23/12/2012 21:05 GMT+7

Công chức "ăn gian" giờ làm, vì sao?

Canon D
Canon D

TTO - Trong tuần có ba đề tài thu hút rất nhiều ý kiến bạn đọc Tuổi Trẻ Online là chuyện "chạy" công chức, chuyện khó thu hút người tài cho các cơ quan nhà nước, và mới nhất là chuyện công chức "ăn gian" giờ làm việc.

xC4MFQKG.jpgPhóng to
Sinh viên Trường ĐH Bách khoa (ĐHQG TP.HCM) trong ngày tốt nghiệp - Ảnh tư liệu

224 công chức “ăn gian” giờ làm việcLập nhóm công tác làm rõ vụ “chạy” công chứcSinh viên giỏi: “Thu hút được nhưng giữ khó”

Điều đáng giật mình sau khi đọc những bài viết đó chính là sự thừa nhận của bạn đọc khắp nơi: chuyện này không lạ, chuyện này không mới, chuyện này đâu cũng có.

Trước tiên, bàn chuyện công chức "ăn gian" giờ làm việc để làm chuyện riêng, xin bằng cách đặt những câu hỏi:

- Có phải vì việc ở công sở là việc dạng "cha chung không ai khóc", lại chưa được phân công một cách hợp lý, khoa học nên dẫn tới tình trạng anh này chỉ chị kia, trách nhiệm cứ đổ lòng vòng một hồi rồi cũng huề cả làng. Kết quả là ai cũng như ai tranh thủ chuyện riêng, chuyện chung từ từ tính?

- Một môi trường làm việc mà trách nhiệm không rõ ràng, làm hay không làm cũng được hưởng lương, cũng được đánh giá thi đua bằng tinh thần cả nể, hoặc vì e ngại cô Y là cháu chú trưởng phòng, cậu Z thuộc phe chủ tịch công đoàn nên ai dại thì làm việc, ai khôn ngồi không hưởng thành quả chung? Chưa kể dân gian có câu "làm nhiều sai nhiều, làm ít sai ít, không làm không sai" thì chớ dại mó tay vô việc rồi lãnh hậu quả.

Và thành ra, công sở trở thành nơi mà công việc muốn làm cũng được, không làm cũng xong, thừa người cũng thừa mà thiếu người cũng thiếu.

Hậu quả đáng sợ hơn, ngân sách trung ương, địa phương đang phải trả không ít tiền cho những người lẽ ra phải làm việc mà lại không làm việc.

Một môi trường như thế sẽ dần dần biến những người có nhiệt huyết thành những người ù lì, biến những người từ giỏi giang thành ra khôn lỏi, biến những người không có năng lực thành những kẻ giỏi xu nịnh, và sẵn sàng kết bè kết phái vì cái lợi của riêng mình.

Đáng sợ hơn, môi trường như thế sẽ tạo nên những kẻ cơ hội, tìm mọi cơ hội đục nước béo cò, lẫn những người chán nản bàng quan đi làm với suy nghĩ: hết giờ thì về nhà.

Một môi trường như thế không thu hút người giỏi cũng phải. Một môi trường như thế trở thành những đường dây "chạy chức, chạy quyền" cũng phải.

Và như thế thì nguy lắm thay! Liệu lúc đó những tổ kiểm tra, những đoàn thanh tra có chăng cũng chỉ để giải quyết hậu quả, mà như một căn bệnh ung thư, xạ trị hóa trị chỗ này lại phát ở chỗ kia, tưởng lành đó rồi lại bệnh đó.

Trải thảm đỏ cho người tài ư, để đến một môi trường làm việc như thế liệu còn ai muốn đến, dám đến?

Cũng xin đề xuất một vài giải pháp thay vì bi quan nhìn nhận mọi chuyện.

Ấy là tại các công sở, thử lắp đặt máy quẹt thẻ, chấm công như nhiều doanh nghiệp vẫn làm tại các khu công nghiệp.

Ấy là phân công công việc và trách nhiệm rõ ràng hơn, để căn cứ vào kết quả công việc và đánh giá năng lực nhân viên. Ai làm tốt thăng tiến, ai làm kém sa thải, dọn chỗ cho những người khác.

Ấy là áp dụng những công nghệ như UBND quận 1, TP.HCM đã làm là trang bị máy để người dân chấm điểm công chức...

Canon D
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên