02/09/2009 08:37 GMT+7

Tết độc lập, nhớ Hoàng Sa

BÙI THANH
BÙI THANH

TT - Một ngày tháng giêng, chúng tôi tiếp một người đàn ông lớn tuổi đang công tác tại VTV phía Nam. Ông đến tòa soạn chỉ và chỉ vì một điều không bao giờ phai mờ trong tâm trí ông: Hoàng Sa! Là một hạ sĩ quan hải quân Sài Gòn và là nhân chứng trong trận hải chiến Hoàng Sa ngày 19-1-1974, ông đau đớn kể cho chúng tôi nghe những gì đã xảy ra 35 năm trước, khi hải quân Trung Quốc dùng vũ lực chiếm đoạt hoàn toàn quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.

Z7bCHR8W.jpgPhóng to
Các bạn trẻ TP.HCM đến với triển lãm Hoàng Sa - Trường Sa trong một cảm xúc đặc biệt - Ảnh: T.T.D.

Trao cho chúng tôi “hồi ký Hoàng Sa” được ông viết nắn nót trong một quyển vở học trò, rồi nghẹn ngào nói: “Tôi sợ các bạn trẻ quên nó, vì không biết và không nhớ gì về nó”.

Hẳn có rất nhiều người nặng lòng như ông, khi một mảnh giang sơn tuyệt đẹp giữa biển Đông đã bị cướp đoạt trắng trợn trong vòng chưa đầy một giờ và 35 năm qua vẫn thuộc về “kẻ lạ”. Nhưng trong suốt 35 năm đó, Hoàng Sa chưa bao giờ bị lãng quên trong lòng người Việt.

Cần phải nhấn mạnh là Hoàng Sa - một quần đảo thuộc chủ quyền của Việt Nam, đã bị hải quân Trung Quốc xâm chiếm bằng vũ lực. Họ đã ra tay vào những thời điểm đầy biến động lịch sử ở Việt Nam. Năm 1956, lợi dụng lúc quân Pháp đóng ở quần đảo Hoàng Sa đang rút lui (theo Hiệp định Genève) và quân đội Sài Gòn chưa kịp ra thay thế, Trung Quốc đã bất ngờ cho quân ra chiếm nhóm đảo phía đông. Đến tháng 1-1974, hải quân Trung Quốc đã huy động nhiều chiến hạm xâm chiếm nốt nhóm đảo phía tây, sau một trận hải chiến đẫm máu với hải quân Sài Gòn.

Một ngày tết độc lập, những ngày vui Quốc khánh sẽ không bao giờ trọn vẹn khi chúng ta nhớ rằng một phần giang sơn của cha ông chúng ta vẫn nằm trong tay người khác. Mất quần đảo Hoàng Sa, chúng ta mất một tiền đồn quan trọng của quốc gia, mất ngư trường giàu có, và đặc biệt chúng ta mất những nơi che chở an toàn cho ngư dân của chúng ta vào mùa dông bão...

Đã 35 năm rồi kể từ ngày ấy. Nhưng dù bao nhiêu năm đi nữa, trước sau chúng ta vẫn chỉ có một câu trả lời: Hoàng Sa là lãnh thổ của Việt Nam và nơi ấy mãi mãi là Tổ quốc chúng ta. Và chúng ta không bao giờ cho phép ai ngang nhiên đưa “lưỡi bò” vào biển Đông hòng thay đổi bản đồ Việt Nam!

DWit5po2.jpgPhóng to
Lễ tưởng niệm các liệt sĩ trên đảo Trường Sa Đông - Ảnh: L.Đ.Dục

Sắc đỏ của cờ đã bạc theo nắng gió đại dương, hơi muối biển mặn đã thấm vào từng thớ sợi khiến vải cờ khô cứng. Khi thượng tá Nguyễn Xuân Phùng, đảo trưởng đảo Trường Sa Lớn, thay mặt anh em chiến sĩ trên đảo trao cho anh Phan Văn Mãi, bí thư Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, lá cờ ấy và nghiêm chỉnh đưa tay chào theo điều lệnh - mở đầu cho đêm giao lưu giữa các chiến sĩ trên đảo và đại biểu của đoàn hành trình, nhiều đại biểu đã không nén nổi xúc động.

Càng xúc động hơn khi sau đó những công dân tí hon của Trường Sa đã đứng dưới cột mốc chủ quyền của đảo hát vang những bài ca thiếu nhi dành tặng đoàn hành trình. Trùng dương mênh mông nhưng đảo xa không bao giờ đơn lẻ, tiếng hát trẻ thơ và lá cờ kỷ vật ấy như một lời hứa với tiền nhân về sự tiếp nối bất tử của toàn vẹn chủ quyền!

Biểu tượng cụ thể nhất của chủ quyền đất nước chính là quốc kỳ. Để giữ vững chủ quyền lãnh hải Tổ quốc, nhiều người lính Trường Sa quấn lá cờ trước ngực, lấy thân mình làm trụ cờ trước khi trúng đạn, rồi lá cờ thấm đẫm máu người lính Việt, cuốn lấy hình hài anh gục xuống nền san hô giữa đại dương.

Đã có những người lính nhà giàn giữ thềm lục địa trước khi nhà đổ, phút cuối cùng biết không thể thắng được sức mạnh cuồng phong đã ôm lấy lá cờ Tổ quốc như ôm lấy chính hình hài đất nước và thanh thản chìm vào biển thẳm.

Những tòa nhà trên đảo chìm được xây theo hình tháp khối đa giác. Ngoài lá cờ trên nóc, những mặt tiền của tòa nhà đều được đúc hẳn lá cờ vào tường với ngôi sao vàng đắp nổi. Ở bất cứ phía nào từ biển, nhìn vào đảo chìm cũng thấy hình ảnh lá cờ nổi bật sắc đỏ thắm như một ấn chỉ thiêng liêng, như những câu thơ của Lý Thường Kiệt chúng tôi đã gặp ở khu dịch vụ hậu cần nghề cá của Tổng công ty Hải sản biển Đông trên đảo Đá Tây: Nam quốc sơn hà Nam đế cư...

Nước mắt trong lễ chào cờ...

Sáng 30-4-2009 sẽ là một ấn tượng khó phai với những thành viên của hành trình “Tuổi trẻ vì biển đảo quê hương”. Lễ mittinh và chào cờ kỷ niệm lễ chiến thắng 30-4 và Quốc tế lao động 1-5 diễn ra ngay trên hòn đảo mang tên người anh hùng Phan Vinh. Khi giai điệu bài Quốc ca vừa cất lên, bạn Tạ Thị Mỹ Hòa, đại biểu đến từ Phú Yên, bật khóc, chúng tôi nhìn xung quanh, nước mắt trào ra nóng bỏng trên gương mặt nhiều bạn trẻ.

Đã có hàng trăm lễ chào cờ trong đời mỗi người, từ lúc còn mang khăn quàng đỏ ở sân trường, trong hội trường, nơi công sở cơ quan... nhưng chỉ ở đây, giữa sóng gió trùng dương này, Tổ quốc hiện thân trên sắc cờ đỏ vừa thiêng liêng vừa dạt dào xúc cảm. Chắc chắn một điều không phải ai cũng có cơ hội được chào cờ vào một thời điểm thiêng liêng như thế này ở Trường Sa. Và những ngày sau đó, khi Quốc ca cất lên ở các buổi lễ tưởng niệm, dù ở trên các đảo hay trên boong tàu giữa thềm lục địa, chúng tôi đã thấy những giọt nước mắt cảm kích xúc động lăn trên gương mặt những bạn trẻ tham gia hành trình.

Cũng chính vì thế mà đại tá Đinh Gia Thật - phó chủ nhiệm chính trị Quân chủng Hải quân, trưởng đoàn công tác - phát biểu tại lễ mittinh ở đảo Phan Vinh đã nhấn mạnh: “Đây là một buổi lễ đặc biệt, ở một địa điểm đặc biệt, trong một thời khắc đặc biệt với những cảm xúc đặc biệt”.

Cảm xúc ấy càng dâng trào khi tất cả anh em chiến sĩ trên đảo cũng như các thành viên trong đoàn được nghe đại tá Đinh Gia Thật dẫn lại phát biểu của nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh (lúc ấy là bộ trưởng quốc phòng) tham dự lễ mittinh kỷ niệm 33 năm thành lập Hải quân nhân dân Việt Nam trên đảo Trường Sa vào ngày 7-5-1988: “Chúng ta xin thề trước hương hồn của tổ tiên, trước hương hồn của cán bộ chiến sĩ đã hi sinh vì Tổ quốc, xin hứa với đồng bào cả nước, xin nhắn nhủ với các thế hệ mai sau quyết tâm bảo vệ bằng được Tổ quốc thân yêu của chúng ta, bảo vệ bằng được quần đảo Trường Sa - một phần lãnh thổ và lãnh hải thiêng liêng của Tổ quốc”.

Lời hứa ấy đã được những người lính ở Trường Sa giữ vẹn với tiền nhân bằng chính sinh mạng của mình. Nấm mộ của ba liệt sĩ trên đảo Trường Sa Đông nằm gối đầu lên bãi đá san hô, ngay hàng thẳng lối như đội hình một tổ chiến đấu. Hình như ngay cả khi đã hi sinh các anh vẫn muốn ở trong đội hình cùng đồng đội ngày đêm gìn giữ chủ quyền đất nước. Khi tất cả chúng tôi làm lễ dâng hương tưởng niệm ở đó, trên bia mộ các anh hình ảnh lá cờ Tổ quốc cũng được khắc trên tấm bia mộ bằng đá hoa cương đen, một ngôi sao vàng nội tiếp trong một hình tròn nền đỏ.

0IfbdKoi.jpgPhóng to
Trung tá Phạm Văn Hưng, thuyền trưởng tàu HQ957, trao tặng lá cờ đã đi suốt một hành trình “Tuổi trẻ vì biển đảo quê hương” cho đại diện báo Tuổi Trẻ - Ảnh: L.Đ.Dục

Và lá cờ can trường trong bão tố...

Còn một lá cờ nữa cũng được những thành viên của báo Tuổi Trẻ tham gia đoàn hành trình vinh dự mang về. Buổi sáng 25-4, trước khi con tàu HQ957 rời bến ra Trường Sa, chúng tôi đã đưa ống kính máy ảnh hướng lên cột cờ để thu vào hình ảnh lá cờ Tổ quốc với màu đỏ son tươi kiêu hãnh bay tung trong nắng sớm.

Và suốt dọc hành trình, mỗi sớm mai thức dậy chúng tôi đều nhìn lên đỉnh cột của tàu, lá cờ vẫn tung bay phấp phới. Trên mênh mông biển cả, có khi cả ngày hành trình không thấy bóng một con tàu nào trong tầm mắt, nhìn lên lá cờ thấy tin yêu hơn bởi Tổ quốc đang hiện thân ở đó.

Cho đến bình minh của một ngày đầu tháng 5, sau khi con tàu đưa đoàn hành trình thoát khỏi vùng ảnh hưởng của cơn bão số 1, chúng tôi lại nhìn lên cột cờ và nhận ra lá cờ Tổ quốc thắm đỏ tinh khôi hôm xuất hành, chỉ sau hơn mười ngày, và nhất là sau những ngày chạm trán cùng bão tố, đã bị rách tướp một phần, sắc cờ đã phai đi nhưng ngôi sao vàng vẫn phần phật kiêu hãnh bay trong gió.

Và thật vinh dự cho những người làm báo Tuổi Trẻ chúng tôi khi đại tá Đinh Gia Thật, trưởng đoàn hành trình “Tuổi trẻ vì biển đảo quê hương” cùng với thuyền trưởng tàu HQ957, trung tá Phạm Văn Hưng quyết định trao tặng lá cờ đã đi suốt hành trình hơn 1.200 hải lý ấy cho báo Tuổi Trẻ. Đêm 6-5, trong buổi lễ tổng kết chuyến đi (chuyến đi đầu tiên mở màn cho những hành trình tương tự từ nay về sau sẽ diễn ra hằng năm), lá cờ đồng hành với hành trình thiêng liêng của tuổi trẻ Việt Nam ra với biển đảo quê hương trên đỉnh cột đã được thay mới. Và lá cờ đầy thương tích của con tàu trải qua một hành trình trong bão tố cuồng phong đã được anh em cán bộ chiến sĩ trên tàu HQ957 cẩn trọng gấp lại, trao cho đại diện báo Tuổi Trẻ như một gửi gắm tin yêu và hi vọng...

dTxRNhuR.jpgPhóng to

Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết tưới nước cho cây bàng vuông do quân dân huyện đảo Trường Sa gửi tặng TP.HCM tại khu công viên Lịch sử - văn hóa dân tộc, Q.9, TP.HCM - Ảnh: Mai Vinh
Đặt đá chủ quyền Trường Sa tại TP.HCM

Hôm qua 1-9, UBND TP.HCM đã tổ chức lễ trồng cây và đặt đá chủ quyền Trường Sa tại công viên Lịch sử - văn hóa dân tộc (Q.9). Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, Bí thư Thành ủy Lê Thanh Hải và Chủ tịch UBND TP.HCM Lê Hoàng Quân đã đến dự.

Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết cùng đoàn lãnh đạo TP đã dâng hương tưởng niệm các vua Hùng tại chánh điện đền Hùng. Tiếp đó, phó đô đốc hải quân Trần Thanh Huyền trao tượng trưng đá chủ quyền Trường Sa, cây bàng và ảnh lưu niệm cho Chủ tịch UBND TP.HCM Lê Hoàng Quân. 33 hòn đá tượng trưng cho 33 cột mốc chủ quyền quốc gia ở quần đảo Trường Sa cùng 33 cây bàng vuông là món quà của quân dân huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa gửi tặng.

Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết cùng lãnh đạo TP.HCM đã trồng các cây bàng trong khuôn viên công viên Lịch sử - văn hóa dân tộc.

VN trình bày báo cáo ranh giới ngoài thềm lục địa

Tin từ Bộ Ngoại giao VN cho hay VN đã trình bày báo cáo quốc gia xác định ranh giới thềm lục địa vượt quá 200 hải lý tại khu vực phía bắc biển Đông trước phiên họp toàn thể lần thứ 24 của Ủy ban Ranh giới thềm lục địa của Liên Hiệp Quốc trong hai ngày 27 và 28-8 tại New York (Mỹ).

Cũng tại phiên họp này, đại diện chính phủ hai nước Việt Nam và Malaysia đã trình bày báo cáo chung Việt Nam - Malaysia về ranh giới thềm lục địa vượt quá 200 hải lý ở khu vực phía nam biển Đông.

Trưởng đoàn VN khẳng định việc xây dựng và đệ trình báo cáo của VN lên Ủy ban Ranh giới thềm lục địa của Liên Hiệp Quốc là phù hợp với Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật biển năm 1982, không ảnh hưởng đến vấn đề phân định biển và lập trường của các nước liên quan đến tranh chấp về lãnh thổ và biển, khẳng định chủ quyền VN đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa và chủ trương giải quyết mọi bất đồng liên quan đến biển Đông thông qua thương lượng hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước 1982 và Tuyên bố về ứng xử trên biển Đông (DOC).

GSjIIXbu.jpgPhóng to

Dưới triều Nguyễn, quần đảo Hoàng Sa thuộc phủ Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Nam. Năm 1938, thuộc tỉnh Thừa Thiên.

Ngày 13-7-1961, tổng thống chính quyền Sài Gòn ra sắc lệnh số 174 - NV quyết định đặt quần đảo Hoàng Sa thành một đơn vị hành chính gọi là xã Định Hải, thuộc quận Hòa Vang, tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng.

Năm 1982, huyện đảo Hoàng Sa thuộc tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng. Năm 1997, tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng chia tách theo nghị định số 07/CP ngày 23-1-1997 của Chính phủ, Hoàng Sa trở thành huyện đảo của TP Đà Nẵng.

Hiện cơ quan thường trú của UBND huyện đảo Hoàng Sa đặt tại 132 Yên Bái, TP Đà Nẵng. Từ ngày 25-4-2009, UBND TP Đà Nẵng đã bổ nhiệm ông Đặng Công Ngữ - giám đốc Sở Nội vụ - kiêm giữ chức chủ tịch UBND huyện đảo Hoàng Sa.

BÙI THANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên