10/11/2009 08:21 GMT+7

Giá nước tăng 77%?

Chí Quốc
Chí Quốc

TT - Tại hội thảo do MTTQ TP.HCM tổ chức để lấy ý kiến về phương án tăng giá nước sạch ở TP.HCM, nhiều đại biểu đã “choáng” khi giá nước các hộ dân phải trả tăng 77%; giá nước sản xuất, dịch vụ tăng 78-89%. Dự kiến có 700.000-800.000 hộ dân sử dụng nước phải trả thêm tiền.

Giá nước tăng 77%?

TT - Tại hội thảo do MTTQ TP.HCM tổ chức để lấy ý kiến về phương án tăng giá nước sạch ở TP.HCM, nhiều đại biểu đã “choáng” khi giá nước các hộ dân phải trả tăng 77%; giá nước sản xuất, dịch vụ tăng 78-89%. Dự kiến có 700.000-800.000 hộ dân sử dụng nước phải trả thêm tiền.

Ngày 9-11, Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) TP.HCM đã hội thảo lấy ý kiến xung quanh phương án tăng giá nước của Tổng công ty Cấp nước Sài Gòn - Sawaco (được Sở Tài chính thẩm định). Nhiều đại biểu tiếp tục “choáng” vì phương án lần này, giá nước lại tăng 35-89%.

ImageView.aspx?ThumbnailID=374190
Nhiều người chờ đến lượt đổi nước trên đường Huỳnh Tấn Phát (Q.7) chiều 9-11 - Ảnh: Chí Quốc
ImageView.aspx?ThumbnailID=374209
Phương án tăng giá nước cho các đối tượng - Đồ họa: V.Cường

Đổi nước giá 100.000 đồng/m3

Chiều 9-11, đường Huỳnh Tấn Phát (Q.7, TP.HCM) đoạn gần cầu Phú Xuân trở nên náo loạn với cảnh các loại xe máy, ba gác và cả xe đạp chở can đi đổi nước. Nhiều người đã phải đứng chờ gần nửa giờ mới tới lượt đổi nước với giá 1.000-5.000 đồng/can 30 lít (33.000-165.000 đồng/m3) tùy theo chỗ đổi. Người dân cho biết gần một tuần qua, toàn bộ khu vực thị trấn Phú Xuân (huyện Nhà Bè) không có một giọt nước máy nên phải chạy qua Q.7 để đổi.

Ông Nguyễn Doãn Xã - phó giám đốc Công ty cổ phần Cấp nước Nhà Bè - thừa nhận gần một tháng nay áp lực nước quá yếu, không thể chảy qua cầu Phú Xuân để cấp cho địa bàn huyện Nhà Bè. Hiện các xe bồn của công ty bơm nước cho khu vực dân cư là 1.900m3/ngày (bình thường khoảng 2.000-2.200m3/ngày) vì áp lực nước yếu.

Chí Quốc

Nếu phương án này được thông qua sẽ có 700.000 - 800.000 khách hàng đang sử dụng nước máy tại TP bị ảnh hưởng.

Giống những lần trước, giải thích về sự tăng giá nước tại hội thảo lần này, ông Nguyễn Quốc Chiến - trưởng ban vật giá Sở Tài chính TP.HCM - cho rằng giá nước hiện hành được điều chỉnh từ năm 2004. Đến nay, giá thành sản xuất đã tăng hơn 132%. Theo nghị định 117, giá nước phải được tính đúng tính đủ chi phí sản xuất; để tạo điều kiện cho Sawaco từng bước tự chủ về tài chính, có nguồn vốn đầu tư, cải tạo nâng cấp hệ thống cấp nước nên phải tăng giá nước.

Theo phương án được Sở Tài chính thẩm định, giá nước sẽ tăng từ 35-89%. Trong đó nếu dùng trong định mức 16m3/hộ gia đình/tháng được tính giá 4.800đồng/m3, tăng 77%. Đối với giá tính cho đơn vị sản xuất tăng từ 4.500 đồng/m3 lên 8.500 đồng/m3 (tăng đến 89%). Phương án này được đề xuất áp dụng trong giai đoạn 2009-2013.

Thu nhập tăng, giá nước tăng!

Nhiều người “choáng” với phương án tăng giá được thẩm định lần này vì không những tăng đột biến mà còn cao hơn cả phương án của Sawaco từng đề xuất với Sở Tài chính vào tháng 2-2009 (tăng từ 24-86%). Nhưng theo ông Chiến, mức tăng như vậy là chấp nhận được vì mức thu nhập bình quân đầu người năm 2004 là gần 1,2 triệu đồng/tháng, đến năm 2008 đã tăng lên gần 2,3 triệu đồng/tháng. “Mức chi trả tiền nước theo phương án mới chỉ chiếm gần 0,9% so với thu nhập bình quân của hộ gia đình. Trong khi các chuyên gia ngành nước của Ngân hàng Phát triển châu Á cho rằng người tiêu dùng có khả năng chi trả đến 3% cho tiền nước/thu nhập bình quân hằng tháng” - ông Chiến nói.

Ông Trương Văn Đa, nguyên phó chủ tịch HĐND TP.HCM, không đồng tình với lập luận trên: “Nói thu nhập của người dân tăng từ 1,2 lên 2,3 triệu đồng/tháng nên mức tăng như đề xuất là không cao, là không thuyết phục. Bởi vì người dân còn có nhiều khoản chi khác như điện, điện thoại, xăng, bảo hiểm y tế, giáo dục...”. Vì vậy, ông Đa đề nghị khi tăng giá nước, các đơn vị phải tính toán sự ảnh hưởng, tương quan của các yếu tố về giá khác chứ không nên chỉ chăm chăm vào việc chi phí đó chiếm bao nhiêu trong thu nhập hằng tháng của người dân.

Đại biểu MTTQ Q.8 đề nghị trong tình hình khó khăn hiện nay, mức tăng chỉ từ 10 - 20% là hợp lý. Ông Lê Hiếu Đằng, nguyên phó chủ tịch Ủy ban MTTQ TP.HCM, cho biết trước đó Sawaco từng lấy ý kiến của MTTQ TP.HCM về việc tăng giá nước. Thời điểm đó, các thành viên Ủy ban MTTQ TP.HCM cũng thống nhất nên tăng ở mức 10%/năm. “Chứ mức tăng ở đối tượng sinh hoạt lên đến hơn 77%, đối tượng sản xuất tăng 89% là quá cao. Giá nước sản xuất cao như vậy sẽ kéo theo nhiều mặt hàng khác tăng giá. Người dân cuối cùng lãnh đủ” - ông Đằng lo ngại. Nhiều đại biểu khác cũng đồng tình đề nghị nên có lộ trình tăng cụ thể để người dân đỡ bị sốc.

Ông Chiến cho biết nếu đúng lộ trình thì giá nước được tăng từ năm 2007. Đến năm 2008 xảy ra khủng hoảng kinh tế... nên giá nước vẫn chưa tăng. Vì vậy, giá tăng như trên là phù hợp.

ImageView.aspx?ThumbnailID=360060
Đại biểu Đặng Văn khoa với tấm bảng so sánh tỉ lệ thất thoát nước của TP.HCM và Manila từ năm 1999 đến nay, trình bày tại hội nghị  chuyên đề về giao thông - đô thị và cung cấp nước sạch trên địa bàn TP.HCM ngày 8-9 - Ảnh: Hoàng Thạch Vân

Thất thoát nước 40%

"Cách tính định mức (nước) theo nhân khẩu mới hợp lý và công bằng. Còn nếu không, người dân nghĩ ngay đến việc tách hộ để xin thêm định mức"

Ông Lê Hiếu Đằng

Ông Lê Hiếu Đằng nhắc lại quan điểm là ủng hộ giá nước phải được tính đúng, tính đủ đối với đơn vị cấp nước. Nhưng nếu giá này quá cao thì Nhà nước phải có trách nhiệm bỏ một phần chi phí bù lỗ. Với nguồn thu hiện nay, TP hoàn toàn có thể làm được điều này. Ông Đằng nói lẽ ra kinh tế càng phát triển thì người dân càng được hưởng nhiều lợi ích, đằng này họ phải đóng góp nhiều hơn nhưng lại bị cắt xén nhiều thứ. Cụ thể là định mức nước. “Không biết các anh nghĩ gì khi trước đây đề xuất mỗi hộ gia đình 10m3 trong định mức, giờ lại tăng lên là 16m3. Mỗi gia đình không chỉ có vợ chồng con cái mà còn phải phụng dưỡng cha mẹ... Vì vậy, cách tính định mức theo nhân khẩu mới hợp lý và công bằng. Còn nếu không, người dân nghĩ ngay đến việc tách hộ để xin thêm định mức” - ông Đằng nói.

Một đại biểu của Ủy ban MTTQ quận Gò Vấp cho rằng phương án tăng giá mới này không hỗ trợ người lao động nghèo. Cách tính định mức chỉ áp dụng với những hộ có hộ khẩu, còn người lao động, ở thuê nhà, sinh viên... bị các chủ nhà lấy giá cao.

Ông Trần Đình Phú, tổng giám đốc Sawaco, nhìn nhận trong thời gian qua, dù chất lượng nước được kiểm soát nhưng còn xảy ra tình trạng nước đục ở Gò Vấp, Tân Bình, Bình Tân... Sawaco có quyết tâm trong chống thất thoát nước nhưng tỉ lệ vẫn còn cao (hơn 40%) do thiếu vốn. Giải thích về việc tính định mức 16m3 nước/hộ, ông Phú cho rằng đây là cách mà nhiều nước đang áp dụng và tham khảo qua các chuyên gia Ngân hàng Phát triển châu Á.

Về giá nước, ông Phú cho rằng mức tăng như vậy là hợp lý và được các cơ quan chức năng thẩm định, còn việc tăng giá cụ thể sẽ do UBND TP.HCM quyết định. Nếu UBND TP.HCM ban hành giá nước thấp hơn giá thành sản xuất thì phải bù bằng ngân sách.

QUANG KHẢI

====================================================================

Ý kiến bạn đọc

* Đọc xong bài giá nước tăng đến 77% với lập luận là thu nhập của người dân tăng thì giá nước cũng phải tăng theo, tự nhiên tôi thấy ù hết cả tai. Nếu căn cứ vảo thu nhập thì hoàn toàn phi lý bởi lẽ dự kiến của chính phủ thì đến 1-5-2010, người hưởng lương như chúng tôi mới được tăng mà mức tăng chỉ là 12,3%, trong khi đó thì còn bao nhiêu thứ phải chi dùng tối thiểu hàng ngày.

Còn như ông tổng giám đốc công ty cấp nước trả lời là do thất thoát nước tới 40% nên phải tăng giá thì lại càng không thấu tình đạt lý tý nào.Bởi vì Nhà nước đã giao cho ông trọng trách to lớn mà ông không hoàn thành nhiệm vụ duy tu, cải tạo, sửa chữa, nâng cấp để tỷ lệ thất thoát như vậy rồi lại đổ thừa rằng thiếu tiền. Đây chỉ là một sự ngụy biện mà thôi.

DOANMINHHA

* Giá cả đang tăng, người dân đã lo lắng. Bây giờ giá nước – mặt hàng thiết yếu của người dân hằng ngày – tăng như vậy thì đời sống người dân vốn đã không cao lại càng vất vả.

HOÀNG NGHĨA (Q.8, TP.HCM)

* Nhà tôi ở P. Phú Thuận, Q.7 (TP.HCM). 1 tháng gần đây, chỉ có 1, hay 2 ngày là nhà tôi có nước, mỗi lần như vậy cũng chỉ khoảng nửa khối. Còn lại phải mua bồn mà đi đến nhà người quen ở các quận khác xin nước (vì nơi đây muốn mua nước cũng khó, vừa mắc, vừa có khi kêu mà không xe nào tới vì họ phải chạy sô quá nhiều). Nước này cũng chỉ dành riêng để sinh hoạt , dùng cho em bé, còn lại, tắm rửa, giặt đồ đều phải mang ra ngoài. Nhà tôi có khiếu nại lên công ty cấp thoát nước, có người xuống xem, rồi không có gì cải thiện. Tôi biết kêu ai?

Nhà tôi bình thường xài nước đã phải dùng máy bơm mấy ngựa mới có nước xài, những ngày qua đến nay dùng máy bơm vẫn không có giọt nước nào, thức đêm khuya canh vẫn không. Khoảng thời gian tôi bị mất phải thức khuya canh nước, tiền điện tôi mất thêm cho mỗi khối nước, tiền mua nước giá trên trời... Ai trả cho tôi? Tại sao như vậy mà giá nước vẫn còn tăng?

TRẦN THỊ THÚY LINH

* Tổng giám đốc Sawaco bảo mức giá tăng lên như vậy là hợp lý, ông căn cứ trên phương diện lý thuyết, vậy ông đã nhìn cuộc sống xung quanh chưa? Đúng là thu nhập bình quân mỗi người đã tăng, nhưng bên cạnh đó thì chi phí sinh hoạt hằng ngày càng tăng nhiều hơn. Người có thu nhập cao đúng là số lượng ngày càng tăng, nhưng vẫn chỉ là một góc của những người có thu nhập thấp.

Cuối cùng thì sinh viên các tỉnh, người có thu nhập thấp và cả những người có mức thu nhập trung bình, khá cũng phải chịu khổ. Nước mình chỉ là nước đang phát triển, vậy tại sao cứ đem đi so sánh với các nước phát triển?<?xml:namespace prefix = o ns = "urn:schemas-microsoft-com:office:office" />

                                                                                                               HÀ HỒNG NGỌC

* Tôi nghĩ, trước tiên nhà máy nước cải thiện tình hình cấp nước cho các hộ dân đi đã, sau đó mới tính chuyện tăng giá nước. Hiện nay, tôi phải bơm hút nước vào mới có nước để dùng (chưa kể suốt tuần này, cho bơm hoạt động gần như cháy cả bơm mà chẳng có giọt nước nào), vậy chi phí về điện, chi phí để mua bơm của chúng tôi thì nhà cung cấp nước có tính đến không?

NGUYỄN PHƯỚC LÂM

* Tất cả những lý giải cho việc tăng giá nước lên 77% như vậy chưa hợp lý. Những lời giải thích đó, chứng nhận khả năng quản lý và điều hành còn yếu. Một doanh nghiệp hoạt động luôn phải có một bài toán tài chính ổn định cho doanh nghiệp. Một doanh nghiệp hoạt động tốt khi người tiêu dùng thoả mãn được sản phẩm của doanh nghiệp. Rõ ràng sản phẩm của doanh nghiệp còn nhiều bất cập, chưa đáp được nhu cầu của khách hàng. Vậy hãy tốt về sản phẩm của doanh nghiệp đi, khi đó khách hàng sẽ cảm nhận được những tâm huyết của doanh nghiệp khi tạo sản phẩm.

Tôi biết việc tăng giá này sẽ đến, nhưng hy vọng doanh nghiệp nên có phương án tốt cho việc thực hiện này. Nên tăng theo lộ trình, công ty phải có bảng lộ trình tăng giá công khai theo từng giai đoạn.

NGUYỄN CƯỜNG

 
Chí Quốc
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên