23/08/2004 05:14 GMT+7

Nhìn thẳng vào sự thật

TS TRẦN THƯỢNG TUẤN (ĐH Cần Thơ)
TS TRẦN THƯỢNG TUẤN (ĐH Cần Thơ)

TT - Khi được hỏi: “Trong tình hình nhiều sinh viên tốt nghiệp hệ chính qui không tìm được việc làm thì khả năng tìm được việc làm của sinh viên tốt nghiệp hệ tại chức ra sao?”, vị hiệu trưởng một cơ sở đào tạo đại học tại chức cho biết nhìn chung là rất khó, nhưng một số em gia đình có thân thế thì thậm chí chưa tốt nghiệp đã biết ra trường sẽ được vào làm ở đâu và không ít người trong số đó sau vài năm làm việc dễ dàng được cử đi học lên hay được cất nhắc lên vị trí quản lý.

Dẫn chứng nói trên tuy nhỏ, nhưng cũng không phải là hiếm, cho thấy nếu không nhìn thẳng vào những tồn tại trong vấn đề tuyển người, qui hoạch cán bộ và đề bạt các chức vụ để giải quyết thì nhân tài còn đâu chỗ chen chân?

Thật xót xa biết bao khi hàng trăm tỉ đồng của dân ở hai đơn vị Seaprodex và Tổng công ty Dầu khí bị các quan tham làm tiêu tán quá dễ dàng. Tất nhiên những người trực tiếp gây tội sẽ bị pháp luật xử lý, nhưng liệu tất cả sự thật, cội nguồn của vấn đề đã được nhìn nhận, ví như làm sao các quan tham đó, thậm chí có người đã từng ở tù, có thể chiếm được những vị trí cao ấy, thay vì đó phải là chỗ của các hiền tài. Dưới sự quản lý của những con người như thế thì người trung thực, cương trực còn không có đất để tồn tại, nói chi đến hiền tài?

Chủ trương của Nhà nước chi ra một số tiền lớn để đào tạo 700 nhân tài thật đáng trân trọng, nhưng giả sử khi đào tạo xong mà những người tài đó được đưa vào làm việc trong môi trường không trọng dụng nhân tài thì sự đầu tư nói trên trở thành một lãng phí lớn, chưa nói tác hại về mặt nhân tâm. Như vậy, trước tiên cần phải nhìn thẳng vào thực trạng sử dụng nhân tài hay rộng hơn, đó là môi trường để mọi sáng kiến dù nhỏ hay các công trình khoa học có ý nghĩa thực tiễn đều được quí trọng và phát huy tốt hiệu quả.

Điều kiện vật chất, lương cao, phương tiện kỹ thuật hiện đại rất cần cho sự phát huy tài năng, nhưng thật sai lầm nếu cho rằng đó là điều kiện tiên quyết mà thiếu nó thì tài năng không phát triển được, người tài sẽ ra đi. Cũng không phải trong bất cứ lĩnh vực nào công việc cũng đòi hỏi phải có phương tiện hiện đại. Lịch sử hai cuộc kháng chiến chống đế quốc Pháp và Mỹ đã chứng minh là ngay trong những hoàn cảnh khó khăn nhất của đất nước thì tài năng vẫn có thể phát triển.

Trọng dụng nhân tài trước hết là có cách đối xử công minh, trân trọng những đức tính trung thực, cương trực, xây dựng tinh thần hết mình vì sự nghiệp chung và triệt tiêu đất sống của tính cơ hội trong hệ thống chính trị của đất nước. Thiếu những yếu tố này thì mọi sự đầu tư cho đào tạo nhân tài dù lớn đến đâu cũng không thể đạt được hiệu quả mong muốn.

Đi tìm hay đào tạo nhân tài

Trong lịch sử VN, thời nào cũng có nhân tài vì thế chúng ta mới có nước VN ngày nay. Có điều, nhân tài không phải một sớm một chiều mà thành tựu. Theo quan niệm của tôi, nhân tài được đào luyện nhờ vào giáo dục gia đình. Lớn lên, chính nhờ vào bản thân dám chiến đấu gian khổ. Một Lê Lợi, Nguyễn Trãi, Lý Thường Kiệt, Quang Trung, Nguyễn Công Trứ, kể cả Cao Bá Quát đều qua muôn vàn chiến đấu gay go. Nhưng dù sao khởi đầu cũng là nhờ vào gia đình. Phá hoại truyền thống gia đình là một hủy hoại nhân tài từ trứng nước.

Đại học VN nhằm mục tiêu đào tạo nhân lực mà không đào tạo nhân tài. Thiết nghĩ đã đến lúc phải làm cuộc cách mạng nền giáo dục VN. Như thế nên triệt để xóa bỏ phương pháp giảng dạy sinh viên chỉ thụ động trong ghi chép bài giảng rồi ra về. Hãy biến mỗi buổi giảng dạy là một hội thảo bỏ túi mà trò là chủ động, thầy hướng dẫn. Nhân tài nảy sinh từ đó.

Bây giờ bàn về đi tìm nhân tài. Đi tìm có ý nghĩa là có nhưng chưa thấy vì chưa xuất đầu lộ diện, mà trong đó có lý do là ngại không được trọng dụng. Dùng nhưng không tin rồi bị chụp mũ, và có thể là thân bại danh liệt. Vấn đề ở đây là chưa có chính sách sử dụng người và biết cách đãi ngộ.

Còn nguồn nhân tài thứ hai là Việt kiều. Nhà nước đã long trọng tuyên bố: Việt kiều là một bộ phận không tách rời khỏi cộng đồng dân tộc VN. Ai cũng biết nguyên tắc như vậy, nhưng thực hiện còn bao nhiêu mắc mứu. Vậy mà Trung Quốc đã thành công trong công cuộc này. Trung Quốc làm được, tại sao VN không làm được?

TS TRẦN THƯỢNG TUẤN (ĐH Cần Thơ)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên