27/09/2007 06:54 GMT+7

10 giây kinh hoàng

LÊ THANH HÀ
LÊ THANH HÀ

TT - 8g sáng 26-9, hai nhịp cầu bề thế của cầu Cần Thơ bên phía bờ Vĩnh Long đổ sập. Chỉ trong phút chốc, hàng chục công nhân thiệt mạng, hàng trăm người khác bị mắc kẹt dưới đống đổ nát bêtông, sắt thép.

qHhSRFvo.jpgPhóng to
Những công nhân may mắn vừa được cứu sống
TT - 8g sáng 26-9, hai nhịp cầu bề thế của cầu Cần Thơ bên phía bờ Vĩnh Long đổ sập. Chỉ trong phút chốc, hàng chục công nhân thiệt mạng, hàng trăm người khác bị mắc kẹt dưới đống đổ nát bêtông, sắt thép.
Nghe đọc nội dung toàn bài:

Ở TP Cần Thơ, tiếng xe cứu thương dồn dập khắp nơi. Tại bến tàu Ninh Kiều, gần chục xe cứu thương với các dụng cụ y tế đang chờ sẵn. Một, hai rồi liên tục nhiều chiếc canô, xuồng cao tốc tấp vào. Những thân thể đầy máu và thương tích được khiêng lên. Có người còn tỉnh, người thất thần, người thì bất động không biết gì...

Thảm họa

Anh Nguyễn Đăng Toàn, làm việc tại trụ cầu chính (cách nhịp bị sập khoảng 50m), kể: "Đang làm việc bỗng nghe tiếng ầm ầm, cứ tưởng là xe đổ đất đá. Quay qua phần nhịp cầu P13 và P15 thì chỉ trong vòng chưa tới mười giây, toàn bộ hai nhịp cầu này đã đổ sập hoàn toàn, mọi người đứng chết trân. Có rất nhiều công nhân làm việc trên mặt cầu nhưng lúc cầu sập, tôi chỉ còn thấy một người đứng trên trụ cầu". Còn anh Vũ Văn Đoan - công nhân tổ căng cáp làm việc ở mặt đất ngay sát vị trí cầu sập - bàng hoàng cho biết: "Cả tổ đang làm việc thì nghe một tiếng động rất lớn, mặt đất rung chuyển như động đất. Nhìn sang thì thấy nhịp P13 đã sập hoàn toàn, chưa đầy năm giây sau, nhịp P15 cũng đổ ập. Nhiều người trên mặt cầu lăn long lóc xuống phía dưới, bị các cây sắt đâm vào người". Một kỹ sư cho biết sau khi xảy ra sự cố, anh và nhiều công nhân khác đã lao vào cứu những người bị thương. "Hai người đã chết trên tay tôi. Lúc đó tôi không sợ nhưng bây giờ nghĩ lại tôi thấy lạnh cả người" - anh kỹ sư này nói. Vụ sập cầu còn làm sập hai nhà dân ngay sát nhịp P15 khiến một người dân bị thương.

tXfKA0GQ.jpgPhóng to
Anh Nguyễn Văn Dũng Em - nạn nhân đầu tiên của sự cố sập cầu Cần Thơ - được chuyển lên Bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM (ảnh chụp lúc 16g35 chiều 26-9)

Nhiều bệnh viện ở TP.HCM tham gia cứu nạn

11g ngày 26-9, bác sĩ Tôn Thất Quỳnh Ái - trưởng khoa cấp cứu Bệnh viện (BV) Chợ Rẫy - cho biết ban giám đốc BV Chợ Rẫy đã cấp tốc cử ba nhóm cấp cứu ngoại viện (gồm ba bác sĩ và sáu điều dưỡng) mang theo thuốc men và các dụng cụ cấp cứu đi chi viện, hỗ trợ các đồng nghiệp ở Cần Thơ.

Ngoài ra, một nhóm bác sĩ khoảng 6-7 người thuộc các chuyên khoa sâu: ngoại thần kinh, ngoại lồng ngực, ngoại tổng quát, ngoại chỉnh hình cũng được cử đi tăng cường cho các BV bạn ở Cần Thơ. Gần 10g sáng cùng ngày, bốn xe cấp cứu của BV Chợ Rẫy do PGS.TS Trương Văn Việt, giám đốc BV và bác sĩ Ngọc Thảo - phó giám đốc BV, đã đi Cần Thơ để trực tiếp chỉ đạo công tác cấp cứu, hỗ trợ.

Đến gần 17g cùng ngày, khoa cấp cứu BV Chợ Rẫy mới tiếp nAận ca chuyển viện cấp cứu đầu tiên từ sự cố sập cầu là anh Nguyễn Văn Dũng Em, 38 tuổi, từ BV đa khoa trung ương Cần Thơ chuyển lên. Anh Dũng Em bị gãy đốt sống thắt lưng 1, gãy khung chậu và bị liệt hai chân.

Trong khi đó, từ 12-13g cùng ngày, đã có năm xe cấp cứu của các BV cấp cứu Trưng Vương, Bình Dân, 115 và Chấn thương chỉnh hình TP cấp tốc về Cần Thơ chi viện cho các BV bạn. Các BV này đã cử tám bác sĩ chuyên về cấp cứu, ngoại khoa, gây mê hồi sức và chín điều dưỡng. Nhóm 10 bác sĩ, điều dưỡng Bệnh viện FV (TP.HCM) cũng đã lên đường mang theo thuốc men, dụng cụ hỗ trợ cấp cứu.

Là một trong số những người may mắn thoát chết, anh Phạm Thái Hà - mặt mày đầy bùn đất, tay chân đầy vết thương - kể lại: "Tôi đang tháo côppha ở nhịp cầu P15 bỗng dưng cảm giác như mình bị rơi tự do, không hiểu chuyện gì đang xảy ra. Toàn thân bị va đập, chiếc mũ bảo hộ cũng rớt ra. Khi định thần tôi thấy mình nằm trong bùn, xung quanh còn nghe tiếng kêu cứu, tiếng rên rỉ đau đớn của mấy anh em làm chung". Anh Hà nói khi xảy ra sự cố ước tính có trên 300 công nhân làm việc ở đây.

Anh Nguyễn Ngọc Tuấn cũng may mắn thoát chết kể lại: "Tôi rơi giữa nhịp 15 xuống đất. Lúc đó chỉ biết ôm chặt cây côppha cho rơi đâu thì rơi. May mà bị kẹt giữa hai cây sắt lớn, không bị đè nên lần bò ra được". Trong lúc chúng tôi nói chuyện với anh Hà và Tuấn, một phụ nữ lao đến vừa khóc vừa hỏi: "Anh Kiên làm với các anh mà sao giờ vẫn chưa ra?". Hai công nhân khác phải vừa an ủi vừa giữ không cho chị chạy vào hiện trường.

Theo một kỹ sư tại hiện trường, nhịp P15 đã bắt đầu đổ bêtông từ ba tháng nay. Phần đáy đã đổ xong trong khi phần trên mới đổ được khoảng 2/3. Cũng theo kỹ sư này, có thể do mấy ngày nay liên tục có mưa lớn nên đất bị lún dẫn đến sụp đổ. Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Sáu - công nhân Công ty Vĩnh Thịnh 2 (một trong số những đơn vị thi công) - cho biết cách đây mười ngày ông phát hiện một vết nứt rộng 1,5mm, kéo dài gần 10m trên mặt cầu. Ông đã báo cho ông Công - kỹ thuật công trình - ông này nói để báo cáo cấp trên. Sau đó ông Công trả lời do kéo dàn trượt ra sớm chứ không sao. Cũng theo ông Sáu, rất may hôm nay 32 công nhân tổ của ông lãn công do công ty chậm trả lương nếu không chắc ông cũng nằm trong số những nạn nhân.

Trả lời báo chí, ông Ngô Thịnh Đức - thứ trưởng Bộ GTVT - cho rằng đây là tai nạn thảm khốc nhất từ trước đến nay, trong khi công tác cứu hộ lại rất khó khăn, lực lượng cứu hộ còn thiếu chuyên nghiệp.

Cứu hộ: đào bới bêtông bằng... tay

Tại hiện trường, trong lúc lực lượng cứu hộ đang đào bới ở nhịp P15, bất ngờ một bình gió đá phát nổ (bình gió đá để hàn, cắt sắt) khiến mọi người chạy tán loạn. Đến khoảng 10g30, một công nhân từ trong đống đổ nát thò đầu ra kêu cứu. Đến 13g, lực lượng cứu hộ đã cứu sống gần mười công nhân. Nhiều công nhân còn sống đã gõ vào các thanh sắt ra hiệu hoặc kêu cứu. Trước những âm thanh thắt lòng này, lực lượng cứu hộ vẫn chưa thể tiếp cận được do sàn bêtông quá dày và nặng.

Có thể nói công tác cứu hộ tại chỗ đã được thực hiện tức thời khi cầu bị sập nhưng chỉ có thể đào bới thủ công. Máy móc có tại hiện trường gần như bất lực. Các khối bêtông, dầm hộp, sắt thép sừng sững, cắm sâu vào lòng đất cả 3-4m, ước nặng khoảng vài ngàn tấn. Tuy nhiên gần nơi tai nạn chỉ có vài cần cẩu loại 70 tấn và... bó tay trước những khối bêtông quá lớn.

Việc cứu hộ vào buổi chiều cũng chẳng làm được gì nhiều. Trong khi đó, các công nhân cứu hộ và nhân chứng có mặt tại hiện trường cho biết vẫn còn nghe tiếng kêu cứu và tiếng động bên trong đống đổ nát lúc khoảng 15g30. Trước đó, ở đống đổ nát tại trụ số 13 nhiều người cho biết vẫn còn tiếng người kêu cứu.

Các lồng sắt được cần cẩu đưa người lên cứu hộ cũng không hiệu quả. Nhóm cứu hộ này cũng chỉ lấy đèn pin soi tìm coi còn ai hay không. Những người cứu hộ không thể tiếp cận được các khối đổ vỡ trên cao khoảng trên 30m vì kết cấu chịu lực lúc này không ổn định. Trong khi đó, có thể còn rất nhiều người nằm bên dưới đống đổ nát.

Do việc công nhân làm việc tại hiện trường (trụ tháp phía bờ Vĩnh Long) bị sốc nặng nên không thể tiếp cận độ cao để cứu hộ mà phải điều công nhân từ trụ tháp phía bờ Cần Thơ đến tiếp ứng. Công tác cứu hộ chủ yếu dựa vào các công nhân, gần như không có lực lượng chuyên nghiệp. Máy móc hỗ trợ cũng là những máy có sẵn tại công trường. Anh T.M. - một công nhân thoát chết, quay trở lại cứu đồng nghiệp của mình - nói: "Từ sáng tới giờ tôi cứu và đem ra tàu cứu hộ được 20 người, sống có, chết có. Chúng tôi phải tự cứu lẫn nhau. Chỉ cứu người theo bản năng và sự hiểu biết của mình".

Đến chiều tối qua, chưa thấy có bất cứ phương án cứu hộ nào được đưa ra đối với việc cứu những người còn kẹt bên dưới đống đổ nát.

Chiều cùng ngày, tại cuộc họp khẩn tìm biện pháp cứu hộ, khắc phục hậu quả với sự có mặt của lãnh đạo tỉnh Vĩnh Long, TP Cần Thơ, quân đội, công an, các nhà thầu, đơn vị thi công, Thứ trưởng Bộ GTVT Ngô Thịnh Đức đã đồng ý phương án phát điện suốt đêm và tăng cường mọi phương tiện máy móc hiện có để đào bới, tháo dỡ bêtông cứu những nạn nhân còn kẹt trong đống đổ nát.

Theo ghi nhận của Tuổi Trẻ cho đến 0g ngày 27-9, công tác cứu hộ vẫn được tiếp tục. Hai cần cẩu vẫn đang đưa đội cứu hộ lên các khối bêtông cao và soi đèn tìm kiếm nạn nhân. Việc cứu hộ diễn ra trong tuyệt vọng vì hai khối bêtông bị đổ sập (mỗi khối bêtông khoảng 2.000m3, mỗi mét khối nặng 2,5 tấn) và vị trí sập lại nằm trên nền đất yếu, rất khó có loại máy chuyên dùng nào của VN có thể câu được các khối bêtông này. Cho đến thời điểm này vẫn còn những tiếng gõ kêu cứu của người bị nạn, dự đoán có khoảng 4-12 người còn kẹt trong đống đổ nát. Bên ngoài, thân nhân những người bị nạn vẫn ngóng chờ tin người thân.

.............................................

QzDp9cBM.jpgPhóng to

Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải hiến máu tại Bệnh viện Quân y 121 Ảnh: quang vinh

TT (Cần Thơ) - Tối 26-9, Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải đã có cuộc tiếp xúc với các phóng viên báo chí tại khu vực hiện trường tai nạn. Phó thủ tướng nói: "Tôi nhận thấy đây là sự cố rất nghiêm trọng. Hai địa phương Cần Thơ và Vĩnh Long đã rất kịp thời trong công tác cứu hộ, cứu nạn.
Nghe đọc nội dung toàn bài:

Bên quốc phòng cũng tham gia tích cực, hiện nay tất cả lực lượng sẵn có đang nỗ lực tìm kiếm những người bị nạn. Công tác cứu nạn cũng đã được chỉ huy một cách khẩn trương. Cho đến thời điểm này, theo số liệu của nhà thầu và còn phải tiếp tục điều tra thêm thì đã có 37 công nhân tử nạn, 87 người bị thương, trong đó có nhiều người bị thương rất nặng. Theo số liệu chưa đầy đủ còn khoảng 4-12 người (còn nằm dưới đống đổ nát). Chúng tôi chỉ đạo phải tiếp tục công tác cứu hộ, cứu nạn; không được ngừng lại".

Phó thủ tướng cho biết có 40 người thuộc lực lượng cứu hộ, cứu nạn và 15 người thuộc lực lượng công binh làm công tác tìm kiếm suốt đêm. Đồng thời đã giao cho lực lượng công an dưới sự chỉ đạo của trung tướng Phạm Nam Tào - phó tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát - làm công tác điều tra sự cố, song song với việc tìm kiếm số người bị nạn.

Phó thủ tướng nhấn mạnh: "Việc tìm kiếm, cứu hộ trong trường hợp này rất phức tạp do bêtông, sắt thép rất nhiều, nếu không cẩn thận thì chúng ta sẽ gây ra sự cố lần hai. Cho nên phương tiện và người đưa đến phải có chuyên môn rất cao. Chúng ta không thiếu phương tiện cứu hộ, cứu nạn, cái chính ở đây là phương pháp (cứu hộ, cứu nạn) phải hết sức thận trọng.

Chúng tôi đã có chỉ đạo yêu cầu các bệnh viện không để xảy ra tình trạng thiếu thuốc men, thiếu phương tiện, thiếu máu... Tôi đánh giá cao tinh thần của nhân dân TP Cần Thơ và tỉnh Vĩnh Long trong việc hỗ trợ cứu hộ, cứu nạn, hiến máu cứu người, đưa bệnh nhân đến bệnh viện".

Sau khi tổ chức họp báo, Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải đã đi canô về Bệnh viện Quân y 121 tại Cần Thơ để thăm các nạn nhân đang nằm cấp cứu ở đây. Phía bệnh viện cho biết tiếp nhận cấp cứu khoảng 50 người, đa số là các bệnh nhân rất nặng nhưng chưa có trường hợp nào tử vong. Ông Trần Thanh Quang, giám đốc Bệnh viện Quân y 121, cho biết có chín trường hợp hiện chưa có thân nhân đến nhận. Số nạn nhân không có thân nhân chủ yếu là công nhân các tỉnh miền Trung và miền Bắc. "Nhiều nạn nhân đang nằm ở đây được đưa lên từ đống đổ nát, mình mẩy toàn bùn đất, nhưng tất cả đều được cứu sống" - ông Quang nói.

Phó thủ tướng đi từng giường thăm các nạn nhân, chia sẻ với người bị nạn. Ngay sau đó, Phó thủ tướng đã hiến máu. Bí thư Thành ủy Cần Thơ Nguyễn Tấn Quyên cùng nhiều lãnh đạo khác trong đoàn cũng đã hiến máu.

* Tổng bí thư Nông Đức Mạnh đã có điện khẩn yêu cầu chỉ đạo các cơ quan liên quan dành mọi ưu tiên khẩn trương tìm kiếm người mất tích và cứu chữa người bị thương tại công trường xây dựng cầu Cần Thơ. Đồng thời gửi lời chia buồn sâu sắc.

* Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng đã gửi điện chia buồn sâu sắc tới các gia đình có người bị nạn. Chủ tịch yêu cầu khẩn trương cứu hộ, cứu nạn, giúp đỡ các gia đình có người mất và bị thương; vận động các tầng lớp nhân dân ủng hộ các gia đình bị nạn.

* Phó thủ tướng thường trực Chính phủ Nguyễn Sinh Hùng đã có công điện nêu rõ: Thủ tướng Chính phủ gửi lời thăm hỏi, chia buồn sâu sắc tới các nạn nhân bị thương và gia đình những người tử nạn. Thủ tướng yêu cầu khẩn trương cứu chữa nạn nhân, tìm kiếm người mất tích, thăm hỏi, hỗ trợ các nạn nhân bị thương và gia đình người bị tử nạn, tổ chức khắc phục hậu quả kịp thời, sớm ổn định hoạt động thi công trên công trường; xác định rõ nguyên nhân, xử lý trách nhiệm.

* Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản tại VN Norio Hattori đã gửi lời chia buồn sâu sắc. Bức điện viết: "Tôi thành tâm cầu nguyện cho linh hồn của những người đã mất do tai nạn bất ngờ xảy ra được siêu thoát trên thiên đàng, đồng thời cũng mong rằng những người còn mất tích sớm được tìm thấy và những người bị thương sớm phục hồi sức khỏe".

LÊ THANH HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên