Hormone thay thế, dùng khi nào?

BS LÊ TUYẾT HOA 10/07/2014 07:07 GMT+7

TTCT - * Tôi nghe nói có thể dùng hormone thay thế để điều trị một số bệnh lý cho phụ nữ đến tuổi mãn kinh, thậm chí kéo dài tuổi xuân, nhưng cũng lo sợ những tác dụng phụ. Xin bác sĩ cho biết trường hợp nào thì nên dùng?

B.T.H. (Gia Lai)

- BS Lê Tuyết Hoa:

Níu kéo tuổi xuân, một số người cố dùng hormone sinh dục tổng hợp nhiều năm, dù y khoa không khuyên dùng hormone thay thế sau mãn kinh để ngăn ngừa một số bệnh mãn tính vì những hiểm nguy chết người. Cũng có trường hợp bác sĩ chỉ cho dùng với mục đích giảm bớt những triệu chứng khó chịu tiền mãn kinh, tuyệt đối không tự ý mua uống...

Các nội tiết tố dùng trị những triệu chứng của thời kỳ mãn kinh có hai loại: estrogen (E) đơn thuần hoặc kết hợp estrogen cùng progestogen (E+P). Chỉ định hiện nay là dùng trị liệu ngắn hạn (hai năm) cho những triệu chứng của mãn kinh như cơn phừng mặt do rối loạn vận mạch hay teo niêm mạc niệu dục. Chỉ khởi dùng ở thời điểm quanh mãn kinh, dùng liều rất thấp, trong khoảng thời gian ngắn nhất đủ để giảm triệu chứng và cải thiện chất lượng sống.

Dùng E trong vài tuần cải thiện rõ rệt cơn phừng mặt nặng nề. Kem E liều thấp thoa âm đạo vẫn hiệu quả như estrogen uống hay dán để giảm chứng khô âm đạo, tiểu không kiểm soát. Nếu thoa E thì không cần dùng progestogen. Những chị mãn kinh sớm trước 50 tuổi có thể dùng hormone thay thế đến tuổi 51 nếu không có chống chỉ định.

Những nguy cơ

Không dùng hormone vì những mục đích sau: kéo dài tuổi xuân, cải thiện khả năng sinh dục hoặc ham muốn tình dục, trị trầm cảm, tăng trí nhớ hay ngừa bệnh Alzheimer. Càng không nên dùng hormone thay thế sau mãn kinh vì mục đích ngừa những bệnh mãn tính.

Sau mãn kinh, phụ nữ dễ mắc bệnh tim mạch như tăng huyết áp và mạch vành. Tuy nhiên hormone thay thế không hề giảm nhẹ những thay đổi này do estrogen làm giảm cholesterol nhưng tăng triglyceride và tăng đông máu.

Những chị bị đái tháo đường, bệnh mạch vành và những người có nguy cơ cao bị bệnh tim mạch (như dư cân, tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu và gia đình có người bệnh tim mạch) nên tránh sử dụng. Tai biến mạch máu não hay đột quỵ tăng khi dùng hormone thay thế nhưng ít xảy ra trước tuổi 60.

Liệu pháp E+P làm tăng nguy cơ bệnh mạch vành nhiều hơn E đơn thuần.

Huyết khối tĩnh mạch rất đáng sợ, tăng gấp đôi ở người dùng E lẫn E+P. Những người dư cân, có suy tĩnh mạch sâu và hoặc từng bị huyết khối tĩnh mạch trước đó hoàn toàn không nên dùng. E liều thấp và E miếng dán ít gây đột quỵ và thuyên tắc tĩnh mạch hơn E liều thông thường, nhưng điều này còn chưa được khẳng định hoàn toàn.

Những chị dùng E+P có thể gia tăng ung thư vú và tùy vào thời gian dùng: nguy cơ tăng gấp 2-3 lần nếu khởi dùng ngay sau mãn kinh và thời gian uống trên năm năm. Nhưng uống E liên tục bảy năm, nguy cơ này không tăng thêm. Điều này có nghĩa là khi dùng estrogen đơn thuần, thời gian uống hormone thay thế có thể linh hoạt.

Không dùng hormone cho những chị bị ung thư vú dù đã điều trị (vì nguy cơ tái phát) hay các chị có mẹ, dì, chị em gái bị ung thư vú. Nguy cơ ung thư vú càng tăng nếu các chị có hút thuốc lá (kể cả hút thụ động).

Chảy máu âm đạo gặp nhiều ở người dùng E vì estrogen làm tăng sản nội mạc tử cung. Trên thực tế, bác sĩ thường kê toa E+P do progestogen giúp tử cung tránh quá sản. Chỉ những chị đã cắt tử cung mới kê toa E.

Không dùng điều trị loãng xương

Tuy giúp xương chắc khỏe, nhưng hormone thay thế không được dùng điều trị loãng xương sau mãn kinh. Cả E hay E+P đều làm tăng mật độ xương 3-6%. Hormone thay thế ở liều thấp làm tăng mật độ khoáng xương và giảm loãng xương.

Hormone thay thế ở liều thông thường giảm cả gãy xương do loãng xương sau mãn kinh tại xương hông, cột sống, các xương khác. Tuy nhiên nếu ngừng hormone, hiệu quả dự phòng gãy xương sẽ mất nhanh. Hiện không có hormone thay thế nào được chấp thuận cho điều trị loãng xương sau mãn kinh vì lợi ích thấp so với nguy cơ.

Như vậy dùng hormone thay thế hoàn toàn phải do bác sĩ quyết định sau khi đã thăm khám đánh giá nguy cơ và cân nhắc với lợi ích mang lại. Chỉ định sử dụng hormon thay thế rất riêng cho từng trường hợp, không thể là phổ rộng hay tùy nghi được. Trong trường hợp không thể dùng hormone thay thế, cũng không quá lo vì những thuốc khác như vitamin E, chế phẩm đậu nành, chế phẩm có phytoestrogen có thể giảm triệu chứng bốc hỏa tuy hiệu quả không cao.

Loãng xương sau mãn kinh đã có giảm nhẹ bằng việc tập luyện đều đặn kết hợp với thuốc chống loãng xương hiệu quả cao lại an toàn.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận