10/08/2015 09:52 GMT+7

​13-8 đón xem mưa sao băng Perseids

TUẤN DUY (CLB Thiên văn nghiệp dư TP.HCM)
TUẤN DUY (CLB Thiên văn nghiệp dư TP.HCM)

TTO - Mưa sao băng Perseids sẽ đạt cực điểm vào ngày 13-8 với người xem có thể quan sát được 50-100 vệt sao băng/giờ hoặc nhiều hơn trong điều kiện quan sát tốt.

Một vệt sao từ trận mưa sao băng Perseids - Ảnh: theguardian.com

Tại Việt Nam, thời điểm thích hợp nhất để quan sát mưa sao băng là từ sau nửa đêm tới rạng sáng ngày 13-8, khoảng từ sau 1g sáng. Theo tính toán, năm nay Mặt trăng sẽ không ảnh hưởng tới khả năng quan sát các vệt sao băng của trận mưa sao này.

Mưa sao băng Perseids diễn ra từ ngày 17-7 đến 24-8 hằng năm và thường đạt cực điểm vào khoảng gần giữa tháng 8. Đây là một trong những trận mưa sao băng lớn và rực rỡ nhất trong năm (cùng với Quadrantids tháng 1 và Geminids tháng 12).

Trận mưa sao này có nguồn gốc từ sao chổi 109P/Swift-Tuttle, có chu kỳ 133 năm.

Theo dự báo của Tổ chức Sao băng quốc tế (IMO), khi mưa sao băng Perseids đạt cực điểm, ở những nơi có điều kiện quan sát lý tưởng (thuộc Bắc Bán cầu, thời tiết tốt, ít ô nhiễm sáng và không có trăng sáng ảnh hưởng), số sao băng quan sát được có thể lên tới 100 vệt sao băng/giờ.

Ở những vùng thuộc Nam Bán cầu, tần suất quan sát được chỉ khoảng 30 vệt sao băng/giờ.

Một số lưu ý khi quan sát mưa sao băng:

- Mọi địa phương ở Việt Nam đều có thể quan sát được mưa sao băng.

- Chỉ cần dùng mắt thường là có thể quan sát được.

- Tránh nhìn ánh sáng trực tiếp và để cho mắt có nhiều thời gian thích ứng với bóng tối, ít nhất là 20 phút trước khi bắt đầu quan sát.

- Chỉ khi thời tiết tốt, trời quang mây và thấy rõ các ngôi sao bình thường mới có thể thấy được sao băng. Nếu trời có nhiều mây, cũng đừng thất vọng vì bầu trời mùa mưa rất thất thường.

- Mưa sao băng không có nghĩa là “sao bay như mưa”, do đó cần kiên nhẫn khi quan sát. Ở một trận mưa sao lớn như Perseids này, những vệt sáng có thể xuất hiện cách nhau một đến vài phút. Đôi khi bầu trời sẽ “lặng thinh” một lúc rất lâu nhưng có lúc chúng xuất hiện liên tục 2-3 cái.

- Ánh sáng của Mặt trăng hay ánh sáng đèn sẽ làm ảnh hưởng rất nhiều đến việc quan sát sao băng. Ở vùng quê ít bị ô nhiễm ánh sáng bạn có thể thấy được số lượng các sao băng hơn rất nhiều lần so với nếu quan sát ở thành phố.

 

TUẤN DUY (CLB Thiên văn nghiệp dư TP.HCM)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên