23/05/2013 04:07 GMT+7

Cảm ơn con trai

TRÂM ANH (TP.HCM)
TRÂM ANH (TP.HCM)

TT - Được về nhà sau một tuần ăn, ngủ, uống - tiêm thuốc và quanh quẩn trong phòng bệnh viện là điều sung sướng tột bậc của thằng nhóc 7 tuổi con tôi. Đương nhiên của cả ba mẹ nó nữa. Chính vì vậy, mặc dù vết mổ ruột thừa còn đau nhưng cu cậu vẫn ôm bụng te te rời căn phòng đầy mùi thuốc tẩy. Khoảng sân rộng nườm nượp bệnh nhân nhí và phụ huynh ở Bệnh viện Nhi Đồng 1 trưa hôm ấy đối với thằng nhóc như là công viên vậy. Nó cứ khom khom chạy trước để mẹ đang tay xách nách mang nào chăn gối, sữa sùng, sách truyện... cuống quýt chạy theo sau, sợ lạc.

Thời gian qua, ban tổ chức cuộc thi Sống xanh đã nhận được bài viết dự thi của các bạn Đặng Huỳnh Mai Anh, Nguyễn Phong Châu, Hoàng Thị Mai, Lê Thị Nhung, Trần Văn Tám, Lê Phương Trí (TP.HCM), Đinh Trung Thành, Quỳnh Trần (Hà Nội), Thành Nam (Cần Thơ), Nguyễn Thành Công (Bạc Liêu), Trần Ngọc Diệp (Trà Vinh)... Cảm ơn các bạn và mong nhận được thêm nhiều tác phẩm dự thi.

Ban tổ chức

Ra đến cổng, thằng nhóc dừng lại ôm bụng, nhăn mặt, thở. Mắt nó thu vào hình ảnh một thanh niên chừng 30 tuổi đi lại gần bức tường bệnh viện vứt cái túi nilông đựng hộp cơm bằng xốp xuống đất. Khi đứng cách con chừng mười bước chân, vừa thở dốc tôi vừa ngây ra khi nghe thằng nhỏ lên giọng: “Chú, sao chú không bỏ rác vào thùng? Như vậy là làm mất vệ sinh nơi công cộng đó, thùng rác kia kìa chú!”. Nó chỉ tay vào thùng rác.

Tôi thấy người đàn ông kia “đứng hình” nhìn thằng nhóc mặc bộ đồ pijama đứng khom khom vì đau, rồi quay qua nhìn bịch rác mình vừa vứt. Tim tôi đánh thót khi nhìn quả đầu húi cua điểm vài sẹo trắng và cánh tay có hình xăm của anh ta. Tôi nghĩ đến điều gì đó thật tệ hại. Một người đàn ông khác có tuổi hơn, dựng chiếc xe quay đầu ra đường, mặc đồng phục xanh, tôi đoán là xe ôm, cười cười tiến lại vỗ vai người thanh niên: “Đúng rồi, chú mày vứt rác ra đường là không tốt. Phải vứt rác đằng kia. Sao để cháu nhỏ nhắc vậy ta?”. Chỉ chờ có vậy, con tôi cười toe vì có “đồng minh”, giọng già ơi là già: “Dạ, rác phải để vào thùng rác chứ ạ!”.

Lúc này tôi đã đứng sát bên con để bảo vệ nếu cần (tôi nghĩ thế). Và tôi nhẹ hẫng người khi thấy anh vứt rác có vẻ như khuôn mặt đã giãn ra, cười hềnh hệch rồi cúi xuống nhặt lại túi nilông đựng hộp cơm xốp bỏ vào thùng rác cách đó không xa. Anh ta nói đủ cho chúng tôi nghe: “Cảm ơn cháu nhắc chú nhé!”. Tôi thở phào nhẹ nhõm. Xe taxi đã tới, con tôi hoan hỉ leo vào trong. Người thanh niên tiện tay giúp tôi bỏ đồ đạc vào cốp rồi vẫy tay chào thằng nhóc đang cười với hàm răng sún. Anh ta nói với tôi trước khi quay đi: “Con chị cũng ghê gớm lắm! Tôi sợ nó đó!”.

Trên đường về nhà thay vì quát con như ý nghĩ ban nãy, rằng cái sự nhiều chuyện của con có thể gây họa, rằng người đàn ông kia hay bất cứ một người không ý thức lẫn tử tế nào cũng có thể gây nguy hiểm cho con hay cả hai mẹ con vì bị “tố giác”, thì tôi im lặng. Tôi có cảm giác như mình xấu hổ với đứa con trai 7 tuổi của mình, bởi con tôi đã làm đúng và làm rất tốt những gì tôi vẫn luôn dạy con về việc phải bỏ rác vào thùng rác. Cảm ơn con trai! Sự dũng cảm của con cũng đồng thời là sự hồn nhiên của con, điều mà người lớn như mẹ đã đánh mất, điều làm người lớn như người thanh niên kia cũng phải mềm lòng. Vậy con cứ giữ sự dũng cảm hồn nhiên đó con nhé, không chỉ với việc giữ cho thành phố này sạch đẹp mà thôi!

c0ODdViz.jpg

TRÂM ANH (TP.HCM)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên