18/04/2014 09:00 GMT+7

Nội thành Hà Nội luôn tiềm ẩn nguy cơ úng ngập

XUÂN LONG
XUÂN LONG

TT - Sáng 17-4, phát biểu tại hội nghị triển khai nhiệm vụ phòng chống lụt bão năm 2014, ông Nguyễn Thế Thảo - chủ tịch UBND TP Hà Nội - đã chỉ ra hàng loạt bất cập trong phương án ứng phó khi có mưa bão, úng ngập.

4rckR5Xt.jpg
Đường Phạm Hùng (Hà Nội) ngập lụt trong bão số 6 hồi tháng 8-2013 - Ảnh: P.D.H.

Ngoài ra, ông Thảo cũng thừa nhận nội thành Hà Nội vẫn luôn tiềm ẩn nguy cơ ngập úng khi có mưa lớn.

Theo Công ty Thoát nước Hà Nội, trong ba năm từ 2011-2013, số kilômet cống thoát nước trong nội thành đã tăng lên 20%. Công ty Thoát nước Hà Nội khẳng định mùa mưa năm nay cơ bản khu vực nội thành không còn úng ngập với các trận mưa 50mm. Tuy nhiên, vẫn còn các điểm úng ngập phát sinh khi có mưa trên 100mm, chủ yếu ở các khu vực vành đai, khu vực đang xây dựng như đường Phạm Văn Đồng, khu tây hồ Tây và đường 70. Cũng theo lãnh đạo Công ty Thoát nước Hà Nội, đối với khu vực nội thành, việc vận hành toàn bộ hệ thống thoát nước đã chủ động được việc thoát nước qua trạm bơm Yên Sở với tổng công suất 90 m³/giây. Điều này giúp rút ngắn thời gian ngập tại một số điểm úng ngập cục bộ trong khu vực nội thành.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Xuân Tân - phó giám đốc Sở GTVT Hà Nội, trước những diễn biến bất thường của thời tiết, tình trạng úng ngập trên đường phố dẫn tới ách tắc giao thông vẫn là nỗi lo lớn.

Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Thế Thảo cho rằng khi có mưa bão nếu ở khu vực ngoại thành lo về đê điều thì khu nội thành rất lo về úng ngập nên phương án ứng phó phải rất chi tiết và chú trọng đến trách nhiệm của tất cả các ngành. Ông Thảo cũng thừa nhận hạ tầng về phòng chống lụt bão của Hà Nội vẫn còn thấp kém. “Năng lực và khả năng phòng chống lụt bão còn rất hạn chế. Trận lụt năm 2008 đã bộc lộ rất rõ năng lực của chúng ta. Năng lực yếu kém ở đây là máy móc, phương tiện và trạm bơm của chúng ta khi đó còn rất yếu, hoạt động thiếu hiệu quả. Ngay trong nội thành bây giờ, khi mưa lớn xảy ra, năng lực tiêu thoát nước vẫn còn thấp kém vì năng lực thoát nước thực tế hiện nay mới chỉ đáp ứng được những trận mưa có cường độ 176 mm/hai ngày đêm, nhưng thực tế đã có những trận mưa tới hơn 100mm chỉ trong một ngày” - ông Thảo nói.

Theo ông Thảo, khi năng lực thoát nước còn hạn chế thì phương án ứng phó, năng lực điều hành phải thiết lập thật kỹ. “Phải nói thật là ngay nhận thức của các cơ quan hiện còn rất chủ quan trước bão lũ. Từ chủ quan dẫn tới buông lỏng quản lý. Khi đã “biên chế” vào lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ trong phòng chống lụt bão thì không thể chấp nhận lý do khi cần vào việc mà người lại về lo việc nhà, phương tiện lại báo đang ở Nghệ An, Cao Bằng... Thậm chí khi diễn tập ứng phó với thiên tai mà các đồng chí chỉ đạo vẫn cầm giấy đọc, vậy nước đến chân thì chỉ đạo kiểu gì” - ông Thảo chỉ rõ.

Chuẩn bị sẵn các phương án

Trước mắt, ông Nguyễn Thế Thảo yêu cầu Sở NN&PTNT TP phải chuẩn bị sẵn các phương án tiêu thoát nước khi có mưa lớn, úng ngập; Sở GTVT TP, Công an TP phải sẵn sàng phương án bố trí lực lượng, phương tiện giải quyết ách tắc giao thông khi có úng ngập cục bộ; Sở Xây dựng phải rà soát toàn bộ những chung cư cũ, nếu nguy hiểm phải chuẩn bị quỹ nhà di dân khi cần thiết. Ngoài ra, ông Thảo cũng yêu cầu Sở Công thương chuẩn bị các mặt hàng thiết yếu như mì gói, nước uống để cứu trợ khi cần. “Riêng Công ty Thoát nước, ngay tới đây phải lập kế hoạch chi tiết để hạn chế úng ngập và tiêu nhanh úng ngập ở nội thành. Những điểm nào còn nguy cơ úng ngập cũng phải công bố rộng rãi, thậm chí phải cắm biển, cử người ứng trực khi mưa lớn xảy ra” - ông Thảo nhấn mạnh.

XUÂN LONG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên