24/12/2013 09:30 GMT+7

Bàn phím văn học

F.A.Q.
F.A.Q.

AT - Chúng tôi nghe nhiều người bạn nhắc câu thơ vui “Trọc đầu BÙI làm sao CHÍ ở/ Nhục còn chưa có lấy gì VINH” và cho biết là của Bùi Giáng làm tặng Bùi Chí Vinh. Tư liệu này có chính xác không?

(lehoa_dang@...)

- Theo bản thảo Hồi ký của Bùi Chí Vinh, thì chính tác giả đã nói về vấn đề này như một giai thoại, như sau:

“Vừa rồi sau khi ra mắt hai tập THƠ TÌNH BÙI CHÍ VINH và THƠ ĐỜI BÙI CHÍ VINH trong nước lẫn trên mạng, tình cờ tôi được nghe một số giai thoại hay hoặc không hay của thiên hạ bàn tán về mình. Đối với tôi, hay hoặc không hay đều vẫn là giai thoại. Nhưng giai thoại phải có cơ sở xác đáng, có thực tế chứng minh, có những người trong cuộc chứng kiến thì giai thoại đó mới trường tồn, truyền khẩu hợp lý và khoa học được. Những giai thoại đồn đại chung quanh hình tích, sự đi đứng, năng khiếu làm thơ ứng khẩu của tôi xuất hiện ngay từ sau giải phóng, lúc tôi còn rất trẻ, đang làm việc tại một tờ báo và chỉ mới 21 tuổi đầu. Giai thoại mỗi ngày mỗi phát triển thêm lúc tôi đi bộ đội, rồi đi giang hồ, rồi làm đủ mọi thứ nghề để sống, thậm chí cả giai thoại lúc tôi bày tỏ chính kiến của mình...

Trong phạm vi bài viết này, tôi xin mở đầu bằng một giai thoại quái đản nhất vừa nghe được. Sự quái đản ở đây tùy nghi ai muốn hiểu sao thì hiểu trong khi câu thơ đồn đại về tôi lại khởi nguồn từ một tình bạn rất đẹp. Cụ thể từ hai câu thơ tam sao thất bổn sau đây:

* “Trọc đầu BÙI làm sao CHÍ ởNhục còn chưa có lấy gì VINH”

Và họ nói rằng hai câu thơ trên là do Bùi Giáng ứng khẩu tặng tôi trong bàn nhậu lúc tôi đang múa may chữ nghĩa, khiến tôi hoàn toàn tâm phục khẩu phục. Suy nghĩ như thế không riêng gì tôi mà những người quen biết tôi đều phải phì cười. Bởi một lẽ đơn giản, tác giả hai câu thơ trên không phải là Bùi Giáng tiên sinh mà là ông anh Mặc Tuyền, một nhà thơ kiêm kịch tác gia bụi đời làm “chọc quê” tôi, khi tôi mạt lộ đang ngồi ở vỉa hè phụ sửa xe cùng anh Phan Văn Bồng tự Bế Văn Bồng mưu sinh kiếm sống vào thời điểm cuối thập niên 80 đói rách. Thời điểm ấy mâm cơm không có gạo trắng mà ăn, Mặc Tuyền cố kiềm chế sự ngông cuồng của tôi nên làm hai câu khá cảm động. Vừa chơi chữ, vừa nói về chữ “nhục”, nhục ở đây có nghĩa là “thịt”, thi sĩ lớn cỡ nào mà đầu cạo trọc và thiếu thịt ăn thì bao tử cũng đói meo và chí khí lẫn chí mén cũng đi chơi chỗ khác”.

Bàn phím văn học có thể giải thích nguồn gốc cụm từ “gàn bát sách” không? Có liên quan gì đến sách vở không?

(Hiền Hòa - Bình Thuận)

- Theo từ điển tiếng Việt, “gàn” được giải thích “Có những suy nghĩ hành động rõ ràng trái với lẽ thường, mà ai bảo cũng không nghe”. Còn “bát sách”, theo tác giả Minh Nghiêm, thì xuất xứ từ hình vẽ trên quân bài tổ tôm: “Bát sách là tên một con bài trong bộ bài tổ tôm, một trò chơi dân gian phổ biến từ xưa ở nước ta. Tên gọi của trò chơi được đọc chệch ra từ chữ “tụ tam” nghĩa là hội tụ lại của ba hàng: Văn, Vạn, Sách. Do tổ tôm khá khó nên người xưa có câu ca dao: “Làm trai biết đánh tổ tôm/ Uống chè mạn hảo xem nôm Thúy Kiều”. Bài tổ tôm có 120 quân, viết bằng chữ Nho, gồm có ba hàng: Vạn, Văn, Sách. Để dễ phân biệt, xưa có câu “vạn vuông, văn chéo, sách loằng ngoằng”. Bên phải các quân bài đều có chữ số từ nhất đến cửu. Loại quân đặc biệt có tên gọi là Thang Thang, Lão, và Chi Chi. Các quân bài đều có hình minh họa, có thể ghi nhớ bằng hình nếu như không thuộc được chữ Nho. Riêng quân “bát sách” có hình vẽ cô gái đang ngậm điếu thuốc vắt vẻo trên môi, trông rất ư là nghênh ngang, gàn dở”. Như vậy, xuất xứ từ cách gọi tên hình vẽ để nhận dạng quân “bát sách” trong tổ tôm, cụm từ “gàn bát sách” xuất hiện trong lời ăn tiếng nói của nhân dân.

clZzysT0.jpgPhóng to

Áo Trắng số 23 ra ngày 15/12/2013 hiện đã có mặt tại các sạp báo.

Mời bạn đọc đón mua để thưởng thức được toàn bộ nội dung của ấn phẩm này.

F.A.Q.
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    Chủ đề: Bàn phím văn học