01/11/2004 00:04 GMT+7

50 năm học sinh miền Nam trên đất Bắc

VIỆT HOÀI
VIỆT HOÀI

TT - Một ngày cuối thu của miền Bắc, trên chuyến xe từ Hà Nội đi Hải Phòng, bà Xuân Hạnh, bà Vấn, bà Đính - giảng viên Đại học Bách khoa Hà Nội, ông Châu Nam Long - đại tá công an, ông Đức Lượng - phó tổng biên tập báo Nhân Dân, bà Ngọc Lan - vụ phó của Bộ Kế hoạch - đầu tư, mừng rỡ hàn huyên, vẫn mày tao chi tớ, vẫn giọng Trung pha Bắc pha Nam.

AhMltC9S.jpgPhóng to
Bác Hồ về thăm và nói chuyện với giáo viên, học sinh các trường học sinh miền Nam tại Hải Phòng - Ảnh tư liệu
TT - Một ngày cuối thu của miền Bắc, trên chuyến xe từ Hà Nội đi Hải Phòng, bà Xuân Hạnh, bà Vấn, bà Đính - giảng viên Đại học Bách khoa Hà Nội, ông Châu Nam Long - đại tá công an, ông Đức Lượng - phó tổng biên tập báo Nhân Dân, bà Ngọc Lan - vụ phó của Bộ Kế hoạch - đầu tư, mừng rỡ hàn huyên, vẫn mày tao chi tớ, vẫn giọng Trung pha Bắc pha Nam.

Xe càng gần đến Hải Phòng, ký ức của họ càng sống dậy: “Sông Tam Bạc này là đoạn mà các buổi sáng cô giáo hay cùng chúng mình ra đây ngâm chiếu cho hết rận. Sao hồi ấy rận nhiều thế nhỉ, cả chấy nữa”... “Phố Cát Dài là nơi lần đầu tiên mình được mặc áo dài. Trường mở lễ hội, không đứa con gái nào biết áo dài là gì, ra phố mượn đồng bào.

Chỉ biết mình là học sinh miền Nam, không biết tên, nhớ mặt, thế mà các mẹ các chị vẫn cho mượn”. 50 năm đã qua, từ ngày họ đặt chân lên những bãi biển miền Bắc: cửa Hội, Sầm Sơn, Đồ Sơn..., các cô bé cậu bé xa nhà khóc nhớ mẹ và đái dầm cả đêm nay đã nên ông nên bà. Họ là các cựu học sinh Trường Học sinh miền Nam trên đất Bắc.

Ươm mầm cho cách mạng

Cùng với việc thực thi Hiệp định Genève, hàng chục vạn cán bộ của miền Nam đã tập kết ra Bắc. Họ ra đi với lời ước hẹn được hình tượng bằng hai ngón tay: hai năm sau sẽ về gặp lại người thân, xây lại quê hương. Nhưng Đảng và Bác Hồ thì đã biết là cuộc cách mạng còn lâu dài và gian khổ. Muốn giành thắng lợi, ngay từ bây giờ phải ươm những hạt giống đỏ cách mạng cho thế hệ sau.

Bác đã nhiều lần trực tiếp nhắc nhở các đồng chí lãnh đạo miền Nam: cố gắng đưa các cháu thiếu nhi ra Bắc, nuôi dưỡng, cho ăn học thành người để về chiến đấu và xây dựng lại quê hương. Từ 1954-1974, đã có ba đợt đưa các em ra Bắc với qui mô lớn: 1954-1955: đưa ra theo con đường tập kết, chủ yếu bằng tàu biển; 1960-1964: đưa ra qua đường công khai đi Campuchia, tư Campuchia bay về Hà Nội; 1968-1972: đi bằng đường giao liên vượt Trường Sơn. Suốt 21 năm cho đến ngày đất nước thống nhất, gần 30.000 học sinh miền Nam - những núm ruột của miền Nam đau thương, ngoan cường, bất khuất - đã được những nếp nhà, vòng tay của các bà mẹ, người cha, các thầy cô giáo miền Bắc nâng niu đùm bọc.

Vừa dốc hết sức người sức của cho chiến dịch Điện Biên, miền Bắc những năm 1955-1956 đói kém, khó khăn. Dân đói, các thầy cô giáo cũng đói, nhưng các con em miền Nam thì phải được ăn no mặc ấm. Tàu Ba Lan, tàu Liên Xô vừa cập bến miền Bắc, đã có những chú bộ đội hay các thầy cô giáo lội nước biển mùa đông cắt da cắt thịt để cõng từng em lên bờ. Trường học chưa kịp xây thì dành đình, chùa... cho các em học.

j0F0QTuu.jpgPhóng to
Tập thể thầy và trò lớp 2 Trường số 18 (năm 1956) - Ảnh tư liệu
Những tấm lòng vì miền Nam ruột thịt

Tuyệt đại đa số trong gần 30.000 học sinh miền Nam ngày ấy nay đã trưởng thành, hơn nữa, thành những người giữ vị trí lãnh đạo chủ chốt các địa phương và trung ương thành các nhà khoa học, nhà văn, nhà báo, nghệ sĩ... Trong hồi ức của những cậu bé, cô bé ngày ấy, hình ảnh in dấu đậm đà nhất vẫn là Bác Hồ với những lần về thăm trường mỗi độ tết đến, xuân về, biết các cháu nhớ nhà nên đến cho kẹo, động viên, hoặc lúc nào Bác có thời gian.

Và sau đó là hình ảnh các thầy các cô. Những con người đã hi sinh cả tuổi xuân, xa gia đình, gửi con đi sơ tán... để chăm lo cho các học sinh hơn cả cho con mình. Ông Trương Quang Được - phó chủ tịch Quốc hội, ông Nguyễn Xuân Phúc - chủ tịch tỉnh Quảng Nam, bà Trần Thị Thanh Thanh - nguyên bộ trưởng, chủ nhiệm Ủy ban Chăm sóc và bảo vệ bà mẹ trẻ em, phó giáo sư tiến sĩ Lê Thị Cúc - giảng viên Viện Công nghệ sinh học... đều một lòng nhớ về các thầy cô giáo của mình với lòng biết ơn vô hạn: “Chúng tôi coi thầy giáo như cha, gọi các cô là má; và không chỉ dạy học, các cô còn tắm giặt, cắt tóc, gội đầu, bôi thuốc ghẻ lở, nấu cháo khi ốm đau”.

Thay mặt các đồng nghiệp của mình, thầy giáo Nguyễn Vạn Phiên xúc động nghẹn ngào: “Xa nhà quá hai năm mà vẫn chưa được về, nhiều cháu nhớ nhà, bỏ ăn, không học, trả lại sách vở, chăn màn quần áo, trốn đi giữa đêm mưa gió, cả trường phải đốt đuốc đi tìm suốt đêm.

Có lúc cả lớp lại khóc òa lên chỉ vì một bạn có ba đến thăm, các em đòi cũng được gặp ba má. Nhiều thầy cô ở với học sinh lâu quá, hết lứa này đến lứa khác, đến khi thống nhất học sinh về hết, trường giải tán thì tuổi xuân đã lặng lẽ qua tự bao giờ ”.Có một nhân vật lạ lùng mà hầu như học sinh nào cũng nhớ, đó là “chú Phát xi-nê”. Không ai rõ vợ con chú ra sao, gia cảnh thế nào, chỉ biết chú một mình cứ vác máy chiếu phim đi tất cả các trường miền Nam trên đất Bắc, vừa là kỹ thuật, vừa thuyết minh tất cả thể loại phim từ truyện, cổ tích, hoạt hình, tài liệu… cho các cháu.

Cứ thế, hết một vòng chú lại quay về trường cũ, chiếu bộ phim mới. Ông Nguyễn Liêm - một cựu học sinh, quê Quảng Nam, giờ là một doanh nhân thành đạt ở TP.HCM - cứ ao ước: “Giá mà tôi được gặp lại chú Phát, người đã đóng dấu ấn trong đời sống tinh thần tuổi thơ của chúng tôi”. Chỉ có 400 người trong số 30.000 cựu học sinh về được để dự cuộc gặp mặt này. Có rất nhiều người trong họ đã không bao giờ về lại miền Bắc được nữa: đó là các liệt sĩ - nhà thơ Lê Anh Xuân, Chu Cẩm Phong, là anh hùng phi công Đồng Văn Đe…và bao nhiêu liệt sĩ khác.

Một cựu học sinh của Trường bổ túc công nông - mô hình Trường Học sinh miền Nam nhưng dành cho các cán bộ trẻ từ Nam tập kết ra, người luôn luôn quan tâm và chia sẻ khó khăn cũng như niềm vui với các cựu học sinh Trường Học sinh miền Nam - Thủ tướng Phan Văn Khải đã tự nhận mình là người anh của các học sinh miền Nam.

Hôm nay, 50 năm sau ngày em học sinh đầu tiên đặt chân lên đất Bắc, ông xúc động và tự hào nói với họ: “Sự trưởng thành của các em hôm nay càng cho thấy tầm nhìn xa trông rộng của Đảng và Bác Hồ.

Nếu không thành lập ba trường (Học sinh miền Nam, Bổ túc công nông, Phổ thông lao động - bồi dưỡng cán bộ có thành tích xuất sắc trong lao động chiến đấu nhưng văn hóa thấp như La Văn Cầu, Nguyễn Thị Chiên) thì chắc chắn chúng ta đã bị hẫng hụt, thiếu cán bộ. 30.000 học sinh miền Nam và 10.000 học sinh bổ túc công nông là một lực lượng lãnh đạo quan trọng.

Khi gửi các em ra Bắc, gia đình, quê hương đã đặt trọn niềm tin: có Bác Hồ, có đồng bào miền Bắc, nhất định các em sẽ nên người… Hôm nay, gặp nhau qua 50 năm, dù đã thành ông bà nội ngoại, nhưng các em vẫn còn tính cách của học sinh miền Nam, tâm hồn của học sinh miền Nam vẫn một lòng nhớ ơn thầy cô, nhớ ơn đồng bào miền Bắc. Đó là cái tình, cái nghĩa, đạo lý của người VN, ai làm trái đi thì là kẻ phản bội”.

VIỆT HOÀI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên