21/06/2008 08:02 GMT+7

Công đoàn có dám lãnh đạo đình công?

TRUNG CƯỜNG - NGUYỄN TRIỀU
TRUNG CƯỜNG - NGUYỄN TRIỀU

TT - Câu hỏi bức xúc này được đặt ra trong cuộc làm việc về thực trạng, nguyên nhân và ý kiến về giải pháp giải quyết đình công. Đây là cuộc làm việc giữa đoàn khảo sát của Ủy ban các vấn đề xã hội Quốc hội với lãnh đạo UBND TP.HCM cùng đại diện doanh nghiệp ở Khu chế xuất Tân Thuận và Khu công nghiệp Tân Tạo ngày 20-6.

AhUlVjGz.jpgPhóng to
Đình công ở Công ty TNHH giày da Huê Phong tại P.12, Q.Gò Vấp, TP.HCM (ảnh chụp ngày 14-3-2008) - Ảnh: MINH ĐỨC
TT - Câu hỏi bức xúc này được đặt ra trong cuộc làm việc về thực trạng, nguyên nhân và ý kiến về giải pháp giải quyết đình công. Đây là cuộc làm việc giữa đoàn khảo sát của Ủy ban các vấn đề xã hội Quốc hội với lãnh đạo UBND TP.HCM cùng đại diện doanh nghiệp ở Khu chế xuất Tân Thuận và Khu công nghiệp Tân Tạo ngày 20-6.

Theo ông Nguyễn Văn Bé - bí thư Khu chế xuất Tân Thuận, nguyên nhân trực tiếp dẫn đến đình công là do giá cả đời sống ngày càng tăng trong khi lương công nhân (CN) không tăng. Mức thu nhập không đủ sống nên CN tự phát đình công, yêu cầu doanh nghiệp (DN) tăng lương. Ngoài ra, còn có công ty chưa thực hiện tốt chính sách cho người lao động như tăng ca quá mức, dùng hình phạt...

Vai trò công đoàn quá yếu kém

Vấn đề công đoàn (CĐ) đóng vai trò như thế nào trong các cuộc đình công cũng được các đại biểu thảo luận kỹ. "CĐ có chức danh để làm gì khi không có tiền bạc, phương tiện để hoạt động và làm sao bảo vệ được quyền lợi CN?" - ông Bé đặt câu hỏi khá bức xúc. Theo ông Bé, nhiều chủ tịch CĐ, ban chấp hành CĐ chỉ "có mặt" trên giấy tờ. Khi đình công xảy ra, CN không biết phản ảnh bức xúc cho ai, và trong thực tế không có cuộc đình công nào do CĐ lãnh đạo. Đồng tình với ý kiến này, ông Lê Quang Nhật - đại diện Liên đoàn Lao động TP.HCM - nói khi hỏi CN vì sao đình công và có biết thiệt hại khi đình công trái pháp luật hay không thì hầu như không ai biết. Từ đó, ông Nhật cho rằng CĐ chưa tuyên truyền kiến thức pháp luật lao động cho CN.

"Tôi không biết CĐ đang đứng về giới chủ hay đứng ra bảo vệ quyền lợi của CN?" - bà Trương Thị Mai, chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội Quốc hội, đặt câu hỏi. "Nếu có thể diễn ra một cuộc đình công hợp pháp, đúng trình tự, cán bộ CĐ có dám lãnh đạo CN đình công không?", câu hỏi này cũng được bà Trương Thị Mai đặt ra đối với ông Trương Lâm Danh - phó chủ tịch Liên đoàn Lao động TP. Ông Danh nhìn nhận: "Nói thật với các đồng chí, đây là điều không tưởng". Theo ông Danh, trong bối cảnh cán bộ làm công tác CĐ cấp cơ sở hưởng lương từ DN như hiện nay thì không ai đủ can đảm đánh đổi "nồi cơm" của mình để bênh vực người khác.

Ông Đặng Như Lợi - phó chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội Quốc hội - cho biết qua đợt khảo sát tại Bình Dương, Đồng Nai và TP.HCM chưa thấy có một cán bộ CĐ nào do chính người lao động bầu lên và đứng ra ủng hộ họ khi có tranh chấp lao động. Chính vì CĐ cơ sở không thể hiện được vai trò đại diện, thủ lĩnh của mình nên khi có tranh chấp lao động CN không gửi gắm ý nguyện của mình cho CĐ mà chọn giải pháp đình công không đúng trình tự.

Ông Vũ Văn Hòa, trưởng Ban quản lý khu chế xuất - khu công nghiệp TP, cho biết tại nhiều cuộc đình công ban quản lý phải làm thay nhiệm vụ của CĐ. "Điều đó không phải chúng tôi vô hiệu hóa CĐ mà vì CĐ không có năng lực. Ngay khi có đủ điều kiện đình công đúng pháp luật mà CĐ cũng không dám đứng ra lãnh đạo" - ông Hòa nói.

Hạn chế giải quyết bằng biện pháp hành chính

Với nhận định về vai trò CĐ bị lu mờ và chưa thực hiện được vai trò "thủ lĩnh" đại diện cho người lao động, bà Nguyễn Thị Thu Hà - phó chủ tịch UBND TP.HCM - cho biết vừa qua UBND TP đã bàn về việc chọn thí điểm 40 DN có 1.000 CN trở lên để đưa cán bộ vào làm chủ tịch CĐ. Theo bà Hà, CĐ không chỉ tuyên truyền pháp luật cho CN mà còn nâng cao ý thức tự giác của DN trong việc quan tâm đến đời sống CN.

"Trước mắt phải chấp nhận những biện pháp tạm thời, nhưng về lâu dài cần hạn chế các can thiệp hành chính. Vì nếu cứ can thiệp mãi thì sẽ vô hiệu hóa pháp luật. Phương án tốt nhất là thương lượng tập thể thông qua CĐ. Và để CĐ mạnh lên phải thay đổi mô hình tổ chức, chứ hoạt động như hiện nay là không ổn" - bà Mai nhận định.

Theo bà Huỳnh Thị Nhân - thứ trưởng Bộ Lao động - thương binh & xã hội, bản thân các cuộc đình công diễn ra không đúng trình tự, việc giải quyết đình công của cơ quan chức năng lâu nay cũng "đi chệch đường ray". Thay vì giải quyết đình công bằng thương lượng tập thể thì các cơ quan chức năng lại nôn nóng xử lý bằng các biện pháp hành chính. Lẽ ra phải thông qua CĐ để hòa giải, chính quyền địa phương cứ dùng mệnh lệnh hành chính để dàn xếp, tạo cho CN tâm lý ỷ lại.

Cùng quan điểm này, bà Trương Thị Mai khuyến cáo để việc giải quyết các tranh chấp lao động, đình công trở lại đúng trình tự, chính quyền TP cần hạn chế tối đa các biện pháp hành chính.

TRUNG CƯỜNG - NGUYỄN TRIỀU
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên