Cuộc đối thoại nhọc nhằn

HẢI MINH 13/09/2016 00:09 GMT+7

TTCT - Chủ nhật ngày 11-9 tới sẽ là kỷ niệm 15 năm ngày 11-9-2001, một trong những ngày đen tối nhất lịch sử nước Mỹ. Trong khi ở Bảo tàng Lịch sử quốc gia Smithsonian, một buổi triển lãm đặc biệt được tổ chức cho dịp này, thì với thế giới Hồi giáo, 11-9 năm nay lại là một ngày lễ trọng để ăn mừng.

Thanh đà bằng thép này đã bị bóp nhăn nhúm như một tờ giấy khi máy bay mang số hiệu 175 của Hãng United Airlines lao vào tháp phía nam của WTC ngày 11-9-2001-REUTERS
Thanh đà bằng thép này đã bị bóp nhăn nhúm như một tờ giấy khi máy bay mang số hiệu 175 của Hãng United Airlines lao vào tháp phía nam của WTC ngày 11-9-2001-REUTERS

 

Câu chuyện của những mảnh vỡ

Smithsonian nổi tiếng với việc trưng bày những bảo vật quốc gia của Mỹ, nhưng năm nay nhà bảo tàng sẽ tổ chức một cuộc triển lãm chưa có tiền lệ:

35 đồ vật từ 3 cuộc tấn công khủng bố 15 năm trước vào Trung tâm thương mại thế giới (WTC); Lầu Năm Góc; và ở Shanksvile, Pennsylvania, nơi chuyến bay số 93 của Hãng United Airlines lao xuống đất, theo lời người phát ngôn Smithsonian - Melina Machado.

Việc lựa chọn các đồ vật trưng bày rất đặc biệt. Một số món có thể kể ra đây là cuốn nhật ký chép tay ghi tỉ mỉ thông tin về từng chuyến bay mình phục vụ của nữ tiếp viên Lorraine Bay; một chiếc đồng hồ rơi xuống từ sân đậu trực thăng của Lầu Năm Góc vì vụ va chạm và không chạy nữa, dừng lại ở đúng thời điểm 9g32 ngày 11-9; tấm biển đánh dấu tầng 102, tầng cao nhất của WTC, giờ gần như không thể nhận ra hình dạng…

Theo Machado, các đồ vật sẽ được trưng bày đằng sau tủ kính và người xem không thể đụng vào chúng. 15 năm sau, nước Mỹ giờ đã có một thế hệ mới hoặc còn quá trẻ để nhớ vụ 11-9 hay thậm chí còn chưa ra đời lúc sự kiện làm thay đổi thế giới này xảy ra.

“Chúng tôi nghĩ điều cực kỳ quan trọng là những đồ vật này chính là nhân chứng sống của câu chuyện” - bà Machado nói. Cũng dịp này, kênh phim tài liệu của Smithsonian sẽ chiếu bộ phim 9/11: Stories in fragments (tạm dịch: 11-9: Câu chuyện qua những mảnh vỡ), với sự liên hệ chặt chẽ với cuộc triển lãm.

Xây lại những nhịp cầu

Nhưng năm nay câu chuyện thêm phần đặc biệt bởi kỳ lễ vào loại quan trọng nhất của người Hồi giáo, Eid al-Adha, vốn theo lịch mặt trăng, cũng sẽ trùng đúng vào ngày 11-9.

“Thể nào cũng có kẻ gây chuyện vì điều đó - Habeeb Ahmed, chủ tịch Trung tâm Hồi giáo Long Island (Mỹ), nói với báo The New York Times - Sẽ có những kẻ nói rằng: Hãy nhìn những tay Hồi giáo kìa, chúng đang ăn mừng 11-9 đấy”.

Nhà chức trách New York đã phải tăng cường an ninh rất nhiều mấy ngày qua chính vì sự trùng hợp khó chịu đó, sau vụ sát hại một giáo sĩ Hồi giáo và người trợ lý của ông ở khu Queens, New York, vào tháng này.

Với một số người khác, những gì đang diễn ra gợi nhớ lại ký ức về sự kiểm tra an ninh gắt gao nhắm vào người Hồi giáo sau vụ 11-9. “Tôi phải giải thích với con cái mình thế nào đây?” - Linda Sarsour, giám đốc điều hành Hiệp hội Mỹ - Ả Rập ở New York, nói.

Lễ Eid al-Adha là để vinh danh sự xả thân của Ibrahim, hay Abraham, khi ông hi sinh con trai mình là Ishmael theo lệnh Thượng đế. Điều đặc biệt, theo Abdul Bhuiyan - tổng thư ký Hội đồng lãnh đạo Hồi giáo New York, dịp này cũng có thể là cơ hội để tưởng nhớ những người đã bị sát hại vào ngày 11-9-2001.

“Đó là một ngày để tưởng nhớ và giữ gìn giới luật” - Bhuiyan nói. Ngày Eid al-Adha diễn ra 10 ngày sau khi trăng non xuất hiện vào đầu tháng theo lịch Hồi giáo, và năm nay trăng non dự kiến sẽ rơi vào ngày 11-9.

“Những gì xảy ra ngày 11-9 cũng ở trong tâm trí mọi nhà lãnh đạo Hồi giáo - Robert McCaw, giám đốc quan hệ với chính quyền của Hội đồng quan hệ Mỹ - Hồi giáo, nói - Chúng tôi cũng đau buồn về những gì xảy ra như mọi người. Chúng tôi nhớ ngày này không chỉ vì là người Hồi giáo, mà còn vì là người Mỹ”.

Nhưng bất chấp mọi nỗ lực làm dịu lại tình hình, các quan chức Hồi giáo ở Mỹ vẫn khuyến cáo những giáo sĩ tới gặp nhà chức trách để đảm bảo an ninh cho cá nhân họ và cho cộng đồng vào dịp lễ. Ở New York, cảnh sát đã phải tăng cường an ninh cho nhiều nhà thờ Hồi giáo kể từ vụ giết người ở Queens.

Trong khi đó, một số nhà thờ Hồi giáo, vốn thường tổ chức lễ ngoài trời, đã quyết định năm nay sẽ chuyển lễ vào bên trong thánh đường, như ở thánh đường Masjid Hamza, Valley Stream, thuộc Long Island.

Ở Dearborn, Michigan, nơi có cộng đồng người Mỹ - Ả Rập lớn nhất nước, giáo sĩ Ibrahim Kazerooni, thuộc Trung tâm Hồi giáo Mỹ, nói người Hồi giáo vẫn nên ăn mừng như mọi khi, dự lễ cầu nguyện, cho người nghèo thức ăn và tiền, cũng như tổ chức ăn uống với gia đình và bạn bè. “Chúng tôi cũng phải để ý tới ngày nhạy cảm, nhưng đồng thời không quá nặng gánh vì điều đó tới mức làm tê liệt cả cộng đồng” - Kazerooni nói.

Giáo sĩ Shamsi Ali thuộc Trung tâm Hồi giáo Jamaica ở Queens thì khẳng định thánh lễ của ông vẫn sẽ tổ chức ngoài trời, dự kiến thu hút 20.000 người, một trong những lễ Eid al-Adha lớn nhất ở New York, trong khi đó sẽ là cơn đau đầu thật sự với giới chức an ninh thành phố.

Giáo sĩ Ali cho rằng việc họ tổ chức lễ lớn, bao gồm cầu nguyện cho những nạn nhân 11-9, vẫn là cần thiết: “Nếu người ta tìm cách xây nên những bức tường thì chúng ta lại càng phải xây nên những nhịp cầu - Ali nói - New York này vốn là thế”.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận