25/09/2010 07:21 GMT+7

Trừng phạt bằng bạo lực làm cho trẻ em chai sạn

NGỌC HÀ
NGỌC HÀ

TT - Bạo lực, xâm hại trẻ em không chỉ là nỗi ám ảnh của những đứa trẻ nạn nhân mà đang có xu hướng nghiêm trọng và phức tạp hơn, gây bức xúc cho người dân và trở thành một vấn đề xã hội đau lòng.

Cách giáo dục của chúng ta đang có vấn đề?

Đó là khẳng định của Bộ trưởng Bộ Lao động - thương binh và xã hội Nguyễn Thị Kim Ngân tại hội thảo “Phòng chống bạo lực, xâm hại trẻ em” diễn ra ngày 24-9 ở Hà Nội.

ETCtODTO.jpg

Khủng hoảng đạo đức

Ông Graig Burgess, quyền trưởng đại diện UNICEF tại VN, cho rằng “cần dũng cảm nói lên rằng bạo lực trẻ em đang là vấn nạn trên khắp VN và dưới mọi hình thức”. Tình trạng buôn bán trẻ sơ sinh, trẻ em từ trong bào thai mỗi ngày xảy ra ở nhiều nơi hơn.

Tại TP.HCM, Hà Nội, Quảng Nam, Sóc Trăng... đối tượng buôn người sử dụng “vệ tinh” đến các vùng quê để phát hiện phụ nữ có thai hoặc gia đình phát sinh mâu thuẫn, khó khăn về kinh tế, sinh con ngoài ý muốn, gạ gẫm hoặc lừa gạt mua trẻ sơ sinh. Sau đó móc nối với các cơ sở bảo trợ xã hội, núp dưới hình thức trợ giúp nhân đạo, lập hồ sơ trẻ em bị bỏ rơi để hợp pháp hóa rồi tìm cách bán cho người nước ngoài. Đã có trường hợp trưởng phòng của sở tư pháp một tỉnh đồng bằng Bắc bộ cấu kết với đồng bọn, bán cho người nước ngoài hàng trăm trẻ...

1.600

Đó là số vụ học sinh đánh nhau từ đầu năm học 2009-2010 đến nay trên toàn quốc, theo báo cáo của Bộ Giáo dục - đào tạo. Đã có 881 học sinh bị khiển trách, 1.558 em bị cảnh cáo và 735 học sinh bị buộc thôi học có thời hạn (3 ngày, 1 tuần, 1 năm học). Riêng năm học 2009-2010 đã có bảy vụ học sinh đánh nhau dẫn đến chết người.

Báo cáo của Bộ Công an cho thấy bình quân một năm xảy ra trên 100 vụ giết trẻ em, 800 vụ xâm hại tình dục với khoảng 900 em là nạn nhân và 500 vụ bắt cóc trẻ em được phát hiện, xử lý hình sự. Đại tá Nguyễn Chí Việt - phó cục trưởng Cục Cảnh sát hình sự, Bộ Công an - cho biết năm 2009, số vụ hiếp dâm trẻ em tăng 1,6%, giao cấu với trẻ em tăng 34,2%, dâm ô với trẻ tăng 16,7% so với năm trước.

Nhiều câu chuyện đau lòng về xâm hại tình dục trẻ em mặc nhiên đã thành lời cảnh báo kinh hoàng về sự suy đồi đạo đức ở không ít gia đình, khi đối tượng phạm tội phần lớn có quan hệ rất gần gũi với nạn nhân (chiếm 56,1%). Bố đẻ xâm hại tình dục con gái (0,6%), bố dượng xâm hại tình dục con riêng (1%), thậm chí mẹ đẻ đồng lõa để bố dượng thực hiện hành vi hiếp dâm con không còn là chuyện lạ.

Theo ông Nguyễn Hải Hữu, cục trưởng Cục Bảo vệ, chăm sóc trẻ em - Bộ Lao động - thương binh và xã hội, năm 2008 số trẻ bị xâm hại tình dục là 1.427 em, năm 2009 là 833 em. Ông Hữu thừa nhận số vụ trẻ em bị xâm hại tình dục trên thực tế sẽ còn cao hơn rất nhiều. Nguyên nhân là do công tác quản lý còn nhiều bất cập, nhiều gia đình mặc cảm, che giấu sự vụ do lo sợ ảnh hưởng đến tương lai của trẻ sau này...

Nhốt vợ chung với đàn chó sắp... thịt

Ông Hoa Hữu Vân, phó vụ trưởng Vụ Gia đình, Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch, chia sẻ bạo lực gia đình đã “phủ sóng” khắp 63 tỉnh thành, thậm chí lan đủ đến 11.000 xã trong toàn quốc. Có đến 30% gia đình xuất hiện bạo lực gia đình, 37% cặp vợ chồng từ 18-60 tuổi có mâu thuẫn và 1/10 trong đó xảy ra đánh nhau, gây thương tích.

Thống kê sáu tháng năm 2009 cho thấy số hộ xảy ra bạo lực gia đình gần 90.000 hộ, dẫn đầu là tỉnh Phú Yên, chiếm 2/3 số vụ (61.699 gia đình). Ngay thành phố Hà Nội cũng phát hiện trên 2.000 vụ bạo lực gia đình, trong đó có vụ chồng là chủ quán thịt chó nhốt vợ vào chung với đàn chó trong chuồng đang chuẩn bị làm thịt.

Ông Nguyễn Đình Mạnh, phó vụ trưởng Vụ Công tác học sinh sinh viên - Bộ Giáo dục - đào tạo, khẳng định phụ huynh không thể ngờ sự trừng phạt bằng các hình thức bạo lực đối với trẻ hoàn toàn không giúp trẻ vâng lời hơn mà chủ yếu làm trẻ chai sạn với các biện pháp kỷ luật. Việc đó còn làm con cái xa lánh cha mẹ, thậm chí làm trẻ có thói quen sử dụng bạo lực.

Bạo lực gia đình diễn ra giữa người lớn với nhau, giữa người lớn với trẻ em mang đến hệ lụy về sự rối nhiễu tâm lý con trẻ. Trẻ mang xu hướng muốn có được hình ảnh uy quyền của người cha và “phóng chiếu” bằng những hành động bắt nạt, đánh lộn, thậm chí trở nên căm ghét cha mẹ, muốn trả thù bằng việc tham gia những nhóm bạn hư hỏng, không còn sợ bất kỳ sự trừng phạt nào, sẵn sàng phản kháng khi không vừa ý.

Bà Nguyễn Thị Kim Ngân thẳng thắn nhận xét trong nhiều nguyên nhân và tác động dẫn đến bạo lực, xâm hại trẻ em, có nguyên nhân quan trọng nằm ở quản lý nhà nước, thi hành pháp luật và trách nhiệm của hệ thống chính quyền các cấp.

Mời đọc thêm:

Thảm cảnh gia đìnhMẫn cũng là nạn nhânTôi từng là nạn nhân như MẫnBản án còn phải thể hiện tính khoan hồngĐừng để nạn bạo hành trẻ em tiếp diễnChúng ta không vô canSa sút đạo đức, nỗi đau xã hộiKhông bạo lực là một giá trị sốngHơn 21% cặp vợ chồng trải qua các hình thức bạo lực gia đìnhGửi một lời kêu cứu cho nạn nhân

NGỌC HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên