12/06/2007 06:10 GMT+7

Công chứng bản dịch: Nhiều vướng mắc

CHI MAI
CHI MAI

TT - Từ ngày 1-7-2007, các phòng công chứng sẽ không còn công chứng bản dịch như hiện nay mà thẩm quyền chứng bản dịch sẽ do phòng tư pháp quận huyện thực hiện.

YpZaha5U.jpgPhóng to
Nộp hồ sơ chứng thực tại UBND Q.3, TP.HCM - Ảnh: Chi Mai

Nhiều qui định khác liên quan bản dịch theo nghị định 79 có vẻ thông thoáng hơn nhưng lại phát sinh vướng mắc nếu không được hướng dẫn cụ thể.

Theo qui trình hiện nay, để chứng bản dịch, mỗi phòng công chứng đều tổ chức một đội ngũ cộng tác viên là các phiên dịch viên. Họ sẽ ký hợp đồng và đăng ký mẫu chữ ký với phòng công chứng. Khi người dân có yêu cầu dịch thuật, các phòng công chứng tiếp nhận hồ sơ và chuyển đến cho cộng tác viên dịch, sau đó phòng công chứng ký xác nhận chữ ký của người dịch. Trong một số trường hợp đặc biệt, người thông thạo ngoại ngữ có thể tự dịch và yêu cầu công chứng viên chứng bản dịch của mình (phải xuất trình bằng cấp về trình độ ngoại ngữ cần dịch).

Cấp lại con dấu hay dùng dấu chung?

Vấn đề nữa là về con dấu trên bản dịch (và cả bản sao tiếng nước ngoài) do phòng tư pháp quận huyện xác nhận. Nghị định 79 qui định khi chứng thực văn bản các phòng tư pháp quận huyện sẽ đóng dấu của phòng tư pháp. Tuy nhiên, tại TP.HCM, từ khi triển khai cải cách hành chính “một cửa một dấu” đến nay, các phòng chức năng trực thuộc UBND quận huyện không còn con dấu riêng mà chỉ sử dụng con dấu chung của UBND. Liệu có phải quay lại cấp con dấu riêng cho các phòng tư pháp hay sẽ dùng con dấu chung của UBND quận? Vấn đề này Sở Tư pháp và UBND TP đang cân nhắc.

Nhiều cách hiểu “thông thạo ngoại ngữ”

Trong khi đó, theo nghị định 79 ngày 18-5-2007 của Chính phủ, ngoài việc chuyển giao thẩm quyền chứng bản dịch từ phòng công chứng cho UBND các quận huyện, trình tự thủ tục đối với việc yêu cầu chứng bản dịch cũng “thoáng” hơn.

Người dịch không cần là cộng tác viên của phòng công chứng mà có thể là bất cứ ai miễn “thông thạo tiếng nước ngoài cần dịch”. Người dịch tự chịu trách nhiệm về tính chính xác của văn bản cần dịch. Sau khi dịch xong, người dịch có thể đến UBND quận huyện để yêu cầu cán bộ tư pháp chứng thực chữ ký trên bản dịch là của mình.

Khi Sở Tư pháp TP.HCM triển khai qui định trên cho các quận huyện mới phát hiện nhiều vấn đề băn khoăn, lúng túng. Trưởng phòng tư pháp một quận thắc mắc: làm cách nào người chứng thực kiểm tra được việc người dịch thông thạo tiếng ngoại ngữ đã dịch hay không? Người chứng thực có được quyền yêu cầu người dịch phải xuất trình văn bằng, chứng chỉ ngoại ngữ? Phải có văn bằng, chứng chỉ nào thì mới được coi là “thông thạo ngoại ngữ”? Hay là bất cứ ai cho rằng mình thông thạo ngoại ngữ đều có quyền dịch và chịu trách nhiệm về bản dịch của mình?

Nhiều cán bộ tư pháp băn khoăn: một số đông người Hoa đã sinh sống lâu năm tại TP.HCM nói tiếng Hoa rất giỏi nhưng nhiều người không viết rành tiếng Việt. Nếu những người Hoa này có nhu cầu tự dịch văn bản từ tiếng Hoa sang tiếng Việt thì có được chấp nhận hay không?

Bỏ ngỏ thu phí bản dịch

Theo các phòng công chứng TP.HCM, từ 1-7 (thực hiện Luật công chứng), các phòng sẽ “buông” việc chứng thực bản dịch ra. Như vậy, người dân sẽ phải tự liên hệ tìm người dịch thuật để nhờ phiên dịch? Nếu lỡ người dân không biết ai là người phiên dịch giỏi, đảm bảo tính chính xác trong nội dung bản dịch thì sao?

Tự chịu trách nhiệm

Trách nhiệm của người phiên dịch ra sao đối với nội dung bản dịch cũng không được qui định cụ thể trong nghị định 79. Nghị định chỉ nêu “người phiên dịch tự chịu trách nhiệm về tính chính xác của bản dịch” mà không qui định cụ thể nội dung bản dịch nào thì được xác nhận, nội dung nào thì không. Người chứng thực có trách nhiệm với nội dung của bản dịch hay chỉ chịu trách nhiệm chứng thực chữ ký của người dịch cũng không rõ.

Liên quan vấn đề thu phí bản dịch như thế nào thì nghị định 79 bỏ ngỏ.

Theo qui định hiện hành, khi yêu cầu dịch thuật tại các phòng công chứng, ngoài khoản lệ phí công chứng 5.000 đồng/bản, người yêu cầu còn trả phí dịch vụ dịch thuật, đánh máy từ 30.000 - 50.000 đồng/trang nếu dịch từ tiếng nước ngoài sang tiếng Việt hoặc từ 40.000 - 80.000 đồng/trang khi dịch từ tiếng Việt sang tiếng nước ngoài... Nhiều người lo lắng: nếu tự tìm và thỏa thuận với các phiên dịch viên thì liệu có phải trả phí cao do các phiên dịch viên tự do quyết định giá dịch thuật?

Trước các vướng mắc này, Sở Tư pháp TP.HCM đã làm việc với các phòng công chứng và tư pháp quận huyện để đưa đến giải pháp: các quận huyện sẽ tiếp tục sử dụng số cộng tác viên dịch thuật hiện nay của các phòng công chứng để giới thiệu cho người dân trong trường hợp họ không tự tìm được người phiên dịch. Tuy nhiên, việc các quận huyện mời cộng tác viên phiên dịch lại hoàn toàn không có trong qui định của nghị định 79.

Hầu hết việc chứng thực bản dịch đều phục vụ nhu cầu du học, xin việc làm, hợp pháp hóa lãnh sự các giấy tờ văn bản của cơ quan nước ngoài... nên thường đòi hỏi tính chính xác cao và việc chứng thực của cơ quan có thẩm quyền như một đảm bảo cho tính chính xác trong văn bản này. Nghị định 79 có nhiều nội dung “mở”, tạo thuận tiện hơn cho người dân nhưng vẫn còn nhiều vấn đề chưa rõ ràng, rất cần hướng dẫn cụ thể.

CHI MAI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên