17/07/2016 20:06 GMT+7

New York, Paris, Roma, London trên màn ảnh đương đại

ĐỨC TRẦN tổng hợp
ĐỨC TRẦN tổng hợp

TTO - New York, Paris hay London luôn là những địa điểm khai thác tuyệt vời của các nhà làm phim. Từ chuyện tình đôi lứa đến những cung bậc cảm xúc của những du khách lần đầu đặt chân đến.

Tác phẩm đã giành được giải Oscar cho Phim nói tiếng nước ngoài hay nhất năm 2014 - Ảnh Variety
The Great Beauty đoạt giải Oscar cho Phim nói tiếng nước ngoài hay nhất năm 2014 - Ảnh: Variety

 

Thành Rome trong The Great Beauty (2013)

Hiếm có cuốn phim nào mô tả sự si mê cuồng dại xen lẫn những giấc mộng tan vỡ mà lại đẹp như tác phẩm của Paolo Sorrentino, chẳng hạn như ở cảnh đầu tiên, một người khách Nhật đã chết ngất tại chỗ vì chứng kiến vẻ đẹp của Rome từ trên cao.

Cùng với sự hồi tưởng của gã nhà văn 60 tuổi Jep Gambardella về vẻ đẹp quá vãng mà ông tiếc nuối, bộ phim ghi lại đấu trường Colesseum hùng vĩ, dòng Tevere thanh bình, các nhà nguyện thiêng liêng, những khu vườn của các hiệp sĩ vườn Malta…

Tác phẩm đã giành được giải Oscar cho Phim nói tiếng nước ngoài hay nhất năm 2014 - Ảnh Variety
Cảnh trong phim The Great Beauty - Ảnh: Variety

Không hề cần kiệm những cảnh quay với góc rộng, đặc tả vẻ đẹp quá sức tưởng tượng ở Rome, bộ phim vẫn mang một triết lý có tính biểu tượng về một thành phố huy hoàng đấy, nhưng đang sống trong cảnh lụi tàn, như chính Jep Gambardella và kiệt tác văn học duy nhất của ông.

The Great Beauty có thể làm người hâm mộ nghĩ tới Rome, Open City của Roberto Rossellini hay La Dolce Vita của Federico Fellini vì làm nổi bật chất Ý nhưng bộ phim vẫn tươi mới nhờ cách kể của Paolo Sorrentino.

Năm ngoái, ông tiếp tục thành công khi tận dụng những di sản kiến trúc tự nhiên của Thụy Sĩ trong Youth với dàn sao Hollywood.

Sicily trong Malèna (2000)

 

Lajos Koltai được đề cử Oscar Quay phim xuất sắc nhất năm 2001 - Ảnh Cắt từ video
Lajos Koltai được đề cử Oscar Quay phim xuất sắc nhất năm 2001 - Ảnh cắt từ video

Những thành phố cổ kính của Sicily - hòn đảo lớn nhất Địa Trung Hải - là Messina, Syracuse và Trapani mang dáng vẻ cổ kính có thể hớp hồn bất kì ai từng đặt chân đến. Đó cũng là ba bối cảnh chính của cuốn phim tình cảm lãng mạn tôn vinh nhan sắc khó cưỡng của Monica Bellucci.

Câu chuyện xảy ra vào những năm 40 giữa Thế chiến thứ hai, nơi người Ý cũng bước vào trận đấu. Ở Sicily xa xôi, người phụ nữ đẹp như Malèna trở thành miếng mồi ngon cho đám đàn ông, kể cả chính trị gia… còn phụ nữ thì ganh ghét, chà đạp khi chồng nàng tham chiến.

Lajos Koltai được đề cử Oscar Quay phim xuất sắc nhất năm 2001 - Ảnh Cắt từ video
Cảnh trong phim Malèna - Ảnh cắt từ video

Bên cạnh những khung hình đặc tả vẻ đẹp đàn bà của minh tinh hàng đầu nước Ý, nhà quay phim Lajos Koltai còn tập trung truyền tải nhiều đại cảnh về ba thành phố ở Sicily kể trên, bằng tông màu vàng ấm thể hiện sự tương phản với cái nhìn lạnh lùng, tàn nhẫn của người đời dành cho Malèna.

Paris trong Midnight in Paris (2011)

 

Đến nay, Midnight in Paris vẫn là phim ăn khách nhất của đạo diễn Woody Allen - Ảnh Sony Pictures Classics
Đến nay, Midnight in Paris vẫn là phim ăn khách nhất của đạo diễn Woody Allen - Ảnh: Sony Pictures Classics

Đạo diễn Woody Allen và nước Pháp có một liên hệ mật thiết từ nhiều thập niên, và lý do ông thực hiện cuốn phim tình cảm lãng mạn này không nằm ngoài mục đích đề cao vẻ ngoài diễm lệ và đa tình của Kinh đô ánh sáng.

Mượn chất fantasy (tạm dịch là tưởng tượng), bộ phim đưa người xem trở về Paris những năm 20, kỷ nguyên mở đầu cho các di sản văn hóa thông qua hành trình mộng du của Gil Pender - một nhà viết kịch bản Hollywood lạc vào thế giới của các thi sĩ, văn hào như F. Scott Fitzgerald, Ernest Hemingway…

Đến nay, Midnight in Paris vẫn là phim ăn khách nhất của đạo diễn Woody Allen - Ảnh Sony Pictures Classics
Cảnh trong phim Midnight in Paris - Ảnh: Sony Pictures Classics

Tất nhiên, ngoài các cuộc gặp gỡ đáng mơ của chàng Gil, bộ phim còn xen vào những cảnh sinh hoạt thường ngày của người dân sống trong thành phố của tình yêu, từ những đêm trời mưa muộn vẫn ngập ánh đèn màu đến những buổi sáng tinh mơ ở các quán café vỉa hè…

Không cố tình đặc tả những giá trị kiến trúc bằng góc máy phô trương, Midnight in Paris lôi cuốn về mặt tâm linh nhiều hơn. Người xem như lạc vào một thành phố tuyệt vời, nơi đời sống tinh thần làm giàu tâm hồn, nơi chỉ có tình yêu chứ không phải chết chóc như nỗi lo ngại ngày nay.

Tokyo trong Lost in Translation (2003)

 

Tokyo giống như một người bạn mới quen của hai nhân vật chính - Ảnh Focus Features
Tokyo giống như một người bạn mới quen của hai nhân vật chính - Ảnh Focus Features

Tại thành phố sầm uất và cuốn hút lạ kỳ này, chúng ta bắt gặp nỗi buồn sang trọng của Bob Harris - một ngôi sao điện ảnh gần hết thời, sang Tokyo quay quảng cáo cho một hãng rượu và Charlotte - một sinh viên mới ra trường, đã lập gia đình.

Nếu như Harris vừa đối phó với sự nghiệp xuống dốc lẫn cơn khủng hoảng tuổi trung niên, thì Charlotte lại có những loay hoay tuổi trẻ: chưa biết làm gì, hoặc chưa muốn làm gì. Họ là hai kẻ cô đơn xa lạ gặp nhau giữa lòng Tokyo, bắt đầu truyền cho nhau hơi ấm của sự đồng điệu.

Tokyo giống như một người bạn mới quen của hai nhân vật chính - Ảnh Focus Features
Cảnh trong phim Lost in Translation - Ảnh: Focus Features

Mang màu sắc tâm linh, điềm đạm, Lost in Translation giới thiệu không chỉ một nữ đạo diễn tài năng (Sofia Coppola) mà còn là một Tokyo vốn dĩ quá quen trên mọi phương tiện, bỗng mang một sức gợi và trở thành công cụ truyền đạt không khí phim một cách hữu hiệu, với những tòa nhà chọc trời, những quán bar, karaoke, đường phố, đèn neon không bao giờ tắt… hay những chi tiết rất Nhật Bản qua bộ kimono, lớp Ikebana học cắm hoa nghệ thuật…

Góc máy không cố tình giới thiệu Tokyo hay Kyoto theo kiểu phim du lịch, nên vẻ đẹp của đất nước này cũng hiện ra như nhân vật trong phim: khoan thai, tình cảm, không thể diễn đạt bằng lời cụ thể.  

Barcelona trong Vicky Cristina Barcelona (2008)

 

Bộ phim hài lãng mạn có một kết cục khá bất ngờ so với những phim tình cảm thông thường - Ảnh The Weinstein Company
Bộ phim hài lãng mạn có một kết cục khá bất ngờ so với những phim tình cảm thông thường - Ảnh: The Weinstein Company

Nổi tiếng qua những thước phim gắn liền với New York hay Manhattan, gần đây đạo diễn Woody Allen thường xuyên tìm cảm hứng kể chuyện ở châu Âu, mà điển hình là thành công của Vicky Cristina Barcelona quay tại thành phố mang đậm phong cách kiến trúc thời Phục hưng ở Tây Ban Nha.

Có lẽ để hòa nhập với không khí tự do, phóng khoáng của Barcelona mà nội dung phim được đánh giá là táo bạo so với những tác phẩm triết lý “nói nhiều” của Allen.

Câu chuyện tình tay tư với những mắc xích khiến người xem bị hấp dẫn đến phút cuối với câu hỏi: rốt cuộc ai sẽ tìm thấy tình yêu đời mình? Là Vicky - cô nàng có cá tính độc lập hay Cristina - bóng hồng mỏng manh, nhạy cảm?

Đan xen giữa họ - hai du khách người Mỹ, là cặp vợ chồng bản địa Juan và Maria đại diện cho sự nóng bỏng và gợi cảm của Barcelona, của các công trình nổi tiếng của Gaudi, bảo tàng Miro, những triền đồi hoa dại trải dài ngoài ngoại ô…

Bộ phim hài lãng mạn có một kết cục khá bất ngờ so với những phim tình cảm thông thường - Ảnh The Weinstein Company
Cảnh trong phim Vicky Cristina Barcelona - Ảnh The Weinstein Company

Vì khai thác câu chuyện của hai cô gái trẻ đi du lịch nên bộ phim tràn ngập những khung hình tiêu biểu của Barcelona như tòa lâu đài Sagrada Familia, căn gác mái Casa Mila, khách sạn Reconquista hay đài phun nước trong công viên Guell… dễ khiến bạn choáng ngợp vì sức gợi về mặt hình ảnh của tác phẩm đoạt hơn 30 giải thưởng lớn nhỏ này.

ĐỨC TRẦN tổng hợp
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên