26/11/2009 09:35 GMT+7

Văn hóa giao thông kém, do đâu?

CHÍ QUỐC
CHÍ QUỐC

TT - Theo Sở Giao thông vận tải TP.HCM, trong chín tháng đầu năm có tới 557 người chết trong 665 vụ tai nạn giao thông - chiếm gần 81% số vụ tai nạn giao thôngxảy ra trên địa bàn TP.HCM - đều có nguyên nhân là do ý thức của người đi đường.

Đồng thời, tính đến tháng 10- 2009 tại TP.HCM đã xảy ra 61 vụ ùn tắc giao thông lớn, đều có nguyên nhân do văn hóa giao thông của người đi đường còn kém. Trong đó có không ít người là cán bộ, đảng viên ở cơ quan nhà nước.

Ngày 25-11, tại hội thảo về văn hóa giao thông - do Sở Văn hóa - thể thao và du lịch cùng Ban An toàn giao thông TP.HCM tổ chức - các nhà khoa học, tâm lý học, nhà quản lý đã đưa ra nhiều ý kiến phân tích, đề xuất nhằm xây dựng văn hóa giao thông đô thị ở TP.HCM.

WWqouhiM.jpgPhóng to
Va chạm nhỏ thay vì bỏ qua, nhiều người đã cự cãi trên phố gây mất trật tự an toàn giao thông - Ảnh: Chí Quốc

Người tự trọng không vượt đèn đỏTạo thói quen cư xử có văn hóa khi tham gia giao thôngCùng nhau xây dựng văn hóa giao thông

Kéo theo nhiều văn hóa khác kém

Theo TS Nguyễn Hữu Nguyên, qua khảo sát ý kiến 400 người dân, có gần 72% đã trả lời lý do phạm Luật giao thông là “không nhìn thấy công an”.

Còn TS Phạm Đức Trọng cho biết trong 100 sinh viên được hỏi có tới 60% cho biết sở dĩ vi phạm Luật giao thông vì... không hiểu biết.

Theo GS Tạ Văn Thành (Trường đại học Hùng Vương), hiện nay đường sá chật hẹp nhưng lại “gánh” thêm quá nhiều “lô cốt”, không đáp ứng tiêu chuẩn và nhu cầu giao thông.

Do đó không chỉ làm cho văn hóa giao thông thêm tệ hại mà còn ảnh hưởng tới “văn hóa hội họp” vì đi trễ do kẹt xe, thậm chí còn ảnh hưởng đến văn hóa gia đình do người đi đường mệt mỏi, căng thẳng nên về nhà quát nạt người thân.

TS Nguyễn Hữu Nguyên - Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM - nêu thực tế cầu đường, đèn tín hiệu và cả phương tiện hỗ trợ kiểm soát giao thông (camera) của TP.HCM quá thiếu và yếu cũng không tạo điều kiện cho người dân thực hiện nếp sống có văn hóa.

Về thực trạng văn hóa giao thông trên xe buýt, GS Tạ Văn Thành chua xót kể về trường hợp ông nhắc nhở một thanh niên đi xe buýt nhường chỗ cho một người già và người này đã “quay lại nhìn tôi như... quái vật”. Bà Nguyễn Thị Bích Hằng - Trường đại học Giao thông vận tải - chia sẻ thêm: “Tôi đi xe buýt thấy nhiều thanh niên ngồi cười nói vui vẻ trong khi bên cạnh mình là người già, phụ nữ mang thai, dù trên xe buýt đều có ghi dòng chữ nhường chỗ cho người già, phụ nữ mang thai, người khuyết tật”.

TS Phạm Đức Trọng - trưởng khoa xã hội học Trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM - cho rằng bản chất người VN rất hiền lành nhưng lại thường xảy ra xung đột với nhau khi tham gia giao thông. Đó là vì người ta không thể kiên nhẫn hơn nữa, phải buộc lòng leo lên vỉa hè khi tắc đường, kẹt xe. Ông nói: “Lỗi là do chúng ta không dự báo được trong vấn đề quản lý đô thị, là do chúng ta giáo dục ý thức chấp hành pháp luật giao thông chưa nghiêm”.

XyieGuKL.jpgPhóng to
Giao thông nhiều nơi hỗn loạn khi xe cộ chen nhau đi không theo làn đường - Ảnh: T.T.D.

Có chuyện “bắt tay với cảnh sát”?

Về người thực thi công vụ, theo TS Nguyễn Hữu Nguyên, tình trạng người vi phạm giao thông không đóng đúng mức tiền phạt và cảnh sát giao thông không ghi biên lai là khá phổ biến. Trong đó có trường hợp người vi phạm được cho đi sau khi “bắt tay với cảnh sát” mà không bị phạt. “Văn hóa ứng xử về Luật giao thông như vậy đã chi phối văn hóa thực thi giao thông của người dân” - ông Nguyên đánh giá.

Thượng tá Võ Văn Nhuận - trưởng Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ TP.HCM - thừa nhận lực lượng cảnh sát giao thông còn có “chỗ này chỗ khác” và hứa “cảnh sát giao thông nào nhận hối lộ thì kiên quyết xử lý” nếu có phản ảnh cụ thể.

GS Tạ Văn Thành cho rằng việc xử phạt của cảnh sát giao thông hiện nay còn ảnh hưởng quan điểm “thương người nghèo”, vì xe máy vi phạm thì bị phạt, còn xích lô cũng vi phạm tương tự thì không bị phạt nên đã tạo sự không bình đẳng. Nhiều ý kiến đề nghị cần xử phạt nghiêm hơn, mạnh hơn để làm gương, răn đe các đối tượng vi phạm giao thông.

Nhưng theo TS Nguyễn Minh Hòa - Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, việc xử phạt nặng là phải làm nhưng phải đến khi có cơ sở hạ tầng tốt và có hệ thống pháp luật chuẩn. Tuy nhiên, TS Võ Kim Cương - nguyên phó Văn phòng Kiến trúc sư trưởng TP.HCM - không đồng tình, vì “đợi đến lúc chuyển từ 4% diện tích đất dành cho giao thông đến 25% như đúng chuẩn mới thực hiện xử phạt là vô vọng”.

Theo TS Võ Kim Cương, nguyên nhân số 1 gây tắc nghẽn giao thông hiện nay là do nạn lấn trái đường nên phải tập trung xử phạt thật nặng hành vi này cùng việc chạy xe tốc độ cao. Còn ông Nguyễn Văn Nghệ - Bộ Công an - cho rằng quy định mức phạt ở TP.HCM cao hơn các địa phương khác là đúng và cần thiết.

TS Phạm Đức Trọng cho rằng thực tế vi phạm Luật giao thông hiện nay nhiều là còn do người đi đường thiếu hiểu biết luật. Trong đó có nguyên nhân sâu xa là do việc cấp bằng lái xe hiện nay “có vấn đề”. Theo GS Tạ Văn Thành, nếu kiểm soát công minh trong việc cấp bằng lái xe thì văn hóa giao thông sẽ tốt hơn.

TS Nguyễn Minh Hòa cho rằng tầm nhìn và trình độ của người quy hoạch chính sách giao thông ở TP là “nguyên nhân của mọi nguyên nhân”. Còn theo GS Tạ Văn Thành, “dồn dân số vào chỗ giữa là cực kỳ nguy hiểm”, bởi việc tập trung dân số vào các quận nội thành cũng đã ảnh hưởng nhiều đến trật tự giao thông.

Theo bà Thân Ngọc Phúc - Học viện Hành chính quốc gia, việc xử lý vi phạm của học sinh về an toàn giao thông hiện nay được làm theo cao trào rồi “êm ả” nên học sinh có tâm lý đối phó. Thượng tá Võ Văn Nhuận cho rằng cần chăm lo giáo dục về ý thức giao thông ngay từ trường tiểu học.

=====================================================================

* Tại một ngã tư, đèn đỏ, mọi người dừng lại, hầu như lúc nào có người chạy trong khi đèn còn màu đỏ, trước khi đèn chuyển sang màu xanh. Một người làm thế, một loạt người nối gót theo sau. Hoặc thậm chí có người còn chẳng thèm dừng lại mà vượt hẳn luôn. Tôi thật sự không hiểu tại sao họ có thể chờ đợi một điều gì cả vài giờ đồng đồ hoặc hơn nữa, nhưng khi đi đường chỉ có vài giây mà lại không đợi được. Như vậy rõ ràng đây là do ý thức của nhiều người. Mà người Việt của mình lại chịu ảnh hưởng rất lớn bởi tâm lý "bầy đàn", có người nào làm thì sẽ có nhiều người khác làm theo. Vì vậy, theo tôi, nếu mỗi người chịu khó một tí thì tình hình sẽ tốt đẹp sẽ "văn hóa hơn" hơn nhiều.

Hơn nữa, đường sá chật hẹp, “lô cốt” xuất hiện đầy. Đã vậy, khi xong “lô cốt” thì như là "trâu lành thành trâu què". Nhìn đường thì đã thấy ngán ngẩm, không muốn đi nữa. Cái này rõ ràng là do cơ quan chức năng.

* Có một dịp tôi đi công tác tại một nước trong khu vực, tôi thấy xe cộ chạy rất trật tự, không có cảnh vượt tuyến, chen lấn, chạy lên vỉa hè mặc dù họ ở trong tình trạng ùn tắc, thậm chí rất ít nghe một tiếng còi xe trong thành phố.

Một người nước ngoài sống ở Việt Nam nói với tôi rằng anh ta rất ngạc nhiên khi thấy người dân Việt Nam thường xuyên cãi cọ khi có một va quẹt nhỏ trên đường phố dẫn đến làm tắc nghẽn giao thông. Anh ta nói rằng ở nước anh ta không có tình trạng như vậy, nếu có va quẹt nhỏ thì người ta nhanh chóng xin lỗi nhau và lên xe tiếp tục đi để kịp đến cuộc hẹn hay chỗ làm.

Dù cho dẹp bỏ “lô cốt”, mở rộng đường..., thì cũng chưa chắc giải quyết được tình trạng tắc nghẽn giao thông hiện nay. Do vậy, cần phải có các giải pháp nâng cao ý thức của người đi đường. Hãy bắt đầu bằng việc giáo dục con em chúng ta trong nhà trường bằng những ví dụ sinh động hơn là lý thuyết suông.

* Tôi nghĩ văn hóa giao thông kém là do môi trường và cơ sở hạ tầng quá tệ hại. Hãy nhìn lại xem môi trường TP.HCM có phải là một môi trường văn minh hay chưa trước khi yêu cầu người dân cư xử có văn minh? Tại sao nhiều người Việt khi đi ra khỏi Việt Nam dù chỉ là đi du lịch ngắn ngày thì lại tôn trọng các qui tắc văn minh đô thị ở đó, về nhà lại xả bẩn? Ông bà xưa có câu "Thượng bất chính thì hạ tất loạn", thiết nghĩ cũng chẳng sai.

Hãy thiết lập môi trường văn minh, xã hội sẽ biến chuyển cho phù hợp để tồn tại trong môi trường đó.

* Hoàn toàn đồng ý với ý kiến của TS Phạm Đức Trọng rằng việc cấp bằng lái xe hiện nay là “có vấn đề”. Hiện nay giáo viên các trường lái xe tư nhân đang cố ra sức "chạy chọt" vào vị trí sát hạch viên đi chấm thi giấy phép lái xe, mà qui chế thì không cho phép trường tư tham gia vào đây, do vây có nhiều chuyện tréo cẳng ngổng xảy ra như sau. Tên trên thẻ sát hạch là người làm việc ở trường nhà nước, nhưng thực chất lại đứng tên dạy xe và ăn lương ở trường tư. Họ đã bỏ tiền ra "chạy việc" thì chắc chắn họ sẽ tìm cách moi lại từ những người đi thi giấy phép lái xe.

--------------

Ý kiến của bạn ra sao về vấn đề này? Hãy chia sẻ với bạn đọc Tuổi Trẻ Online qua email tto@tuoitre.com.vn hoặc trong phần Ý kiến bạn đọc dưới đây. Cám ơn.

CHÍ QUỐC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên