25/02/2006 03:02 GMT+7

Vấn đề tiêu chuẩn đảng viên

GS NGUYỄN ĐỨC BÌNH
GS NGUYỄN ĐỨC BÌNH

TT - GS Nguyễn Đức Bình (nguyên ủy viên Bộ Chính trị, nguyên giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh): “Điều tôi băn khoăn, trăn trở ở chỗ: tư duy lý luận của chúng ta về chủ nghĩa xã hội lâu nay đã thật sự độc lập tự chủ hay chưa, đã thật sự sáng tạo trên mảnh đất VN hay chưa? Trung Quốc nói “chủ nghĩa xã hội mang đặc sắc Trung Quốc”. Vậy VN đã thật sự có một lý luận và đường lối của mình tiến lên CNXH trong thời kỳ quá độ hay chưa?”

aOatNASB.jpgPhóng to
GS Nguyễn Đức Bình
TT - GS Nguyễn Đức Bình (nguyên ủy viên Bộ Chính trị, nguyên giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh): “Điều tôi băn khoăn, trăn trở ở chỗ: tư duy lý luận của chúng ta về chủ nghĩa xã hội lâu nay đã thật sự độc lập tự chủ hay chưa, đã thật sự sáng tạo trên mảnh đất VN hay chưa? Trung Quốc nói “chủ nghĩa xã hội mang đặc sắc Trung Quốc”. Vậy VN đã thật sự có một lý luận và đường lối của mình tiến lên CNXH trong thời kỳ quá độ hay chưa?”

Thời cơ vàng: Vận hội mớiThời cơ vàng: Vượt qua cái bóng của mìnhThời cơ vàng và hiểm hoạ đenHướng đến chân lý sẽ vượt qua cái bóng của mìnhNgười tài chưa được trọng dụng hay bị đố kỵ?

Để mở đường đưa tư bản tư nhân vào Đảng, hay để cho phép đảng viên làm kinh tế tư bản tư nhân, một con đường ngoắt ngoéo đã đi qua.

Bắt đầu là “xóa”, không còn nói đến thành phần kinh tế tư bản tư nhân (nghị quyết trung ương 5 khóa IX) đưa nó hòa tan chung với kinh tế cá thể, kinh tế tiểu chủ trong cùng khái niệm “kinh tế tư nhân”. Có điều chỉ “xóa” được nó trên văn bản chứ làm sao xóa được thành phần kinh tế tư bản tư nhân trong hiện thực thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội?

Đảng viên làm kinh tế tư nhân không giới hạn về qui mô có nghĩa là gì?

Nay văn kiện dự thảo mới lại trở về với nhiều thành phần kinh tế nhưng cách trình bày còn rất dè dặt và về thực chất vẫn chưa thoát hẳn sự đánh đồng, trái với nguyên tắc giai cấp, kinh tế tư bản tư nhân với tiểu chủ và với kinh tế cá thể trong khái niệm “kinh tế tư nhân”.

LTS: Với lời đề nghị cần lập nội san Tranh Luận đăng những bài có quan điểm khác nhau, GS Nguyễn Đức Bình vừa có một bài viết trên báo Nhân Dân (ngày 23-2) nêu lên 5 kiến nghị:

- Đã đến lúc tất cả phải đặt lên bàn nghị sự.

- Kiên định con đường XHCN đã lựa chọn.

- Giữ vững bản chất giai cấp công nhân của Đảng.

- Vấn đề tiêu chuẩn đảng viên.

- Về độc lập tự chủ và sáng tạo trong lý luận.

Trong bài viết này, GS Nguyễn Đức Bình không đồng ý một số quan điểm và nội dung trong các văn kiện trình Đại hội X, đặc biệt là "không đồng ý quan điểm trong Đảng có thể có tư bản tư nhân".

Theo tinh thần cần có sự tranh luận, Tuổi Trẻ xin trích đăng nguyên văn phần "vấn đề tiêu chuẩn đảng viên" của bài viết này.

Liên quan vấn đề đảng viên làm kinh tế tư bản tư nhân, dự thảo mới vẫn tránh nói kinh tế tư bản tư nhân mà đưa lẫn vào trong một biến báo mới: “Đảng viên làm kinh tế tư nhân không giới hạn về qui mô”. Điều đó có nghĩa là gì? Có nghĩa là có thể làm giàu hết cỡ, làm tư bản tư nhân hết cỡ, có thể bóc lột hết cỡ mà (với những điều kiện nhất định?) có thể được làm đảng viên, như vậy có trái sờ sờ với “lẽ tự nhiên” như Bác Hồ nói không?

Nhưng tại sao một chính sách mới của Đảng quan trọng như thế mà lại không nói thẳng thắn, đàng hoàng, minh bạch, thậm chí không gọi sự vật đúng tên của nó? Chỉ riêng điều đó đã là một điểm yếu căn bản của “quan điểm mới”.

Cần nhận thức rằng: Những điều khoản ghi trong Điều lệ Đảng - giống như các điều luật - phải rất rõ ràng, chặt chẽ, xác định, chứ không thể nói một cách mơ hồ, chung chung. Đề nghị ban soạn thảo văn kiện xem kỹ lại cả mục 2 và mục 3 trong dự thảo Điều lệ Đảng trình bày tính chất Đảng và vấn đề đảng viên làm kinh tế tư bản tư nhân có nhiều lý lẽ chưa rõ, cả trên quan điểm lý luận.

Có người nói: “Không thể vì lý luận chưa rõ mà cản trở thực tiễn”. Đặt vấn đề như vậy sẽ dẫn đến quyết định phiêu lưu. Đảng ta, một Đảng cách mạng tự giác không thể ra quyết sách theo kiểu đó.

Trước sau tôi vẫn không đồng ý quan điểm trong Đảng có thể có tư bản tư nhân, với những lý lẽ như sau:

Nói về tiêu chuẩn đảng viên, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Đảng phải thật trong sạch, mạnh mẽ. Vì vậy đảng viên cũng phải thật trong sạch, mạnh mẽ tức là phải đúng những tiêu chuẩn sau đây:

- Không bóc lột người. Đảng chống chế độ “người bóc lột người”. Lẽ tự nhiên, ai bóc lột người thì không thể làm đảng viên” (Hồ Chí Minh toàn tập, tập 7, tr.237).

Đó là tư tưởng Hồ Chí Minh, cũng là chủ nghĩa Mác - Lênin và như thế là rõ. Đảng Cộng sản mà lại cho phép đảng viên làm kinh tế tư bản tư nhân, kết nạp vào hàng ngũ của mình cả chủ tư bản thì thật trái với “lẽ tự nhiên”. Đã là “lẽ tự nhiên” nên đáng ra không phải bàn luận, tranh luận nhiều. Vì vậy, tôi đề nghị trong điều lệ mới, bỏ mấy chữ “có lao động, không bóc lột” trong điểm 1 điều 1 chương Đảng viên. Còn điểm 2 điều 2 viết như sau: “2- Công dân VN là người lao động (trí óc và chân tay) từ 18 tuổi trở lên... đều có thể được xét để kết nạp vào Đảng”.

Đảng là tổ chức chính trị. Đảng viên là chiến sĩ chính trị, chiến sĩ cách mạng. Vấn đề đảng viên là vấn đề chính trị, vấn đề giai cấp chứ không phải vấn đề kinh tế, vấn đề lực lượng sản xuất. Để huy động mọi tiềm năng phát triển sản xuất và lực lượng sản xuất, điều cốt yếu là Đảng và Nhà nước phải có chính sách cơ chế thông thoáng, thích hợp; không phải cứ kết nạp một số nhà tư bản vào Đảng là giải quyết được vấn đề. Không thể từ thuyết duy lực lượng sản xuất để giải quyết vấn đề kết nạp đảng viên. Không nên giáo điều sao chép bên ngoài.

Vấn đề đảng viên chính là vấn đề Đảng; phải xuất phát từ Đảng chứ không phải từ lực lượng sản xuất để nói về đảng viên; nói về đảng viên tức nói về Đảng. Không thể lược qui Đảng về lực lượng sản xuất, bởi từ lực lượng sản xuất, đến quan hệ sản xuất, từ quan hệ sản xuất đến giai cấp, từ giai cấp rồi mới đến Đảng. Đảng là chính đảng, là đội tiên phong chính trị của giai cấp.

Một người đảng viên, nhất là trong cách mạng XHCN, vì vậy không thể vừa là chiến sĩ cộng sản lấy việc xóa bỏ chế độ bóc lột làm lý tưởng đời mình, lại vừa làm ông chủ tư bản lấy bóc lột lợi nhuận làm lẽ sống. Người đảng viên cũng là công dân nhưng không phải mọi điều công dân được làm thì đảng viên cũng được làm bởi đối với đảng viên, ngoài pháp luật còn phải tuân theo Điều lệ Đảng; nếu anh cho như vậy là đảng viên không bằng công dân, là mất quyền tự do công dân, thì nào có ai bắt buộc anh vào Đảng!

Ngay điều này cũng cần nhận rõ: đảng viên phải là người lao động nhưng không phải bất kỳ người công nhân, lao động nào cũng có thể là đảng viên! Chưa nói cá nhân từng người công nhân, đến cả bản thân phong trào công nhân nếu tự phát thì nhiều lắm cũng chỉ vươn tới chủ nghĩa công đoàn mà chủ nghĩa công đoàn, theo Lênin, vẫn chưa ra khỏi khuôn khổ hệ tư tưởng tư sản.

Ông chủ tư bản làm sao có thể dễ dàng trở thành người cộng sản?

Với người lao động, không bóc lột đã như vậy, thì đối với ông chủ tư bản làm sao có thể dễ dàng trở thành người cộng sản? Thật không có gì sai bằng lập luận thế này: Ta đang ở thời kỳ quá độ, vậy trong thành phần xã hội của đảng viên cũng có sự quá độ. Nói thế khác gì quan điểm cho rằng kinh tế nhiều thành phần thì chính trị tất yếu phải đa đảng và tư tưởng trong Đảng tất yếu cũng phải đa nguyên.

Cũng không đúng ý kiến cho rằng thời kỳ cách mạng dân tộc dân chủ Đảng đã từng kết nạp cả một số địa chủ, tư sản thì tại sao bây giờ lại không thể kết nạp một số tư bản tư nhân, rằng cách mạng có giai đoạn, nguyên tắc cũng thay đổi theo giai đoạn! Ở đây cần lưu ý một thực tế quan trọng: ranh giới giác ngộ thời cách mạng dân tộc dân chủ, thời kháng chiến rất rạch ròi và rất dễ rạch ròi: một đại điền chủ, một nhà tư sản có thể từ bỏ giai cấp mình, vứt bỏ một cách dứt khoát, nhẹ nhàng và còn đầy tự hào nữa, cả cơ ngơi tài sản, điền sản của mình để đi theo kháng chiến, rồi được cách mạng giáo dục và rèn luyện trong quá trình đấu tranh gian khổ, khốc liệt, dần trở thành chiến sĩ cộng sản.

Còn trong cách mạng XHCN ngày nay thì sao? Một là, những điều kiện khốc liệt như thế để tôi luyện con người đã không còn. Hai là, trong điều kiện hòa bình xây dựng thông qua kinh tế thị trường, khó mà hình dung được một nhà tư sản đang đường đường là một ông chủ lấy lợi nhuận (và lợi nhuận tối đa!) làm mục tiêu, ngày đêm phải vắt óc suy nghĩ và xoay xở đủ cách (chính đáng và không chính đáng, hợp pháp và phi pháp) để đạt kỳ được mục tiêu đó (nếu không thì ông ta không là nhà tư bản), làm sao một người như thế đồng thời đêm ngày lo nghĩ được sự nghiệp XHCN của Đảng, làm tròn nhiệm vụ một đảng viên, toàn tâm toàn ý phục vụ nhân dân? Động cơ vào Đảng của họ làm sao có thể trong sáng được, làm sao họ có thể tự nguyện rời bỏ giai cấp mình để hi sinh tất cả cho lý tưởng cộng sản, một chế độ không có người bóc lột người. Trái lại, họ vào Đảng cốt tìm kiếm chỗ dựa quyền lực để dễ bề làm ăn, kinh doanh.

Ta biết rằng thời nay quyền lực và tiền bạc, tiền bạc và quyền lực thường dễ móc nối với nhau ranh ma quỉ quái thế nào. Và thật vô cùng nghịch lý khi nghĩ rằng kết nạp cả tư sản để mở rộng cơ sở xã hội, cơ sở quần chúng cho cách mạng XHCN! Quần chúng công nông, các lực lượng vũ trang con em công nông sẽ hỏi chúng ta ngay: vậy các anh là Đảng của ai?

Đặt vấn đề có tính nguyên tắc: “Những người cộng sản khác những người vô sản ở chỗ nào?”, C.Mác và Ph.Ăngghen trả lời: “Trong các giai đoạn khác nhau của cuộc đấu tranh giữa vô sản và tư sản, họ luôn luôn đại biểu cho lợi ích của toàn bộ phong trào” (Mác và Ăngghen toàn tập, tập 4, tr.614).

So với người vô sản, người công nhân bình thường, tố chất người cộng sản đã phải cao hơn hẳn như vậy bởi đây là tố chất người công nhân giác ngộ về sứ mệnh lịch sử của toàn bộ giai cấp, về lợi ích của toàn bộ phong trào, họ là chiến sĩ chính trị, chiến sĩ cách mạng. Nếu không nhận thức đến nơi như vậy, nếu hạ tiêu chuẩn đòi hỏi ở người cộng sản xuống đến mức người lao động tốt bình thường đã không đúng thì càng không thể chấp nhận sự hạ thấp tiêu chuẩn người đảng viên cộng sản xuống đến mức người tư sản chỉ có tốt bình thường.

Người tư sản tốt, chấp hành đầy đủ và nghiêm chỉnh đường lối chính sách của Đảng và pháp luật nhà nước, ra sức làm giàu một cách chân chính cho mình và cho đất nước là rất quí đối với đất nước và xã hội ta hiện nay. Đảng và Nhà nước có chính sách khuyến khích điều đó. Xã hội tôn vinh những người đó. Nhưng chỉ như vậy đâu phải người đó đã đạt tiêu chuẩn đảng viên cộng sản.

Tóm lại, bảo đảm đúng tiêu chuẩn đảng viên theo “lẽ tự nhiên” đơn giản và chí lý như Bác Hồ chỉ ra là một trong những điều kiện cơ bản và tiên quyết để giữ vững bản chất giai cấp công nhân của Đảng.

Phải đặt thẳng những vấn đề có ý kiến khác nhau lên bàn tranh luận

Cần thống nhất khẳng định: Sự thiếu nhất trí trong Đảng ta hiện nay chủ yếu là trên mặt nhận thức. Là vấn đề nhận thức, phải giải quyết bằng nhận thức, bằng trao đổi, thảo luận, tranh luận thẳng thắn trên tinh thần đồng chí. Muốn vậy, phải đặt thẳng những vấn đề có ý kiến khác nhau lên bàn, trước hết là mấy vấn đề then chốt sau đây:

- Sau thảm họa sụp đổ ở Liên Xô, Đông Âu, chúng ta có nên tiếp tục con đường xã hội chủ nghĩa nữa hay không? Có thể có con đường nào khác phù hợp hơn? Hoặc: hãy thôi nói chủ nghĩa xã hội, thôi nói chủ nghĩa Mác - Lênin, mà cứ làm sao cho “dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh” là được rồi?

- Bản chất Đảng có gì thay đổi? Có nên giữ như lâu nay: “Đảng ta là đội tiên phong của giai cấp công nhân, đại biểu trung thành cho lợi ích của giai cấp công nhân, của nhân dân lao động, của cả dân tộc” hay nên thay bằng công thức mới: “Đảng ta là đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động, của dân tộc”.

- Về đảng viên, có nên cho phép đảng viên làm kinh tế tư bản tư nhân, cho phép kết nạp cả những nhà tư bản tư nhân vào Đảng hay không?

Rất tiếc mấy tháng vừa rồi tại đại hội Đảng các cấp từ cơ sở đến tỉnh, thành phố, đến đại hội Đảng các cơ quan trung ương, các vấn đề rất ít được đặt ra để thảo luận, tranh luận. Tôi cho đó là một hạn chế lớn không đáng có. Ngoài việc sau này vẫn phải hướng dẫn thảo luận, tranh luận trong các tổ chức Đảng để quán triệt nghị quyết, tôi đề nghị trung ương cho ra một tờ nội san, lưu hành có hạn chế trong Đảng, có thể đặt tên là Tranh Luận để đăng những bài có quan điểm khác nhau mà không thể đăng công khai.

Để bảo đảm chặt chẽ, có thể qui định trong tôn chỉ mục đích nội san là tất cả bài vở đều không được chống lại chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, cương lĩnh chính trị và đường lối cơ bản của Đảng, mặc dù có thể cho phép có những phê phán riêng rẽ về những luận điểm cụ thể này hay khác, chủ trương cụ thể này hay khác, không phải là đường lối và nguyên lý cơ bản. Việc ra nội san Tranh Luận đã đến lúc chín muồi vì những quan điểm khác nhau trong Đảng nay đã bộc lộ công khai hay nửa công khai bằng phát ngôn và phát tán tài liệu rất có hại vì nó làm phân tâm, phân tán tư tưởng nghiêm trọng trong Đảng và trong xã hội.

_________________

Ý kiến bạn đọc:

Đâu là "thời cơ vàng", "hiểm họa đen"?

Nghiên cứu kỹ bài viết của Giáo sư Nguyễn Đức Bình, tôi thấy những vấn đề bức xúc của đất nước hiện nay, những tri thức mới của thời đại đã không được GS quan tâm, đề cập. Đối với các kiến nghị của GS, với tư cách là thanh niên, một sinh viên - tôi xin có đôi lời và qua đó xin góp một vài ý kiến nhỏ bé của mình cho văn kiện Đại hội Đảng sắp tới:

Vấn đề thứ nhất: về kiến nghị kiên định con đường XHCN đã lựa chọn. Xin được hỏi con đường XHCN đã lựa chọn là con đường nào? Con đường mà Liên Xô và các nước XHCN trước đây đã đi? Chắc chắn không phải rồi. Con đường mà Cu Ba và Bắc Triều Tiên đang đi? Cũng không phải. Hay con đường mà Trung Quốc đang đi? Cũng không phải nốt. Hoặc theo con đường mà Việt Nam đã đi từ năm 1986 về trước? Nếu vậy, báo chí đã không gọi thời kỳ tăm tối đó là "Đêm trước của đổi mới".

Trong bài viết, GS có đề cập VN cho biết Việt Nam chưa thật sự có một lý luận và đường lối của mình tiến lên CNXH trong thời kỳ quá độ. Lý luận không có, đường lối chưa đề ra, vậy Giáo sư đề nghị đất nước đi lên XHCN bằng con đường nào?

Vấn đề thứ hai: về vấn đề bóc lột của giai cấp tư sản. Thiết tưởng với những nghiên cứu gần đây về kinh tế chính trị trong nước và trên thế giới đã giải quyết triệt để vấn đề này. Không cần phải bàn thêm. Tuy nhiên, GS vẫn sử dụng học thuyết về bóc lột đã được nghiên cứu từ hàng trăm năm trước, không phù hợp chút nào với tình hình thực tế hiện nay.

Theo lý thuyết của Marx, giá trị hàng hoá bao gồm c+v+m. Trong đó m là giá trị thặng dư do người lao động sáng tạo ra bị nhà tư sản chiếm đoạt. Điều này có đúng không? Ở đây, tôi chỉ xin nhắc với GS một thực tế rằng: một công nhân làm việc cho công ty nhà nước thường có lương thấp hơn rất nhiều so với công ty tư nhân trong cùng điều kiện làm việc. Nếu lập luận như GS, làm việc cho công ty nhà nước thì người lao động không bị bóc lột, còn khi làm việc cho doanh nghiện tư nhân thì bị nhà tư bản bóc lột, chiếm đoạt "giá trị thặng dư" gì đó thì có lẽ toàn thể lực lượng lao động ở Việt Nam sẵn sàng tình nguyện bị bóc lột.

Vấn đề thứ ba: giai cấp. Có thực sự là tồn tại giai cấp công nhân, giai cấp nông dân như Giáo sư đã đề cập. Cha mẹ tôi là người làm ruộng, một nằng hai sương trên đồng ruộng. Họ là giai cấp nông dân theo phân loại của GS. Như vậy tôi cũng thuộc giai cấp nông dân là đúng rồi (lúc nhỏ tôi cũng ra đồng giúp cha mẹ làm ruộng). Lớn lên, tôi rời bỏ đồng ruộng, bước chân lên thành phố kiếm sống, may mắn lắm tôi được nhận vào làm công tại một công ty tư nhân. Như vậy tôi có thuộc vào giai cấp công nhân hay không? Chắc chắc tôi thuộc giai cấp công nhân. Làm công nhân một thời gian, tích luỹ một số tiền, tôi quyết lập nghiệp riêng và thuê một số người về làm việc. Như vậy tôi sẽ thuộc thành phần giai cấp tư sản. Chỉ một mình tôi, theo thời gian đã thuộc ba giai cấp khác nhau.

Chỉ vì ý chí muốn vươn lên làm giàu cho bản thân và gia đình, lẽ nào tôi đã từ một người thuộc "giai cấp tiên tiến" trở thành "giai cấp bóc lột" theo như phân loại của GS?

Vấn đề thư tư: về Tạp chí Tranh luận. Giáo sư kiến nghị ra tạp chí Tranh Luận đăng những ý kiến khác nhau. Đây là ý kiến hay. Nhưng những bài cho đăng được cho vào một khuôn khổ: "không được chống lại chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, cương lĩnh chính trị và đường lối cơ bản của Đảng, mặc dù có thể cho phép có những phê phán riêng rẽ về những luận điểm cụ thể này hay khác, chủ trương cụ thể này hay khác, không phải là đường lối và nguyên lý cơ bản.".

Về vấn đề này xin được có đôi lời cùng GS: Tương lai đất nước Việt Nam, tiền đồ phát triển của đất nước là trách nhiệm của toàn thể dân tộc Việt Nam. Mọi người dân đều phải có trách nhiệm và có quyền hiến kế, đóng góp ý kiến. Tạp chí Tranh Luận (nếu có ra đời) tại sao chỉ đăng những ý kiến tranh luận thuộc nội bộ Đảng mà không phải của toàn dân? Nó có tập hợp được trí tuệ của toàn dân? Ba triệu đảng viên không thể tiêu biểu cho trí tuệ của cả dân tộc.

Vấn đề thứ năm: nhà tư bản có được là đảng viên? Vấn đề tiêu chuẩn đảng viên là công việc nội bộ của Đảng, tôi không có ý kiến gì. Nhưng chỉ xin nói lên một vài suy diễn từ lập luận của GS. Theo Giáo sư, Đảng chỉ kết nạp những nhà tư bản vào Đảng trong kháng chiến là do lúc đó Đảng cần họ. Nay, thấy không có lợi thì không còn sử dụng? Giai cấp tư sản là giai cấp bóc lột nên cần phải xoá bỏ. Hiện nay Đảng kêu gọi phát triển nền kinh tế nhiều thành phần chỉ là giải pháp tạm thời. Khi cần thiết, Đảng sẽ tiến hành "cải tạo" như đã từng làm trong thực tế. Với học thuyết trên, nhà đầu tư nào có thể an tâm bỏ vốn kinh doanh để phát triển kinh tế cho đất nước?

Đảng Việt Nam là của mọi người Việt Nam

Xét về khả năng lý luận và hiểu biết, tôi không thể bằng giáo sư Bình, nhưng tôi mạn phép có vài ý kiến phản hồi bài viết của giáo sư về tiêu chuẩn Đảng viên như sau: Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói: "Tôi chỉ có một Đảng duy nhất: Đảng Việt Nam", tuyệt nhiên trong câu nói của cụ không nhắc gì đến giai cấp công nhân, tư sản, tiểu tư sản, cách mạng hay phản cách mạng.

Đảng của cụ, đường nhiên là Đảng cộng sản Việt Nam.

Đảng Cộng sản Việt Nam phải là Đảng đại diện cho mọi giai cấp, mọi tầng lớp nhân dân, là Đảng của tất cả các giai cấp: công nhân, nông dân, trí thức, tiểu tư sản, kể cả tư sản nếu họ có lòng yêu nước và nhiệt huyết, thì hà cớ gì lại ngăn cản họ tham gia vào hoạt động của Đảng lãnh đạo, chẳng lẽ chỉ vì họ làm ăn bằng con đường chân chính? Chỉ vì họ có gốc tư sản ? Chẳng phải đó là sự cách ly họ ra với đời sống chính trị ? Thế thì Đảng có xứng đáng là "Đảng Việt Nam"?

Hãy nhớ, khẩu hiệu "dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra" không chỉ dành cho cơ quan Quốc hội, đó dành cho tất cả các tổ chức chính trị, đoàn thể chính trị, mà Đảng chính là một trong những đoàn thể, tổ chức đó, tuyệt nhiên phải tuân thủ nguyên tắc như trên. Vậy tư sản có phải là dân không ? Nhà tư bản cũng có quyền yêu nước, cũng có quyền được tham gia lãnh đạo đất nước, tham gia vào Đảng Cộng sản Việt Nam, ai có lòng yêu nước thì bất kể họ là công nhân hay tư sản đều có quyền góp sức vào Đảng. Hay chúng ta đang sợ sệt điều gì ?

Nếu Đảng đã cho rằng công nhân là giai cấp tiến bộ nhất, lãnh đạo Cách mạng XHCN, thì việc một nhà tư bản hay mười nhà tư bản có mặt trong hàng ngũ người cộng sản cũng không thể phá vỡ khối đoàn kết của giai cấp công nhân. Tất cả chung một chí hướng làm cho Việt Nam phát triển, giàu có thì cũng chẳng có gì đáng lo ngại, còn nếu chỉ vì quyền lợi giai cấp mà quên đi quyền lợi Tổ quốc thì đảng đó không còn đủ tư cách lãnh đạo đất nước nữa.

Một thực tế: không ít những người bị coi là "bóc lột", là tư sản, lại rất có tài và thực sự có tâm với nhân dân, đất nước; còn một bộ phận những người đứng trong hàng ngũ Đảng cộng sản, tham gia lãnh đạo đất nước thì lại là những kẻ sâu dân mọt nước, bất tài vô dụng. Vậy thực chất, tiêu chuẩn đảng viên không nằm ở thành phần giai cấp, không nằm ở quan điểm chính trị hay thành phần xuất thân, hay "bóc lột" hay "không bóc lột", hay làm kinh tế hay không làm... mà cái chính là nằm ở bản chất con người.

Việt Nam đã may mắn khi có Chủ tịch Hồ Chí Minh, và những ý kiến của Bác cho đến nay vẫn đúng qua mọi thời đại, hãy đọc và suy ngẫm hai câu nói sau của cụ: "Đoàn kết đoàn kết, đại đoàn kết - thành công, thành công, đại thành công"; "Tôi chỉ có một đảng: Đảng Việt Nam" Một chính đảng đã biết huy động sức mạnh của cả một dân tộc, của mọi tầng lớp nhân dân làm cách mạng để đưa đất nước thoát khỏi ách nô lệ, đưa đất nước đến kỷ nguyên thống nhất, đảng đó xứng đáng lãnh đạo đất nước, đảng đó xứng đáng tồn tại.

Nhưng xứng đáng không có nghĩa là tất yếu. Nếu Đảng chỉ đại diện cho một giai cấp, nếu Đảng không tập hợp được các giai cấp khác dưới ngọn cờ của nó, đảng đó sẽ bị diệt vong. Thưa giáo sư, phải chăng Đảng của chúng ta, Đảng Việt Nam, đảng của nhân dân Việt Nam nay chỉ còn là Đảng của lý tưởng cộng sản, của giai cấp công nhân? Thế thì Đảng có còn xứng đáng với danh gọi "Đảng ta" trìu mến ?

Muôn đời vẫn thế, nếu đã đại diện cho toàn dân Việt Nam, thì quyền lợi giai cấp và lý tưởng cộng sản phải đặt dưới quyền lợi dân tộc, đó mới là đảng của dân tộc. Và hơn nữa, gia nhập Đảng tức là góp sức lãnh đạo đất nước, góp sức đưa Việt Nam sánh vai cùng cường quốc năm châu, chứ tuyệt nhiên không phải là tu hành khổ hạnh. Vậy thì việc đảng viên làm kinh tế có gì là quá đáng, có gì là nguy hiểm ? Con người là một vật thể sống, nếu họ lý tưởng đến đâu nhưng không đủ ăn thì liệu họ có còn toàn tâm toàn ý cho đất nước, cho lý tưởng. Ông bà ta đã nói "bần cùng sinh đạo tặc", hãy suy ngẫm.

Và tôi sẽ trả lời câu hỏi của giáo sư: "Đảng là đảng của ai"? Đảng là Đảng của toàn dân Việt Nam, của toàn thể nhân dân Việt Nam yêu nước, của toàn bộ các giai cấp. Xin hãy mở lòng với nhà tư bản, một quốc gia không thể vừa nói "đoàn kết" mà đảng lãnh đạo lại không chấp nhận một giai cấp nào đó tham gia đời sống chính trị, đó là sự vô lý, một sự ấu trĩ trong tư duy nhận thức và hoàn toàn là "đi ngược với mặt trời thì không thể thoát khỏi cái bóng của mình". Phục vụ cho dân tộc, tức là đại diện cho mọi tầng lớp dân tộc, chấp nhận ý kiến của mọi tầng lớp, hay phục vụ cho lý tưởng của mình, đại diện cho giai cấp của mình ? Đó là câu hỏi mà mỗi đảng viên phải trả lời, là hướng đi mà Đảng ta phải chọn trong giai đoạn mà "thời cơ vàng gắn với hiểm họa đen" này.

Mỗi giai cấp đều có nhiệm vụ phát triển đất nước

Theo tôi chúng ta nên dồn hết tâm trí: là đảng viên cũng vậy, không đảng viên cũng vậy, người trong nước cũng vậy, Việt kiều cũng vậy. Là người Việt Nam hãy chung vai đấu cật đưa đất nước đi lên sánh ngang với bạn bè năm châu. Để làm sao kinh tế chúng ta giàu mạnh, khi đó vị thế chúng ta sẽ khác.

Chúng ta còn quá nghèo. Hãy lên án mọi tư tưởng hủ cựu, những ai cố tình cản trở gây khó khăn hoặc bàn lui. Những kẻ như vậy đang chính là kẻ thù của cả dân tộc. Đảng cộng sản luôn dùng khẩu hiệu: "dân giàu nước mạnh, xã hội công bằng văn minh", vậy hãy biến khẩu hiệu thành hành động thực tế. Hãy làm cho nước mạnh hơn, dân giàu hơn bằng cách mở cửa hơn nữa, tự do hơn nữa. Hãy làm cho xã hội công bằng hơn bằng cách chấp nhận mọi giai cấp, cho phép mọi giai cấp quyền tự do bình đẳng như nhau. Hãy để mọi giai cấp tự gánh lấy nhiệm vụ bổn phận của mình, góp phần phát triển chung cho dân tộc, cho đất nước. Đừng cản trở ngăn cản bất kỳ giai cấp nào. Đừng kỳ thị giai cấp.

Có nên tư sản hóa đảng cộng sản hay không? Chủ nghĩa cộng sản ra đời khi CNTB bị khủng hoảng. Thế nhưng ngay sau đó CNTB đã vượt qua được chính mình và ngày càng phát triển ổn định. Và chính họ đang đi lên con đường XHCN. Nền dân chủ của các nước bắc Âu là mô hình xã hội văm minh tân tiến nhất mà loài người có được. Chính CNTB sẽ đi trên con đường tiến tới CNXH hoặc mô hình xã hội giống như vậy.

Nhìn vào các nước bắc Âu chúng ta mơ ước tính dân chủ, quyền tự do của người dân nước họ, chế độ ưu đãi, trợ cấp xã hội, người giàu đóng góp nhiều, người nghèo đóng góp ít, người già trẻ em được trợ cấp bảo trợ. Việt Nam mang tiếng đang đi lên con đường XHCN nhưng sao chông gai thế. Đến bao giờ người dân VN mới được như họ đây?

Trước đây chúng ta dẹp bỏ thành phần tư sản, xóa bỏ mọi tàn dư của tư bản, phát triển bỏ qua gia đoạn quá độ tư bản tiến lên con đường XHCN. Trong ngần ấy năm chúng ta không tiến được bước nào mà tự mình đi thụt lùi hàng chục hàng trăm bước. Nền kinh tế kế hoạch đã từng là nỗi kinh hoàng cho người dân VN. Dẹp bỏ nền kinh tế kế hoạch là cơ may cho cả dân tộc. Thay đổi nhận thức là vấn đề hệ trọng.

Trong thời kỳ thông tin bùng nổ, tri thức nhân loại được chia sẻ nhiều hơn, đảng cộng sản cũng phải tự chấp nhận nhiều luồng thông tin. Mỗi người có quan điểm riêng, ý kiến chủ quan riêng, không ai có thể áp đặt được. Quan điểm chính trị cũng vậy. Đảng nên mở rộng hơn, đổi mới hơn, cho phép phát triển kinh tế manh hơn nữa. Người dân sẽ hàm ơn công lao cải cách của họ.

Nhân kỳ đại hội này, Đảng nên thay da đổi thịt để đón thêm cơ hội mới cho mình và đất nước. Xin cám ơn.

Tiên chuẩn đảng viên: chất cần hơn lượng

Theo quan điểm của tôi, người Đảng viên không phải là người bình thường như bao người khác, họ là những “chiến sỹ chính trị”, “chiến sỹ cách mạng”, những “người ưu tú”, người “được nhân dân tín nhiệm”. Một khi đã vào Đảng là phải suốt đời vì nước vì dân, đặt lợi ích của Tổ quốc, nhân dân lên trên lợi ích cá nhân mình. Vì vây, tiêu chuẩn đảng viên phải phù hợp với những tính chất trên của một người Đảng viên thực thụ.

Phải nâng cao hơn nữa tiêu chuẩn đảng viên. Xã hội ngày càng tiến bộ, người đảng viên ngày càng phải giỏi hơn về nhiều mặt, tiêu chuẩn đảng viên cũng phải được nâng tầm. Và trong xã hội này, người đảng viên nhất thiết phải có trình độ kiến thức uyên thâm, lối sống ngay thẳng, trung thực, được đông đảo nhân dân tin tưởng. Đảng viên có thể xuất thân từ một nhà tư bản, nhưng khi đã vào Đảng thì phải vì sự nghiệp chung, coi nhẹ sự nghiệp làm giàu của riêng mình.

Có thể nào một đảng viên có thể vừa làm tốt những công việc được Đảng và nhân dân giao phó vừa có thể làm tốt sự nghiệp làm giàu của riêng mình? Có thể nào công việc làm giàu cho riêng mình sẽ dễ dàng thuận lợi hơn chính là động cơ vào Đảng của những phần tử “tinh khôn”? Cần đặt nặng chất lượng hơn là số lượng đảng viên. Như thực tế cách mạng tháng 8 đã cho thấy rõ ràng về chất và số lượng. Ngày nay, số lượng to lớn đảng viên với chất lượng không cao làm hệ thống Đảng vừa nặng vừa ít hiệu quả. Nếu số lượng cứ tăng nhanh trên cơ sở chất lượng không đảm bảo thì sẽ đi đến đâu? Trên đây là vài ý kiến cá nhân về tiêu chuẩn đảng viên. Vấn đề quan trọng hơn là việc đánh giá những tiêu chuẩn đó trên một con người trong thực tế có xác đáng không? Hiện nay, nhiều người cương trực, thẳng thắng vào Đảng khó khăn hơn những người không mấy thật thà nhưng giỏi quan hệ.

Phát triển thì không được dậm chân tại chỗ

Tôi xin có một số ý kiến sau khi đọc bài viết về việc đảng viên có được làm kinh tế tư nhân không?

Trước hết tôi rất buồn vì Đảng ta có một đội ngũ hùng hậu các đảng viên có trình độ lý luận cao. Nhưng chúng ta đi bàn một việc đã được nêu ra từ Đại hội IX đến nay vẫn chưa ngã ngũ: đảng viên có được làm kinh tế tư nhân không?

Nhìn ra thế giới, người ta bàn chuyện lên cung trăng, sao hoả rồi mà chúng ta bàn những chuyện sát đất năm này qua năm nọ vẫn chưa xong. Tôi cho rằng trong thời đại xây dựng đất nước hát triển kinh tế như hiện nay đảng viên cần phải gương mẫu đi đầu, nên việc đảng viên làm kinh tế tư nhân là việc cần khuyến khích và cần thiết, miễn sao đừng vi phạm pháp luật thôi.

Thay đổi lý luận để tiến lên là điều cần thiết, cứ dậm chân tại chỗ thì không phát triển được.

Nguyên lý thời đại: tất cả cùng phát triển

Chào bác Bình cháu là người có lẽ trẻ tuổi quá nên khi nghe những lập luận của bác cháu thấy là lạ và khó hiểu. Cháu cũng như bao thanh niên khác sinh ra và lớn lên sau chiến tranh trải qua thời kỳ khó khăn trước đổi mới, không được học nhiều về chủ nghĩa Mác và có lẽ cũng mơ hồ về Tư tưởng Hồ Chí Minh. Vậy nên cháu mạo muội xin ý kiến của bác.

Theo bác, đảng viên không được phép làm kinh tế tư nhân và tất cả những người làm kinh tế tư nhân không đủ phẩm chất để được kết nạp Đảng. Vậy có một số vấn đề rất lớn đặt ra:

1. Có những đảng viên rất giỏi làm kinh tế, trước sức ép phát triển và yêu cầu của thế giới về hội nhập kinh tế, các doanh nghiệp nhà nước ngày càng ít đi. Có nghĩa là chúng ta không có đất cho những đảng viên có tài phát triển.

2. Thực tế trên thế giới cho thấy không phải cứ để làm ông chủ những doanh nghiệp phát triển, thành đạt là phải bóc lột người lao đông. Thế giới ngày nay đi theo nguyên lý "tất cả cùng phát triển". Tại sao chúng ta lại ngăn cản những người như vậy vào Đảng khi họ tâm huyết và thực sự không bóc lột mà còn tạo ra cuộc sống tốt đẹp cho những người lao động, mang lại lợi ích của cải cho xã hội. Chẳng lẽ những đảng viên chân chính không được phép làm giàu chính đáng cho bản thân và xã hội? Trên đây là những thiển nghĩ của cháu mong được bác giải đáp.

Đừng lấy lịch sử để trói buộc

Xin gửi quí báo, thực sự khi đọc bài binh luận của GS Nguyễn Đức Bình tôi nhận thấy cách chú giải và bình luận rất hay, có lý, rất khoa học. Tôi là một người dân bình thường, trình độ không cao có thể không hiểu hết các ý nghĩa sâu xa mà GS đã đưa ra. Nhưng tôi cũng xin nói ra một cảm nghĩ của tôi sau khi đọc bài này:

Trước hết tôi không biết là có nên cho đảng viên làm kinh tế tư nhân hay không, nhưng theo GS thì không cho. Nhưng cách lý luận của GS làm tôi cảm thấy rằng GS lấy các lí luận lịch sử ra để bảo vệ và trói buộc quan điểm của mình là không hợp lí với thời đại. Bởi lẽ, thời đại ngày càng phát triển và chưa chắc một quan điểm đúng trong lịch sử lại có thể đúng trong thời đại mới. Ngay cả những định luật toán học vững chắc cũng có thể bị phản chứng trong tương lai, chưa nói chi là quan điểm trong lịch sử chưa chắc đã đúng.

Thứ hai là, tôi rất tâm đắc ý kiến của GS là hãy để tranh luận các vấn đề và cho dù chế độ gì đi nữa thì làm sao cho "dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, văn minh" là đủ. Đó là quan điểm của tất cả các nước mà ta gọi là tư bản hiện nay, hãy nhìn thì biết.

GS NGUYỄN ĐỨC BÌNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên