03/02/2013 03:05 GMT+7

Đuổi học là chối bỏ trách nhiệm giáo dục

TÒA SOẠN
TÒA SOẠN

TT - Tuần qua, đề tài “Kỷ luật học sinh, chọn cách nào?” (Tuổi Trẻ 29 và 30-1) với những dẫn chứng cho thấy ở Trường THPT Vân Tảo (Thường Tín, Hà Nội) học sinh có thể bị đuổi học vì những lỗi không đáng khiến nhiều bạn đọc bức xúc. Trong số 45 ý kiến của bạn đọc phản hồi về vấn đề này, đa số đồng tình với đề nghị bỏ quy định đuổi học.

Kỷ luật học sinh, mỗi nơi mỗi kiểu

Bạn đọc Trần Thế viết: “Là người xuất thân từ ngành sư phạm, tôi ủng hộ đề xuất bỏ quy định đuổi học. Giáo dục cho các em nên người là trách nhiệm của người thầy. Những em chưa ngoan phải được các thầy cô quan tâm chăm sóc, uốn nắn nhiều hơn so với các em khác chứ sao lại đuổi học? Không cho đi học nữa thì các em sẽ ngoan hơn sao? Vào thời điểm các em cần đến sự dạy dỗ, uốn nắn hơn lúc nào hết mà nhà trường lại đuổi học các em là nhà trường đã phủi tay, chối bỏ trách nhiệm của mình”.

Có suy nghĩ như bạn đọc Trần Thế, nhiều bạn đọc đặt câu hỏi: “Đuổi học một năm thì các em đi về đâu?” rồi tự trả lời: “Đuổi học một năm là đẩy các em ra ngoài xã hội đầy phức tạp và cạm bẫy”, “Không cho học nữa là loại bỏ trẻ em khỏi môi trường giáo dục khiến các em sẽ gây thêm hậu quả do không được giáo dục”...

Rất nhiều bạn đọc là giáo viên đồng tình với đề nghị bỏ quy định đuổi học. Thầy Bùi Hữu viết một email dài, phân tích chuyện kỷ luật học sinh rất sâu sắc và nhân văn: “Khi đã học qua trường sư phạm, tất cả thầy cô giáo đều biết rằng học sinh của chúng ta đang trong lứa tuổi hình thành nhân cách. Trong khi chúng ta nghĩ chúng còn quá nhỏ thì những học sinh bé bỏng của chúng ta lại nghĩ mình đã lớn. Chúng muốn chứng tỏ điều đó. Học sinh của chúng ta có nhiều em đã suy nghĩ chín chắn, nhân cách tốt, dẫn đến hành vi tốt. Nhưng cũng có một số em suy nghĩ nông cạn hay do hoàn cảnh nào đó ảnh hưởng dẫn đến có hành vi sai trái. Trường học mở ra là để dạy học, để giáo dục, để định hướng nhân cách cho thế hệ sau. Trong trường học, giáo viên, dù trực tiếp giảng dạy hay làm công tác quản lý, đều có cùng một thiên chức: dạy học - giáo dục. Vậy trước khi kỷ luật một học sinh, thầy cô có đặt câu hỏi “Ta làm thế để làm gì?”? Việc kỷ luật nặng một học sinh là rất dễ, nhưng trả lời câu hỏi trên hình như quá khó. Và có lẽ vì vậy mà thời gian gần đây có nhiều lúc, nhiều nơi cứ kỷ luật học sinh một cách máy móc, rập khuôn theo những điều, những mức được quy định trong những “nội quy”, “hướng dẫn”... Tôi là một giáo viên, đã giảng dạy và chủ nhiệm hơn 15 năm, thế nhưng trong ngần ấy thời gian tôi chưa đề nghị nhà trường kỷ luật một em học sinh nào. Không phải vì tất cả học sinh của tôi đều ngoan mà là vì tôi không muốn làm thế. Và vì vậy tới bây giờ những học sinh cũ của tôi chưa em nào dang dở việc học. Mỗi con người đều có cái tốt và cái chưa tốt. Học sinh của chúng ta cũng vậy. Trách nhiệm của người lớn chúng ta, nhất là những người làm “thầy thiên hạ”, hãy chỉ cho chúng cái tốt, cái chưa tốt của mỗi bản thân chúng, chúng tự sẽ biết làm gì! Đừng kỷ luật học sinh theo kiểu ném chúng đi cho rảnh nợ...”.

* Tuần qua, trong số 2.189 email phản hồi các tin bài trên Tuổi Trẻ, bạn đọc còn quan tâm bình luận các vấn đề như: Năm 2013 Vinalines dự kiến lỗ 2.100 tỉ đồng (60 ý kiến); Việc mua bản quyền truyền hình Giải bóng đá ngoại hạng Anh (54 ý kiến); Tội phạm hoành hành, trưởng công an có thể mất chức (54 ý kiến); Xây nhà cho gia đình ông Vươn (48 ý kiến)...

TÒA SOẠN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên