02/11/2009 19:21 GMT+7

2 người thiệt mạng do bão số 11

Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn trung ương
Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn trung ương

TTO - Bão đổ bộ vào Phú Yên - Khánh Hòa, suy yếu thành áp thấp nhiệt đới * Đường sắt qua đèo Cả ngưng hoạt động * Sơ tán khẩn cấp 317 hộ dân ở ven sông Ba * Phú Yên: 18 tàu thuyền bị chìm * Quảng Ninh: đắm thuyền trên hồ, 6 người mất tích * Nhiều nhà dân sập và tốc mái.

2 người thiệt mạng do bão số 11

TTO - Bão đổ bộ vào Phú Yên - Khánh Hòa, suy yếu thành áp thấp nhiệt đới * Đường sắt qua đèo Cả ngưng hoạt động * Sơ tán khẩn cấp 317 hộ dân ở ven sông Ba * Phú Yên: 18 tàu thuyền bị chìm * Quảng Ninh: đắm thuyền trên hồ, 6 người mất tích * Nhiều nhà dân sập và tốc mái.

ImageView.aspx?ThumbnailID=372414
Bão số 11 đi sâu vào đất liền và suy yếu thành áp thấp nhiệt đới - Ảnh: Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Trung ương phát lúc 21g30

Chiều nay 2-11, sau khi đi vào địa phận các tỉnh Bình Định - Ninh Thuận, bão số 11 (Mirinae) đã suy yếu thành áp thấp nhiệt đới. Hồi 17g, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở trên địa phận các tỉnh Bình Định - Khánh Hòa. Đến 19g, vị trí trung tâm vùng áp thấp ở địa phận các tỉnh Nam Tây Nguyên. Sức gió mạnh nhất ở trung tâm vùng áp thấp giảm xuống dưới cấp 6 (tức là dưới 39 km/g).

Đến cuối ngày 2-11, dù bão đã thành áp thấp nhiệt đới, song nhiều địa phương ở miền Trung vẫn còn mưa, gió mạnh, rít liên hồi.

Dự báo trong 12 giờ tới, vùng áp thấp này di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 20 km, tiếp tục đi sâu vào đất liền, suy yếu và tan dần.

Đêm nay và ngày mai (3-11), không khí lạnh tiếp tục ảnh hưởng đến các nơi khác ở Nam Trung Bộ. Do ảnh hưởng của không khí lạnh, ở vịnh Bắc Bộ, vùng biển ngoài khơi các tỉnh từ Quảng Trị đến Đà Nẵng và khu vực Bắc biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Hoàng Sa) có gió đông bắc mạnh cấp 7, cấp 8, giật cấp 9, cấp 10. Biển động mạnh.

Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn trung ương

Trước đó ông Bùi Minh Tăng - giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương - cho biết lúc 14g30 ngày 2-11, bão số 11 đã đổ bộ vào khu vực giữa Phú Yên và Khánh Hòa. Cường độ gió bão vẫn còn mạnh cấp 9 - 10, giật cấp 12. Sau khi vào đất liền bão số 11 di chuyển theo hướng giữa tây và tây tây nam.

Tại Phú Yên, tính đến 19g hôm nay, đã có hai người thiệt mạng do bão trên địa bàn Tuy Hòa, hai người khác ở huyện Đông Hòa và thị xã Sông Cầu bị thương nặng do bị cây ngã đổ. Bộ đội biên phòng đã cứu hộ thành công và 8 người dân ở huyện Đông Hòa khi những người này bị mắc cạn ở trên bè. Một tàu ở bến cá Đông Tác (Tuy Hòa) bị sóng lớn đánh chìm.

Hiện nay các huyện ven biển như thị xã Sông Cầu, Tuy An và phường 6 (TP Tuy Hòa) đang chịu ảnh hưởng của triều cường.

Tại đèo Cả, khi bão đổ bộ, một tảng đá lớn lăn từ trên xuông chắn ngang đường sắt làm ách tắc giao thông tại đây. Đến 4g chiều nay, giao thông trên đèo Cả đã được khắc phục một phần. Đường sắt qua đèo Cả tạm thời ngưng hoạt động do đất đá phủ lên đường ray. Toàn bộ các tuyến bay đến và đi Bình Định và Phú Yên đã bị hủy bỏ. 1 chiếc tàu đánh cá bị chìm ở phường Phú Lâm, Tuy Hòa, nhưng may mắn không có thiệt hại về người.

Tính đến nay, Phú Yên đã di dời 2.500 hộ dân tại các địa phương. Phóng viên Tuổi Trẻ Online có mặt tại địa bàn cho biết các lực lượng chức năng đang sơ tán khẩn cấp 317 hộ dân ở ven sông Ba vì hồ thủy điện trên sông Ba xả lũ và mực nước trên sông Ba trên mức báo động ba.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Cao Đức Phát - trưởng ban phòng chống lụt bão trung ương - đang có mặt tại Phú Yên để chỉ đạo công tác phòng chống bão. Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh đã huy động hàng trăm cán bộ, chiến sĩ, hơn 1.000 phao cứu sinh, 10 nhà bạt, trên 8.000 bao cát… đưa đến các vùng xung yếu, giúp dân ứng phó với bão.

ImageView.aspx?ThumbnailID=372301
Xe buýt liên tỉnh lưu thông tại Phú Yên trong thời tiết mưa mịt mù. Ảnh Phi Long
ImageView.aspx?ThumbnailID=372396

Bộ trưởng Bộ nông nghiệp & Phát triển nông thôn Cao Đức Phát (bìa trái) đi kiểm tra tình hình thiệt hại tại cảng Vũng Rô (Phú Yên) lúc 18g hôm nay (2-11) - Ảnh: Phi Long

Trong khi đó, trên dải bờ biển thuộc các thôn Nhơn Hội, Phú Thường, Hội Sơn thuộc xã An Hòa, huyện Tuy An, triều cường đã lấn sâu vào đất liền từ 2 - 3m, dài trên 3km. Cũng tại huyện Tuy An, thông tin sơ bộ 16g hôm nay có 17 tàu thuyền bị chìm, 3 căn nhà bị sập hoàn toàn ở thị xã Sông Cầu, 1 người bị thương ở Xuân Thịnh (Sông Cầu), không có thiệt hại về người. Lực lượng cứu hộ đã cứu được 1 tàu và 7 người. 711 hộ dân với gần 3.000 dân được di dời khẩn cấp. Hiện nay vẫn còn 74 tàu thuyền và 684 lao động đang còn ở trên biển.

ImageView.aspx?ThumbnailID=372336
Một thanh niên ở huyện Tuy An, Phú Yên bất chấp mưa bão leo cây chặt bớt cành để phòng cây gẫy đổ - Ảnh: Dương Thanh Xuân

Tại Khánh Hòa, chiều 2-11, Ban chỉ huy phòng chống lụt bão tỉnh Khánh Hòa có thống kê sơ bộ về hại do bão số 11 gây ra tính từ ngày 1-11 đến 17g ngày 2-11 cho thấy toàn tỉnh có 5 người bị thương, trong đó Vạn Ninh 1 người, Khánh Sơn, Ninh Hòa mỗi huyện 2 người.

Thiệt hại về nhà cửa như sau: nhà bị sập, bị trôi 17 căn. Nhà bị tốc mái, sập vách, xiêu vẹo; 115 căn. Trường học bị hư hỏng, ngập: 7 phòng. Trạm y tế, trụ sở UBND xã, các công trình khác: 4 cái. Số hộ phải di dời: 2.533 hộ.

Trong ngày, tại quốc lộ 1A đoạn từ xã Vạn Khánh về đèo Cổ Mã bão đã đổ bộ đã quật ngã hàng chục xe máy của người đi đường. Khoảng 2g30 phút chiều 2-11, gần 50 hành khách đi trên xe khách Bắc Nam mang biển số 17K - 8269 đã thoát chết trong gang tất. Xe chạy từ TP.HCM về bắc khi đến đoạn đường trên thì gặp ngay lốc xoáy khiến chiếc xe bị quay ngang và đâm đầu xuống ruộng. Rất may không có hành khách nào bị thương. Ngày 2-11, hầu hết học sinh các trường tiểu học, trung học cơ sở, THPT trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa đều nghỉ học để tránh bão.

Hai huyện Vạn Ninh và Ninh Hòa của Khánh Hòa được coi là tâm điểm của bão. Từ 5g sáng tại các xã Đại Lãnh, Vạn Khánh (huyện Vạn Ninh) bắt đầu xuất hiện mưa to và gió lớn. Lúc 9g sáng ở hầu hết trên địa bàn các xã thuộc huyện Vạn Ninh đều xuất hiện mưa to và gió rất mạnh. Gió lớn làm nhiều nhà dân bị tốc mái. Ông Văn Hùng ở xã Vạn Khánh cho biết từ lúc 5 giờ sáng ở các công trình phụ nhà ông đều bị tốc mái, đến 8g thì kiếng trên một số cửa sổ của nhà chính bị gió rít làm vỡ nát.

Trưa 2-11, ông Huỳnh Quang Vân, chủ tịch huyện Vạn Ninh cho biết: huyện đã di dời được 800 hộ dân với gần 5.000 người. Trong đó xã Đại Lãnh 200 hộ, với khoảng 800 dân. Phần lớn họ là những hộ dân sống ở các nhà sát biển lên các nơi an toàn dọc trên quốc lộ 1A. Hiện nay cả huyện còn khoảng 60 chủ lồng, bè tôm chưa chịu di chuyển vào nơi an toàn. Tại xã đảo Ninh Vân một thuyền đánh cá loại nhỏ bị sóng đánh chìm.

ImageView.aspx?ThumbnailID=372349

Bão quật ngã xe máy của một người đi đường trên quốc lộ 1A đoạn qua Khánh Hòa - Ảnh: Quang Phương

ImageView.aspx?ThumbnailID=372350

Chiếc xe khách bị bão hất xoay ngang nghiêng xuống ruộng - Ảnh: Quang Phương

ImageView.aspx?ThumbnailID=372353

Nhà bị tốc mái, nhiều người chui xuống bàn để tránh tôn bay, tại quán cơm Thu Trang - Ảnh: Quang Phương

ImageView.aspx?ThumbnailID=372356
Đường lên thôn Lộc Bình, xã Vạn Bình huyện Vạn Ninh bị lũ chia cắt - Ảnh: Quang Phương

Tại Quảng Nam, trưa 2-11, bão số 11 đã đổ bộ vào bờ ở khu vực các tỉnh từ Quảng Ngãi đến Khánh Hòa. Tuy nhiên, bán kính gió bão quét từ cấp 6 đến cấp 8 tác động vào Quảng Nam, kèm theo mưa to trên diện rộng nên đã gây ngập úng cục bộ.

ImageView.aspx?ThumbnailID=372332
Đường Hùng Vương, Tam Kỳ (Quảng Nam) nhiều đoạn ngập nước do mưa lớn và do hệ thống thoát nước “quá yếu kém” - Ảnh: Võ Trường

Quảng Ninh: đắm thuyền trên hồ, 6 người mất tích

13g ngày 2-11, một cơn lốc nổi lên bất ngờ ở hồ Yên Lập (khu vực giáp với xã Quảng La, huyện Hoành Bồ, Quảng Ninh) đã làm đắm 2 chiếc thuyền khiến 6 người mất tích.

Theo thông tin ban đầu, 19 người của trung tâm dịch vụ thuộc Trường cao đẳng Nông lâm Đông Bắc (huyện Yên Hưng, Quảng Ninh) được thuê đi chăm sóc rừng đã thuê 2 chiếc thuyền đi qua hồ Yên Lập thì gặp nạn. Khi 2 chiếc thuyền bị chìm, 13 người biết bơi đã bơi được vào bờ, còn 6 người là phụ nữ do không biết bơi nên đã bị nước cuốn trôi. Hiện vẫn chưa xác định danh tính 6 người gặp nạn.

Hiện các cơ quan chức năng khẩn trương triển khai lực lượng cứu hộ để tìm kiếm 6 người bị nạn trên.

TTXVN

Đại tá Nguyễn Thanh Tùng, chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng Quảng Nam, cho biết, đến 12g trưa 2-11, 100% tàu thuyền của ngư dân đã vào neo đậu trú bão an toàn. Những vùng trũng thấp, dễ sạt lở, chính quyền địa phương và các lực lượng chức năng thông báo cho nhân dân tìm nơi tránh trú an toàn; cấm đưa đò trong khi có gió bão, mưa lớn để đảm bảo an toàn tính mạng cho nhân dân.      

Theo Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bình Định, đến chiều nay cả tỉnh có 2 người bị thương, 17 nhà sập hoàn toàn, 169 nhà dân, 1 trạm y tế, 26 phòng học bị tốc mái, hư hỏng.

Cả tỉnh đã sơ tán hơn 1.770 hộ dân với gần 7.700 nhân khẩu đến nơi an toàn. Sóng lớn đã đánh chìm một sà lan chở gỗ tại vùng biển Quy Hoà thuộc phường Gềnh Ráng, TP Quy Nhơn làm cho hơn 3.000 khối gỗ trôi dạt trên biển. Cũng trong chiều nay, tại vùng biển Quy Hoà còn có một tàu mang quốc tịch Panama, trên tàu có 12 thuyền viên quốc tịch Mianma bị sóng lớn đánh dạt vào bờ, làm mắc cạn. Các lực lượng chức năng của tỉnh Bình Định đã khẩn trương triển khai việc cứu hộ thủy thủ trên tàu lên bờ.

Riêng ngư dân Hồ Kỳ Thôi ở khu vực 2, phường Trần Phú đến 17g vẫn còn lênh đênh trên chiếc thuyền thúng ở ngoài biển và chưa có phương tiện hoặc lực lượng cứu hộ nào tiếp cận cứu vớt được. Hiện trên địa bàn tỉnh Bình Định tiếp tục có mưa lớn, mực nước các sông đang lên nhanh.

Tính đến 10g30 sáng, các huyện, thành phố ở Bình Định đã sơ tán 1.731 hộ dân với 7.520 nhân khẩu đến nơi an toàn để tránh bão số 11. Các huyện, thành phố tổ chức sơ tán dân nhiều là Qui Nhơn và các huyện ven biển như Phù Cát, Phù Mỹ, Tuy Phước và Hoài Nhơn. Tỉnh cũng đã cho toàn bộ học sinh các cấp học, ngành học trên địa bàn tỉnh nghỉ học trong ngày 2-11.

Mặc dù đã được cảnh báo, một số ngư dân Quy Nhơn vẫn bất chấp gió bão tiếp tục ra khơi đánh bắt gần bờ nên đến 7g sáng gặp gió mạnh không vào bờ được. Tỉnh Bình Định và TP. Quy Nhơn đang phối hợp cùng Hải đoàn 48, Bộ chỉ huy bộ đội biên phòng Bình Định, Bộ chỉ huy quân sự tỉnh và đặc biệt là tàu cứu nạn SAR của vùng 3 Hải Quân đang ở vùng biển Quy Nhơn triển khai việc cứu hộ ngư dân.

ImageView.aspx?ThumbnailID=372291

Bộ đội giúp dân chống sạt lở ở phường Đống Đa, Quy Nhơn - Ảnh: X.Nguyên

Tại Quảng Ngãi, tin từ Ban chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn Quảng Ngãi cho biết: Tính đến 16g ngày 2-11, ở các huyện: Đức Phổ, Mộ Đức, Tư Nghĩa, Nghĩa Hành, huyện đảo Lý Sơn và huyện miền núi Ba Tơ đã sơ tán gần 589 hộ dân với hơn 2.888 nhân khẩu di dời khỏi vùng sạt lở ven sông, vùng đe doạ bởi triều cường đến nơi ở an toàn.

ImageView.aspx?ThumbnailID=372328
Người dân ở vùng có nguy cơ bị triều cường xâm thực thuộc xã Phổ Thạnh, huyện Đức Phổ đóng cửa rời khỏi nhà - Ảnh: Võ Minh Huy
ImageView.aspx?ThumbnailID=372363
Tuyến đường Trần Hưng Đạo (TP.Quảng Ngãi) ngập nặng trong mưa bão chiều nay - Ảnh: Võ Minh Huy

Lúc 18g chiều nay 2-11, ghi nhận của phóng viên Tuổi Trẻ Online tại Quảng Ngãi cho thấy có gió giật mạnh lên cấp 7, cấp 8 có nơi trên cấp 9 kèm theo mưa lớn. Tại TP.Quảng Ngãi gió mạnh thổi liên hồi nên nhiều hộ gia đình đã đóng chặt cửa đề phòng gió lùa vào làm tốc mái nhà.

Cuối giờ chiều nay, ông Trương Ngọc Nhi, phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi, cho biết trong đêm nay, Quảng Ngãi sẽ tiếp tục huy động tối đa lực lượng triển khai di dời số dân còn lại đang nằm trong vùng nguy hiểm có nguy cơ sạt lở, triều cường đến nơi ở mới an toàn.

ImageView.aspx?ThumbnailID=372330
Neo đậu tàu thuyền ở bến Cổ Luỹ, xã Nghĩa An, huyện Tư Nghĩa (Quảng Ngãi) - Ảnh: Minh Thu

Cùng ngày, huyện đảo Lý Sơn gió giật cấp 8, cấp 9 kèm theo mưa to, do vậy Lý Sơn quyết định sơ tán 60 hộ dân với khoảng 250 nhân khẩu ở xóm Cồn, xóm Kiều Kiều dọc ven biển thôn Tây, xã An Vĩnh vào trú tạm xen ghép trong các hộ dân bên trong các khu dân cư và doanh trại quân đội trên địa bàn xã.  

Tính đến 16g cùng ngày, tỉnh Quảng Ngãi vẫn còn 199 tàu thuyền với 1.845 lao động vẫn còn hoạt động trên biển ở các khu vực: Vùng biển quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, vùng biển phía Bắc, phía Nam.

Trước đó, lúc 20g ngày 1-11, tại phao số 0 sông Gianh - Quảng Bình, tàu QNg 98125-TS có 9 lao động và tàu QNg 98125-TS có 4 lao động - đều của ông Phạm Thanh Sơn (SN 1969) ở xã Phổ Thạnh, huyện Đức Phổ (Quảng Ngãi) làm chủ tàu. Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Bình đã kịp thời điều động hai tàu Hải đội II ra ứng cứu đưa số ngư dân này vào bờ an toàn ngay trong đêm 1-11.

ImageView.aspx?ThumbnailID=372307

Ngư dân Đức Lợi (Quảng Ngãi) đưa thuyền vào nơi trú ẩn - Ảnh: V.Q. Cầu

Tại TP.HCM, lãnh đạo huyện Cần Giờ cho biết không tiến hành di dời dân ở xã đảo Thạnh An, do bão được dự báo suy yếu nhanh trên khu vực nam Tây nguyên nên ít có khả năng gây nguy hiểm tại khu vực TP.HCM.

* Đắc Lắc: hái cà phê chạy bão

Những ngày qua thông tin về cơn bão số 11 vào biển Đông với tốc độ đi nhanh và nhằm vào khu vực Nam Trung bộ và Tây nguyên đã làm cho người trồng cà phê vô cùng lo lắng. Người dân trồng cà phê đang tranh thủ hái những diện tích cà phê chín sớm trước khi cơn bão tới.

ImageView.aspx?ThumbnailID=372279

Người dân phường Tân Lợi, TP Buôn Ma Thuột thu hoạch cà phê (ảnh chụp lúc 17g ngày 1-1-2009) - Ảnh: Thái Bá Dũng

Dù cà phê chưa chín rộ nhưng người dân trồng cà phê trên địa bàn tỉnh Đắc Lắc đang khẩn trương thu hái số cà phê chín bói để chạy đua với bão. Tại các huyện Cư M’Nga, Krông Năng, nơi tập trung nhiều diện tích cà phê, nông dân cũng đang chạy đua từng phút để tận dụng số cà phê chín trước lúc cơn bão số 11 đổ vào.

* Nha Trang: lo bão và đi xem... bão

Trước những diễn biến phức tạp của cơn bão số 11, ngày 2-11, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Khánh Hòa đã tăng cường kíp trực 24/24 giờ nhằm theo dõi chặt chẽ diễn biến cũng như tình hình của cơn bão số 11, sẵn sàng đối phó khi có tình huống xảy ra.

Theo đó, Bộ chỉ huy quân sự tỉnh huy động một lực lượng hùng hậu gồm: 1.762 người (bộ đội tập trung và dân quân tự vệ); 15 chiếc tàu,xuồng, ca nô; 3 xe thiết giáp; 7 xe ô tô. Ngoài ra, các đơn vị của Bộ Quốc phòng, Quân khu 5 đóng trên địa bàn tỉnh cũng được huy động vào phòng chống lụt bão, giảm nhẹ thiên tai. Các lực lượng của Quân khu 5, Bộ Quốc phòng được huy động vào phòng chống cơn bão số 11 gồm: 1.230 người; 20 phương tiện tàu, thuyền các loại; 89 ô tô, xe thiết giáp, máy ủi, máy xúc, xe cẩu… sẵn sàng ứng phó khi có tình huống xảy ra.

Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa Võ Lâm Phi cũng đã chỉ đạo phương án xả lũ hợp lý ở các đập nước nhưu Đá Bàn, Suối Trầu… và chỉ đạo sơ tán, nghiêm cấm để dân lại trên các lồng bè nuôi trồng trên biển.

ImageView.aspx?ThumbnailID=372285

Người dân và du khách... đón bão - Ảnh: Khuê Việt Trường

ImageView.aspx?ThumbnailID=372394
Tại Quảng Trường 2/4 TP Nha Trang, người dân "háo hức" đón chờ bão đến bằng cách tụ tập lại thành từng nhóm nhỏ ngắm sóng biển và chụp hình lưu niệm - Ảnh do bạn đọc Trần Đăng cung cấp

Trong khi đó, vào buổi sáng, khi bão chỉ mới bắt đầu bằng những cơn mưa nhỏ, nhiều người dân Nha Trang đã rủ nhau ra biển xem... bão. Tại Quảng trường 2-4, không riêng người dân địa phương mà cả du khách cũng đứng ngắm nhìn sóng biển đang dâng cao, chụp ảnh kỷ niệm.

Nhóm phóng viên, cộng tác viên Tuổi Trẻ Online

Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn trung ương
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên