24/12/2012 07:19 GMT+7

15 năm vụ bom nổ ở Kỳ Sơn: Nỗi đau âm ỉ

HÀNG CHỨC NGUYÊN
HÀNG CHỨC NGUYÊN

TT - Dãy phòng học nằm ngay giữa trường với tấm biển “Quà của bạn đọc báo Tuổi Trẻ TP.HCM tặng” không chỉ nhắc nhớ hàng vạn tấm lòng bạn đọc.

Dãy phòng học còn gợi lại ký ức về buổi chiều tang thương tại nơi núi rừng xa xôi heo hút Nghệ An...

Oo4rgFyB.jpgPhóng to
Những học sinh lớp 3B của Trường Chiêu Lưu 15 năm trước ở bản Khe Nằn, mỗi bạn đều mang thương tật với nhiều viên đạn bi còn trong người - Ảnh: H.C.Nguyên

Tôi lại theo đường 7 chạy bên dòng sông Lam, rồi dòng Nặm Mộ lên Kỳ Sơn, Nghệ An về Trường Chiêu Lưu, nơi 15 năm trước một quả bom bi nổ giữa sân trường làm 7 em chết và 47 em bị thương...

Thầy trò Trường Chiêu Lưu

Phía bên trái của trường, nơi dãy phòng học xiêu vẹo, mái nghiêng đổ ngày trước đã được xây tám phòng mới, một trệt một lầu. Đã 15 năm qua nhưng tôi vẫn hình dung rất rõ về cái hàng rào tre hình chữ nhật được dựng lên sau khi bom nổ, bên trong là những vết máu của các em học sinh lớp 3B, 3C, 2B và của một cô giáo đọng lại... Giờ đây những cây bàng vươn cao tỏa bóng mát. Các em, vẫn là những học sinh dân tộc Thái, Khơ Mú nhỏ xíu, đen đủi như các anh chị ngày trước, khác là các em cười đùa, chạy nhảy hồn nhiên, không phải trải qua một chiều tang thương từng làm đau nặng cả dòng Nặm Mộ, cả dãy núi Pù Nghiềng.

Chiêu Lưu hồi ấy là trường phổ thông dân tộc nội trú cấp I, II. Mấy năm sau vụ bom nổ, cấp II đã tách ra thành trường THCS và nơi này thành Trường tiểu học Chiêu Lưu I. Những thầy cô giáo cũ từng chứng kiến vụ nổ, từng hoảng loạn bế thốc các em chạy về trạm xá, áo quần dính đầy máu thịt, giờ phần lớn đã xa Chiêu Lưu: thầy Thành, chủ nhiệm lớp 3B - lớp có 4 em chết và 14 em bị thương nặng, đã chuyển về Đô Lương; cô Lan, chủ nhiệm lớp 2B, có 7 em bị thương, cũng về Đô Lương. Các thầy cô Linh, Toàn, Hoan, Thanh... cũng chuyển về những ngôi trường khác.

Tôi chỉ gặp lại cô Nguyễn Thị Hồng, hồi ấy là hiệu phó kiêm chủ nhiệm lớp 3, giáo viên duy nhất bị thương trong vụ nổ. Tôi vẫn còn nhớ hôm đến thăm cô ở Trung tâm Y tế huyện Kỳ Sơn, đã mười ngày sau vụ nổ mà cô vẫn khóc rấm rứt. Khóc không phải vì đau đớn do viên đạn bi còn nằm trong khớp cổ chân trái, mà vì hai em học trò lớp cô đã không bao giờ trở lại lớp nữa và trên 20 em bị thương.

15 năm gặp lại, sau những phút mừng vui, nhắc chuyện cũ, cô buồn bã đưa tôi danh sách giáo viên, học trò Chiêu Lưu bị nạn (trong đó có tên cô, bị thương tật 16%) và cho biết: sau khi báo Tuổi Trẻ viết về vụ nổ, nhiều tổ chức, cá nhân đã gửi mấy chục thùng quà gồm áo quần, sách, tập, đồ dùng học tập về trường. Xã và trường đã lập một ban phân phối trao quà cho các em. “Mỗi lần nghĩ về tấm lòng của bạn đọc báo Tuổi Trẻ tôi lại rưng rưng” - cô nói.

eZMjVAcz.jpgPhóng to
Dãy trường 10 gian là quà của bạn đọc báo Tuổi Trẻ tặng - Ảnh: H.C.Nguyên

Những viên bi khắc nghiệt

Trở lại bản Lăng, bản Cù và bản Khe Nằn (xã Chiêu Lưu), ba bản tập trung số nạn nhân vụ nổ bom bi ngày ấy, tôi thấy có nhiều đổi thay: bản làng không còn vẻ âm u, tăm tối với những căn nhà sàn rách nát, vẹo xiêu. Thay vào đó, phần lớn là nhà sàn gỗ, lợp tôn phibrô tươm tất, sạch sẽ (nhờ chính sách giúp nhà cho hộ nghèo người dân tộc).

Ở bản Lăng tôi gặp lại anh Lương Văn Vinh, người cha có một đứa con chết và hai đứa bị thương nặng. 15 năm trước gia đình anh thuộc hộ nghèo, nghèo đến mức khi con chết anh không biết lấy gì để mai táng cho con. 15 năm sau gia đình anh không những vẫn thuộc hộ nghèo mà có thêm hai hộ nghèo nữa là Khương và Phương, hai đứa con anh bị thương nặng ngày ấy. “Giờ chúng chỉ có mấy viên bi trong người chứ chẳng có chi mô...” - anh Vinh nói.

Mười mấy viên đạn bi còn nằm trong đầu, trong đùi, trong chân của Khương. Sau khi bị nạn, Khương nghỉ học. Lớn lên, người gầy yếu, xanh xao rồi có chồng và có con học lớp 3. Khương bóp bóp vào đùi, nói: “Cái viên trong ni khi mô cũng làm đau. Còn chân trái bước xuống dốc mới đau...”.

Phương cũng vậy, mười mấy viên đạn bi vẫn còn trong người, đặc biệt mấy viên trong đầu “khó chịu lắm, cứ nắng lên là nghe chóng mặt”. Sau khi bị thương, Phương nghỉ học một năm rồi học lại đến lớp 9 thì nghỉ luôn, đi làm rẫy và năm 2008 cưới vợ. “Gắng thôi, hễ chóng mặt thì nghỉ, hết lại làm, làm cho có cái ăn...” - Phương nói.

Nhìn Khương và Phương, tôi nhớ lời anh Vinh năm nào khi ngôi trường mới được hoàn thành: “Cái trường chắc như núi Pù Nghiềng, ta yên cái lòng rồi”. Yên lòng về trường lớp, nhưng rồi anh không đủ sức cho con đến lớp, đến trường nữa... Chúng tôi đang trò chuyện thì một thanh niên cố bước lên ngôi nhà sàn. Thì ra cậu ta mang một chiếc chân giả. Anh Vinh giới thiệu: “Toàn ni, hồi nớ cái bom bi làm hắn cụt mất một chân...”.

Tôi vẫn còn nhớ khi khánh thành ngôi trường mới, Toàn chống đôi nạng gỗ đến dự lễ làm ai cũng xúc động. Xúc động nhưng ít ai biết ngoài cái chân bị mất, trong người Toàn còn rất nhiều viên đạn bi. Có những viên đạn bi giờ đây làm mí mắt của Toàn sụp xuống và có những viên làm cánh tay trái của Toàn dần teo lại. Dẫu vậy, Toàn là một trong ba em bị nạn đã cố gắng học. Tốt nghiệp trung học phổ thông, Toàn ra Thanh Hóa học trung cấp y dược (hai em kia, một em làm giáo viên và một em làm xã đội phó). Năm 2010 tốt nghiệp, xin việc ở đâu cũng không được, Toàn đành trở về buôn làng với tấm thân tật nguyền theo cha lên rẫy kiếm cái ăn...

15 năm theo dõi số phận của các em, cô Hồng nói: “Thương lắm, đa số các em bỏ học nửa chừng, có làm được chi mô, cứ bươn chải trên nương trên rẫy hoặc đi làm mướn làm thuê mà sống. Khốn khổ nhất là em Lo Văn Hiến...”.

Tôi về bản Khe Nằn tìm thăm Hiến không gặp, chỉ gặp ông Lo Văn Ba, bác ruột của Hiến. Ông Ba kể: những viên bi làm Hiến bị tật một chân, đi cà nhắc... Rồi Hiến có vợ, hai con, vợ lại bị chất độc da cam. “Có nhà cửa chi mô, ở trong cái túp lều chưa gọi được là cái nhà. Làm thuê làm mướn mà chỉ đầu nắng đầu mưa. Hai đứa con không có cái áo mà mặc... Nói ra nước mắt ta chảy rồi” - ông Ba xúc động.

Ở bản Khe Nằn tôi cũng gặp hàng chục em khác, những em mang họ Lo, họ Lương, họ Vi nhưng cùng chung một số phận: những viên bi còn nằm trong người, khi nắng lên, khi lạnh xuống là đau nhức, buốt tê. Cha mẹ các em ngụp lặn kiếm ăn trên nương trên rẫy, giờ các em lại lặn ngụp kiếm ăn trên rẫy trên nương...

Tiếng khóc chưa nguôi

Trở lại bản Lăng, tôi muốn đến thăm ngay ông Lương Văn Hoa, nhưng... muộn quá, ông đã ra đi từ bốn năm trước, ngôi nhà của ông cũng không còn. Bao nhiêu năm hễ nghĩ về Kỳ Sơn tôi lại hình dung hình ảnh ông bà ngồi lặng im trong căn nhà sàn rách nát từ lúc “cái bom bi nó giết đứa con của ta rồi”. Đó là đứa con khi “con gà vừa gáy là mẹ nó sinh nó, đến mặt trời lên được cây tre là ta lên xin ẵm nó về...”. Ông bị tật một chân, chống cái que đi làm rẫy, 13 năm trời “ăn không dám ăn để dành cho nó ăn nó lớn”, vậy mà nó ra đi. Năm 2008 ông mất, bà Hoa về ở với người con gái duy nhất. Bà Hoa kể những ngày trước khi ra đi ông cứ nói: “Còn thằng con trai, ta đâu có sống khổ, chết khổ như ri”. Ở với con gái, giờ đây bà Hoa vẫn thường ngồi nhìn ra dòng Nặm Mộ và khóc, “khóc cái chồng, cái con”.

Ở bản Khe Nằn, tôi gặp lại chị Vi Thị Nguyệt, người mẹ cứ giữ mãi quyển tập của con bị lủng nhiều lỗ do bom bi: những viên bi xuyên qua chiếc cặp, xuyên qua những quyển tập và vào người cháu Quang. Quang mất trên đường đưa tới bệnh viện... Gia đình chị giờ đây rất khấm khá, có hàng quán, cửa hàng. Khi tôi hỏi về quyển tập cũ của Quang, chị bỗng òa khóc: “Mất rồi... Tôi giữ mãi quyển tập và chiếc áo của nó cho đến khi...”. Cách đây hai năm khi làm lại nhà, chị đã cẩn thận cất chiếc áo và quyển tập vào rương để chung với đồ đạc khác, che chắn lại, nào ngờ gió tốc, mưa ướt ngập chiếc rương nhòe nhoẹt hết. Chị đem quyển tập hong phơi ba ngày vẫn không cứu được, đành lấy chiếc áo của cháu gói quyển tập lại rồi thắp hương cúng vái, đốt “gửi cho nó”. Bao nhiêu năm, cứ mỗi lần đi qua Trường Chiêu Lưu chị lại dừng lại, lặng lẽ nhìn vào một khoảng sân trường...

Sau khi quả bom nổ, bao nhiêu bạn đọc đã chia sẻ với các em, với gia đình, rồi Trường Chiêu Lưu được khánh thành, tôi thấy lòng người đã làm vơi đi phần nào nỗi đau của Chiêu Lưu. Năm tháng qua đi, nỗi kinh hoàng qua đi, Kỳ Sơn, Chiêu Lưu đã có nhiều đổi thay, đường sá, điện, phương tiện truyền thông... đã về, nhưng ẩn khuất đâu đó là tiếng khóc trong lòng, nỗi đau trong hồn, trong mỗi cơ thể của một lớp trẻ Chiêu Lưu ngày ấy vẫn cứ âm ỉ như nước trong khe, trong suối vẫn chảy ra...

“Trường tốt nhất huyện”

Chiều 7-4-1997, tại Trường phổ thông dân tộc nội trú cấp I - II Chiêu Lưu (xã Chiêu Lưu, huyện Kỳ Sơn, Nghệ An, một trong chín huyện nghèo nhất nước), khi các em học sinh từ lớp 1 đến lớp 3 (không nội trú) sắp hàng ra về thì một quả bom bi đã nổ làm 7 em chết và 47 em bị thương.

Báo Tuổi Trẻ đã cử PV mang 50 triệu đồng lên chia sẻ với gia đình các em và viết bài (“Bom nổ ở Kỳ Sơn, bảy trẻ thơ chết giữa thời bình”, Tuổi Trẻ 26-4-1997). Sau bài báo, hàng vạn bạn đọc cả nước đã đóng góp giúp Chiêu Lưu gần 240 triệu đồng (chưa tính hiện vật). Báo Tuổi Trẻ đã ba lần cử người lên trực tiếp giúp gia đình các nạn nhân, các thầy cô, tặng quà học sinh và xây dựng một ngôi trường mới bằng gỗ tốt gồm 10 gian, năm phòng học, trên nền cao.

Ngày 26-9-1997, ngôi trường mới giữa núi rừng Kỳ Sơn được khánh thành. Trong lễ khánh thành, ông Lô Trung Thành - bí thư huyện ủy Kỳ Sơn thời đó - đã nói: Trường Chiêu Lưu, quà của bạn đọc báo Tuổi Trẻ TP.HCM tặng, bây giờ là trường tốt nhất của huyện...

HÀNG CHỨC NGUYÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên