19/09/2004 17:44 GMT+7

Năng lực cán bộ công chức?

NGUYỄN VĂN HÙNG
NGUYỄN VĂN HÙNG

TTCN - Với một vị chủ tịch ủy ban nhân dân bị thay thế, một ông chánh văn phòng bị bắt tạm giam, nhiều cán bộ công chức (CBCC) khác đã hoặc đang bị xem xét xử lý kỷ luật..., chuyện chia chác, “xẻ thịt” đất đai vô tội vạ ở huyện đảo Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang đã trở thành sự kiện khuấy động dư luận và Thủ tướng Chính phủ đã phải chỉ đạo thanh tra.

gFqYZG5r.jpgPhóng to
TTCN - Với một vị chủ tịch ủy ban nhân dân bị thay thế, một ông chánh văn phòng bị bắt tạm giam, nhiều cán bộ công chức (CBCC) khác đã hoặc đang bị xem xét xử lý kỷ luật..., chuyện chia chác, “xẻ thịt” đất đai vô tội vạ ở huyện đảo Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang đã trở thành sự kiện khuấy động dư luận và Thủ tướng Chính phủ đã phải chỉ đạo thanh tra.

Bên cạnh các hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực, cố ý làm trái..., sự kém cỏi, bất cập trong công tác quản lý nhà nước (QLNN) của chính quyền địa phương nơi đây cũng là một nguyên nhân dẫn đến tình trạng phá vỡ qui hoạch vừa mới được phê duyệt của hòn đảo ngọc này. Về sự kém cỏi trong công tác QLNN qua trường hợp của Phú Quốc, nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt nhận xét một cách hình tượng: trong khi dân (buôn bán đất) chạy nhanh như con thỏ thì chính quyền như con rùa lật ngửa (còn nằm tại chỗ, chưa đi được)!

Nhưng “chuyện con rùa lật ngửa” nói trên cũng không phải chỉ là hình tượng của riêng huyện đảo Phú Quốc. Những lộn xộn về quản lý đất đai mà điển hình là những vụ ở tỉnh Hà Tây hay vụ cưỡng chế đập bỏ mấy trăm căn nhà xây dựng trái phép tại hai quận Tân Bình, Gò Vấp, kể cả tình trạng xây dựng, đào bới cơ sở hạ tầng trì trệ, nhếch nhác, lãng phí và kéo dài nhiều năm ở TP.HCM... không gì khác là biểu hiện của sự kém cỏi về năng lực QLNN, đặc biệt là quản lý đất đai, đô thị.

Rõ ràng công tác QLNN đang tồn tại quá nhiều yếu kém, không đáp ứng được yêu cầu và là một thách thức trong quá trình phát triển. Song, nói đến yếu kém về năng lực QLNN, ngoài các yếu tố luật pháp, cơ chế chính sách ở tầm vĩ mô vốn đang vừa thiếu vừa lạc hậu, không đồng bộ... thì sự hạn chế năng lực của CBCC trong bộ máy QLNN các cấp là một nguyên nhân quan trọng. Sự hạn chế ấy bộc lộ rõ qua mấy cái thiếu dễ nhận thấy như: thiếu kiến thức, thiếu tầm nhìn mang tính chiến lược, thiếu tư duy độc lập, sáng tạo.

Đi sâu hơn nữa, lại có thể thấy trước hết những khiếm khuyết của CBCC có nguyên nhân sâu xa từ sự hạn chế, lạc hậu của công tác đào tạo, qui hoạch và của chính sách bố trí, sử dụng CBCC. Sự hạn chế của khâu đào tạo, qui hoạch thể hiện ở chỗ đào tạo không chuyên sâu, nặng về lý thuyết mà nhẹ về thực hành, tạo ra những con người thứ gì cũng biết mà chẳng giỏi việc gì. Còn chính sách bố trí, sử dụng CBCC thì lại nặng về sắp xếp cơ cấu theo chủ quan, không tôn trọng sở trường sở đoản, trái ngành nghề chuyên môn được đào tạo nên khi “bơi” trong hoàn cảnh cơ chế chính sách thay đổi liên tục, họp hành triền miên...

CBCC đã biến thành “những cái máy” chỉ biết nói theo, làm theo, suốt đời tập sự, học việc vẫn không thạo việc? Đấy là chưa kể đến các hiện tượng tiêu cực do bố trí, sử dụng CBCC theo thân quen, “con ông cháu cha”, cục bộ địa phương, thậm chí do chạy chọt mua chức mua quyền... xảy ra ở nhiều cấp, ngành hiện nay.

Mặt khác, cũng phải thừa nhận trong thời đại phát triển thần kỳ của khoa học kỹ thuật thế giới và bùng nổ thông tin ngày nay, ở nước ta vẫn còn số đông CBCC trong bộ máy QLNN không quan tâm đến cập nhật thông tin, kiến thức mới để nâng cao nhận thức và năng lực công tác của bản thân.

Tuy chưa có một con số điều tra khảo sát nào nhưng rất nhiều người thấy rằng đa số CBCC của ta hiện nay còn “sáng cắp ô đi, chiều cắp ô về”, rất khập khiễng về trình độ học vấn, chuyên môn, dù phần lớn đã có bằng này bằng kia, được trang bị máy tính nhưng lại chưa biết Internet là gì, thậm chí hằng tuần họ không đọc một tờ báo nào nên yếu kém về năng lực QLNN cũng là điều dễ hiểu!

Cũng vì thế mới có hiện tượng có CBCC đi đâu, đến cấp nào cũng yêu cầu báo cáo tốc độ tăng GDP, cơ cấu kinh tế... nhưng thực chất bản thân họ chẳng hiểu gì về bản chất và phương pháp tính GDP và cơ cấu kinh tế? Hơn thế, nếu loại CBCC ấy lại cũng rơi vào đối tượng thiếu tinh thần trách nhiệm, vô cảm với bức xúc của người dân nữa thì thật là nguy hại cho đất nước.

Là một nước mà trình độ phát triển còn ở mức dưới trung bình trong ASEAN, VN phải phấn đấu quyết liệt để duy trì tăng trưởng nhịp độ cao và ổn định thì mới đạt được mục tiêu phát triển và hội nhập thành công. Trong hoàn cảnh và yêu cầu ấy, việc tìm ra các giải pháp, chính sách và bước đi nhằm nâng cao năng lực và trình độ QLNN cho đội ngũ CBCC ngang tầm khu vực đương nhiên là một đòi hỏi rất cấp bách.

Hi vọng với việc công bố thể nghiệm tổ chức thi tuyển một số chức vụ lãnh đạo cấp quận huyện, TP.HCM sẽ tiếp tục đột phá trong công tác đào tạo, bố trí, sắp xếp, sử dụng CBCC như đã từng đi trước về cải cách thủ tục hành chính, cho dù mới chỉ giới hạn trong phạm vi hẹp và còn nhiều thách thức, lực cản.

NGUYỄN VĂN HÙNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên