Vui khỏe cùng cheerleading

YẾN TRINH 23/07/2014 08:07 GMT+7

TTCT - Hiểu đơn giản, cheerleading là môn thể thao kết hợp với nhạc cổ động, chứa đựng các động tác hip-hop, aerobic, kỹ thuật tung người lên cao... thường được biểu diễn cổ động trong các trận bóng. Hiện TP.HCM có vài chục CLB cheerleading của giới trẻ.

Động tác cuppi và liberty trong cheerleading - Ảnh: OPIUM

Ở một góc sân ĐH Công nghiệp TP.HCM lúc 18g, hàng chục bạn trẻ đang tập trung xem các thành viên CLB Opium Cheerleading Squad tập luyện trên nền nhạc cổ động rộn rã. Thế Anh - sinh viên năm cuối, phụ trách kỹ thuật của CLB - hô đi hô lại các khẩu lệnh thực hiện động tác nhảy, chồng tháp, vừa nhắc nhở các thành viên đến trễ nhanh chóng tập các động tác bổ trợ như hít đất, cõng người...

Nguồn cảm hứng mới

Minh Trang, sinh viên năm 2, thực hiện động tác santo với sự hỗ trợ của bốn bạn nam đứng dưới. Vừa đặt hai chân vững trên tám bàn tay chồng lại của các bạn, Trang lập tức nhún người lên cao khoảng 2m rồi cuộn người lại, rơi xuống an toàn trên những tay đỡ (đế) phía dưới. Gương mặt Trang rạng rỡ, mồ hôi lấm tấm. 

Đó là một buổi tập bình thường của nhóm, mỗi tối từ 18g đến lúc sân tắt đèn (21g30). Opium thành lập từ tháng 10-2011 và sau đó được biết đến nhiều nhờ các bài biểu diễn đẹp mắt.

Trưởng nhóm Chí Thịnh, sinh viên năm cuối, cho biết: “Chúng tôi hay tham gia thi văn nghệ trong trường, thực hiện những động tác nhào lộn. Theo dõi thông tin thấy có môn thể thao này nên chúng tôi lập nhóm, hiện có khoảng 30 thành viên chủ chốt và rất nhiều bạn đăng ký tập”.

Không khí ở sân tập của CLB Go-Team (Nhà văn hóa Thanh niên) cũng sôi động không kém. Các bạn phần lớn là sinh viên, trong trang phục thể thao thoải mái, hứng khởi tập luyện dù trời lâm râm mưa. Đang mùa hè, các thành viên mới đến đăng ký tập khá đông, có người mới tập được 2-3 buổi nên còn lóng ngóng.

Ngọc Vân, sinh viên ĐH KHXH&NV TP.HCM, hào hứng: “Bữa nay em đã tập được các động tác cơ bản rồi. Tập ở đây rất vui vì có nhiều bạn, không gò bó và mọi người đều giúp nhau tập tốt hơn”.

Go-Team thành lập được ba năm, hiện có khoảng 100 thành viên và duy trì ổn định ba buổi tập/tuần. HLV Đinh Tuấn chia sẻ: “CLB muốn tạo sân chơi cho giới trẻ Sài Gòn bằng môn thể thao không quá phức tạp nhưng tạo được nguồn cảm hứng lâu dài”.

So với 5-6 năm về trước, cheerleading còn quá mới mẻ và người yêu thích không biết tập luyện ở đâu, hầu như chỉ ở nhà bật nhạc và tự tập. Nhưng hiện Sài Gòn có khoảng 20 CLB cheerleading ở các trường đại học, cao đẳng và khoảng chừng đó ở các trường trung học. Đây là sự phát triển khá nhanh chóng vì “giới trẻ Sài Gòn đặc biệt thích mạo hiểm, thích cái mới trong một đô thị có sức dung chứa lớn”, theo giải thích của HLV Đinh Tuấn.

Đề cao tính đồng đội 

Anh Đinh Tuấn cũng cho biết cheerleading cuốn hút vì là môn thể thao toàn diện, đòi hỏi sự mạnh mẽ, nhanh nhẹn, sức bền và khéo léo của người tập trong khối đoàn kết chặt chẽ với các thành viên khác, nhưng sự khẳng định cá nhân vẫn không hề mất đi. Chẳng hạn trong động tác chồng tháp nhóm, đó là sự liên kết nhuần nhuyễn giữa mọi người, chẳng ai là ngôi sao và nếu thiếu một bàn tay cũng sẽ dẫn đến thất bại. 

Về khía cạnh tinh thần, cheerleading bổ trợ hoàn thiện tính cách, giúp người tập vượt qua những nỗi sợ thông thường. Thanh Thảo, 21 tuổi, thành viên CLB Opium, là một ví dụ. Vóc người nhỏ nhắn, những ngày đầu tập luyện đối với Thảo là nỗi ám ảnh vì cô vốn sợ độ cao, không thể đứng làm tháp.

Thảo mất hai tuần để làm được động tác cơ bản này, trong khi với người khác chỉ chừng 1-2 buổi. Cô nói: “Giờ mình bớt sợ rồi và muốn tiếp tục tập, thật lạ lùng là càng tập càng thấy cuốn hút”.

Cheerleading đề cao tính đồng đội, sự đoàn kết và tập trung hết mức vì một sơ suất nhỏ sẽ dẫn đến chấn thương cho bạn tập. Mỗi bài cổ động kéo dài 1-3 phút, bao gồm các động tác nhào lộn, bật nhảy, chồng tháp và vũ đạo.

Cheerleading thường được biểu diễn trước các trận thi đấu hoặc trong giờ giải lao. Chí Thịnh cho biết những người tập cùng nhau trong thời gian dài dễ cảm nhận nhịp giữa tay người làm đế và chân người chồng tháp. Từ những buổi tập, giữa họ hình thành tình bạn, cùng chia sẻ buồn vui trong sinh hoạt, cuộc sống.

Thêm một sức hấp dẫn nữa: cheerleading được coi là môn thể thao phong trào, liên kết bạn trẻ Sài Gòn trong các buổi giao lưu giữa các CLB và hầu như không chú trọng chuyện thắng thua ở giải đấu. Các thành viên Opium cho biết chuyện thi đấu chỉ là dịp để cả nhóm nhìn nhận lại kết quả luyện tập và sự tiến bộ. “Nếu lập nhóm chỉ để đi thi thì chúng tôi đã không cùng ngồi với nhau tới giờ này” - Thịnh nói.

Hiện Việt Nam có giải đấu quốc gia U-League (giải sinh viên văn thể mỹ gồm thi đấu bóng đá, cheerleading, người đẹp sinh viên) nên thúc đẩy sự ra đời của các CLB cheerleading ở trường học tại Hà Nội, Đà Nẵng, TP.HCM, trong đó sôi động hơn cả là TP.HCM.

Tháng 12-2013, Nhà văn hóa Thanh niên đã phối hợp Sở GD-ĐT TP.HCM mở cuộc thi mang tên Giải thể dục cổ động toàn thành (Cheerleading Competition) với 26 CLB tham gia. Với một số CLB, danh hiệu sau các giải đấu giúp họ có được những hợp đồng biểu diễn ở một số giải đấu thể thao, hoặc kiếm ít thù lao từ những lần biểu diễn ở các sự kiện khai trương, quảng cáo nhãn hàng...

Nhà văn hóa Thanh niên là nơi đầu tiên ở VN mở lớp huấn luyện cheerleading với CLB Go-Team, ban đầu thu học phí 100.000 đồng/tháng/học viên, sau đó miễn phí vì muốn thu hút bạn trẻ và tạo cho họ sân chơi vui, bình đẳng. Anh Đinh Tuấn cho biết hè sắp tới sẽ mở lớp tập huấn các bài tập cheerleading cho giáo viên các trường có nhu cầu để đưa cheerleading đến với đông đảo mọi người, chuyên nghiệp hơn.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận