09/03/2014 05:51 GMT+7

Lịch sử - hơn cả một môn học

CÔNG NHẬT
CÔNG NHẬT

TT - LTS: Câu chuyện học sinh ngán học sử đã thể hiện qua những số liệu gây “sốc” như hàng ngàn bài thi môn sử ở kỳ thi đại học, cao đẳng năm 2011 có điểm 0; 100% học sinh một trường THPT ở Hà Nội không chọn thi môn sử trong kỳ thi tốt nghiệp sắp tới...

Nhiều người lo ngại, trong khi nhiều người nước ngoài cho rằng học sử không phải chỉ để thi.

Để HS yêu sử: đừng bắt thuộc lòng số liệuThăm dò tại một trường học: không HS nào chọn thi môn sử!

1NikyBWj.jpg
Ảnh: K.N.
* Ông Glenn Koh (giám đốc khu vực VN - Lào - Campuchia, Tổng cục Du lịch Singapore):

Lịch sử sẽ kém thú vị khi dừng ở trang sách

Cá nhân tôi cho rằng lịch sử còn hơn cả một môn học bởi tìm hiểu lịch sử người ta có thể tìm hiểu về gốc rễ văn hóa, cuộc sống của một con người, đất nước... Ở Singapore, học sinh được học môn lịch sử từ cấp trung học đến cao đẳng và đại học, dưới nhiều hình thức khác nhau. Chúng tôi tin rằng lịch sử sẽ kém thú vị nếu chỉ dừng lại trên trang sách nên Singapore luôn cố gắng sử dụng công nghệ vào việc giảng dạy, cho học sinh đi tham quan thực tế...

Hầu hết giáo viên dạy sử đều mang theo nhiều dụng cụ hỗ trợ khi lên lớp, cho học sinh xem phim, diễn kịch... để sau đó mọi người có thể cùng nhau thảo luận, gợi mở vấn đề. Giáo viên cho học sinh đóng kịch để các em thỏa sức tưởng tượng cùng nhân vật và vì vậy sẽ nhớ lâu hơn (dĩ nhiên giáo viên sẽ dõi theo và góp ý, chỉnh sửa).

Quốc gia chúng tôi đã đầu tư xây nhiều viện bảo tàng - nơi mọi người có thể tìm hiểu sâu, mở rộng vấn đề từ những điều được học trong trường.

Nói chung, chúng tôi luôn nỗ lực biến môn lịch sử mỗi ngày một sống động, gần gũi hơn với mọi người.

D18Dy0MU.jpg
Ảnh: C.Nhật
* Ông John Walter Reid (người Úc, Trung tâm Anh ngữ Việt Úc):

Phải thay đổi chương trình học và cách dạy

Sáu năm ở VN, tôi đã dạy qua rất nhiều lớp và hầu hết học viên người Việt đều cho biết họ không thích nói về đề tài viện bảo tàng hay những vấn đề liên quan đến lịch sử.

Tuy hơi băn khoăn, nhưng tôi hiểu và thông cảm với họ. Tôi có thói quen đi tham quan viện bảo tàng ngay khi đặt chân đến một nơi nào đó, và tôi đã đến rất nhiều viện bảo tàng trải dài trên đất Việt. Tiếc, thất vọng... là cảm giác tôi thường xuyên rơi vào khi tham quan bảo tàng ở đây. Hầu hết viện bảo tàng đều quá sơ sài so với bề dày lịch sử đầy hào hùng của dân tộc các bạn. Chính vì vậy mà sau này, mỗi khi muốn tìm hiểu thêm về lịch sử Việt tôi lại phải lên mạng hỏi... Google!

"Giáo viên không bắt chúng tôi học những tiểu tiết mà chỉ cần nắm những nội dung chính, giá trị chung của bài... Còn đề thi sử thường là dạng trắc nghiệm và kiến thức không quá dàn trải nên chúng tôi học sử không chút áp lực"

Ông John Walter Reid

Tôi nói nhiều về viện bảo tàng bởi tôi tin rằng đây là nơi quan trọng để duy trì, làm sống động lịch sử, văn hóa của một quốc gia, xã hội.

Tôi nhớ lúc còn nhỏ, học sinh chúng tôi rất háo hức trước mỗi tiết học sử hay những dịp đi tham quan viện bảo tàng. Ở Úc, thời tôi còn là học sinh thường không phải tốn tiền tham quan viện bảo tàng nhưng chất lượng của những nơi này không thể chê được. Chúng tôi có thể tìm thấy hầu hết những điều bản thân mong đợi tại đây. Nếu còn thắc mắc, chúng tôi có thể tìm hiểu thêm ở rất nhiều trang web chính thống chuyên về lịch sử.

Còn trong lớp học sử, không kể đến những tiện ích công nghệ thì cách giáo viên truyền đạt kiến thức cũng rất khác so với VN. Học sinh có thể đọc sách từ nhiều nguồn và luôn được thoải mái phản biện với giáo viên.

Theo tôi, VN cần quyết tâm hơn nữa trong việc thay đổi chương trình học và cách dạy, cách ra đề thi môn sử để người học không còn tâm lý “đối phó” với môn học lẽ ra phải rất thú vị này.

LbtghJJU.jpgPhóng toẢnh: Hữu Khoa* Ông Greg Kleven (người Mỹ, dạy tiếng Anh ở VN gần 20 năm):

Học sử để biết mình là ai

Trong nhiều năm dạy tiếng Anh ở TP.HCM, tôi rất ngạc nhiên khi học sinh của mình biết rất ít về lịch sử VN. Từ thông tin trên báo chí, tôi biết môn sử đối với học sinh là môn học “khó tiêu hóa”, là một gánh nặng bởi phải học thuộc lòng hàng loạt sự kiện, ngày tháng, địa danh... Nói chung các thông tin, dữ liệu từ môn sử quá trừu tượng cho học sinh để các em có thể liên hệ với thực tiễn cuộc sống.

Theo tôi, hiểu biết lịch sử đối với mỗi con người là điều cần phải có vì giúp chúng ta biết mình là ai, biết trân trọng quá khứ, biết quý trọng cuộc sống và những gì mình đang có. Muốn vậy môn lịch sử trong nhà trường phải trở thành môn học nhẹ nhàng, hấp dẫn, dễ tiếp thu.

Môn học này phải được dạy sao cho học sinh khi học có thể liên hệ giữa quá khứ và cuộc sống. Khi các em nhận ra được mối liên hệ này hoặc dễ dàng liên hệ với cuộc sống mà các em đang đối diện thì môn lịch sử sẽ dễ nhớ, dễ thuyết phục hơn với các em. Có nhiều cách để “nói” lịch sử và cách dùng những câu chuyện về các anh hùng là cách “nói” dễ nhất, thuyết phục nhất.

Lê Nam ghi

"Cách dạy: đọc, nhớ và trả bài không phải là cách thức tốt để chuẩn bị cho học sinh ra với thế giới thực bên ngoài. Quy mô lớp học cũng phải thu hẹp lại. Thầy cô giáo phải sử dụng nhiều công nghệ mới và trên tất cả là giáo viên phải dạy học sinh cách nghĩ, cách động não theo kiểu các em phải tự suy luận, vận dụng các kiến thức liên quan khi học sử..."

Ông Greg Kleven

CÔNG NHẬT
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên