Đa khoa T.Ư Cần Thơ, Nhà nước nên đầu tư bệnh viện chuyên sâu cho từng vùng, không đầu tư dàn trải nhiều bệnh viện nhưng không đủ bác sĩ. “Thực tế thời gian qua chúng ta đầu tư xây dựng nhiều bệnh viện tuyến tỉnh, hầu như tỉnh nào cũng có bệnh viện cả. Riêng về bệnh viện cấp vùng cũng có xây dựng nhưng đúng là đang thiếu các bệnh viện chuyên khoa sâu. Tại TP Cần Thơ, ngoài các bệnh viện của thành phố còn có Bệnh viện Đa khoa T.Ư Cần Thơ (bệnh viện hạng 1). Bệnh viện này có phần vượt trội hơn các bệnh viện tỉnh, nhưng để xứng tầm bệnh viện cấp vùng và lan tỏa hơn thì phải tiếp tục đầu tư kể cả con người và trang thiết bị y tế” - tiến sĩ Đặng Quang Tâm nói.

Thống nhất với ý kiến trên, bác sĩ Nguyễn Văn Nghĩa nói: “Chúng ta cần có sự đầu tư hợp lý cho y tế, quy hoạch phù hợp bệnh viện chuyên sâu, chuyên khoa theo vùng dân cư, chứ không nên đầu tư dàn trải theo địa giới hành chính (như kiểu mỗi quận, huyện phải có một bệnh viện đầu tư hoành tráng trong khi vị trí quá gần nhau).

Tuyến dưới phải tự khẳng định mình

Đó là ý kiến của bác sĩ Trần Văn Khanh - giám đốc Bệnh viện Q.2 (TP.HCM). “Ngoài các kiến nghị về kinh phí, cơ sở vật chất, chế độ đãi ngộ để nâng cao hiệu quả khám chữa bệnh, chúng tôi đã sẵn sàng cộng hưởng uy tín từ các bệnh viện tuyến trên để cùng phát triển. Cụ thể, sắp tới chúng tôi sẽ tách khoa nội nhi hiện nay để thành lập một chuyên khoa nhi riêng, góp phần giảm tải cho các bệnh viện nhi của TP. Bệnh viện Nhi Đồng 2 sẽ cử bác sĩ cùng trang thiết bị do TP cấp đến để thành lập chuyên khoa nhi với thương hiệu của họ tại bệnh viện chúng tôi. Làm vậy may ra mới góp phần giảm tải cho các bệnh viện nhi của TP” - bác sĩ Khanh cho biết.

Tương tự, bác sĩ Tăng Chí Thượng nêu quan điểm: “Quy định về phân tuyến kỹ thuật là cần thiết. Nhưng quan trọng nhất, theo tôi, trước tiên các địa phương phải bằng mọi cách nâng cao năng lực, đầu tư cho cơ sở y tế tuyến địa phương mình”.

Ông Lương Ngọc Khuê, cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, cho rằng với sự giúp đỡ từ nhiều phía, bản thân bệnh viện tuyến dưới phải tự khẳng định mình, bằng chứng là Bệnh viện huyện Hải Hậu (Nam Định) được đầu tư tốt và lãnh đạo bệnh viện rất năng động, nên có nhiều bác sĩ giỏi, điều trị hiệu quả tại địa phương, tất nhiên là tỉ lệ chuyển tuyến rất thấp.

Cần đầu tư vào hai khâu quan trọng

Ông Lê Hùng Dũng - bác sĩ chuyên khoa 2, nguyên giám đốc Sở Y tế TP Cần Thơ, phó chủ tịch thường trực UBND TP Cần Thơ: “Trước mắt Chính phủ cần có chính sách cụ thể về chiến lược phòng bệnh, xem xét đầu tư ngân sách thỏa đáng cho ngành y tế, đặc biệt là hai khâu rất quan trọng: hệ thống y tế dự phòng đủ sức dự báo, hướng dẫn người dân phòng bệnh; chú trọng đào tạo đội ngũ cán bộ quản lý các bệnh viện, bởi thực tế cho thấy một trong những nguyên nhân dẫn đến quá tải bệnh viện là do điều hành chuyên môn kém nên người bệnh không hết bệnh và phải chuyển lên tuyến trên.

Nhóm PV - CTV TUỔI TRẺ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên