05/12/2006 23:30 GMT+7

Bão số 9: 50 người thiệt mạng, thiệt hại hàng trăm tỷ đồng

T. PHÙNG
T. PHÙNG

TTO - Báo cáo nhanh của Ban chỉ đạo PCLB TƯ tính đến 20 giờ ngày 5-12 bão số 9 đã làm 50 người chết, 55 người mất tích, 409 người bị thương (164 người bị thương nặng). Tổng cộng đã có 119.314 nhà bị sập, đổ, tốc mái, 888 tàu thuyền bị chìm.

7kOEbkBb.jpgPhóng to
Đưa xác nạn nhân Trần Thị Thanh Lê ra khỏi đống đổ nát nhà thờ Đồng Tiến, Lagi, Bình Thuận - Ảnh: Lam Điền
TTO - Báo cáo nhanh của Ban chỉ đạo PCLB TƯ tính đến 20 giờ ngày 5-12 bão số 9 đã làm 50 người chết, 55 người mất tích, 409 người bị thương (164 người bị thương nặng). Tổng cộng đã có 119.314 nhà bị sập, đổ, tốc mái, 888 tàu thuyền bị chìm.

Trước khi bão đổ bộ đã có 3 người chết tại Phú yên (2 người quê Bình Định), 1 người chết ở Quảng Ngãi.

Các tỉnh có thiệt hại nặng nhất là: Bà Rịa-Vũng Tàu có 28 người chết, 16 người mất tích, 173 người bị thương, 21.447 nhà sập, tốc mái. Tiền Giang có 2 người chết, 26 người mất tích, 8.977 nhà bị hỏng. Bến Tre có 17 người chết, 1 mất tích, 162 người bị thương. 71.340 nhà bị sập, tốc mái. TP.HCM có 9 người mất tích tại huyện Cần Giờ. Bình Thuận là tỉnh thiệt hại nặng nhất về tàu thuyền với 820 tàu thuyền bị chìm tại đảo Phú Quý.

hlXc1zdc.jpgPhóng to FnxpLTEZ.jpg
Cơn bão lớn nhất ở Vũng Tàu trong vòng vài chục năm qua - Ảnh chụp trên đường Trần Hưng Đạo, TP.Vũng Tàu - Ảnh: Tự Trung Nhà sập ở Bến Tre - Ảnh: Lư Thế Nhã
oZCoMqNH.jpgPhóng to DJFH4dVt.jpg
Người dân xã Phước Tỉnh, huyện Long Điền di tản sau khi nhà bị sập - Ảnh: Tự Trung Bệnh viện Bà Rịa - Vũng Tàu quá tải với nạn nhân bị thương trong cơn bão - Ảnh: Tự Trung

- Trong sáng 6-12, đoàn công tác do Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng dẫn đầu sẽ có mặt ở Bà Rịa - Vũng Tàu để chỉ đạo các biện pháp khắc phục hậu quả bão số 9. Đoàn công tác của Bộ LĐ TBXH do bộ trưởng Nguyễn Thị Hằng dẫn đầu cũng có mặt ở Vũng Tàu để tham gia tìm biện pháp khắc phục hậu quả.

- Bão số 9 đã làm hỏng 94 trạm phát sóng (khôi phục được 51 trạm), đứt 4 tuyến cáp quang (nối được 2 tuyến) của ngành viễn thông, hàng chục ngàn thuê bao mất liên lạc. Ngành điện lực bị đổ 3 cột điện 110 KV ở Vũng Tàu và Bến Tre. Trong 2 ngày nữa mới khắc phục được hệ thống điện sinh hoạt cho các tỉnh bị thiệt hại. Riêng đảo Phú Quý, toàn bộ hệ thống điện hỏng nặng, dự kiến 3 ngày tới mới khắc phục xong

Báo cáo với Phó Thủ tướng thường trực Nguyễn Sinh Hùng trong buổi họp giao ban tối qua, Phân ban chỉ đạo PCLB miền Nam cho biết nguyên nhân dẫn tới thiệt hại nặng nề là do dân chủ quan, chính quyền chưa có kinh nghiệm triển khai phòng chống bão. Khi bão vào tỉnh Tiền Giang đang tổ chức họp HĐND. Người dân làm nghề đóng đáy ở Gò Công bám trụ lại đánh bắt không chịu sơ tán đã mất tích nhiều. Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng kiểm điểm, phê bình chính thức lãnh đạo hai tỉnh Tiền Giang và Bến Tre trong công tác phòng chống bão.

Từ Tiền Giang, Bộ trưởng bộ NN&PT NT Cao Đức Phát cho biết đã điều tàu Trường Sa 20 đến Phan Thiết chở 200 tấn gạo mà Chính phủ hỗ trợ cho đảo Phú Quý (Bình Thuận) ra đảo. Sáng 6-12, tàu này sẽ chở 30 tấn gạo đầu tiên cùng tôn lợp nhà, xi măng ra hỗ trợ đảo Phú Quý.

Ngày 4-12, Bộ Quốc phòng đã điều 1 máy bay AN 26 chở lãnh đạo tỉnh Bình Thuận ra chỉ đạo khắc phục hậu quả ở đảo Phú Quý. Một trực thăng cứu hộ cũng được điều động tìm kiếm trên vùng biển Cần Giờ, vớt được một ngư dân còn sống. Lực lượng quân đội cũng cứ được 5 người ở Cần Giờ, 25 ngư dân ở Bà Rịa - Vũng Tàu trong ngày 5-12. Hiện đang có 14 trực thăng túc trực ở Nha Trang và Tân Sơn Nhất sẵn sàng nhận nhiệm vụ TKCN và cứu trợ. Các tàu hải quân cũng sẵn sàng đợi lệnh.

Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng đánh giá, bão số 9 đổ bổ trên địa bàn rộng, gây thiệt hại lớn nhưng bên cạnh đó xảy ra những thiệt hại không đáng có do một số cấp chính quyền và người dân chủ quan. Các địa phương phải kiểm điểm nghiêm túc những cá nhân, đơn vị chủ quan lơ là để xảy ra hậu quả xấu, báo cáo Chính phủ.

XfcUnzIO.jpgPhóng to
Hai chị em Mai Thị Thanh Hiền (lớp 8 Trường THCS Láng Dài, xã Láng Dài, huyện Long Đất, tỉnh BR-VT) và Mai Văn Hậu (lớp 6) sau khi cùng cha mẹ chạy sang nhà hàng xóm trú bão lúc 2g sáng 5-12; đến khi cơn bão đi qua thì ngôi nhà đã bị đổ sập hoàn toàn. Trên khoảng sân cỏ trước nhà, Hiền và Hậu đang xếp từng quyển tập vở ra phơi - Ảnh: Lam Điền
Phó Thủ tướng yêu cầu UBND các tỉnh, các lực lượng cứu hộ, cứu nạn phải tập trung bằng mọi cách, mọi khả năng tìm kiếm số người mất tích ngay từ tối 5-12. Cho phép tàu thuyền hoạt động trở lại trên khu vực biển Đông. Tàu thuyền ở vùng biển Tây Nam cần theo dõi tình hình thời tiết để hoạt động trở lại vì vùng biển này đang nằm trong vùng ảnh hưởng của bão có thể gây lốc xoáy, gió lớn. Cho phép người dân sơ tán trở về nhà, tập trung các biện pháp ổn định cuộc sống người dân. Các lực lượng giúp dân sửa chữa nhà cửa, bố trí nơi ở tạm. Không được để dân đói rét, thiếu thốn thuốc men.

Các địa phương cũng phải ổn định giá cả thị trường, không được để xảy ra hiện tượng lợi dụng tăng giá sau bão. Các công trình điện, giao thông, trường học, bệnh viện, thuỷ lợi phải được ưu tiên khắc phục. Các địa phương tổng hợp thiệt hại đề xuất Chính phủ hỗ trợ. Trước mắt hỗ trợ cho các gia đình có nhà sập, tốc mái từ 5-6 triệu đồng, nhà hỏng 2-3 triệu đồng. Hỗ trợ mỗi người chết 2-3 triệu đồng, người bị thương 1-2 triệu đồng. Hỗ trợ các gia đình bị thiệt hai 15 kg gạo/người/ tháng trong vòng 3 tháng. Tất cả các Bộ, ban, ngành cần cử người đi theo đoàn công tác xuống địa phương để nắm tình hình và đến ngày 10-12 phải có báo cáo tổng hợp trình Thủ tướng

Về trường hợp 1 tàu cá cùng 9 ngư dân và 1 thuyền trưởng của 1 tàu khác (đều của Bình Thuận) bị phía Indonesia bắt giữ, đại diện bộ Ngoại giao cho biết phía nước bạn cho biết đã kiểm tra nhưng chưa có thông tin. Phía Indonesia hứa sẽ có biện pháp giúp đỡ khi tìm thấy. Phía Malaysia cũng nhận lời giúp đỡ các tàu cá đang trú bão trong lãnh hải của họ. Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng yêu cầu Bộ Ngoại giao phải tiếp tục giải quyết việc tàu của ngư dân nước ta bị bắt giữ trong thời gian sớm nhất.

Bão số 9 suy yếu thành áp thấp nhiệt đới

b1tonJDZ.jpgPhóng to

Bản đồ dự báo đường đi của bão số 9 phát lúc 17g30 của Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn T.Ư.

Theo bản tin phát lúc 23g30 của Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn T.Ư., chiều tối ngày 5-12, sau khi đi qua địa phận các tỉnh miền tây Nam Bộ xuống vịnh Thái Lan, bão số 9 đã suy yếu thành áp thấp nhiệt đới.

Tối ngày 5-12, áp thấp nhiệt đới tiếp tục suy yếu thành một vùng áp thấp. Sức gió mạnh nhất vùng gần trung tâm vùng áp thấp đã giảm xuống dưới cấp 6, tức là dưới 39 km một giờ.

Hồi 22 giờ ngày 5-12, vị trí trung tâm vùng áp thấp ở vào khoảng 8,4 độ vĩ bắc, 102,8 độ kinh đông, trên khu vực vịnh Thái Lan. Vùng áp thấp này tiếp tục di chuyển về phía tây, đi vào Ấn Độ Dương và không còn khả năng gây gió mạnh đối với nước ta.

Do ảnh hưởng của vùng áp thấp, vùng biển Cà Mau - Kiên Giang và vịnh Thái Lan có mưa và mưa vừa, có nơi mưa to và dông, trong cơn dông cần đề phòng lốc xoáy.

Đây là tin cuối cùng về cơn bão số 9 này.

Theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn T.Ư

Theo TTXVN, Nhận định về tình hình hiện nay của bão số 9, Trung tâm dự báo Khí tượng Thuỷ văn Trung ương cho biết: bão tiếp cận vào bờ biển tỉnh Khánh Hòa men theo ven biển đi về phía Nam qua Bình Thuận (đảo Phú Quý) đến Bà Rịa Vũng Tàu và thành phố Hồ Chí Minh (huyện Cần Giờ). Sau đó bão tiếp tục đi vào Tiền Giang, Bến Tre và một phần phía Bắc của tỉnh Trà Vinh sau đó đến Vĩnh Long Cần Thơ. Cho đến 21 giờ tối nay (5-12), các tỉnh Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang đều thông báo không có dấu hiệu của bão số 9, thời tiết tốt.

Trung tâm dự báo Khí tượng Thuỷ văn Trung ương nhận định: trên đất liền bão số 9 đã tan ở Cần Thơ vào trưa nay, tuy nhiên bão vẫn có thể được bổ sung năng lượng khi vào biển Tây nên vẫn ở cấp 8.

Ông Bùi Minh Tăng, Giám đốc Trung tâm dự báo Khí tượng Thuỷ văn Trung ương cho rằng: trên đất liền, những người dân sơ tán tránh bão đã có thể trở về nhà. Khu vực Biển Đông các tàu thuyền đã có thể hoạt động trở lại nhưng vùng Trung Trung Bộ cần đề phòng tố lốc. Riêng khu vực bờ biển Tây Nam chưa hoạt động được. Ông Tăng cho biết: sau khi đi qua Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang bão số 9 đã suy yếu với sức gió cấp 8. Song, bão số 9 vẫn có thể tồn tại trong 4 đến 5 ngày nữa và còn có thể mạnh lên vì vậy người dân ở các địa phương không được chủ quan, lơ là trong việc phòng chống.

Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão Trung ương cho biết: Chính phủ đã đồng ý hỗ trợ đảo Phú Quý 200 tấn gạo, hiện các Bộ, ngành, các địa phương cần chỉ đạo ngay việc khắc phục hậu quả của bão, sớm ổn định cuộc sống cho người dân. Từ ngày 6 đến 12-12-2006, sẽ có 2 đoàn công tác đại diện cho nhiều Bộ, ban, ngành được cử đến các địa phương bị thiệt hại do bão số 9 gây nên để tìm hiểu và đề xuất Chính phủ phương án khắc phục hậu quả.

Vũng Tàu: 28 người chết và 16 người mất tích, hơn 800 người bị thương

Bản tin mới nhất từ VTV cho hay, toàn tỉnh đã có 23 người chết, 6 người mất tích và hơn 800 người bị thương do bão số 9; 687 ngôi nhà bị tốc mái.

Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh cho biết có 7 ghe tàu đã chìm, (huyện Long Điền 4, thành phố Vũng Tàu 3). Tuy nhiên, theo Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh, số thiệt hại còn lớn hơn rất nhiều.

Toàn tỉnh đã bị mất điện khi bão đổ bộ vào từ 11 giờ sáng 5-12, hệ thống thông tin liên lạc nhiều vùng bị mất, cây cối đổ ngổn ngang làm các tuyến đường đến thời điểm này vẫn bị ắch tắc.

Trước đó, P.V Hải Đăng từ Bà Rịa - Vũng Tàu cho hay: Riêng tại Phước Hải, theo thống kê chưa đầy đủ, có khoảng 800 căn nhà bị tốc mái, 89 người bị thương. Hiện tại, chính quyền địa phương đã bố trí các nhà bị hư hại sơ tán vào các trường học, đồng thời cung cấp 5.000 gói mì cho các hộ này, chuẩn bị cấp thêm 12.000 gói mì nữa.

Xã Lộc An, Vũng Tàu đã có 2 người bị nhà sập đè chết, 30 đến 40 bị thương, hàng trăm căn nhà sập hoàn toàn, 80% nhà ở Lộc An bị tốc mái. Xã Láng Dài - Đất Đỏ cách biển khoảng 10km có hàng trăm căn nhà bị tốc mái.

E1BZQfO3.jpgPhóng to izPmIM9P.jpg

Những ngôi nhà sập hoàn toàn do bão - Ảnh: Hải Đăng

BsjY4cIS.jpgPhóng to A5a6wa2p.jpg
Hàng loạt cột điện trên đoạn đường xã Láng Dài - Long Đất đổ ập ra đường đến 15g ngày 5-12 vẫn chưa được thu dọn - Ảnh: Lam Điền Nhiều nhà dân ở Long Đất bị sập hoàn toàn - Ảnh: Lam Điền
WEDaw9Hi.jpgPhóng to VVPaAp5v.jpg
Những ngôi nhà ở Vũng Tàu bị sập hoàn toàn khi bão đi qua - Ảnh: Hải Đăng Người dân trú bão ở trường học - Ảnh: Hải Đăng

Bình Thuận: 2 người tử vong, thiệt hại ước tính trên 350 tỷ đồng

Tính đến 9g sáng nay, tại huyện Phú Quý, Bình Thuận đã có 820 tàu thuyền tránh bão ở đây bị đánh chìm và gần 2.000 căn nhà bị giật sập, 400 phòng học đổ nát. Thiệt hại ước tính trên 350 tỷ đồng. May mắn là chưa có thiệt hại về người, chỉ có ba phụ nữ bị thương. Toàn bộ huyện đảo bị mất điện.

UwL4Mesz.jpgPhóng to
Sạt lở ở bãi biển Cà Ná - Ninh Thuận - Ảnh Lê Trường

Đến 7g sáng nay, UBND Tỉnh Bình Thuận và đại diện ban công tác chính phủ họp bàn biện pháp khắc phục chi viện cho Phú Quý, tuy nhiên trong điều kiện thời tiết hiện thời không có tàu thuyền nào ra đảo được.

Theo đại tá Nguyễn Văn Mạnh, Phó tham mưu trưởng Quân Khu 7, trong ngày hôm nay trực thăng chưa thể bay ra đảo. Nhu cầu hiện tại của huyện đảo Phú Quý là nhà bạt cho 1.112 hộ không có chỗ ở và lương thực cho người dân tại đây.Hệ thống điện trên đảo Phú Quý bị hư hỏng nặng làm mất điện toàn bộ đảo. Hệ thống thông tin liên lạc cũng bị hư hỏng nặng.

PV Lam Điền từ Bình Thuận cho biết, tại một số địa bàn khác ở Bình Thuận như thị xã La Gi, có 178 căn nhà bị tốc mái và 2 chiếc tàu bị chìm, 2 người tử vong, đó là hai mẹ con trú bão trong gác chuông nhà thờ Đồng Tiếng thì bị gác chuông sập đè chết.

Y3R0fXfd.jpgPhóng to
Thuyền tại cảng Lagi bị sóng đánh dập vào bờ kè đá - Ảnh: Lam Điền
Đoạn quốc lộ 1 qua eo Cà Ná nối liền 2 tỉnh Bình Thuận và Ninh Thuận bị sóng đánh sạt lở đến mép đường. Hiện tại, ở huyện Tuy Phong có 24 căn nhà bị tốc mái.

Theo TTXVN, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng về công tác khắc phục hậu quả tại đảo Phú Quý trong buổi họp sáng nay, Bộ Quốc phòng đã điều 1 máy bay đến đảo Phú Quý vào lúc 12 giờ hôm nay và 1 tàu đến vận chuyển hàng cứu trợ. Ban chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương đã có văn bản trình Thủ tướng Chính phủ cho phép xuất 288 tấn gạo dự trữ để hỗ trợ người dân đảo Phú Quý. Bộ Giao thông Vận tải cũng đã điều động tàu trục vớt cứu hộ đi khắc phục hậu quả tại đảo Phú Quý.

Phó thủ tướng Trương Vĩnh Trọng đã phê bình tỉnh Bình Thuận về việc không cử lãnh đạo tỉnh ra đảo Phú Quý để chỉ đạo đối phó với bão. Phó Thủ tướng cũng nhận xét tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu không chỉ đạo chằng chống nhà yếu.

Bến Tre: 19 người chết, 384 người bị thương, 10.743 ngôi nhà bị sập

Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng đang có mặt tại Bình Đại, Bến Tre để động viên nhân dân khắc phục hậu quả cơn bão.

Thông tin từ Ban PCLB Bến Tre thống kê sáng nay, các huyện thiệt hại nhiều nhất là Bình Đại và Ba Tri do ở ven biển. Hiện Bến Tre cũng trong tình trạng cúp điện toàn khu vực.

UGMcN2Jr.jpgPhóng to 340sphv3.jpg
Người dân huyện Bình Đại dọn dẹp nhà bị hư hỏng sau bão - Ảnh: Vân Trường Những tấm tôn bị thổi bay vắt ngang dây điện ở Bến Tre- Ảnh: Lư Thế Nhã

Phóng viên Vân Trường từ Bến Tre cho biết, đến 14g chiều nay, ở Bến Tre đã có 3.893 căn nhà bị sập, 25.575 nhà bị tốc mái, 19 người chết nguyên nhân chủ yếu do nhà sập gồm huyện Giồng Trôm: 6 người, Bình Đại 7 người, Mỏ Cày 3 người, Châu Thành 1 người, Ba Tri 2 người. Có 4 ghe thuyền mất tích, chưa xác định số người mất tích.

Đến 15g, số người bị thương được xác định là 384 người, số nhà sập do bão là 10.743, 66.724 căn nhà bị tốc mái.

Tỉnh Bến Tre sẽ hỗ trợ cho mỗi gia đình có người chết 2 triệu đồng và điều trị miễn phí cho tất cả những người bị thương. Hiện tại, thời tiết tại đây vẫn rất xấu tuy rằng mưa đã ngưng và hết gió.

* Xã đảo Thạnh An, Cần Giờ (TP.HCM): di dời trên 1.000 hộ dân

PV Hồ Văn cho hay, lúc 4g sáng nay, gió thổi mạnh, mưa liên tục từ nửa đêm đến tận thời điểm này. Ấp Thạnh Hòa, nhà vách tôn bị gió thổi tung khoảng 50 căn nhà bị tốc mái, xiêu vẹo, 10 căn nhà sập, 2 căn nhà cháy do chập điện. UBND xã, trường học, trường mẫu giáo bị tốc mái, một số người dân bị xây xước nhẹ. Ban phòng chống lụt bão đã di dời khoảng 1.233 người dân về khu vực Miếu Bà và nhà văn hóa xã.

Tại huyện Cần Giờ (TP. HCM) có một thuyền gắn máy D24 (không số) bị chìm, người an toàn.

DENeEsQa.jpgPhóng to YydmYPRf.jpg
Nhiều cây xanh ven đường ở thị trấn Cần Thạnh bị tróc gốc - Ảnh Minh Đức Cây xanh đang được dọn dẹp ngay để lưu thông được bình thường - Ảnh Minh Đức

Tính đến 15g30 chiều nay, toàn huyện Cần Giờ có 216 căn nhà bị sập, 1483 căn nhà bị tốc mái, số dân được di dời tránh bão là 8329 người trong đó riêng xã Thạnh An là 1148 người.

Đến 14g chiều nay, bộ đội biên phòng và một số lực lượng khách đã cứu hộ được 52 người trôi dạt trên biển trong đó có 42 người dân Cần Giờ, 7 người thuộc địa phận Vũng Tàu và 3 người của Tiền Giang. Đến 21g, có 4 người bị mất tích vẫn chưa được tìm thấy và UBPCLB đã cử 2 trực thăng cứu hộ đến Cần Giờ quần đảo tìm người.

MEcUrDtk.jpgPhóng to iIBcYbqf.jpg
Người dân di tản trên đường Lê Hùng Yên, thị trấn Cần Thạnh chạy về nhà thiếu nhi huyện - Ảnh Minh Đức Nhóm thanh niên tình nguyện đang dọn dẹp những tấm tôn bị tốc trên đường phố Cần Thạnh - Ảnh Minh Đức

Vĩnh Long: 4 người chết, 8.465 căn nhà bị tốc mái

PV Quốc Anh từ Vĩnh Long cho biết, tại Vĩnh Long, từ 5 giờ sáng đã có mây mù và mưa nhỏ, đến 10 giờ mưa to và gió giật, hướng đi của bão mạnh dọc theo tuyến Quốc lộ 1, vì vậy, nhiều nhà ven quốc lộ bị sập và tốc mái.

Cụm phà hậu Giang dù chuẩn bị phòng chống bão khá chu đáo nhưng khi bão đổ vào tình hình vẫn khá phức tạp, gió to, mưa lớn. Hai đầu bến phà ở Bình Minh và Cần Thơ, mỗi bên xe kẹt kéo dài khoảng hơn 1km.

z8MrUfsg.jpgPhóng to 6qU6uTIL.jpg

Bão làm sập nhà ở Bình Minh - Ảnh: Quốc Anh

Theo ông Nguyễn Đình Lập - Phó ban Phòng chống lụt bão tỉnh Vĩnh Long, có 756 nhà sập, 2.558 căn nhà bị tốc mái. Tại Vũng Liên đã có một người chết, tại Bình Minh có ba người bị chìm sà lan mất tích. Có 20 bè cá bị chìm, thiệt hại ước khoảng 5 tỉ đồng.

Tuy nhiên, đến 18g chiều nay,số liệu thiệt hại do bão số 9 từ các huyện thị gởi về tăng lên rất cao. Có đến 2.366 căn nhà bị sập, 8.465 căn tốc mái, 4 người chết, bị thương 54 người.

Tiền Giang: 2 người chết, 26 người mất tích, thiệt hại 6694 căn nhà

Theo ghi nhận của phóng viên Vân Trường tại Tiền Giang: Một phụ nữ ở ấp Láng, xã Tân Thành, Gò Công Đông trong lúc chạy tránh bão bị lên cơn đau tim, tử vong. 6 người dân đóng đáy sông Cầu ở xã Vàm Láng, Gò Công Đông bị chìm ghe, 2 người ôm can nhựa được sóng đánh dạt vào xã Tân Thành, thoát chết, 4 người còn lại mất tích. 3 người dân xã Tân Thành do chủ quan ra giữ nghêu bị sóng đánh mất tích.

Theo số liệu thống kê tạm thời, 4/11 ấp tại xã biển Tân Thành giáp tỉnh Bến Tre có 700 căn nhà bị tốc mái, 105 căn nhà sập hoàn toàn. Đoạn đường từ thị trấn Tân Hòa đến Tân Thành có hàng chục cột điện bị đổ ngã, hàng chục cây cối bị trốc gốc, nhà cửa hư hại nặng.

fRZHwiEi.jpgPhóng to lEmJjpcb.jpg

Thu dọn sau bão - Ảnh: Vân Trường

Đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa - TP Mỹ Tho, Tiền Giang bị tắt nghẽn do có nhiều cây ngã đổ - Ảnh: Vân Trường

Ông Lê Văn Nghĩa, chủ tịch UBND huyện Gò Công Đông cho biết, đã có 15 xã báo cáo về tình hình thiệt hại do bão. Tính đến 11g30 trưa nay, có 818 căn nhà bị sập, 2.879 căn bị tốc mái, nặng nhất là hai xã cù lao Phú Tân và Phú Đông, trong đó Phú Tân có 1.122 căn nhà sập, Phú Đông có 1.163 căn nhà sập, hơn 4 ngàn nhân khẩu của hai xã này bị thiếu đói và huyện đã cứu trợ khẩn cấp 15.000 gói mì.

Chiều nay, huyện sẽ họp để chi viện thêm gạo, lương thực cho hai xã này. Đã có thêm 1 người ở xã Kiến Phước bị đột quị nâng số người tử vong lên 2 người. Đã có 33 người mất tích ở Vàm Láng, Tân Thành, Tân Phước. 5 ghe bị chìm và 10.000 dân được sơ tán tránh bão.

Tính đến 14g chiều nay, Tiền Giang đã thiệt hại 6694 căn nhà, trong đó sập hoàn toàn 1848 căn, còn lại là tốc mái và xiêu vẹo. Tỉnh đã di dời 12 ngàn dân, 2 người chết, 55 người mất tích, 46 cơ quan trường học hư hỏng, 25 tàu chìm trong đó có 5 tàu đánh cá, 41 trụ điện trung thế bị ngã đổ, 21 bè cá bị đứt dây, trôi dạt, 184 cây cổ thụ ở Gò Công Đông và Mỹ Tho bị ngã đổ gây tắc nghẽn giao thông, 416 ha lúa, 82 ha hoa màu bị thiệt hại, hệ thống điện vẫn chưa được khắc phục.

Tỉnh Tiền Giang hỗ trợ mỗi nhà bị sập 3 triệu đồng, nhà tốc mái từ 1 đến 1,5 triệu đồng.

Cần Thơ: Thiệt hại ước tính 2,5 tỷ đồng

Theo PV Hoàng Trí Dũng tại Cần Thơ, đến thời điểm này (19g30) đã có 326 căn nhà và 2 trường mẫu giáo bị sập và tốc mái; 29 căn bị sập hoàn toàn; 2 ghe bị chìm; 7 trụ điện và nhiều cây xanh bị ngã. Ước tính thiệt hại là 2,5 tỷ đồng.

Lãnh đạo thành phố đã kêu gọi các lực lượng tại chỗ hỗ trợ dựng lại nhà. Một điều may mắn là các ao cá dọc sông Hậu trước đó được đặt trong tình trạng báo động cao thì đến giờ phút nay vẫn an toàn. Thời tiết thành phố bây giờ không mưa, chỉ hơi âm u.

* Trong khi đó, tại Kiên Giang, trời đang mưa, vùng ven biển, gió mạnh cấp 6 đến cấp 7. Rút kinh nghiệm ở các địa phương khác, lãnh đạo tỉnh đã yêu cầu các thuyền ngoài khơi phải tìm vùng đất liền gần nhất để neo đậu, nên đến giờ vẫn chưa có thiệt hại gì đáng kể.

* Tại Đồng Tháp, đến giờ này đã có 400 căn nhà bị sập và tóc mái; 13 phòng học và phòng làm việc một số cơ quan bị sập hoàn toàn. Cũng chưa có ghi nhận thiệt hại gì về nhân mạng.

Sóc Trăng: Di dời hơn 200 hộ dân

Tại Sóc Trăng, các lực lượng ứng cứu cứu hộ đã di dời được trên 200 hộ với hơn 1.100 người dân ở những vùng nguy hiểm vào vùng tránh bão an toàn, dự kiến trong buổi sáng nay sẽ di dời toàn bộ 1.390 hộ dân trong vùng nguy hiểm ở các huyện Cù Lao Dung, Vĩnh Châu, Long Phú. Hầu hết các tàu thuyền của tỉnh đã vào nơi trú bão an toàn, chỉ còn 40 chiếc đánh bắt xa bờ với 580 ngư dân tuy chưa vào bờ nhưng đã tránh khá xa tâm bão (gần vùng biển Malaysia).

Đến 15g chiều nay, tại Sóc Trăng còn hơn 400 người đang lênh đênh trên các tàu đánh bắt trên biển vẫn chưa vào được bờ nhưng vẫn giữ liên lạc qua bộ đàm với biên phòng, Cà Mau còn 42 tàu đánh bắt xa bờ vẫn đang ở ngoài khơi.

Trà Vinh: Thiệt hại 36 tỷ đồng

Tin từ TTXVN, theo Ban chỉ huy phòng chống lụt bão tỉnh Trà Vinh, qua thống kê chưa đầy đủ, cơn bão số 9 khi đổ bộ vào địa bàn tỉnh Trà Vinh, với gió lốc, mưa giông cấp 7 đến cấp 8, đã gây tác hại trực tiếp đến các huyện Càng Long, Châu Thành, thị xã Trà Vinh, Cầu Kè...Tuy không có thiệt hại về người, nhưng 1.095 căn nhà bị sập và tốc mái, trong đó bị sập hoàn toàn là 346 căn, 11 phòng học bị sập, 5 tàu trọng tải nhỏ khi neo đậu bị chìm, nhiều cây xanh lâu năm bị gãy đổ...Mức thiệt hại ước tính 36 tỷ đồng.

Các ngành chữ thập đỏ, lao động thương binh xã hội cùng các huyện bị thiệt hại đang tổ chức hỗ trợ giúp bà con có nhà bị sập nhanh chóng khắc phục hậu quả. Huyện Càng Long đang tích cực kiểm tra diện tích lúa đông xuân mới gieo sạ, cây ăn trái...bị thiệt hại do bão để nhanh chóng ổn định đời sống và khôi phục sản xuất.

An Giang: 207 nhà sập do bão

Theo TTXVN, tính đến 19 giờ ngày 5-12-2006, tại An Giang, cơn bão số 9 đã làm 2 người bị thương do cây đổ, sập 207 nhà và kho tàng, chìm một sà lan, 6 phòng học bị tốc mái.

Tuy tâm bão không đi qua địa phận tỉnh An Giang, nhưng ảnh hưởng của bão làm sập, xiêu vẹo, tốc mái nhà... ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống nhân dân. Tại thành phố Long Xuyên và huyện Thoại Sơn, gió giật quá mạnh làm đổ 4 cột điện, do kịp thời di dời nhà cửa và di dân nên không thiệt hại về người.

Chính quyền, các lực lượng quân đội, công an, dân quân tự vệ, thanh niên xung kích, chữ thập đỏ trên địa bàn bị thiệt hại đang khẩn trương cứu trợ và giúp dân xây dựng, sửa chữa nhà cửa, giúp dân ổn định cuộc sống.

Tỉnh xác định 154 khu vực xung yếu; đã tổ chức di dời 2.090 hộ với 5.995 nguời về nơi an toàn, gia cố 10.921 nhà cửa; di dời 400 hộ sống trên ghe tàu (phường Mỹ Phước, thành phố Long Xuyên) về nơi an toàn; di dời và neo buộc chắc chắn 870 xuồng ghe, 1.799 bè cá, gia cố 1.558 đăng quầng và ao hầm nuôi cá.

Công điện của Văn phòng Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão Trung ương

Tối 5-12, Văn phòng Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão Trung ương đã có Công điện số 16 CĐ/PCLBTW gửi: Ban chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành phố ven biển, Trung Trung Bộ, Nam Tây Nguyên, Tây Nam Bộ, Đông Nam Bộ. Nội dung như sau:

Căn cứ dự báo của Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Trung ương, chiều 5-12 sau khi đi qua các tỉnh miền Tây Nam Bộ xuống vịnh Thái Lan, bão số 9 đã suy yếu thành áp thấp nhiệt đới và ít còn khả năng gây ảnh hưởng đến đất liền và vùng ven biển nước ta.

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng thường trực Nguyễn Sinh Hùng tại cuộc họp giao ban tối ngày 5-12, Văn phòng Ban chỉ đạo phòng, chống lụt bão Trung ương thông báo đến Ban chỉ huy PCLB&TKCN các tỉnh, thành phố:

1. Đối với các khu vực trên đất liền, hướng dẫn người dân đã sơ tán trở về nhà, các hoạt động trên đất liền tiến hành bình thường.

2. Đối với vùng biển tàu thuyền được tiếp tục hoạt động nhưng cần phải theo dõi các bản tin dự báo thời tiết để chủ động phòng tránh các hiện tượng thời tiết xấu, giông lốc cục bộ; các hoạt động trên biển và ven biển tiến hành bình thường.

3. Đề nghị Ban chỉ huy PCLB&TKCN các tỉnh, thành phố, các cơ quan thông tin đại chúng thông báo đến nhân dân và các tổ chức biết.

* Liên tục cập nhật

H4X2ixvC.jpgXem bản tin VTV phát lúc 9g ngày 5-12-2006H4X2ixvC.jpgXem bản tin VTV phát lúc 12g ngày 5-12-2006H4X2ixvC.jpgXem phóng sự trước khi bão đổ bộ của VTV (lúc 19g, 4-12)H4X2ixvC.jpgXem phóng sự về tổn thất do bão Durian gây ra tại PhilippinesCam Ranh chuẩn bị đối mặt với bão số 9Bở hơi tai với bão Durian TP.HCM: dân làm ngơ với bão Đồng Bằng Sông Cửu Long hồi hộp đón bão

T. PHÙNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên