25/02/2013 07:40 GMT+7

Cần làm rõ khái niệm quyền lực

DIỆP VĂN SƠN
DIỆP VĂN SƠN

TT - Khái niệm quyền lực nhà nước ở địa phương trong dự thảo sửa đổi hiến pháp cần được làm rõ: vậy quyền lực ở trung ương và quyền lực ở địa phương là thống nhất hay là phân quyền?

Theo điều 116, khoản 1 của dự thảo: HĐND là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân, do nhân dân địa phương bầu ra, chịu trách nhiệm trước nhân dân địa phương và cơ quan nhà nước cấp trên.

"Việc thành lập HĐND đề nghị minh định rõ như tinh thần Hiến pháp 1946. Điều 58 Hiến pháp 1946 ghi: “Ở tỉnh, thành phố, thị xã và xã có HĐND do đầu phiếu phổ thông và trực tiếp bầu ra. HĐND tỉnh, thành phố, thị xã hay xã cử ra ủy ban hành chính”. Như vậy huyện không có HĐND, chỉ có ủy ban hành chính"

DIỆP VĂN SƠN

Trong quyền lực có ba loại quyền: quyền lập pháp, quyền hành pháp và quyền tư pháp. Vậy khái niệm cơ quan quyền lực ở đây là như thế nào? Thuật ngữ quyền lực ở đây là chỉ quyền nào hay chỉ tất cả ba quyền trên đều tập trung thuộc cơ quan đó?

Khái niệm quyền lực nhà nước ở địa phương cũng cần làm rõ: vậy quyền lực ở trung ương và quyền lực ở địa phương là thống nhất hay là phân quyền? Tổ chức ba loại hình quyền lực: lập pháp, tư pháp và hành pháp ở ta là thống nhất hay chia ra theo từng cấp?

Điều này có liên quan đến hệ thống tổ chức nhà nước. Nhà nước ta là nhà nước đơn nhất hay là nhà nước liên bang? Một nhà nước đơn nhất thì quyền lực phải thống nhất, trên dưới là một chính quyền, cơ quan hành chính cấp dưới chỉ là đại diện cho chính phủ tại địa phương thực hiện những nội dung được phân cấp, chứ không phải là một cơ quan của chính quyền có quyền độc lập; nếu là nhà nước liên bang thì mới có sự phân quyền (quyền lực trung ương và quyền lực địa phương).

Theo chúng tôi, ở nước ta không có “quyền lực địa phương” và các cơ quan dân cử (Quốc hội và HĐND) không tổ chức thành hệ thống, không có mối quan hệ cấp trên cấp dưới. Vì nếu có mối quan hệ phụ thuộc cấp trên cấp dưới thì sẽ mất đi phần nào tính đại diện cho cộng đồng dân cư của HĐND từng địa phương.

Với chính quyền địa phương, quyền của thủ tướng đối với chủ tịch UBND tỉnh và của chủ tịch UBND tỉnh đối với huyện, xã vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau Theo dự thảo, quyền của thủ tướng: “phê chuẩn việc bầu, miễn nhiệm, điều động, cách chức chủ tịch, phó chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương”. Nếu chỉ quy định như vậy sẽ làm hạn chế quyền hạn của người đứng đầu “cơ quan hành chính nhà nước cao nhất” (thủ tướng). Dù bên cạnh UBND có HĐND nhưng UBND vẫn là “cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương”. Vậy đề nghị ghi rõ thủ tướng có quyền bổ nhiệm, điều động, cách chức chủ tịch, phó chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương

Về nguyên tắc, trong một nhà nước đơn nhất, hệ thống hành chính phải thông suốt, phải có tính trật tự, thứ bậc. Người đứng đầu hệ thống hành chính phải có đầy đủ thực quyền trong việc bổ nhiệm, miễn nhiệm, điều động người đứng đầu cấp dưới.

Vấn đề nổi cộm hiện nay là tính hiệu lực hiệu quả của chính quyền. Một chính quyền suy yếu khó có thể đáp ứng được mọi nhu cầu của nhân dân, bỏ lỡ nhiều cơ hội để phát triển kinh tế, khó có thể thực hiện được dân giàu nước mạnh và dĩ nhiên sẽ không có điều kiện thực hiện xã hội dân chủ, công bằng và văn minh. Có nhiều cơ chế để bảo đảm một chính quyền vững mạnh gần dân đáp ứng ngày càng nhiều những nhu cầu chính đáng của nhân dân. Thí dụ như có thể áp dụng cơ chế HĐND hoặc Mặt trận Tổ quốc VN (những nơi không có HĐND) giới thiệu 3-5 nhân sự vào một chức danh rồi để cho cấp trên bổ nhiệm một trong số các nhân sự đó vào chức danh chủ tịch... Nếu làm như vậy vừa bảo đảm việc bổ nhiệm, điều động, bãi nhiệm kịp thời, làm thông suốt bộ máy hành chính, vừa bảo đảm tính nhân dân, tính dân chủ.

Sinh viên tìm hiểu dự thảo hiến pháp

Ngày 24-2, gần 100 sinh viên từ nhiều trường ĐH khác nhau ở Hà Nội đã gặp gỡ để cùng tìm hiểu về dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992.

Sự quan tâm của các bạn trẻ với hiến pháp bao phủ phạm vi rộng rãi, từ những điều khoản về quyền cơ bản của con người, về bình đẳng giới, về quyền sống... Mong muốn chung của các bạn sinh viên là hiến pháp mới sẽ giúp tạo ra cuộc sống bình đẳng, công bằng và an toàn cho tất cả mọi người, không phân biệt địa vị, nghề nghiệp, trình độ, giới tính...

H.GIANG

DIỆP VĂN SƠN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên