20/11/2016 12:00 GMT+7

3 bước dạy con lòng dũng cảm 'Lục Vân Tiên'

THS NGUYỄN VĂN CÔNG
THS NGUYỄN VĂN CÔNG

TTO - Gần đây, trên báo chí lan tỏa nhiều câu chuyện đẹp về lòng dũng cảm ở người thật, việc thật. Những câu chuyện đó đã tác động mạnh mẽ đến xã hội và nhiều bậc cha mẹ lấy đó làm bài học giáo dục con cái.

minhhoa

Lòng dũng cảm bao giờ cũng cần có sự hiểu biết đầy đủ, những kỹ năng cần thiết để xử trí. Phải giúp trẻ không chỉ hiểu thế nào là dũng cảm, thể hiện lòng dũng cảm, mà quan trọng nhất là phải có kỹ năng xử trí phù hợp

Tuy nhiên, nhiều phụ huynh cũng thắc mắc rằng: Lòng dũng cảm là gì? Làm thế nào để có được lòng dũng cảm?... Đây quả thật là vấn đề quan tâm của cha mẹ và cũng là ý thức tích cực để có thể giúp con mình trở thành những người tốt.

“Con trở thành người hùng được không?”

Chị Hải (Biên Hòa, Đồng Nai) kể: “Hôm trước, đọc báo về câu chuyện của anh tài xế Phan Văn Bắc đã có những hành động can đảm, tôi chia sẻ câu chuyện này với con trai tôi mới 9 tuổi.

Nhưng tôi không nói rõ chuyện anh tài xế xử lý thế nào vì thằng bé chưa đủ tuổi để hiểu được tình tiết câu chuyện. Miễn sao bé biết được nhờ có hành động của anh tài xế mà 30 con người trên chuyến xe khách được thoát nạn.

Kể xong câu chuyện, thằng bé nói ngay: Vậy thì sau này lớn lên con cũng có thể làm được như vậy. Con sẽ lái xe trên các con đường và khi thấy ai sắp gặp nguy hiểm, con sẽ ra tay cứu họ.

Được tôi cổ vũ, thằng bé lại thể hiện: “Lúc đó, hành động của con tha hồ được mọi người khen, thầy cô sẽ lấy con làm gương cho bạn bè học tập”.

Trong khi đó, chị Thanh (Hà Đông, Hà Nội) lại chia sẻ một câu chuyện khác: “Cách đây ít ngày, con trai tôi 8 tuổi đi học về, kể mẹ nghe về câu chuyện của một học sinh đã cứu bạn khỏi chết đuối và được khen ngợi.

Cậu bé hí hửng nói với mẹ rằng: Lúc đó nếu là con thì con cũng làm được điều này. Tôi chợt giật mình bởi con mình đã biết bơi đâu, giả định có tình huống này mà cháu ra tay cứu bạn lại rất nguy hiểm.

Thật ra, thâm tâm tôi chỉ muốn con phải có đủ hiểu biết và kỹ năng cần thiết mới “ra tay” làm những việc nghĩa, chứ tôi không có ý cản trở con mình làm điều thiện”.

Cả hai câu chuyện phụ huynh chia sẻ trên đây đều đặt ra vấn đề là làm sao giúp con trẻ hiểu được lòng dũng cảm?

Và cha mẹ làm gì để giáo dục lòng dũng cảm cho con một cách không sáo rỗng? Đi tìm câu trả lời cho những câu hỏi này thật ra cũng không mấy khó khăn, nếu các bậc cha mẹ tin rằng việc giáo dục lòng dũng cảm cho con là điều có thể làm được và nên bắt đầu từ rất sớm.

Bắt đầu từ những bước nhỏ

Có thể hiểu lòng dũng cảm là ý chí con người vượt qua được những khó khăn, trở ngại để có được sức mạnh chế ngự được tự nhiên, chiến thắng kẻ thù... và nhiều khi là để chiến thắng chính bản thân mình.

Nhưng dạy con về lòng dũng cảm cũng đòi hỏi một tinh thần không khuôn sáo ở cha mẹ, nhất là kết quả của tinh thần này đôi lúc không thể nhìn thấy ngay được. Cha mẹ có thể bắt đầu từ những bước nhỏ:

1. Giáo dục để hình thành, phát triển lòng dũng cảm

Lòng dũng cảm, một tinh thần nghĩa hiệp không phải tự nhiên có, mà phẩm chất này được thẩm thấu từ truyền thống giáo dục gia đình, từ tình yêu thương của cha mẹ, ông bà, từ việc giáo dục tính thiện ngay từ những năm tháng đầu đời...

Tất cả những phẩm chất đó được kiểm nghiệm, được rèn giũa, được va chạm, được chắt chiu và khi đủ độ chín muồi thì người ta mới bộc lộ.

Tất nhiên giáo dục lòng dũng cảm không phải để được khen ngợi, biểu dương hoặc các lợi ích vật chất khác, mà đó là hành động thể hiện tự giác, thường xuyên, mọi nơi, mọi lúc và phải xuất phát từ lòng yêu thương con người.

2. Cho con trẻ trải nghiệm thử thách

Không cho trẻ trải nghiệm những khó khăn, thử thách thì khó có thể giúp trẻ hình thành nên lòng dũng cảm. Những đứa trẻ luôn được cưng nựng, nuông chiều, được bao bọc bởi gia đình sẽ dễ nhút nhát, thụ động.

Ngược lại, đối với những trẻ được trải nghiệm thường xuyên, được rèn luyện tính tự lập từ nhỏ, phải đối mặt với khó khăn thì thường tỏ ra kiên cường và sẵn sàng vượt qua mọi thử thách.

3. Dũng cảm phải có kỹ năng

Lòng dũng cảm bao giờ cũng cần có sự hiểu biết đầy đủ, những kỹ năng cần thiết để xử trí. Phải giúp trẻ không chỉ hiểu thế nào là dũng cảm, thể hiện lòng dũng cảm, mà quan trọng nhất là phải có kỹ năng xử trí phù hợp.

Trường hợp khi người khác có nguy cơ chết đuối, nếu trẻ không biết bơi thì không được liều lĩnh xuống nước cứu người.

Lúc đó phải nhanh trí sử dụng các phương tiện có sẵn như cây, gậy, dây, quần áo để làm phương tiện kéo người bị đuối nước vào bờ, hoặc có thể gọi những người gần đó nhất ứng cứu.

Tránh kiểu “hữu dũng vô mưu” có thể để lại hậu quả càng lớn. Lòng dũng cảm bao giờ cũng cần những kỹ năng cần thiết.

THS NGUYỄN VĂN CÔNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên