20/07/2014 07:05 GMT+7

Chống lạnh giữa mùa hè

Bác sĩ LƯƠNG LỄ HOÀNG 
Bác sĩ LƯƠNG LỄ HOÀNG 

TT - Cảm lạnh vẫn ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng dù ở xứ nóng, kể cả ngày hè mưa ngập đường.

QxnoDt6I.jpg
Ngâm chân trong nước lâu rất dễ bị cảm lạnh - Ảnh: Thanh Tùng

Khi bàn đến đông y không thể bỏ qua kiệt tác Thương hàn luận của Trương Trọng Cảnh. Không chỉ có công hoàn tất chỉ định và thành phần của hơn 300 bài thuốc kinh điển để thầy thuốc đời sau dựa vào đó mà gia giảm mỗi khi biện chứng luận trị, thầy thuốc họ Trương sở dĩ nổi tiếng đến muôn đời sau là nhờ tác phẩm xoay quanh bệnh lý do cảm lạnh.

Khác nào stress

"Điểm đáng nói là hầu như ai cũng biết hễ lạnh dễ sinh bệnh nhưng phòng ngừa thì ít người chịu lưu tâm"

Bác sĩ LƯƠNG LỄ HOÀNG

Trương Trọng Cảnh đã có động cơ mãnh liệt khi dành cả đời thầy thuốc để phân tích về cơ chế sinh bệnh do lạnh dưới góc nhìn dựa trên học thuyết khí lực của đông y. Toàn thể gia đình ông và hàng xóm láng giềng đã mất mạng sau một cơn dịch cảm cúm ác nghiệt trong mùa lạnh. Từ đó Trương Trọng Cảnh đã miệt mài trong trận chiến đơn phương trước một kẻ thù vô hình: lạnh!

Có thật là cái lạnh tai hại đến thế hay không? Câu trả lời đã rất rõ từ lâu không còn là phỏng đoán nhờ nhiều công trình nghiên cứu theo tiêu chí thực nghiệm và khách quan. Thầy thuốc thời nay ai cũng rõ cảm giác lạnh đối với cơ thể là một dạng kích ứng chẳng khác nào stress. Cảm giác lạnh càng đột ngột, hậu quả càng nghiêm trọng. Khác biệt nhiệt độ càng nhiều, hậu quả càng kéo dài.

Trục trặc là do một số tuyến nội tiết trong cơ thể, đứng đầu là tuyến thượng thận, rất nhạy cảm khi có báo động từ mạng lưới cảm thụ nhiệt rải đều dưới da, đặc biệt dưới da đầu, lòng bàn chân, cổ họng... Cơ thể vừa ghi nhận cảm giác lạnh, cho dù nguyên nhân là áp thấp nhiệt đới, hay chỉ vì đôi vớ ẩm sau một ngày ngồi bó gối trong văn phòng đóng kín, hoặc nhiều khi chỉ vì ly nước đá quá lạnh uống nhanh lúc trời đang oi bức. Ngay lập tức, do phản ứng cấp kỳ, thường khi thái quá của hệ nội tiết, dòng máu trở nên đậm đặc, tim đập nhanh hơn trong khi mạch máu ngoài da co thắt để giữ nhiệt. Tình trạng này xảy ra càng thường thì hồi hộp, huyết áp dao động, chóng mặt, mỏi mệt, mất ngủ, đãng trí... không mời cũng đến. Nhiều bệnh nhân cứ tưởng mình bệnh nặng trong khi nguyên nhân gây bệnh lại rất đơn giản, chỉ vì thiếu sót một chút nồng nàn cho lớp da bao giờ cũng sợ lạnh.

Phòng ngừa đơn giản

Nếu thầy thuốc thời xưa đã ghi nhận mối liên hệ bệnh lý giữa lòng bàn chân và yết hầu thì các nhà nghiên cứu thời nay cũng đã chứng minh là chỉ cần lạnh chân không hơn 15 phút thì nhiệt độ trong vùng hầu họng giảm mất hai độ bách phân. Nhiều loại siêu vi, vi khuẩn ẩn núp trong vùng cổ họng khi đó trở nên hung hăng vì gặp điều kiện sinh học thích hợp. Thêm vào đó, trái với trường hợp nóng sốt, hệ thống miễn nhiễm dễ phản ứng sai lệch khi thân nhiệt giảm thiểu. Hậu quả là nhiều người trở thành miếng mồi ngon cho bệnh bội nhiễm dù môi trường bên ngoài có thể vẫn sạch sẽ, chỉ vì sức đề kháng bị phong bế do cảm giác lạnh từ bên trong.

Bảo vệ cơ thể trước cái lạnh, đặc biệt là các vùng mang tính phản xạ cao như loa tai, lòng bàn tay, lòng bàn chân bằng cách chọn vớ dày, mang găng, đội mũ khi trời lạnh chính là biện pháp gián tiếp bảo vệ sức đề kháng. Ngoài ra, giải pháp xem vậy lại không quá khó với người phải tiếp xúc với tình trạng thay đổi nhiệt độ quá thường như người làm việc nhiều giờ trong văn phòng máy lạnh, với nông dân dầm chân quá lâu trong nước, với công nhân dầm mưa trên công trường. Mỗi ngày chỉ cần ngâm chân trong nước ấm 10-15 phút, hay hiện đại hơn chút xíu dùng máy sấy tóc hơ nóng cột xương sống 5-10 phút sau giờ làm việc. Nếu được thêm chén trà gừng có pha chút quế thì đã đủ để khử cái lạnh đang chực chờ đánh lén từ ngoài da.

Ngay cả ở xứ nhiệt đới như nước mình cảm lạnh vẫn trước sau là mối đe dọa thường xuyên cho sức khỏe cộng đồng, nhất là vào mùa mưa lại thêm ngập nước kẹt xe. Điểm đáng nói là hầu như ai cũng biết hễ lạnh dễ sinh bệnh nhưng phòng ngừa thì ít người chịu lưu tâm. Đáng nói hơn nữa là trong khi các chuyên gia về môi trường báo động Trái đất cứ nóng dần lên nhưng nhiều người vẫn thấy lạnh, bệnh do cảm hàn vẫn tràn lan. Theo thống kê của các hãng bảo hiểm y tế ở châu Âu, tỉ lệ tự vẫn ở người trầm uất có cao điểm khi sắp hết hè, khi trời nhè nhẹ vào thu, khi trong lòng chợt se lạnh vì cô đơn.

Liệu cái lạnh hại người chỉ do nhiệt độ bên ngoài xuống thấp hay còn có cái lạnh nào khác ghê hơn nhiều? Chuyện gì chẳng có lý do? Bệnh do ngoại cảm phong hàn xem vậy vẫn còn dễ chữa hơn bệnh do tình người quá lạnh.

Bác sĩ LƯƠNG LỄ HOÀNG 
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên