15/05/2005 08:26 GMT+7

Nói thêm về bài văn "gây chấn động"

phuocvinh
phuocvinh

TTO - * Em Thanh quả là một người trẻ can đảm. Nền giáo dục VN đã làm thui chột không ít sự sáng tạo của tuổi trẻ. Hãy để cho các em tự do phát biểu suy nghĩ của mình. Đừng bắt các em phải nghĩ và nói theo giáo điều.

Tôi chỉ muốn nói lên những suy nghĩ của mình... Phản hồi của bạn đọc về sự kiện này

PETER NGUYEN

* Giáo dục Việt Nam đang tạo ra những sản phẩm bất thường:

- Chương trình giáo dục- Sách giáo khoa- Phương pháp giáo dục- Cơ chế quản lý...

Việc một em học học sinh nói nên chính kiến của mình về một tác phẩm văn học, thể hiện mong muốn sẽ có những cải cách chương trình, thay đổi trong cách dạy và học, mong muốn các thầy cô, nhà trường có thể linh hoạt hơn trong cách ra đề, đánh giá... Đáng lý ra phải là những việc làm bình thường ở một nền giáo dục thực sự hướng đến đối tượng giáo dục là học sinh, sinh viên mà trong đó những sản phẩm giáo dục phải được đào tạo những kiến thức cơ bản và các tố chất quan trọng như tính sáng tạo trong tư duy, khả năng tự phân tích nhận xét đánh giá và ứng dụng....

TRAN VAN NAM

* Thực sự đối với Việt Nam, chúng ta có thể coi đây là "bài văn gây sốc", song đây là những lời nhận xét rất chân thực.

Ở châu Âu, người ta không bắt học sinh viết theo một khuôn khổ nào. Những mục bình luận, nghị luận về tác phẩm văn chương không nhiều, song khi "phải" viết, thì học sinh lại có quyền múa bút thoải mái. Miễn sao lý luận chặt chẽ, hữu lý là được điểm cao.

Tôi nhớ mãi ngày tôi phải thi lại bằng tú tài (hệ thống như college ở Hoa Kỳ) Thụy Sĩ để có thể vào trường Đại Học, có 3 đề thi văn bằng Đức Ngữ:

1) "Sự khám phá và phát triển không ngừng của Microchips đã thay đổi cơ cấu và xã hội của loài người!" Anh/chị luận bàn về đề tài này!

2) Hãy nói những đóng góp to lớn của những cuộc thi đua của các Thế Vận Hội vào công cuộc gây dựng hoà bình trên trái đất.

3) Tinh thần yêu nước và ý thức dân tộc là hai ý niệm khác nhau. Anh/chị hãy mổ xẻ phân tích hai phạm trù này.

Thí sinh được quyền chọn một trong ba đề tài trên để viết. (Ngày đó, tôi tù mù chẳng hiểu Microchips là cái quái gì, Thế Vận Hội cũng không rành. Nên chọn đề thứ 3. Tôi mang tinh thần yêu nước của Việt Nam trong quá trình chống quân Nguyên Mông ở thế kỷ 13 vào bài viết, đồng thời nêu ý thức "dân tộc cực đoan" của Phát Xít Đức, Phát Xít Nhật... trong đệ nhị thế chiến. Có tinh thần yêu nước, sẽ có ý thức dân tộc. Nhưng chỉ có ý thức dân tộc, chưa chắc có tinh thần yêu nước, mà đôi khi tạo nên sự kỳ thị, phân biệt chủng tộc, cực đoan, chia rẽ.... Bài văn này tôi đậu điểm 5.25/6 (Magna cumlaude))

Đại loại là thế, những đề thi nghị luận ở Thụy Sĩ rất gần gũi với đời sống, bắt người ta phải thâm nhập vào đời sống để có thể hiểu rành và phân tích kỹ càng. Khi viết luận, người ta hoàn toàn được tự do trình bầy tri kiến (những kiến thức mình hiểu biết) và quan điểm của cá nhân.

Thực không lạ, khi chúng ta thấy trong những bài luận như vậy thường những thí sinh gốc ở các nước Tây Âu hoặc Mỹ có điểm vượt trội so với thí sinh đến từ Trung Quốc, Việt Nam ta.

TRẦN BẢO TOÀN, Switzerland

* Chào quý báo, tôi là cha của hai cháu gái Pháp lai Việt đang học lớp 11 và 12 tại Paris. Tôi cũng có vài đứa cháu đang theo học ở những trường THPT tại TP.HCM. Theo nhận xét của tôi, cách giáo dục của nhà trường hai nước khác nhau xa lắm! Tôi cảm phục cháu Thanh.

HENRI NGUYEN

* Có lẽ do quá bức xúc với chương trình giáo dục hiện nay mà khá nhiều người ủng hộ bài văn “gây chấn động” cuả em Nguyễn Phi Thanh. Riêng tôi rất thông cảm với suy nghĩ và trăn trở cuả em Thanh nói riêng và cuả các em học sinh nói chung do chương trình giáo dục của ta quá nhiều bất cập: quá tải, nội dung chưa phù hợp, phương pháp dạy học đơn thuần chỉ một chiều chưa phát huy cao tính chủ động sáng tạo cuả học sinh…

Riêng trường hợp của em Thanh đang trong phòng thi khi gặp đề không đúng sở trường của riêng mình (do em không thích tác phẩm đó) thì em đã cố tình làm lạc đề để phản đối không chỉ đề thi mà cả chương trình giáo dục. Cho dù những điều em phản ánh là đúng đi nữa nhưng nên nhớ đây là phòng thi.

Có lẽ là một học sinh phổ thông, rất khó có dịp để em chuyển tải những bức xúc của mình đến những người làm giáo dục nên em đã tận dụng cơ hội này. Nhưng dù sao đi nữa phản ánh từ một người trực tiếp lĩnh hội kiến thức, từ một trường hợp rất thực tế bài văn của em đã góp thêm tiếng chuông cảnh tỉnh ngành giáo dục.

NGUYỄN ĐÌNH QUỐC HÙNG (Trường Chu Văn An, BR-Vũng Tàu)

* Trước tiên tôi xin khẳng định rằng: Ý tưởng của em Thanh không có gì là lạ đối với học sinh chúng tôi. Trong chúng tôi đã từng có rất nhiều người trình bày ý kiến trên với nhiều cách khác nhau nhưng không có điều kiện dể gây chấn động như Thanh bây giờ và chúng tôi cũng được đa số thầy cô tiếp nhận mot cách nghiêm túc.

Tôi xin phép nói lên suy nghĩ của mình về cách thức và thái độ trình bày trong bài văn của Thanh:

Tôi đã từng học khá môn văn, cũng từng có những chương trình nặng nề và cũng được thầy cô dạy lướt qua các tác phẩm văn học. Tuyệt nhiên tôi không thấy kiểu ”Thầy cô giảng bài theo cảm nhận của họ và áp đặt nó cho học sinh“. Đành rằng nền giáo dục của chúng ta còn nhiều thiếu sót nhưng không vì thế mà họ không trang bị cho thầy cô giáo vốn kiến thực cố định, một tư tưởng đúng hướng.

Nếu thỉnh thoảng thầy cô có đan xen vài suy nghĩ của mình là sai hay sao? Vả lại, văn học là một kho tàng khổng lồ, thầy cô không thể dừng lại để chẻ sợi tóc ra làm tư cho chúng ta được. Bản thân chúng ta phải tự biết cảm nhận cái hay cái đẹp .

Tôi muốn cùng chia sẻ với những ai từng là học sinh rằng chúng ta cũng phải chịu trách nhiệm về sự khô cứng của chúng ta.

Ai cũng biết Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc là bài thơ cổ. Đâu phải cái hay, cái đẹp nào cũng phải xuất hiện lồ lộ ra cho chúng ta thấy. Chúng ta không thể “bốc” lấy tác phẩm bỏ vào thời đại của chúng ta và bắt nó phải phù hợp với con người của thời đại! Mà chính chúng ta, phải hoà vào thời điểm ra đời của tác phẩm, hoà cả vào tấm lòng của tác giả cũng như nhân vật.

Ví như một diễn viên đóng phim, họ phải hoà mình vào nhân vật và lịch sử thì mới đóng đạt, tôi không thấy họ chê vở này cổ quá nên “khó nhai !”

Chúng ta đang sống trong thời bình, Chúng ta không phải ở cài thời cầm lưỡi liềm hay gậy gộc xông vào giặc, dẫu biết chết cũng liều thân vì dân tộc.Vậy thì còn cách nào để chúng ta thấy mình không quay lưng lại với lịch sử, với Tổ quốc ngoài việc ta nâng niu, trân trọng lịch sử - trong đó có bài văn này. Chúng ta không thể vòi vĩnh xã hội cái này cái nọ như vòi vĩnh quà của cha mẹ. Có thể đề và bài thơ thật khó nhai, nhưng với khả năng của một học sinh giỏi văn và có cá tính như Thanh có thể vừa thể hiện chính kiến vừa thể hiện kiến thức văn học một cách” vẹn cả đôi đường”.

Thanh làm tôi nhớ lại câu thơ ngày xưa cha tôi thường đọc:

“Nguyễn Trãi đã từng ăn độn mười nămVẫn viết nỗi Bình Ngô Đại CáoĐâu biết trong đám người con cháuSẽ có người không hiểu ý của tiền nhân“

Thanh hoàn toàn có kiến thức về văn học nên mới được chọn thi học sinh giỏi môn văn nhưng điều mà tôi cảm thấy hụt hẫng khi đọc bài văn của em chính là nó thiếu cái gì đó như là một tấm lòng. Có thể các bạn cho rằng tôi đã lạc đề khi nhắc đến: hai chữ “ tấm lòng” ở đây. Là vì các bạn cho rằng đã phê bình thì phải thẳng thắn…

THÁI SƠN

* Em đồng ý với bạn Thanh. Ngày nay lối học văn trong nhà trường theo em nghĩ rất là cổ hũ, không mang lại hiệu quả nhiều cho mỗi học sinh sau khi ra trường và việc làm trong tương lai. Nếu có thể em mong Bộ giáo dục thay đổi hoàn toàn cách dạy học và chương trình giáo dục cho đất nước VN. Lối học gò bó, khuôn mẫu, học thuộc lòng... theo em nghĩ dường như đã và đang làm cho rất nhiều học sinh trong chúng em không thể chịu được dẫn đến việc tiêu cực trong học đường như: không học bài, quay cóp, dẫn đến việc thi đại học cũng có: quay cóp, thi hộ...

Tóm lại, khi học phải có sự THOẢI MÁI, TỰ DO BÌNH LUẬN, THỰC TẾ mới có thể làm cho học sinh ham học, vui vẻ khi đến trường. Có lẽ những ý kiến mà em đã nêu sẽ có những cái đúng và có thể sai sót, nhưng đó là tất cả những gì mà em đã và đang nghĩ trong thời gian du học ở Canada trong năm học đầu tiên này.

justin_hua14288@

* Tôi cũng không biết phải nói sao về tình trạng hiện nay, nhưng có một người dám đứng ra nói về cách dạy và học tại Việt Nam thi tôi rất mừng, ít ra những nỗi bức xúc của tôi và cũng như các bạn học sinh đã và đang hoc tại Việt Nam đã được dư luận hiểu và quan tâm. Tôi nghĩ bây giờ không phải là quá trễ để thay đổi về cách nhồi nhét học sinh như hiện nay tại vì nó không đem lại cho chúng ta được gì, mà còn làm cho cho chúng ta suy nghĩ cục bộ.

Tôi cũng như các bạn học sinh đã học tại Viêt Nam rất mừng khi đã có người dám làm việc mà khi trước chúng tôi đã không dám làm vì muốn có được điểm số của mình. Hy Vọng nền giáo dục Việt Nam sẽ thay đổi từ bài "Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc... (Lạc Đề)" của em Thanh.

THÀNH TRUNG

* Tôi đã đọc bài làm của em Nguyễn Phi Thanh, lớp 11A18 Trường THPT Việt Đức, một học sinh giỏi Văn thì không thể nói rằng mình không hiểu tác phẩm này vì đơn giản là mình không sống trong thời đó.

Trong cấu trúc chương trình sách giáo khoa dĩ nhiên phải có các tác phẩm nổi tiếng bất kể là ở thời nào, vì có như thế chúng ta mới có thể lưu truyền kiến thức, kinh nghiệm, các tinh hoa văn hóa nhân loại đến cho đời sau được.

Nhưng tôi cũng tán đồng với ý kiến cho rằng cách ra đề thi của chúng ta không hợp lý, không làm cho học sinh phát huy tính năng động, sáng tạo của mình mà gò ép trong một khuôn khổ là "phải nói lên vẻ đẹp" của tác phẩm.

Dĩ nhiên trong đề thi này các em hoàn toàn có thể nêu lên những cái chưa được của tác phẩm như là những nhà phê bình trước khi đi vào phân tích vấn đề. Cách ra đề thi của chúng ta không phát huy được sự sáng tạo của học sinh, thay vì bắt học sinh tả con mèo (trong khi đa số học sinh lớp 1 ở các thành phố chưa hề sờ thấy con mèo) thì ta hãy ra đề đại loại như: Em hãy tả con vật mà em yêu thích nhất chẳng hạn, thì tất cả đều có thể làm bài được mà không cần đến bài văn mẫu.

Cũng như đề thi học sinh giỏi vừa qua, nếu ta có thể ra đề em hãy nói lên sự hiểu biết và những nhận định của mình về tác phẩm văn tế nghĩa sỹ Cần Giuộc ...

Ngô Văn Nam, nopitanam@

* Tôi đọc bài viết " Bài thi văn gây chấn động" mà rất bức xúc. Phải nói thẳng tôi không tán thành thái độ làm bài của em Thanh. Em đang đi thi học sinh giỏi, thế mà em lai viết "Em có thể chắc chắn rằng trong số 10 học sinh như em thì có 9 người cũng không thích tác phẩm này. Đơn giản bởi vì bọn em không sống trong thời chiến tranh, bọn em không thể rung động trước một bài tế khi mà thực sự bọn em đang sống trong thời bình. Bọn em không quay lưng với lịch sử, nhưng có nhiều cách để bọn em hiểu về lịch sử dân tộc hơn là phải học những bài tế khô khan, khó hiểu như thế này...".

Học sinh giỏi hơn học sinh bình thường chỗ nào? Em nói không đúng. Tôi đã từng là học sinh chuyên văn. Tôi cũng đã từng học tác phẩm văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc. Tôi cảm nhận được cái hay của tác phẩm ấy. Bạn bè tôi cũng thế. Một bài văn tế xúc động nhường ấy mà em cho là khô khan.

Theo tôi đây là cảm nhận có thiên kiến của riêng em. Theo em thì có cách nào khác nữa để các em hiểu hơn về lịch sử? Học các môn xã hội có những đặc thù riêng. Chỉ vì em không thích một tác phẩm, em không thấy nó hay mà em quy kết nền giáo dục nước nhà là không đúng.

Còn ý kiến của các vị phụ huynh trong phần phản hồi cũng chưa thoả đáng. Dạy văn tả người cho trật tự như thế không sai. Có như vậy mới rèn luyện được tư duy logic cho các em trong các bước học cao hơn.

Tôi công nhận cách dạy và học hiện nay làm cho học sinh thụ động. Nhưng nền tảng kiến thức chung như thế không thể bị lên án hay kêu ca quá nhiều. Phải nhìn nhận và xem xét một cách công bằng chứ. Có chăng cách học hiện tại còn nhiều bất cập căn bệnh thành tích đã quá nặng làm cho các bài mẫu mới "phát huy tác dụng" ...

Theo tôi điêu cốt yếu vẫn là các em học sinh. Nếu có lòng ham mê thực sự thì không em nào lại chê những tác phẩm nổi tiếng truyền đời như thế. Nền tảng kiến thức ấy cần một phương pháp dạy và học nghiêm túc và thực chất hơn.

tuyet nhung, nguyen_nhung030385@

* Đọc bài viết nói về "bài thi môn văn" đã gây chấn động tôi lại nhớ đến chuyện học môn tập làm văn của mình ngày xưa. Hồi bé tôi học ở dưới quê, điều kiện học tập rất nghèo nàn, thầy cô cũng là những người lao động làm ruộng vất vả, buổi sáng lên lớp, buổi chiều làm rẫy.Tuy nhiên, việc dạy và học của chúng tôi thật sự thoải mái, không bị gò ép bởi những "cái khuôn" từ 'trên" đúc sẵn.

Tôi còn nhớ năm tôi học lớp 4, thầy giáo cho chúng tôi bài tập làm văn với đề bài "Hãy kể những việc em đã làm trong ngày Chủ Nhật vừa qua". Tôi hí hoáy viết nào là sáng mẹ sai đi chợ mua hành, phụ mẹ giã tôm khô, rửa máng heo, chiều vào rẫy lượm củi khô, trên đường về ghé vườn ông Phô hái trộm ổi bị chó cắn... bay mất gấu quần.

Những bài tập làm văn đại loại như thế nhưng chúng tôi luôn được điểm khá vì thầy cô không bắt lỗi chính tả nhiều hay phải chau chuốt câu chữ, ngôn từ, miễn sao nội dung lột tả được sự thật, toát lên được cái hồn, tâm tư của người viết.

Ngày nay HS học văn ra sao? Kể từ bậc tiểu học đến trung học, tôi muốn nói các bạn đang là nạn nhân của sự gò ép, sự sáng tạo của các bạn đang bị những "cái khuôn" đè bẹp, bóp chết. Có lần tôi đi họp phụ huynh cho đứa cháu trai, vì bức xúc với việc dạy môn tập làm văn hiện nay, tôi góp ý" Xin cô tạo điều kiện cho các em tự phát huy óc sáng tạo, tự nói lên sự đánh giá và suy nghĩ của mình! Vì tôi có hai đứa cháu học cùng học lớp 4 nhưng khác trường, vậy tại sao tôi thấy chúng tả con gà trống giống nhau quá, từ màu lông đến dáng đi, thậm chí trọng lượng cũng bằng nhau..."

Cô trả lời rằng "Các em làm theo dàn bài gợi ý chúng tôi cho sẵn. Đấy là qui định chung của Bộ. Ở tuổi các em, bám sát ý theo dàn bài chi tiết là đủ". Đấy, ngay cả suy nghĩ của giáo viên là thế thì vô tình, chúng ta đang bóp chết sự sáng tạo khi còn đang là nảy mầm, hỏi sao nền văn học hiện đại của ta ngày nay đang chết mòn?

Hãy để các em học văn một cách thoải mái nhất, đó là cách chúng ta cho các em cơ hội nói lên sự thật, nói lên cái mà các em thực sự cảm nhận, thật sự biết được. Dạy văn chỉ giúp tìm hiểu cái hay, cái đẹp, ý nghĩa của bài văn chưa đủ, chúng ta còn phải giúp các em phát huy tính sáng tạo, tìm tòi cái mới, áp dụng vào cuộc sống hiện tại. Có như thế, môn văn mới có thể trở thành "món ăn tinh thần" của các em.

Kim Thoa, sarahkim79@

Vấn đề này thu hút rất nhiều sự quan tâm của độc giả, phu huynh, học sinh, chúng tôi sẽ tiếp tục đăng tải và cập nhật thường ý kiến của bạn đọc. Có thể tham gia ý kiến qua e-mail tto@tuoitre.com.vn hoặc online@tuoitre.com.vn

phuocvinh
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên