02/11/2008 07:19 GMT+7

Lời cảnh báo của trời xanh

NGUYỄN QUANG THIỀU
NGUYỄN QUANG THIỀU

TT - Chúng ta đã và đang chứng kiến nạn phá rừng, phá núi đồi, lấp ao hồ, gây ô nhiễm môi trường... Chúng ta đang sống vô cảm với thiên nhiên và vô trách nhiệm với mảnh đất của mình thì một cơn mưa nhấn chìm chúng ta đâu phải là chuyện hoang đường. Trận mưa này là một ví dụ nhỏ, hay nói đúng hơn, nó là một lời cảnh báo của trời xanh đối với con người.

10 năm trước, tôi viết và xuất bản tập thơ Bài ca những con chim đêm. Trong tập thơ này có trường ca Nhân chứng của một cái chết. Trường ca chỉ kể câu chuyện về thị xã Hà Đông bị một cơn mưa chứa nước của một trăm năm đổ xuống nhấn chìm toàn bộ. Không ít người xem câu chuyện này là giả tưởng của một nhà thơ với sự lãng mạn điên rồ. Nhưng 10 năm sau câu chuyện ấy đã bắt đầu chứng minh một phần sự thật của nó.

Tôi đã sống ở Hà Đông mấy chục năm, nhưng đây là lần đầu tiên tôi chứng kiến nơi này ngập trong nước như vậy. Đêm 31-10, một số bạn bè tôi như nhà thơ Dương Kiều Minh, nhà thơ - đạo diễn Lương Tự Đức, họa sĩ A Sáng đến nhà tôi trong một đêm mưa gió và Hà Đông ngập phủ bóng tối vì mất điện từ đêm hôm trước. Họa sĩ người Tày A Sáng nói rằng anh mang cảm giác về một thành phố chết trong nước khi lội gần 1km trong đêm đến nhà tôi. Và một cảm giác sợ hãi đã đe dọa anh cho đến tận bây giờ.

Chúng tôi đốt nến và nói với nhau về trận mưa, về những gì đang đe dọa và sẽ xảy ra với con người trong đời sống này.

Cảnh chúng tôi ngồi trong nến nói chuyện với nhiều lo âu và cả sợ hãi lại là cảnh trong trường ca tôi viết 10 năm trước. Trong trường ca, tôi có viết về những con cá bơi trong những vòm cây mọc bên những bờ sông. Bây giờ, những lùm cây thấp trong công viên bên cạnh sông Nhuệ đã chìm trong nước. Một số người dân mang lưới, vợt đi bắt cá bơi quanh những lùm cây đó. Tôi cũng viết về một nhà hát của thị xã bị ngập nước. Bây giờ, nhà văn hóa trung tâm, nơi duy nhất để diễn những vở kịch và các đêm ca nhạc, nước đã ngập đến bậc thềm cuối cùng.

Mấy năm trước, khi còn sống, cha tôi đã thường xuyên giục mấy anh em tôi xây một ngôi nhà hai tầng ở quê. Ông nói để chạy nước và nếu có chuyện gì ở thành phố thì đưa nhau về quê ở. Sáng sớm hôm sau, tiến sĩ Nguyễn Thị Minh Thái sau khi xem tivi về trận mưa đã gọi điện cho tôi, bà nói bà đang nhớ lại trường ca của tôi viết về một trận mưa kỳ dị ở thị xã Hà Đông. Bà gọi tôi là nhà tiên tri gặp may của Hà Đông. Tất nhiên là bà đùa. Tôi chỉ là một nhà thơ, nhà báo và dự báo về điều này. Ai cũng có thể dự báo như tôi, bởi chúng ta có quá nhiều dữ liệu để dự báo những gì sẽ xảy ra trong tương lai.

Chúng ta đã và đang chứng kiến nạn phá rừng, phá núi đồi, lấp ao hồ, gây ô nhiễm môi trường... Chúng ta đang sống vô cảm với thiên nhiên và vô trách nhiệm với mảnh đất của mình thì một cơn mưa nhấn chìm chúng ta đâu phải là chuyện hoang đường.

Trận mưa này là một ví dụ nhỏ, hay nói đúng hơn, nó là một lời cảnh báo của trời xanh đối với con người.

CWt0DmDX.jpgPhóng to
Chuyện chưa từng có trong lịch sử Hà Nội: người dân cất vó bắt cá ngay trên đường Nguyên Hồng! - Ảnh: Minh Quang
TT - Hôm qua (1-11) là ngày thứ hai Hà Nội bị nhấn chìm trong biển nước. Rất nhiều tuyến đường tiếp tục bị ngập với mực nước sâu hơn ngày hôm trước. Nhiều khu dân cư trở thành “ốc đảo”. Người dân thủ đô thật sự khốn khổ vì giao thông ách tắc, giá cả tăng vọt...

Khốn đốn vì phố ngập, nhà ngập

Đêm 31-10 và sáng 1-11, mưa lớn kéo dài tiếp tục xối xả nước xuống toàn thành phố. Tại khu tập thể phường Đức Giang (quận Long Biên), chỉ trong vòng hơn một giờ, mực nước đã dâng cao gần 1m, nước dâng lên mặt ngõ, tràn vào trong nhà khiến nhiều hộ gia đình không kịp chạy, vô số tài sản bị nước làm ướt, hư hỏng. Tại quận Cầu Giấy, anh Nguyễn Đình Thông, công nhân Xí nghiệp số 2 Công ty Thoát nước Hà Nội, cho biết nước tại đường Trần Bình ngập cao hơn hôm trước, có đoạn hơn 1m. Đường Trần Bình vào Bệnh viện 19-8 (Bộ Công an) ngập gần 1m trong một đoạn dài khoảng 400m, giao thông tê liệt hoàn toàn.

Người dân ở quận Ba Đình lâm vào cảnh khốn đốn. Khu tập thể B4 Thành Công (quận Ba Đình) là điểm ngập nặng nhất ở nội thành Hà Nội. Tổ trưởng tổ dân phố 25 Nguyễn Đức Khang cho biết nước lụt lên nhanh từ đêm 31-10, có điểm trong khu vực nước ngập sâu trên 1m và đến trưa 1-11 vẫn chưa có dấu hiệu rút. Toàn bộ 12 hộ dân thuộc tầng 1 nhà B4 bị ngập nặng phải di chuyển chỗ ở lên Nhà văn hóa phường Thành Công. Vật dụng gia đình gồm giường, tủ, tivi, tủ lạnh... đều bị ngập, không kịp di dời.

Đến chiều qua, nhiều khu vực dân cư dọc đường Trần Duy Hưng vẫn còn ngập nặng. Những nhà cao tầng chuyển mọi sinh hoạt lên tầng trên. Với những nhà cấp 4, cửa hiệu đều khóa cửa đi sơ tán khi giường tủ, chăn gối, bàn ghế… nổi lềnh bềnh giữa lưng chừng nhà. Nước ngập từ đường đến ngõ, tràn từ sân vào nhà khiến mọi sinh hoạt của người dân đảo lộn. Ngán ngẩm nhìn căn phòng tầng 1 đã ngập hơn 40cm, ông Hoàng Văn Thắng (nhà số 3, ngõ 120 Trần Duy Hưng) cho biết những năm trước mưa to nhất cũng chỉ ngập đến sân, nhưng năm nay nước tràn vào nhà nhanh nên không kịp trở tay. Những người dân khác trong khu vực này đều bị đảo lộn sinh hoạt khi không thể đi lại vì nước ngập, phương tiện đi lại không sử dụng được. Dãy nhà trọ sinh viên bên cạnh nhà ông Thắng còn ảm đạm hơn khi toàn bộ sáu phòng trọ đều ngập đến quá nửa phòng. Xe máy, xe đạp dựng trước sân đều chìm trong màu nước đục vàng khè.

Chia nhau những giọt nước đã cạn kiệt

uAcH9VBv.jpgPhóng to
Gia đình anh Vũ Đức Hải (B4 Thành Công) chỉ còn biết ngồi bó gối nhìn nước rút - Ảnh: Minh Quang
Tại làng Phú Đô (huyện Từ Liêm), nhiều nơi bị ngập nước khiến người dân có nhà thấp phải di tản bằng thuyền đến ở nhờ những nhà cao hơn. Chị Hoàng Bằng Giang (xóm 2, Phú Đô) cho biết do nước ngập trong nhà gần 1m, xung quanh bị cô lập nên hai vợ chồng cùng con trai 9 tháng tuổi phải di tản lên nhà em gái ở Khương Thượng tá túc chờ nước rút. Vượt qua được đoạn đường ngập nước từ nhà ra đường Láng - Hòa Lạc, chị thuê taxi 350.000 đồng cho quãng đường hơn 10km nhưng phải mất ba giờ sau taxi mới đến được nhà người em gái.

Trên địa bàn TP Hà Đông, nhiều khu vực như phường Hà Cầu, La Khê, Bà Triệu hoàn toàn bị cô lập. Sáng 1-11, khu Hà Trì II (phường Hà Cầu) - nơi bị ngập nặng nhất mấy ngày qua - đã hoàn toàn chìm trong nước, có nơi ngập sâu tới 1,5m. Nhà anh Đặng Minh Vệ phải dọn sang hàng xóm ở nhờ hai ngày nay. “Thực phẩm và nước uống đã cạn kiệt” - anh Vệ nói. Tình cảnh người dân ở các khu vực khác như phường La Khê, phường Bà Triệu cũng không khá hơn. Nước lớn dâng cao khiến nhiều hộ dân đang sống trong cảnh thiếu ăn và thiếu nước uống. Nhà chị Nguyễn Thị Đào (phường La Khê) phải dùng tới những gói mì tôm cuối cùng. Khổ nhất là nhiều xóm trọ HS-SV nằm trong những khu vực trên. Tại khu Hà Trì II, nhiều xóm trọ phải chia nhau những giọt nước đã cạn kiệt.

Trước đó, mưa lớn kéo dài khiến toàn bộ tầng 1 của Bệnh viện Đống Đa ngập sâu trong biển nước từ 31-10. Bệnh viện đã di chuyển toàn bộ bệnh nhân, trang thiết bị y tế lên tầng 2, trừ một máy X-quang chạy lụt bằng cách kê lên cao. Trong ngày 1-11, những bệnh nhân mà người nhà không vào chăm được, bệnh viện đã tổ chức cung cấp suất ăn tại bệnh viện.

Phố thành nơi đánh bắt cá!

Nước mương và hồ Thành Công dâng lên ngập phần lớn mặt đường Nguyên Hồng, không thể phân biệt đường đi và mặt hồ. Các loại cá từ hồ và mương thoát ra mặt đường nên nhiều người dân mang vó, nơm ra đường để đánh bắt cá. Toàn bộ khu vực đường Huỳnh Thúc Kháng, Nguyên Hồng, Láng Hạ biến thành sông với đủ loại tôm cá tung tăng trên đường.

Toàn bộ các xã Mễ Trì, Mỹ Đình, Phú Đô thuộc huyện Từ Liêm chìm trong bể nước. Khu vực Kim Giang đường Lương Thế Vinh cũng ngập lụt tương tự. Ở tổ dân phố số 4 Lương Thế Vinh hầu như nhà nào cũng bị ngập tầng 1 từ 30-40cm nên mọi sinh hoạt đều phải chuyển lên tầng trên. Riêng bà cụ bán quán nước ở đầu ngõ có niềm vui là bắt cá trong ngôi nhà bị ngập nước. Khoe túi cá mè vừa bắt được trong nhà, bà cụ nói vui: “Giờ nghỉ bán hàng nhưng lại có cá ăn, nhà ngập thì chuyển lên gác xép ngủ nên cũng chưa bị ảnh hưởng gì nhiều”.

Trên tuyến đường Huỳnh Thúc Kháng, nhiều người mang lưới, nơm ra bắt cá từ các ao hồ bị ngập tràn lên bờ.

Ước tính thiệt hại do trận ngập lụt lịch sử này tại Hà Nội đến nay lên đến khoảng 3.000 tỉ đồng, khoảng 10.000 nhà dân bị ngập...

Nước lớn đe dọa nhiều tuyến đê

Nước sông Nhuệ đến sáng 1-11 cao hơn mực nước trong đê nên khả năng tiêu úng, bơm nước ra sông không được thực hiện nhằm đảm bảo an toàn cho đê sông Nhuệ. Mưa lớn cũng khiến nhiều tuyến đê cấp 4 tại địa phương bị tràn và sạt lở. Tuyến đê hữu sông Hồng (huyện Đan Phượng) đã bị sạt tại kè Liên Trì. Tại huyện Phúc Thọ, tuyến đê hữu sông Đáy phía thượng lưu cũng bị sạt mái đê dài 63m, sâu 1m, rộng 7m. Đê tả sông Đáy thuộc huyện Ứng Hòa có tám điểm phía thượng lưu thuộc các xã Sơn Công, thị trấn Vân Đình, xã Vạn Thái, Hào Nam, Phù Lưu, Đội Bình bị sạt lở, trong đó xã Vạn Thái bị sạt hai điểm dài 13-19m, sâu 2,2m, rộng 2m. Tại huyện Mê Linh, đê tả sông Hồng bị sạt ba điểm. Đê tả sông Mỹ Hà (huyện Mỹ Đức) mực nước dâng cao do ảnh hưởng của lũ rừng ngang nên đã làm tràn bờ dài 200m, tràn sâu 0,3m, hiện địa phương đang xử lý chống tràn bằng bao tải đất. Tuyến đê sông Nhuệ thuộc huyện Phú Xuyên bị sạt 40m ở hai đoạn thuộc địa phận xã Phú Yên.

______________

Ít nhất 18 người đã thiệt mạng

Theo báo cáo chưa đầy đủ, mưa lớn trên địa bàn Hà Nội đã làm 18 người chết và mất tích, trong đó 6 người chết do bị nước cuốn, 2 người chết do bị sét đánh, 4 người chết đuối, 4 người chết do điện giật, 2 người chết trong ôtô.

Thương tâm nhất là các trường hợp em Phạm Văn Hai và Nguyễn Kim Mạnh, học sinh Trường THCS Mê Linh (huyện Mê Linh), trên đường đi học về đã bị nước cuốn trôi và chết đuối. Em Nguyễn Văn Xuân, 15 tuổi, học sinh Trường THCS Xuân Mai A (thị trấn Xuân Mai), trên đường đi học về qua đập tràn khu Chiến Thắng cũng bị nước cuốn trôi và đã tìm thấy thi thể. Em Trần Tú Quyên, học sinh lớp 7A Trường THCS Bế Văn Đàn (quận Đống Đa), trên đường đi học đã lọt xuống cửa cống thoát nước đường Hồ Đắc Di - Đặng Văn Ngữ bị cuốn trôi, hiện chưa tìm thấy thi thể.

Tại huyện Chương Mỹ, Nguyễn Văn Tuyên - 18 tuổi, sinh viên Trường CĐ Cộng đồng - trên đường đi từ trường về nhà đến khu vực núi Thoong, gần suối Phai Vàng, xã Tân Tiến đã bị nước cuốn trôi, chưa tìm thấy thi thể. Tại trạm bơm tưới tiêu thôn Tân Thôn, xã Phú Nam An (huyện Chương Mỹ) có ba người trong khi đang tháo môtơ để vận chuyển, do sơ suất bị điện giật chết. Có hai người thiệt mạng trong ôtô được phát hiện vào sáng 1-11 trên đường Lê Trọng Tấn (phường Khương Mai, quận Thanh Xuân). Một số người dân quanh khu vực cho biết họ phát hiện hai người đàn ông này nằm gục trong xe ngập nước mấp mé ngang thân người. Xe này đã bị ngập nước từ đêm 31-10. Theo người dân, có thể hai người đàn ông đã chết ngạt trong khi ngủ do kéo cửa kính lên.

______________

Năm ngày nữa Hà Nội mới thoát ngập

* Theo báo cáo của Công ty Thoát nước Hà Nội, sau hơn một ngày mưa liên tục, mực nước tại các sông, mương, hồ đều ở mức rất cao, không còn khả năng điều hòa nên việc thoát nước trên toàn địa bàn Hà Nội phụ thuộc hoàn toàn vào trạm bơm Yên Sở với công suất 45m3/giây. Đến chiều 1-11, do vẫn tiếp tục mưa lớn nên mực nước tại kênh đã dâng lên 5,6m, cao hơn cả sàn máy bơm. Hiện trạm bơm vẫn tiếp tục hoạt động hết công suất với 11/11 tổ máy để đưa nước ra sông Hồng. Đến chiều tối 1-11, mưa ngớt dần, lượng nước ứ đọng trên toàn TP đang dồn dần về khu vực trạm bơm Yên Sở, giao thông tại một số điểm úng ngập cục bộ ở khu vực phía bắc TP đã trở lại bình thường.

Ông Nguyễn Anh Tú, phòng tổ chức hành chính Công ty Thoát nước Hà Nội, cho biết do lượng mưa lớn, với công suất hiện có của trạm bơm Yên Sở, dự kiến 4-5 ngày nữa Hà Nội mới hết điểm úng ngập nếu trời không mưa tiếp.

* Theo dự báo của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn trung ương, ở phía bắc có một bộ phận không khí lạnh đang di chuyển xuống phía nam. Từ chiều và đêm 2-11, bộ phận không khí lạnh này sẽ tiếp tục gây mưa vừa đến mưa to, có nơi mưa rất to ở các tỉnh Bắc bộ và Bắc Trung bộ.

Mặc dù các bản tin dự báo trước khi xảy ra đợt mưa này của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn trung ương nhận định Hà Nội xảy ra mưa rào và dông nhưng trận mưa này thực tế lớn hơn dự báo về lượng mưa cũng như thời gian mưa. Trận mưa ngày 31-10 và 1-11 đo được 420mm, trong khi đợt mưa năm 1984 chỉ 394mm. Một cán bộ trung tâm này cho rằng dự báo chỉ có thể đúng 80% vì so với dự báo còn có nhiều yếu tố khác tác động đến khả năng gây mưa. Tuy nhiên, trận mưa này được xem là bất thường, hiếm xảy ra vào thời điểm này tại khu vực Hà Nội. Nguyên nhân chính gây mưa lớn là do tác động hội tụ của đới gió đông nam phát triển từ tầng thấp lên trên 5.000m.

................................................

ynzcU7x3.jpgPhóng to
Xếp hàng mua thực phẩm tại một quầy hàng gần chợ Hà Đông - Ảnh: Đ.T.
TT - Đến chiều 1-11, mưa lớn tiếp tục xả xuống khiến sinh hoạt của người dân thủ đô vô cùng khó khăn. Vô số hàng quán và chợ đóng cửa vì mọi ngả đường đều bị nước ngập. Nguồn rau xanh và thực phẩm cung ứng cho nội thành Hà Nội đều không chuyển vào được. Giá cả các mặt hàng vì thế tăng chóng mặt.

Trưa 1-11, theo ghi nhận của Tuổi Trẻ, tại chợ 8-3 (quận Hai Bà Trưng) chỉ có hai hàng thịt, một quầy gạo và một hàng rau muống mở cửa. Giá thịt heo tăng 20.000-30.000 đồng/kg, giá gạo tăng 2.000 đồng/kg, giá rau muống tăng từ 5.000 đồng/mớ lên 25.000-30.000 đồng/mớ. Tại chợ Thành Công (quận Ba Đình), rau muống 30.000 đồng/mớ, cải bắp 30.000 đồng/kg, su hào 25.000 đồng/hai củ, cá thu 150.000 đồng/kg, thịt đắt gấp đôi, gấp ba ngày thường nhưng đến 10g sáng chợ đã “cháy” hàng do nhu cầu mua đồ ăn quá đông. Tại chợ Nhà Xanh (phường Dịch Vọng Hậu, Cầu Giấy), giá rau quả, thịt đều tăng 2-3 lần so với ngày thường.

Trên đường Huỳnh Thúc Kháng, một số người dân sử dụng thuyền làm dịch vụ đưa người qua đoạn đường ngập, giá từ ngã tư Đài truyền hình Hà Nội đến ngã tư Nguyễn Chí Thanh là 20.000 đồng. Trước cửa cây xăng Mai Dịch, ngã ba Mai Dịch - Lê Đức Thọ, do mất điện không bán nên nhiều người dân mang các cây xăng mini ra đường bán với giá 20.000-30.000 đồng/lít xăng.

Do ngập lụt và bị cô lập giao thông, các chợ lớn và chợ tạm tại TP Hà Đông ngừng họp, các quán hàng đóng cửa dẫn đến việc thực phẩm khan hiếm và giá tăng vọt. Tại chợ Hà Đông và một số quán hàng ở khu Hà Trì và La Khê, những mặt hàng như bánh mì, mì tôm, nước suối đóng chai đều tăng 30-50%. Cá biệt, tại Hà Trì II, giá mì tôm tăng từ 2.500 đồng lên tới 5.000 đồng, bánh mì ruốc giá 2.000 đồng lên 4.000 đồng. Nhiều người dân đội mưa, lội nước xếp hàng chờ mua cũng không có.

Theo báo cáo nhanh của Văn phòng Chính phủ vào chiều 1-11, Ban Chỉ đạo phòng chống lụt bão trung ương và Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn đã có công điện khẩn gửi các tỉnh phía Bắc và các bộ liên quan thông báo diễn biến mưa lũ và chỉ đạo các biện pháp chủ động đối phó.

Sau khi mưa lớn xảy ra gây thiệt hại về người và tài sản trên địa bàn, Ban chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn TP Hà Nội đã có công điện gửi các quận, huyện, các công ty thủy lợi triển khai biện pháp khắc phục tình hình mưa, ngập.

...............................................

UVK3awCW.jpgPhóng to

Những “cây xăng di động” tràn ra đường - Ảnh: Minh Quang

Q2MqNDYY.jpg

Dịch vụ vận chuyển người và xe bằng bè tự tạo trên phố Nguyễn Chí Thanh - Ảnh: Đăng Khoa

akejwRen.jpg

Thuyền chở người qua lại trên “đường sông” Huỳnh Thúc Kháng - Ảnh: Minh Quang

NFxmI24W.jpg

Ngập lụt tại Bệnh viện Đống Đa, bệnh nhân đầy lo âu - Ảnh: Việt Dũng

8W3bYmZU.jpg

Cây đổ đè lên ôtô trên đường Nguyễn Hữu Huân - Ảnh: Trọng Phú

dCbiHG7P.jpg

Người dân tầng 1 nhà B4 Thành Công di tản lên nhà văn hóa để tránh lụt - Ảnh: Minh Quang

NGUYỄN QUANG THIỀU
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên