31/03/2011 05:04 GMT+7

"Bội thực" thi học sinh giỏi tiểu học

HƯNG HÀ(Hiệp Hòa, Biên Hòa, Đồng Nai)
HƯNG HÀ(Hiệp Hòa, Biên Hòa, Đồng Nai)

TT - Vài năm trở lại đây, thầy trò tiểu học ở tỉnh tôi bị “bội thực” vì thi cử. Đó là các kỳ thi theo quy định và các cuộc thi học sinh giỏi. Năm học này sự căng thẳng và áp lực thi cử lại càng nặng nề hơn.

OVhYXYQm.jpgPhóng to
Ảnh minh họa từ educare.edu.vn

Ngoài bốn kỳ thi (giữa kỳ 1, cuối kỳ 1, giữa kỳ 2, cuối kỳ 2) theo thông tư 32 của Bộ GD-ĐT, ngay từ đầu năm học 2010-2011 chúng tôi được các cấp giáo dục thông báo lịch các cuộc thi học sinh giỏi: thi giải toán, tiếng Anh trên mạng Internet, giao lưu Olympic toán và tiếng Anh. Vậy là trường nào cũng phải mở lớp luyện thi, bồi dưỡng cho học sinh của mình. Ở đây không thể chỉ có những trường điểm, trường thích bề nổi tham gia mà tất cả các trường đều phải tham gia vì đã là một tiêu chuẩn thi đua.

Thế là các em học chính khóa đã mệt, phải học luyện thi thêm mỗi tuần vài buổi. Ròng rã từ tháng này sang tháng khác càng thêm mỏi mệt, vất vả. Căng thẳng ôn luyện đã quá lớn, đến khi thi học trò lại càng căng thẳng. Phải trải qua các vòng thi cấp trường, cấp thành phố, cấp tỉnh, quốc gia.

Riêng cuộc thi giải toán, tiếng Anh trên mạng Internet, các em phải làm gần 20 vòng thi. Thêm nữa, như trong tháng 3, chỉ trong một tuần (từ 15 đến 22-3), học sinh phải tham dự ba kỳ thi: giữa học kỳ 2, giải toán cấp thành phố, tiếng Anh cấp tỉnh trên mạng Internet. Nhìn học trò đi thi mà thương các em làm sao. Chỉ mong các em có đủ sức khỏe, vững tâm lý để làm bài.

Riết rồi các em không còn hứng thú, háo hức (nếu không muốn nói là sợ) với các cuộc thi mà không ít em lấy đó làm vinh dự và ước ao. Có nhiều phụ huynh lẽ ra phải vui mừng thì né tránh không cho các em tham gia vì thương con, sợ ảnh hưởng đến sức khỏe.

Học trò đã vậy, thầy cô cũng có kém gì. Dạy năm buổi một tuần, hội họp, dự giờ, lên chuyên đề, hội giảng, thanh tra... đã chiếm rất nhiều thời gian rồi, còn dành cho mấy buổi bồi dưỡng luyện thi học sinh giỏi nên lấy đâu ra thì giờ chăm chút, đầu tư cho bài giảng, chuyên môn. Và một thực trạng xảy ra là chất lượng học sinh giảm sút.

Năm 2005, Bộ GD-ĐT đã bỏ kỳ thi tốt nghiệp bậc tiểu học, thay vào đó là lấy kết quả kiểm tra học kỳ 2 để làm điểm đánh giá. Một chủ trương lúc ấy được dư luận rất đồng tình và đánh giá cao cách đổi mới thi cử. Thế nhưng chưa được bao lâu thì học sinh tiểu học lại bị quá tải bởi không những chỉ có ba kỳ thi mà tới bốn kỳ thi trong một năm.

Ở kỳ thi học sinh giỏi cũng vậy, bỏ được vài năm thì ba năm nay các cuộc thi học sinh giỏi lại được tổ chức ở cấp quốc gia, không những một mà tới ba bốn cuộc thi. Tốn kém, không hiệu quả đã đành, nhưng hơn hết là người lớn chúng ta đã đặt trên vai trẻ sức chịu đựng quá tải, không phù hợp với tâm sinh lý lứa tuổi, đi ngược với khoa học giáo dục.

Mong rằng Bộ GD-ĐT nghiên cứu việc đổi mới cách đánh giá học sinh tiểu học trên cơ sở giảm bớt các kỳ thi sao cho nhẹ nhàng nhưng hiệu quả. Nên chăng không cần tổ chức các kỳ thi học sinh giỏi ở bậc tiểu học dù ở dạng này, dạng khác?

HƯNG HÀ(Hiệp Hòa, Biên Hòa, Đồng Nai)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên