01/07/2010 08:08 GMT+7

SV "chạy" chứng chỉ ngoại ngữ: do ý thức học tập

NGUYỄN NGỌC HÀ (GV Anh văn Trường THPT Đa Phước - Bình Chánh - TP.HCM)
NGUYỄN NGỌC HÀ (GV Anh văn Trường THPT Đa Phước - Bình Chánh - TP.HCM)

TTO - Ngày 29-6, Tuổi Trẻ nêu vấn đề công nhận chứng chỉ tiếng Anh cho sinh viên (SV) sắp ra trường. TS Phạm Tấn Hạ, phó trưởng phòng đào tạo trường ĐHKHXH&NV TP.HCM, phát biểu thực tế vấn đề này: “Sức ì của SV quá lớn. Họ chưa nhận thức được cần thay đổi quan niệm học cho mình…”.

Học ngoại ngữ nhưng nói không được

Tại sao SV lại có quan niệm xem thường môn ngoại ngữ, chỉ những ngành nghề tiếp xúc với nước ngoài mới cần ngoại ngữ? Và tại sao SV nháo nhào thi hay tìm bằng cấp một cách tiêu cực để đối phó với nhà trường?

pkf7MQgJ.jpgPhóng to
SV Trường ĐH Sư phạm TP.HCM trong giờ học tiếng Anh - Ảnh: N.Hùng

30-6, báo đăng các trường ĐH đặt ra các “chuẩn” ngoại ngữ, trong đó có những hướng tổ chức seminar, cung cấp tài liệu tiếng Anh…để SV thấy nhu cầu ngoại ngữ.

Tôi là giáo viên (GV) tiếng Anh cấp 3, đọc hai bài báo trên quả thật tôi thấy “nhột”. Các SV hiện nay là “sản phẩm” của chúng tôi. GV trung học dạy dỗ thế nào mà khi lên ĐH các em không có ý thức về tầm quan trọng của ngoại ngữ?

Tôi từng viết báo, từng lên tiếng về cách dạy và học ngoại ngữ trường phổ thông. TS Phạm Tấn Hạ nói rất đúng, sức ì của SV quá lớn. Vâng, sức ì đó chúng tôi từng biết, từng thấm qua và từng ngao ngán đến mệt mỏi.

Ngay từ những tháng ngày đầu tiên đi học, học sinh đã quen với những đề cương cho sẵn, những bài văn mẫu. Đến kỳ thi TNTHPT, GV phải "nhốt” các em lại để truy bài, để “nhồi” kiến thức cho các em đi thi. Như vậy, từ những ngày rất nhỏ, các em đã quen được “mớm mồi”, được” quan tâm” đến tận răng. Thậm chí học hành lơ mơ vẫn được “tạo điều kiện” để “lùa” lên lớp trên cho đủ “chỉ tiêu trên giao”.

Làm sao các em có ý thức tự học và tự có trách nhiêm với bản thân khi có em từng phát biểu: "Tao không học cho ổng bả biết tay”. "Ổng bả" ở đây là thầy cô, là ba mẹ của các em đấy. Các em học để thầy cô các em được tiên tiến, để ba mẹ các em có cái khoe với bạn bè chứ hoàn toàn không phải học để cho tương lai của các em!

Tôi vào ĐH cách đây gần 40 năm. Thuở đó, SV được thầy cô khuyến khích xuống thư viện đọc sách nước ngoài. Trường ĐH của tôi chính là ĐH kiểu mẫu Thủ Đức do Mỹ xây dựng, vì vậy sách khoa học tiếng Anh và Pháp rất nhiều. SV từ mọi miền đất nước qua một kỳ thi tuyển cam go được vào học và lạ thay, ai cũng có thể ngồi đường hoàng đọc sách ngoại ngữ, từ SV trường Tây tại Sài Gòn đến SV xuất thân từ các trường Cà Mau, Thừa Thiên, Cam Ranh…

Nếu chúng tôi có thắc mắc gì hỏi, thầy sẽ bảo xuống thư viện lục sách (thầy cho mã số và tên sách) mà đọc. Chúng tôi rất hứng thú khi chìm vào những trang sách khoa học. Tôi nhận thấy sách khoa học của Pháp thuở đó không chi tiết và chính xác như sách của Mỹ. Thí dụ để xác định tên của con cầu trùng, sách Pháp chỉ nêu kích thước, sách Mỹ ngoài kích thước còn cho biết nếu ta tăng thị trường (ánh sáng đèn trong kính hiển vi) vách tế bào của cầu trùng màu cam thì nó là con cầu trùng X, nếu màu vàng là con cầu trùng Y dù hai con có cùng kích thước hoặc xê xích nhau tí chút).

Chúng tôi từng tìm cấu trúc hóa học để giải thích tại sao vitamin A,D,E,K tan trong dầu mà không tan trong nước…Thuở đó chúng tôi không bị đòi hỏi bằng này bằng nọ nhưng khi ra trường ai cũng có thể đọc sách khoa học Anh Pháp như là “điều tất yếu của cuộc sống”!

Tại sao chúng tôi làm được điều này? Vì chúng tôi ý thức mình học cho bản thân mình. Và là một người làm công tác khoa học phải luôn luôn nghiên cứu. Muốn nghiên cứu tốt, hiệu quả, phải biết ngoại ngữ. Bậc trung học chúng tôi học ngoại ngữ như thế nào? Đến đây tôi dành câu trả lời cho thế hệ 4X-5X tại miền Nam trước đây.

Còn SV giờ thì sao? Cách học thuộc lòng, cách dạy nhồi nhét từ những năm phổ thông đã lấy của các em ý thức học tập, sự sáng tạo, nhanh nhẹn của một người trẻ, tương lai của đất nước. Cách học đối phó từ phổ thông tạo cho các em thói quen đối phó trong cuộc sống. Trước khi vào đời, các em đối phó cú “chót” nơi trường học: “Làm sao để có được bằng ngoại ngữ cho dù đánh mất nhân cách”. Hoặc xuống khoa phát biểu những câu không thể chấp nhận: "Tụi em không tiếp xúc với nước ngoài, cần chi học ngoại ngữ?”.

Với các em, lấy được bằng đại học, ra trường tìm một chỗ làm ổn định là xong, không cần nghiên cứu, không cần tìm hiểu thế giới rộng lớn để phát triển đất nước, mở mang kiến thức cho chính mình. Chính vì thế, Việt Nam có quá nhiều tiến sĩ, lạm phát kỹ sư, cử nhân… nhưng lại chưa có một công trình nghiên cứu nào khả dĩ để người VN có thể ngẩng mặt với thế giới. Ở đây dĩ nhiên tôi loại bỏ những trí thức thật đang miệt mài cống hiến cho nước nhà một cách âm thầm!

Và một lần nữa chúng ta nhìn vào xã hội để thấy những “trí thức” đối phó như thế nào với những công trình làm rầu đất nước, những tai nạn kỹ thuật, những sự cố khoa học, kể cả tình trạng nhức nhối hiện nay là thiếu điện? Họ đối phó bằng cách đổ cho ông Trời. Thế là xong! Hoặc đổ qua đổ lại, đổ lỗi cho nhau và cuối cùng lỗi không của riêng ai. Thế là thoát! Hạ cánh an toàn!

Các trường ĐH lại đối phó sức ì của SV bằng những biện pháp như học sinh cấp 4, cung cấp tài liệu tiếng Anh, tổ chức hội thảo khoa học không thông dịch… Tội nghiệp cho các thầy cô ở đại học. Giờ phút sắp tốt nghiệp, SV còn phải được giúp đỡ để “thấy” được tầm quan trọng của ngoại ngữ.

Tại sao các em không thấy sớm hơn, không được dạy yêu ngoại ngữ cùng với yêu việc học? Xin thưa đó là một câu chuyện dài. Ai muốn biết câu trả lời xin hãy mở sách giáo khoa tiếng Anh từ lớp 6 đến lớp 12 với những bối cảnh, những câu văn dài nhằng, văn phong nửa nạc nửa mỡ, Anh không ra Anh, Việt không ra Việt để thấy học sinh chúng ta có thấy hứng thú gì với tiếng Anh do người Việt biên soạn không.

Cái “chuẩn” ngoại ngữ ĐH có thể giải quyết trên “ngọn” hay từ”gốc”? Câu hỏi này xin được đặt ra cho những cái đầu “thông thái” của ngành giáo dục.

NGUYỄN NGỌC HÀ (GV Anh văn Trường THPT Đa Phước - Bình Chánh - TP.HCM)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên