26/09/2017 15:08 GMT+7

13 tỉnh, 2.500 bản quy hoạch nên mạnh ai nấy làm

CHÍ QUỐC
CHÍ QUỐC

TTO - 2.500 bản quy hoạch cho vùng ĐBSCL khiến cho vùng này mạnh ai nấy làm, thiếu liên kết và "như thời bao cấp, nặng về chỉ tiêu" cộng thêm tầm nhìn ngắn hạn khiến cho vựa nông sản này chưa thể cất cánh được.

13 tỉnh, 2.500 bản quy hoạch nên mạnh ai nấy làm - Ảnh 1.

Quang cảnh Hội nghị về phát triển bền vững ĐBSCL diễn ra ngày 26-9 tại Cần Thơ - Ảnh: CHÍ QUỐC

Tại phiên thảo luận trong khuôn khổ hội nghị "Phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu" do Chính phủ tổ chức tại TP Cần Thơ ngày 26-9, ông Vũ Quang Cát, Vụ trưởng Vụ Quản lý quy hoạch (Bộ Kế hoạch - Đầu tư), cho biết tổng hợp tới nay ĐBSCL có tới 2.500 bản quy hoạch.

Trong số đó quy hoạch cấp vùng có 22 bản bao gồm 3 quy hoạch tổng thể, 5 bản quy hoạch xây dựng khiến cho có tình trạng chồng chéo, mâu thuẫn và thiếu liên kết. 

"Như lĩnh vực giao thông, lẽ ra với thế mạnh ĐBSCL là giao thông thủy thì việc giải bài toán giao thông ở đây gồm giao thông đường thủy, bến thủy, đường bộ phải liên kết với nhau. Nhưng chúng ta lập ra các quy hoạch đường thủy riêng, bến thủy riêng, đường bộ riêng. 

Điều đó khiến quá trình đầu tư không đồng bộ, có khi đầu tư ở đường thủy, bến thủy, không kết nối với đường bộ, dẫn đến đầu tư không hiệu quả và cản trở sự phát triển", ông Cát dẫn chứng.

Cũng theo ông Cát, nhiều bản quy hoạch còn chủ quan, duy ý chí, không dựa trên cơ sở khoa học. 

Chẳng hạn, nhiều địa phương tập trung công nghiệp hóa, xây dựng một loạt các khu công nghiệp, dẫn đến diện tích dành cho khu công nghiệp rất lớn, trong khi tỉ lệ lấp đầy chỉ 20-30%, rất lãng phí nguồn lực. 

"Ví dụ như quy hoạch xây dựng vùng tỉnh Tiền Giang có định hướng tỉnh đến năm 2030 là tỉnh công nghiệp trong khi thế mạnh của Tiền Giang là sản xuất nông nghiệp", ông Cát dẫn chứng.

Ông Cát cũng nhận định, hầu hết các quy hoạch nêu trên đều mang tính chất giải quyết vấn đề cục bộ của ngành, của địa phương mình, mà không đặt ra vấn đề tổng thể của vùng, dẫn đến nhiều vấn đề xung đột nhau. 

Các bản quy hoạch vì giải quyết vấn đề riêng rẽ nên chưa quan tâm giải quyết thách thức, rủi ro mang tính chất toàn vùng.

Ngoài ra, các quy hoạch của vùng ĐBSCL hiện nay đang thiếu tầm nhìn chung và chương trình hành động chung dẫn đến không giải quyết vấn đề của vùng, trước thách thức biến đổi khí hậu hiện nay. 

"Chúng ta vẫn dựa vào quy hoạch như thời kỳ bao cấp là nặng về chỉ tiêu, ít quan tâm tới tổ chức không gian phát triển. 

Trước thực trạng phát triển như vậy một trong những vấn đề đặt ra cho sự phát triển ĐBSCL là đổi mới quy hoạch theo phương pháp tích hợp đa ngành mới giải quyết được bài toán tổng thể của vùng và xây dựng chương trình hành động chung cho vùng", ông Cát nhận định.

13 tỉnh, 2.500 bản quy hoạch nên mạnh ai nấy làm - Ảnh 2.

GS Võ Tòng Xuân cho rằng đã đến lúc phải quy hoạch theo hướng tích hợp cho vùng ĐBSCL, tức là các bộ ngành phải ngồi lại với nhau khi làm quy hoạch chứ không mạnh ai nấy làm - Ảnh:CHÍ QUỐC

Giáo sư Võ Tòng Xuân cũng cho rằng không nên quy hoạch theo hướng tổng hợp (cộng các quy hoạch của các ngành với nhau) mà theo hướng tích hợp là các ngành phải ngồi lại với nhau, cùng quy hoạch tới một mục tiêu. 

Theo GS Võ Tòng Xuân, cần có chỉ huy trưởng mới làm được quy hoạch này và chỉ huy trưởng phải công tâm và quyết tâm, với tầm nhìn dài hạn 20 năm thay vì chỉ 5 năm.

CHÍ QUỐC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên