13/10/2010 10:31 GMT+7

Khi nhà nước tuyển dụng còn chưa minh bạch

Bùi Công Bảo Kim - bcbkde@..
Bùi Công Bảo Kim - bcbkde@..

TTO - Câu chuyện "Bằng cấp cao vẫn lao đao xin việc" đã gặp được nhiều tâm trạng bức xúc của những người cùng cảnh ngộ. Không có việc làm, và đáng lo hơn là mất dần niềm tin vào cả chính sách "trải thảm đỏ rước nhân tài" của nhiều địa phương. Tuổi Trẻ Online xin trích đăng ý kiến của nhiều bạn đọc gửi về.

IuvkAgeE.jpgPhóng to
Ảnh minh họa
Bằng cấp cao vẫn lao đao xin việcGian nan đường về quê tìm việcBị mất việc vì có trình độ... đại học

Các địa phương phung phí nguồn nhân lực

Hằng năm, có biết bao đợt sinh viên ở các tỉnh tốt nghiệp khắp các ngành nghề. Trong số họ, có rất nhiều người muốn trở về công tác tại quê nhà vì nhiều lẽ: gia đình họ ở đó, những cái thân quen của họ ở đó và hơn hết họ muốn góp một phần sức lực xây dựng quê nhà đang còn trì trệ...

Song, những cái lắc đầu, những câu từ chối làm họ phải dứt áo ra đi. Ngày xưa, khi một người đi nơi khác lập nghiệp thì người đời hay bảo đó là do nó không có đủ sức ở lại quê hương. Ngày nay, khi bao lớp lớp thế hệ sinh viên sau khi tốt nghiệp dứt áo ra đi không trở lại quê hương công tác không phải là do họ không có năng lực để dẫn đến cảnh tha phương cầu thực mà chính quê hương từ chối năng lực của họ. Thôi thì, họ phải ra đi. Đi để tìm một nơi biết trân trọng người tài, đi để lập nghiệp cho mình và cho gia đình ở vùng đất khác.

Quê hương dẫu đẹp, dẫu là nơi ta muốn quay về. Song, những người lãnh đạo quê hương không biết quý giá nguồn nhân lực đã vô tình gây ra một sự lãng phí "tài nguyên con người" rất lớn. Thử nghĩ xem, sau khi tốt nghiệp đại học, trong số các bạn bè THPT cùng trang lứa với tôi (không riêng lớp tôi mà còn các bạn lớp khác) chỉ có được 2-3 bạn về công tác tại quê nhà (do họ có "quen biết" nơi họ công tác), còn lại thì không. Một con số nói thẳng ra là quá lỗ cho quê nhà.

Tốp chúng tôi là tốp học sinh trường chuyên của tỉnh. Song, tỉnh chúng tôi không có cơ chế thu hút nhân tài. Thật sự các bạn tôi rất ngao ngán khi nói đến việc về tỉnh vì ở các cơ quan ban ngành của tỉnh, nhìn đâu cũng thấy toàn kiểu một người làm quan, cả họ làm cùng. Không biết bao giờ tỉnh mình mới phát triển bằng được với các tỉnh khác đây?????

Cái vòng luẩn quẩn

Người làm công tác tuyển dụng cần phải có cái tâm, biết nghĩ cho người khác, cho xã hội, cho sự phát triển của cơ quan mình, tỉnh mình và đất nước mình. Nếu chỉ nghĩ được cái lợi cho bản thân thì cơ quan mình, tỉnh mình, đất nước mình sẽ mãi trong cái vòng luẩn quẩn nghèo khó, không phát triển nổi. Những người kém thì mới sử dụng người kém chỉ để hại cơ quan, hại tỉnh, hại đất nước mình... Ở đâu cũng kêu than thiếu nhân lực lao động giỏi. Nhưng người giỏi tìm đến thì từ chối để tuyển người kém, vì họ có tiền lót tay.

Người kém tuyển người kém thì làm sao giải quyết công việc tốt?! Tôi thiết nghĩ, những người có quyền, có trách nhiệm cần giải quyết triệt để mâu thuẫn này để làm sao những con người yếu kém, người chỉ nghĩ đến lợi ích nhỏ nhen cá nhân không được phép có mặt trong các cơ quan nhà nước. Cần "thay máu", thanh lọc những con người này bằng việc công khai tuyển dụng những người tài, trẻ, có tâm, có đức vào làm việc cho dân đỡ khổ.

Ngay cả khi chúng tôi đã cam kết sẽ phục vụ ngành, phục vụ địa phương

Tôi cũng là sinh viên tốt nghiệp trường ĐH Sư phạm TP.HCM, cũng may tôi ở TP.HCM nên khi ra trường nộp đơn về Sở GD&ĐT thành phố thì được phân công đi dạy ở trường ngày xưa mình từng gắn bó 3 năm học THPT, chứ những đứa bạn của tôi thì không may mắn như thế.

Các bạn tôi cũng mong muốn được về quê để làm việc, nhưng kết quả là nhiều người trong số đó đành làm trái nghề hoặc quay trở vào TP.HCM để đi dạy ở các trường tư thục, dân lập. Chúng tôi buồn lắm, dù khi bước vào trường ĐH Sư phạm chúng tôi đã ký cam kết sẽ phục vụ ngành giáo dục ít nhất là bằng số năm đào tạo, nếu không thì sẽ bồi thường tiền đào tạo, nhưng... có ai giám sát việc này đâu.

Và dù khi chúng tôi tốt nghiệp, hằng năm, trường ĐH Sư pham có gửi thông báo đến các địa phương có sinh viên tốt nghiệp ra trường nhưng cũng không ai quan tâm để bố trí công việc. Thế thì chúng tôi cũng đâu có điều kiện, cơ hội để phục vụ ngành. Tôi thấy đây là một bất cập đã có rất nhiều năm, sinh viên đào tạo bài bản, bao nhiêu nỗ lực của các trường ĐH, CĐ Sư phạm để rồi... địa phương không bố trí việc làm, không tạo điều kiện hỗ trợ....

Tôi mong thời gian sắp tới Bộ Giáo dục & Đào tạo phải quan tâm đến vấn đề này nhiều hơn để có sự phối hợp với các đại phương thật chặt chẽ!

Bao giờ Việt Nam mới phát triển cân đối giữa các vùng ?

Ông bà ta có câu "đất lành chim đậu " quả thật chẳng sai chút nào. Hiện tôi là sinh viên mới ra trường nhưng nghe tình trạng của các bạn "về quê xin việc" thì tôi chẵng muốn về quê chút nào. Lúc mới đặt chân lên đất Sài Gòn học đại học, tôi nguyện với lòng mình là sau này tốt nghiệp ra trường sẽ đem hết tài năng của mình về xây dựng quê hương. Thế nhưng , bây giờ có rất nhiều đứa bạn của tôi phải lặn lội từ ngoài quê vào đây tìm việc.

Hỏi ra mới biết cũng bị tình trạng y chang như tình trạng của bạn L.B.D mà bài báo có đề cập. Tôi thật buồn cho quê mình vì đã nghè , thường xuyên bị thiên tai lũ lụt mà bây giờ lại thiếu nhân tài . Đây không phải là tình trạng riêng của quê tôi mà là của hầu như của nhiều địa phương khác nữa. Tại sao không ai chịu đặt câu hỏi: "Tại sao còn nhiều vùng nước ta vẫn còn kém phát triển?", trong khi đó chỉ có một ít vùng đang vươn lên phát triển từng ngày. Thiết nghĩ nếu đi tìm lời câu trả lời cho câu hỏi trên thì ta sẽ thấy rõ rất nhiều vấn đề bất cập. Xin tha thiết mong bạn đọc mỗi người góp một tiếng nói để các cơ quan nhà nước chúng ta thấy rõ hơn tình trạng này .

Khi có tiền = có việc

Bạn tôi tốt nghiệp cao đẳng đang làm ở Sài Gòn với mức lương 4.500.000đ/tháng, nhưng vì muốn chuyển về quê làm để gần gia đình và có điều kiện chăm sóc cha mẹ. Nhưng bạn tôi không thể nào xin việc ở quê vì không có nhiều tiền để lo lót, không có "ô dù" để đưa vào. Kinh nghiệm trong chuyên ngành đã 4 năm thế mà lại thua 1 cô bé mới tốt nghiệp trung cấp năm 2009, đưa hồ sơ là đi làm liền. Hỏi ramới biết vì cô bé có người làm cùng cơ quan, có tiền gửi gắm thế là xong...

Bạn tôi không xin việc được đành ngậm ngùi xa cha mẹ vào lại Sài Gòn xin việc khác làm, lương hiện tại của Bạn tôi là 5.000.000đ/ tháng. Có vô lý không? Có bất công không?

Một vòng luẩn quẩn

Tôi hiện cũng là sinh viên năm cuối, chỉ còn 1 năm nữa là tôi cũng phải vác hồ sơ đi xin việc khắp nơi. Cách đây 3 năm khi bước vào giảng đường đại học, trong 1 tiết học đầu khóa, giảng viên có hỏi rằng: "Trong số các bạn ở đây, ai sẽ về quê lập nghiệp", cả hội trường chỉ có 1 cánh tay giơ lên: người đó là tôi. Đúng là năm thứ nhất, lúc đó tôi vẫn còn nhiều hoài bão về giúp vùng quê nghèo đi lên.

Vậy mà giờ đây, có ai hỏi tôi, tôi sẽ không ngại ngần suy nghĩ và trả lời luôn là tôi sẽ ở lại thành phố. 4 năm trời học đại học,bố mẹ đã vất vả lo lắng cho tôi. Không lẽ khi ra trường lại còn phải để bố mẹ " chạy chọt" để kiếm 1 công việc cho mình nữa.

Các biện pháp thi tuyển công chức hiện nay chẳng qua cũng chỉ là che mắt thiên hạ mà thôi. Chính sách thì đúng nhưng biện pháp kiểm tra, đôn đốc thì không chưa thấu đáo.Từ đó dẫn đến tình trạng công bố thi công chức thì có nhưng chưa thi thì đã có người làm rồi, và tới ngày đi thi thì những thi sinh chẳng khác gì là một diễn viên quần chúng.

Thực trạng này muốn giải quyết thì không đơn giản chút nào. Thế hệ trước muốn có việc phải có "tiền"để chạy vào công việc đó, và khi đã vào đó tất nhiên là phải lấy lại "vốn". Đầu tư thì phải sinh lời chứ. Cứ như thế thì đến bao giờ nhà nước ta mới có thể nói là đủ nhân lực. Hai từ "thiếu "và "đủ" này còn quá lẫn lộn.

Bùi Công Bảo Kim - bcbkde@..
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên