17/02/2021 08:39 GMT+7

42 năm cuộc chiến bảo vệ biên giới phía Bắc: Khắc khoải từ biên ải

LÊ ĐỨC DỤC - ĐỨC BÌNH
LÊ ĐỨC DỤC - ĐỨC BÌNH

TTO - 42 năm từ khi cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc nổ ra. Không nhớ hết bao lần chúng tôi đã đi dọc dài biên ải. Lịch sử vẫn còn đó, trên những tấm bia đá khắc tuổi tên những người đã hi sinh trong mùa xuân năm 1979.

42 năm cuộc chiến bảo vệ biên giới phía Bắc: Khắc khoải từ biên ải - Ảnh 1.

Một đài hương nhỏ, được cựu binh Sư đoàn 356 phát tâm xây dựng tại chiến địa Vị Xuyên, đã trở thành quần thể tưởng niệm thiêng liêng Ảnh: NGỌC QUANG

Em thế này còn may, tàn tật nhưng vẫn giữ được mạng sống. Hai cậu ruột em là Bồn Văn Kiển và Bồn Văn Kiệt khi đi rừng đốn tre làm rui lợp nhà đã giẫm phải mìn nổ chết.

BỒN VĂN ĐẶNG

Và hậu quả cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc vẫn còn đó, trong những đời dân tật nguyền vì mìn hậu chiến như chúng tôi đã gặp ở Nậm Ngặt (xã Thanh Thủy, huyện Vị Xuyên, Hà Giang). Nhiều câu hỏi vẫn còn đó, như tấm bia tưởng niệm đã bị tre um tùm phủ lấp ở Tổng Chúp (Cao Bằng). Những trở trăn vẫn còn đó, như khi chúng tôi ngồi trong căn nhà người cựu binh Khằm Văn Chắn...

Biên ải tháng 2 lịch sử

Hơn 10 năm trước, trả lời phỏng vấn của Tuổi Trẻ về cuộc chiến tranh biên giới năm 1979, đại tá Nguyễn Mạnh Hà (nguyên viện trưởng Viện Lịch sử Đảng, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh) từng nói rất xác đáng:

"Là một người nghiên cứu lịch sử nhưng cũng là một người lính, tôi xin nói thẳng là dù bất cứ hoàn cảnh nào thì hòa bình vẫn là quý giá nhất. Chiến tranh biên giới kết thúc thật sự, chúng ta mới có thể tiếp tục sự nghiệp đổi mới, có những chính sách lâu dài và bền vững để phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống nhân dân, để có một vị thế mới trong bản đồ ngoại giao thế giới như hôm nay.

Nhưng như vậy không có nghĩa là trang sử về chiến tranh biên giới đã khép lại. Lịch sử bản chất là sòng phẳng, khách quan, cái gì đã xảy ra rồi cũng có lúc sẽ được đặt lại trên bàn cân lịch sử để luận định. Chúng ta nhìn lại chiến tranh biên giới, trước hết là để học bài học cho chính mình: cái gì lẽ ra đã có thể tránh được, cái gì cần nhớ để nhắc lại cho thế hệ sau".

Chúng ta đã vui mừng khi nhìn thấy từ sự phát triển biên mậu Việt - Trung, đời sống người dân vùng biên đã khá lên rất nhiều. Ở Lào Cai, Quảng Ninh, Lạng Sơn, ở những đô thị giáp biên với sự phát triển là minh chứng cho hiệu quả của một đường biên hữu nghị.

Nhưng cũng không vì thế mà chúng ta không lưu tâm đến những đời dân trong những bản làng vẫn đang sống dưới mức nghèo khó, chịu đựng những thương tật do đạn bom hậu chiến.

42 năm cuộc chiến bảo vệ biên giới phía Bắc: Khắc khoải từ biên ải - Ảnh 3.

Ba nạn nhân hậu chiến chỉ còn 2 chân. Từ trái qua: anh Bồn Văn Đặng, ông Bồn Văn Hòn, anh Triệu Văn Nguyên - Ảnh: VIỆT DŨNG

Ước mơ nhỏ cho bản nghèo Nậm Ngặt

Suốt đời làm báo của mình, chúng tôi sẽ không thể nào quên hình ảnh ba người thân trong một gia đình ở Nậm Ngặt. Ba người, một già và hai trẻ, ngồi trên chiếc băng ghế trước sân nhà trong một buổi trưa ở góc núi Vị Xuyên.

Người già là ông Bồn Văn Hòn. Năm 2000, trong một lần đi phát nương, ông giẫm phải mìn. Bà con khiêng ông chạy mấy chục cây số ra tới Bệnh viện Hà Giang. Nằm viện mấy tháng thì ông xuất viện với một chiếc chân giả. Cứ nghĩ một người giẫm phải mìn là chuyện hiếm.

Nhưng bốn năm sau, cũng chính ông Hòn, khi dắt trâu đi chăn, một quả mìn gài lại trong cuộc chiến Vị Xuyên đã cướp nốt chiếc chân còn lại của ông. Hai lần giẫm mìn, mất luôn hai chân. Hai người trẻ ngồi cùng ông Hòn trên băng ghế ấy, một người là Triệu Văn Nguyên và người kia là Bồn Văn Đặng.

Nguyên là con rể ông Hòn, cũng giẫm mìn khi đi làm nương và cụt mất một chân. Còn Đặng gọi ông Hòn là cậu ruột, cũng trở thành tàn tật năm 2007 - đúng năm anh tròn 20 tuổi. Bao mơ ước vượt qua những ngọn núi đá, tới những vùng đất mới với chàng trai 20 tuổi khép lại từ đó.

Sự tàn khốc của cuộc chiến có khi được kể bằng những câu chuyện bi hùng, những thước phim ầm ào xe pháo. Nhưng có khi nó chỉ thu gọn trong câu chuyện của một gia đình nhỏ với ba con người chỉ còn lại hai cái chân trong ngôi nhà ông Bồn Văn Hòn.

Tháng 7-2020, chúng tôi lên đây theo anh em đội tìm kiếm, cất bốc và quy tập hài cốt liệt sĩ. Chỉ vài tháng sau, trong quá trình tìm kiếm hài cốt, một quả mìn đã làm hai chiến sĩ trong đội quy tập thương vong. Một người lính trẻ hi sinh khi mới 20 tuổi, anh là binh nhất Bàn Văn Thủy; người còn lại là binh nhất Hoàng Văn Huỳnh, bị thương phải đoạn chi.

Đi qua những nhà dân ở Nậm Ngặt, trong chúng tôi cứ dấy lên bao nỗi niềm. Bởi hơn ai hết, sống trên vùng đất từng là chiến địa biên thùy, bước chân mỗi ngày còn bị bom mìn hậu chiến rình rập nhưng họ vẫn bám bản, bám biên thì hẳn đó là những người dũng cảm.

Và lòng yêu nước của họ được thể hiện cụ thể từ chính cuộc sống hằng ngày trong góc núi biên cương, mặc dù giờ đây Nậm Ngặt không có điện lưới chiếu sáng, sóng điện thoại vẫn phập phù. Những người dân thương tật tuy có chế độ trợ cấp nhưng cũng không đủ sống, họ vẫn đi làm nương và chăn bò để sống.

Nhà bia tưởng niệm ở Tổng Chúp, bao giờ?

Hơn 40 năm, những đau thương đã lắng xuống, nhưng dù lắng xuống vẫn không được phép lãng quên. Chúng tôi đã tìm đến Tổng Chúp, cái bản nhỏ ngày xưa thuộc xã Hưng Đạo, huyện Hòa An (nay là xã Hưng Đạo thuộc thành phố Cao Bằng) chỉ cách trung tâm thành phố chưa đến 10km.

Những lần đến đây, dù đã định vị rất rõ ràng nhưng lần nào cũng phải mất cả giờ đồng hồ mới tìm ra được cái khóm tre và tấm bia bé nhỏ ấy. Lội qua một con suối, chúng tôi tiếp tục lội bùn băng qua cánh đồng để gặp một rừng tre dọc theo bờ suối và không biết tấm bia ấy đang nằm ở khóm tre nào, cứ lần tìm từng khóm một rồi cũng gặp được. Nhưng cứ thế này, e rằng chỉ mươi năm sau chỗ này sẽ không còn vết dấu.

Tháng 3-1979, quân Trung Quốc đã giết sạch 43 người là anh chị em công nhân và gia đình họ ở trại lợn Đức Chính cạnh đó rồi ném xuống cái giếng nước dưới những khóm tre mà chúng tôi đang đứng. Những người dân và bộ đội về lại đây bàng hoàng đau đớn khi phát hiện dưới lòng giếng là 43 thi thể đồng bào. Anh em bộ đội dùng thang leo xuống, buộc từng thi thể kéo lên.

Có thi thể được thân nhân nhận dạng đem về mai táng trong nghĩa trang gia đình, nhưng rất nhiều người không có thân nhân nhận dạng bởi cả gia đình họ đã cùng bị giết không còn ai. Những người dân vô tội bị giết trong chiến tranh biên giới ấy xứng đáng có được một nhà bia tưởng niệm, một con đường dẫn đến nhà bia chứ không thể để chìm trong tre gai rậm rạp và có nguy cơ biến mất.

Trở lại với nhận định của tiến sĩ Nguyễn Mạnh Hà: "Chúng ta nhìn lại chiến tranh biên giới, trước hết là để học bài học cho chính mình: cái gì lẽ ra đã có thể tránh được, cái gì cần nhớ để nhắc lại cho thế hệ sau".

Lo cho đời sống những người dân biên ải trong những góc núi ngày một no đủ hơn bởi chính họ là những người đã và đang làm nhiệm vụ cột mốc sống bảo vệ biên cương bờ cõi. Dựng nhà bia tưởng niệm cho những linh hồn người dân ở Tổng Chúp cũng là lời nhắc nhở cho thế hệ sau, không phải để hận thù mà để biết yêu quý hơn cuộc sống hòa bình đang có, biết tránh được chiến tranh và tang tóc. Đó cũng là đạo nghĩa của người Việt.

Hỏi sao không kéo đường điện vào đây cho dân, anh em bảo: Mỗi nhà dân ở mỗi quả đồi như thế làm sao đủ kinh phí mà kéo điện? Vậy thì ước gì mỗi nhà có được một vài tấm pin mặt trời đủ lấy điện cho con cái học bài, xem được tivi thôi. Nhưng điều bình thường ấy với Nậm Ngặt có vẻ như là một giấc mơ không biết bao giờ có được.

41 năm cuộc chiến bảo vệ biên giới phía Bắc - 6 cha con cùng cầm súng vệ quốc 41 năm cuộc chiến bảo vệ biên giới phía Bắc - 6 cha con cùng cầm súng vệ quốc

TTO - Trong cuộc chiến bảo vệ biên giới phía Bắc năm 1979, cả một gia đình người Tày ở Cao Bằng đã tình nguyện cầm súng với lời thề máu lửa: “6 cha con sống cùng sống, chết cùng chết để bảo vệ bản làng, Tổ quốc mình”.

LÊ ĐỨC DỤC - ĐỨC BÌNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên