17/06/2014 13:49 GMT+7

Tăng tuổi hưu làm mất cơ hội của người trẻ

TUỔI TRẺ ONLINE
TUỔI TRẺ ONLINE

TTO - Đại biểu Quốc hội không đồng tình đề xuất tăng tuổi hưu là đúng. Tăng tuổi nghỉ hưu là bước đi lùi của xã hội, người lớn tuổi thêm mệt mỏi trong khi người trẻ bị mất cơ hội.

Không đồng tình tăng tuổi hưu

16WR61UK.jpgPhóng to
Nhiều ý kiến cho rằng chỉ nên xem xét tăng tuổi hưu với một số đối tượng

Với lý do để cân đối quỹ bảo hiểm hưu trí, dự thảo luật quy định về lộ trình tăng thời gian đóng bảo hiểm xã hội để được hưởng lương hưu của người lao động (tăng tuổi nghỉ hưu).

Theo đó, từ năm 2016 trở đi, điều kiện về tuổi đời hưởng lương hưu của cán bộ, công chức, viên chức cứ mỗi năm tăng thêm 4 tháng tuổi cho đến khi đạt 60 tuổi đối với nữ (hiện là 55 tuổi) và 62 tuổi đối với nam (hiện là 60 tuổi).

Việc nhiều đại biểu Quốc hội không đồng tình với đề xuất phương án đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu và lộ trình tăng tuổi hưu đến năm 2016 như dự án Luật bảo hiểm xã hội (sửa đổi) đã nhận được hàng trăm ý kiến phản hồi đồng tình từ bạn đọc.

Hầu hết bạn đọc cho rằng lý do đề xuất tăng tuổi hưu vì sợ vỡ quỹ Bảo hiểm xã hội là quá vô lý, tuổi nghỉ hưu như hiện nay là phù hợp, nếu sợ vỡ quỹ BHXH thì có nhiều giải pháp khác, trong đó cần tăng cường công tác quản lý quỹ bảo hiểm xã hội.

Tuổi Trẻ cũng đã thực hiện bảng thăm dò ý kiến của bạn đọc về đề xuất này. Qua thăm dò cho thấy có hơn 47.100 ý kiến trên tổng số hơn 57.500 bạn đọc trả lời thăm dò không đồng ý với đề xuất tăng tuổi hưu (chiếm 82%), hơn 6.100 ý kiến (gần 11%) chỉ đồng ý tăng tuổi nghỉ hưu đối với một số vị trí lãnh đạo, nghiên cứu khoa học.

Chỉ khoảng 3.800 bạn đọc (hơn 6%) đồng tình phương án tăng tuổi hưu, gần 1% bạn đọc có ý kiến khác.

Kết quả thăm dò từ bạn đọc Tuổi Trẻ:

sgWHBXKS.jpg
Kết quả khảo sát cho thấy hơn 82% bạn đọc không đồng tình tăng tuổi nghỉ hưu

Dưới đây là một số ý kiến bạn đọc, Tuổi Trẻ Online xin trích đăng:

* Tăng tuổi nghỉ hưu, lợi bất cập hại

Tăng tuổi nghỉ hưu chỉ có lợi cho những quan chức làm việc theo kiểu "sáng cắp ô đi tối cắp về", để họ không bị mất các quyền lợi như: được các cơ quan, đơn vị thuộc quyền kính thưa, kính gửi, kính mời; đi xe công không phải bỏ tiền, đi tham quan du lịch được ngân sách nhà nước bao...

Còn những người lao động thực sự đã cống hiến đến cuối cuộc đời rất muốn nghỉ hưu đúng tuổi theo Luật lao động hiện hành. Nếu kéo dài thời gian lao động, họ sẽ mệt mỏi thêm và choán chỗ của những lao động trẻ.

Ngô Ngọc Thắng

* Không cần phải tăng tuổi hưu

Quỹ BHXH thực chất là tiền lương của người để dành và nộp vào đó, nhà nước phải có trách nhiệm bảo toàn và phát triển quỹ này. Cơ quan quản lý quỹ không thể lấy tiền từ quỹ này để chi cho mình, như vậy là ăn thâm vào tiền lương của người lao đông qua mấy chục năm đóng góp.

Chúng tôi không ngờ được là cơ quan quản lý quỹ lại tiêu xài nhiều như thế! Mức chi tiền lương đối với cán bộ công chức, viên chức ngành bảo hiểm xã hội từ năm 2012 bằng 1,8 lần chế độ tiền lương do Nhà nước quy định là không thể chấp nhận được, chi như vậy kèm theo thất thoát và để nợ thì làm sao mà không hụt quỹ! Theo tôi, cần khắc phục những tồn tại trên chứ không cần phải tăng tuổi hưu.

P.V.Hua

* Tăng tuổi hưu là bước đi lùi của xã hội

Tôi và nhiều người khác qua trao đổi đều có chung nhận định là không tăng tuổi hưu. Đơn giản vì hiện nay lao động trẻ thiếu việc làm rất cao, trong khi trình độ của họ cũng hơn nhiều so với trước đây. Nếu họ không có việc làm là sự lãng phí ghê gớm. Thử hỏi có bao nhiêu phần trăm những người gần về hưu làm được việc, hay họ chỉ ngồi chơi hưởng lương hoặc sắp xếp công việc cho họ rất khó khăn?

Xã hội đang phát triển, đòi hỏi phải có người nhanh nhẹn, đáp ứng tình hình mới tạo sự đột phá. Nếu làm ngược lại như đề xuất trên sẽ là bước thụt lùi!

Võ Hoàng Nam

* Tăng tuổi nghỉ hưu để tăng quỹ huy động quỹ BHXH: hạ sách

Đây đúng là hạ sách giống như ý kiến của Đại biểu Tôn Thị Ngọc Hạnh (Đắk Nông).

Để thực hiện được điều này, theo tôi cần giảm số người phụ thuộc vào BHXH, trước hết cần cải cách hành chính (tinh giản bộ máy), ứng dụng công nghệ thông tin, khẩn trương đẩy mạnh và tích cực cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước để giảm số người ăn lương từ ngân sách nhà nước (các tổ chức hội, ban, ngành...) từ Trung ương đến địa phương. Các tổ chức này quá cồng kềnh, hiệu suất công việc không cao.

Trịnh Nghiên

* Kéo dài tuổi nghỉ hưu làm mất cơ hội của lớp trẻ

Theo tôi nếu kéo dài tuổi nghỉ hưu như Luật bảo hiểm xã hội dự thảo sẽ làm mất cơ hội tìm kiếm việc làm của đội ngũ thanh niên trẻ năng động, học hành bài bản tham gia vào thị trường lao động.

Có gì chứng minh những người lớn tuổi sẽ làm việc giỏi hơn lớp trẻ ở vài năm cuối khi mà sức khỏe, trí tuệ dần giảm theo tuổi tác? Chưa nói đến một bộ phận không nhỏ thanh niên sẽ không còn ham muốn phấn đấu vào cơ quan công quyền nữa. Khi đó cuối cùng thì sau vài năm thêm, nếu những người này cũng phải về hưu, liệu khi ấy qũy BHXH có tăng đủ chi không? Ai dám đứng ra bảo đảm điều này?

Trần Văn Dũng

* Chỉ tăng tuổi hưu với một số đối tượng

Tôi thấy tuổi hưu như cũ là hợp lý, chỉ trừ các đối tượng là nhà khoa học hoặc lãnh đạo cấp cao do nhu cầu đặc biệt. Không cần phải thảo luận nữa, mà chỉ nghiên cứu nguồn thu, đối tượng thu, quản lý nguồn thu... Tại sao ở nước ngoài họ có mức trợ cấp cho người hưởng BHXH cao mà không vỡ nợ hoặc thâm hụt? Nên nghiên cứu thêm ở các nước khác về mở rộng đối tượng đóng BHXH!

Ho Van

TUỔI TRẺ ONLINE

------------------------------------

* Tin bài liên quan:

Cơ quan thẩm tra không đồng ý tăng tuổi nghỉ hưuĐừng trở thành “gánh nặng” cho các đồng nghiệp trẻĐừng để học sinh gọi cô giáo bằng bàCó nên tăng tuổi hưu?Tăng tuổi nghỉ hưu nam lên 62, nữ 60 từ năm 2016

TUỔI TRẺ ONLINE
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên