20/02/2021 12:09 GMT+7

3 năm dọn nhà 3 lần không thoát ‘đại dịch karaoke’, chừng nào mới thoát?

TRƯƠNG BẢO CHÂU tổng hợp
TRƯƠNG BẢO CHÂU tổng hợp

TTO - "Đại dịch karaoke", "giặc karaoke" - phải gọi vậy mới "đúng tầm". Đông đảo bạn đọc ‘rần rần’ nêu thêm bức xức sau bài viết "Phải ra khỏi nhà khi ‘hung thần karaoke’ xuất hiện" - đăng trên Tuổi Trẻ Online ngày 19-2.

3 năm dọn nhà 3 lần không thoát ‘đại dịch karaoke’, chừng nào mới thoát? - Ảnh 1.

Bán nhà để "thoát dịch", viêm tai, chóng mặt, nhức đầu

Bạn đọc Thanh Hòa tức giận: "Hàng xóm chỗ tôi hát phải từ trưa đến 1-2h đêm. Mỗi lần hát cửa kính, cửa nhôm các tầng nhà rung bần bật. Đang từ một người thích hát giờ tôi căm thù luôn". Bạn đọc Nguyễn Liêm cho biết gia đình mình đổi 3 căn nhà trong 3 năm nhưng không thoát được nạn karaoke.

Tết chính là cao điểm đau khổ nhất của đông đảo người dân muốn nghỉ ngơi sau một năm vất vả. "Ngày tết mà không tài nào thư giãn được. Nhà tôi bán kính 100m có 4 cái loa phát từ 9h sáng cho tới 11h đêm không ngớt. Trong nhà có đứa cháu mới mấy tháng tuổi dỗ mãi cũng không ngủ. 22h đêm giao thừa tôi nằm mà nhức cả đầu. Không hiểu sao để tồn tại mãi loại hình bất nhân như thế này?" (Hoàng Minh). Bạn đọc Quốc Thái cho biết mùng 1 phải đóng cửa lang thang ra đường vì chịu không nổi karaoke, ngay cả xem tivi cũng không xem được.

Nhưng tết chỉ là cớ thôi, karaoke ngày thường "tàn bạo" không thua kém gì. Nhiều bạn đọc dùng từ đầy phẫn nộ "nói ngắn gọn karaoke là đại dịch tấn công trực diện vào những người hàng xóm" (Trần Châu), "phải nói là giặc karaoke chứ. Nó là thứ gây bệnh" (Nguyễn Trường Giang).

"Đây là tệ nạn của những kẻ vô văn hóa. Họ rên rỉ ngày đêm" (Thành Chung). Đau khổ nhất là gia đình có người đau ốm nặng và trẻ con học hành online: "Họ la như kiểu phá làng, tát xóm, tra tấn cả những người bệnh cuối đời một cách không thương tiếc! Thật bức xúc cùng cực!" (Bạn đọc bút danh ABC).

Không chỉ khu phố các đô thị "thù" karaoke, bạn đọc các tỉnh và làng quê cũng phụ họa: "Tôi ở nông thôn tỉnh Tây Ninh, hai vợ chồng già trên 65 tuổi nhiều bệnh tật phải đưa nhau ra đồng tránh nạn vì không có tiền ngồi quán nước. Muốn bình yên lâu dài chắc có lẽ phải bán nhà" (Phan Trung Trực), bạn đọc tên Dung kể: "Không riêng TP.HCM đâu mấy bác ơi. Làng quê lại càng bị tra tấn karaoke hơn cả bom tấn, suốt ngày đến khuya la làng khàn giọng, lạc giọng. Mình ở Hậu Giang", một bạn đọc tên Dung khác cho biết "ở quê tôi có gia đình phải bán nhà rẻ như cho để trốn vấn nạn karaoke".

Stress do karaoke gia đình gây ra không phải là nhẹ nhàng như giai điệu bài hát, khi tần suất âm thanh vượt giới hạn ngày nào cũng ập vào tai bạn, thì cơn trầm cảm lớn dần tới mức nào là không dễ kiểm soát: "Mệt mỏi đến mức muốn cầm dao sang chửi nhau" - bạn đọc Thái Hòa ta thán. "Hàng xóm kế bên tôi chịu không nổi nên qua nhắc nhở nhà đối diện, thế là hai nhà giận nhau và những lần sau còn mở lớn hơn kiểu thách thức" (Nguyễn Thành Phước), "Mới đây ngoài đảo ngọc Phú Quốc có đôi vợ chồng ở nhà trọ hát karaoke gây ồn ào. Chủ nhà nhắc nhở còn chửi bới thách thức. Kết quả ông chồng bị đâm".

Cơ quan chức năng đánh giá chưa đúng mức hay ngại va chạm?

Nhiều lời kêu cứu và khẳng định các cơ quan chức năng quá coi nhẹ nỗi khổ karaoke của dân các khu dân cư. "Góp ý thì họ mở loa lớn hơn, tổ trưởng khu phố còn ăn nhậu trong đó thì làm sao giảm được. Chỉ mong lãnh đạo có những biện pháp quyết liệt cho dân chúng tôi được nhờ" (Hoài Tao).

"Họp dân phố lần nào mình cũng nói, riết chúng ghét chứ không cải thiện chút nào" (Lu Cuong). "Hát hò ở trong nhà mà đầu óc tui còn hơn ở quán bar. Trong khi đó trưởng ấp gần sát bên mà không hề can thiệp. Vậy ai là người thực thi pháp luật và đo cường độ âm thanh vượt ngưỡng trong vụ này?" (Huynh Tien).

Nhiều bạn đọc còn khẳng định "Đa số chính quyền địa phương còn châm chước vì không nhận thức rõ hậu quả" (Công), "Vấn nạn tiếng ồn này đã xảy ra bao nhiêu năm nay, gây không biết bao nhiêu hệ lụy cho xã hội mà không thể cấm được sao? Như đốt pháo Nhà nước cấm là gần như có hiệu quả tức thời mà vụ này không xử lý được? Trong khi tôi viết bình luận này là tôi đang chịu 2 sòng karaoke đang hát sát ngay bên nhà nè. Các cơ quan có thẩm quyền nên xem vấn đề này đến thời điểm này là một vấn nạn của xã hội và phải có giải pháp thôi chứ không chịu nổi nữa rồi, bức xúc lắm rồi" (Kỳ Phương).

Nhiều bạn đọc còn "đòi" nói thẳng: "Nói thẳng là cơ quan chức năng tắc trách trong việc để cho karaoke "bạo hành" người dân" (thaicongben), "Quản lý không được thì nên cấm hẳn luôn thì tốt hơn" (Nicolas).

Có luật rồi, chỉ cần dùng luật đi!

Bạn đọc Nguyễn Bá Thuận than đau tai, phải điều trị chỉ vì karaoke quá to: "Chỉ mong pháp luật có luật thì chính quyền phải dùng luật".

Theo bạn đọc, báo chí đã viết nhiều, luật đã rất cụ thể, chỉ có "hành pháp" còn làm ngơ. "Quy định nhà nào muốn hát thì phải có phòng cách âm, còn không thì khỏi hát" - bạn đọc Kelly đề nghị. "Luật quy định rõ mức công suất thì đề nghị chỉ bán loa có công suất tối đa 70dB cho hộ gia đình. Nếu muốn công suất cao hơn phải có giấy phép kinh doanh ngành nghề karaoke. Theo tôi đây là cách giải quyết từ gốc, ít ảnh hưởng nhất" - bạn đọc Minh Trần nói về loa.

Thiết bị để đo độ ồn xử phạt có phải là điều quá khó hiện nay không?

"Thiết nghĩ 1 máy đo độ ồn không khó để trang bị, cỡ 1-2 triệu là đo được rồi nhưng tại sao các cấp chính quyền không dẹp được nạn làm ồn vô tội vạ? Giống như chống dịch COVID, nếu không xử phạt như thời gian qua thì còn rất nhiều vi phạm" - bạn đọc tên Kha thắc mắc.

"Nên tổ chức cuộc thi viết phần mềm ứng dụng đo tiếng ồn trên điện thoại", bạn đọc Đoan Nghia đề nghị: "Nếu có ứng dụng này, mỗi người dân đều có thể đo và lấy đó làm bằng chứng gửi đến cơ quan chức năng xử phạt theo pháp luật".

"Thời đại 4.0 mà không biết tải app đo âm lượng, tiếng ồn hay sao đó. Tôi thấy loa thùng hay loa gì cũng vậy (ngoại trừ các loa công cộng phục vụ cộng đồng) phải có biện pháp chế tài. Nếu hộ nào muốn hát ca quá giờ vì đám họ, sinh nhật thì 1 hộ bao nhiêu người thì có thể đăng ký với phường cái loa của họ. Yêu cầu loa đăng ký có nguồn gốc rõ ràng. Số lần đăng ký hộ 3 người thì mỗi năm chỉ được hát tối đa 4 lần, như 3 ngày sinh nhật của 3 người trong hộ và 1 dịp đặc biệt của hộ đó như đám họ đám cưới... Đây là cách văn minh và theo hiến pháp.

Các phòng karaoke, họ có phòng cách âm, tại sao không hát mà ở nhà hát để mình vui mà xung quanh láng giềng lại khó chịu? Hộ nào sai phạm thì cứ viết giấy phạt gửi cho họ. Không nộp phạt trong thời gian quy định thì cắt điện. Như vậy xã hội văn minh, hàng xóm láng giềng đoàn kết gần nhau hơn" - bạn đọc Neal Nguyen hiến kế rất chi tiết.

"Chính quyền can thiệp mạnh thì giải quyết được ngay thôi, còn e ngại đụng chạm và cho rằng việc nhỏ thì dù có luật cũng đành bó tay" - bạn đọc tên Tâm khẳng định.

Bạn đọc Khai Phong còn gửi gắm đến báo Tuổi Trẻ: "Đề nghị Tuổi Trẻ làm tới với bài phỏng vấn các cơ quan chức năng liên quan và các quan chức địa phương để xem quan điểm và cách thức loại bỏ 'tệ nạn karaoke gây ô nhiễm phố phường' như thế nào. Tôi thấy là chẳng có gì khó nếu các phường, quận quyết tâm thôi, có rất nhiều cách và đừng có đổ thừa cho việc không được trang bị thiết bị đo âm thanh. Rất mong Tuổi Trẻ đi đến cùng về vấn đề nhức nhối, kém văn minh này".

Phải ra khỏi nhà khi ‘hung thần karaoke’ xuất hiện Phải ra khỏi nhà khi ‘hung thần karaoke’ xuất hiện

TTO - Sau khi cố gắng "bao dung", “Tết mà, bỏ qua” mấy ngày trời, tối mùng 6, cả nhà tôi chịu hết nổi phải khóa cửa lang thang ra đường vài tiếng đồng hồ.


TRƯƠNG BẢO CHÂU tổng hợp
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên