10/04/2014 10:58 GMT+7

Đừng để tài xế bị phạt oan

Luật sư HÀ HẢI (Đoàn luật sư TP.HCM)
Luật sư HÀ HẢI (Đoàn luật sư TP.HCM)

TT - Từ vụ tài xế vẫn phải nộp phạt dù biển báo tốc độ bị xóa (Tuổi Trẻ ngày 3-4) cũng như thực tế vẫn có nhiều biển báo “bẫy” người đi đường, một luật sư cho rằng cần phải sửa luật để tránh cảnh “quýt làm cam chịu”.

Tài xế vẫn phải nộp phạtBiển báo tốc độ bị xóa, sao phạt tài xế?Biển báo “bẫy” người đi đường

zL8YySwm.jpgPhóng to
Dù biển báo này sai quy định nhưng đã có tài xế bị xử phạt vì lỗi chạy xe vào đường cấm - Ảnh tư liệu

Theo điều 11.1 Luật giao thông đường bộ, biển báo giao thông là các biển hiệu được đặt trên đường chứa các thông tin liên quan đến người tham gia giao thông.

Biển báo phải tuân theo các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về báo hiệu đường bộ (tại QCVN 41: 2012/BGTVT). Đối với biển báo thuộc nhóm biển báo hiệu lệnh phải đáp ứng đủ các điều kiện về chữ viết, hình dạng, màu sắc theo quy chuẩn tại điều 34 của QCVN 41.

Trường hợp các thông số hạn chế tốc độ trên biển báo đã bị xóa hoặc ai đó để cho nó bị che khuất đến mức một người đi đường bình thường không còn có khả năng nhận biết được các thông số trên thì biển báo này đã không đáp ứng đủ các điều kiện để trở thành biển báo hiệu lệnh đường bộ theo quy định của pháp luật. Việc lập biên bản xử phạt người tham gia giao thông trong trường hợp này hoàn toàn không có cơ sở.

Giải thích của cảnh sát giao thông theo hướng người lái xe có nghĩa vụ phải biết hoặc cảnh sát giao thông không có nhiệm vụ cắm và bảo quản các biển báo, nên không nghe và chấp nhận sự giải thích của tài xế mà chỉ biết xử phạt là không đúng, vì luật quy định người thừa hành công vụ phải có trách nhiệm làm rõ hành vi vi phạm của người tham gia giao thông.

Thêm vào đó việc lắp đặt các biển báo giao thông bất hợp lý, che khuất tầm nhìn hoặc để bị hư hỏng, thậm chí trở thành cái “bẫy” khiến người tham gia giao thông không thể nhận biết và chấp hành là lỗi của đơn vị quản lý biển báo, nhưng trong đó có phần lỗi của đơn vị cảnh sát giao thông tuần tra trên địa bàn đã không thông tin kịp thời cho đơn vị chủ quản.

Lẽ ra khi phát hiện biển báo giao thông không hợp lệ, thay vì tập trung xử phạt, cảnh sát giao thông nên làm việc với đơn vị cắm biển báo để sửa chữa ngay lỗi kỹ thuật và ban hành quyết định có nội dung biển báo không phù hợp với quy chuẩn.

Tuy nhiên, Luật giao thông đường bộ tại điều 37.2 chỉ quy định chung là “ủy ban nhân dân cấp tỉnh thành có trách nhiệm cắm biển báo” mà thiếu các quy định về giám sát, phối hợp và chế tài vi phạm đối với đơn vị được giao nhiệm vụ cắm biển báo.

Bên cạnh đó, theo quy định khoản 1, điều 59 Luật xử lý vi phạm hành chính 2012 thì người có thẩm quyền xử phạt phải xác minh các tình tiết khác có ảnh hưởng tới việc ra quyết định xử phạt. Việc biển báo không rõ thông số, bị che khuất, lắp đặt ở vị trí bất hợp lý là “tình tiết khác” có ý nghĩa quan trọng đối với việc xem xét, ra quyết định xử phạt.

Nhưng điều 59 lại chỉ quy định “trong trường hợp cần thiết, người có thẩm quyền xử phạt có trách nhiệm xác minh các tình tiết...” nên không phải là điều khoản bắt buộc người có thẩm quyền xử phạt hành chính có nghĩa vụ chứng minh hành vi vi phạm của người vi phạm vì nếu cho là “không cần thiết” thì người có thẩm quyền xử phạt sẽ không bắt buộc phải xác minh cho dù đã có ý kiến của người bị lập biên bản là không đồng ý với lỗi ghi trong biên bản.

Do vậy, cơ quan chức năng nên nhanh chóng sửa đổi và bổ sung các quy định pháp luật theo hướng gia tăng trách nhiệm của người thừa hành công vụ, đặc biệt là trách nhiệm của lực lượng cảnh sát giao thông trong việc chứng minh hành vi vi phạm trước khi ra quyết định xử phạt. Cần tránh việc xử phạt theo kiểu “quýt làm cam chịu” như hiện nay, vì có thể tạo nên tâm lý căng thẳng, bức xúc cho một bộ phận tài xế khi tham gia giao thông.

Khi gặp phải trường hợp bị lập biên bản vi phạm vì các biển báo giao thông không đúng quy định này, người tham gia giao thông nên yêu cầu chụp hình, mô tả hiện trạng biển báo và ghi ý kiến không đồng ý của mình vào biên bản. Người tham gia giao thông bị lập biên bản và bị xử phạt có quyền gửi đơn khiếu nại đến cơ quan chức năng hay khởi kiện hành vi hành chính (lập biên bản sai), quyết định hành chính sai (ra quyết định không có cơ sở) của cảnh sát giao thông đến tòa án thẩm quyền để được giải quyết.

------------------------------------

* Tin bài liên quan:

Tăng mức bồi thường với cán bộ làm saiĐã vay được tiền cho quốc lộ 20...Để bảo hiểm y tế tiện dụng hơnKhó tìm địa chỉ để hiến giác mạc?Giấy chủ quyền mỗi nơi mỗi kiểu

Luật sư HÀ HẢI (Đoàn luật sư TP.HCM)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên