14/03/2017 11:29 GMT+7

12 thống kê đáng sợ về nạn xâm hại tình dục trẻ em

D.KIM THOA
D.KIM THOA

TTO - Các chuyên gia nghiên cứu trong lĩnh vực này đều khẳng định tình trạng xâm hại tình dục trẻ em trên thực tế luôn cao hơn nhiều so với các số liệu thống kê chính thức.

Thủ tướng Malaysia, ông Najib Razak, ngày 13-3 lên án mạnh mẽ nạn xâm hại tình dục trẻ em ở Malaysia và cam kết chính phủ sẽ quyết tâm trấn áp loại tội phạm này - Ảnh: Freemalaysiatoday
Thủ tướng Malaysia, ông Najib Razak, ngày 13-3 lên án mạnh mẽ nạn xâm hại tình dục trẻ em ở Malaysia và cam kết chính phủ sẽ quyết tâm trấn áp loại tội phạm này - Ảnh: Freemalaysiatoday

Dẫu thế, theo báo Huffington Post, việc nắm được những thống kê tương đối phổ quát về vấn đề này cũng sẽ là một hồi chuông cảnh báo mạnh mẽ với các bậc phụ huynh trong việc cần chia sẻ thông tin có trách nhiệm hơn nữa với con cái.

Báo Huffington Post dẫn chia sẻ của chị Jayneen Sanders người Úc, chuyên gia giáo dục về an toàn thân thể cho trẻ em ở cả gia đình lẫn trường học.

12 số liệu thống kê từ các báo cáo điều tra, nghiên cứu được chị Jayneen Sanders chia sẻ với mong muốn như một thông tin đánh động tới các bậc cha mẹ, những người chăm sóc và các giáo viên về vấn đề nhức nhối này. Cuối mỗi thông tin là nguồn trích dẫn: 

1. Khoảng 20% bé gái (1/5) và 8% bé trai (1/12,5) bị xâm hại tình dục trước tuổi 18. (Pereda và các cộng sự, 2009)

2. 95% những trẻ bị xâm hại tình dục là nạn nhân của một người chúng biết và tin tưởng. (NAPCAN 2009)

3. Trong số những kẻ xâm hại tình dục trẻ em dưới 6 tuổi, 50% đối tượng là các thành viên trong gia đình. Những người trong nhà cũng chiếm 23% trong số những kẻ xâm hại tình dục trẻ em độ tuổi 12-17. (Snyder, 2000).

4. Lứa tuổi dễ bị tổn thương nhất trong các vụ xâm hại tình dục là từ 3-8 tuổi. Phần lớn các vụ xâm hại tình dục trẻ em bắt đầu xảy ra trong độ tuổi này. (Browne & Lynch, 1994).

5. Nam giới chiếm 90% trong số các đối tượng gây ra những vụ xâm hại tình dục, trong khi nữ giới chiếm 3,9%. Ngoài ra còn khoảng 6% đối tượng xâm hại thuộc về "giới tính không xác định". (McCloskey & Raphael, 2005).

6. Khoảng 40% trẻ em bị những đứa trẻ lớn hơn (hoặc khỏe mạnh hơn) xâm hại tình dục (Finkelhor, 2012). Cùng với việc lan tràn các hình ảnh khiêu dâm hiện nay, người ta còn thấy các vụ xâm hại tình dục trẻ em, cụ thể là những vụ việc mà thủ phạm gây án là những đứa trẻ lớn hơn hoặc là anh/chị em họ của nạn nhân, cũng xảy ra ngày càng nhiều. 23% trẻ em trong độ tuổi 10-17 đều đã tiếp xúc với các hình ảnh khiêu dâm ngoài ý muốn. (Jones L. và các cộng sự, 2012).

7. 84% các vụ việc trẻ em dưới 12 tuổi bị xâm hại tình dục xảy ra tại nơi ở. (Snyder, 2000).

8. Trong số các vụ việc trẻ bị xâm hại tình dục được trình báo với cơ quan chức năng, có tới 98% các vụ việc lời khai của trẻ em được xác định là sự thật. (Hội đồng bảo an trẻ em bang bang New South Wales, tổ chức Dympna House trích dẫn năm 1998).

9. 1/3 người lớn sẽ không tin nếu trẻ em nói với họ về việc chúng bị xâm hại tình dục. (Quỹ trẻ em Úc, 2010).

10. 73% trẻ em bị xâm hại tình dục sẽ không nói với bất cứ ai về sự việc này trong ít nhất 1 năm. 45% sẽ không nói với ai trong 5 năm. Một số em sẽ không bao giờ tiết lộ sự thật. (Broman-Fulks và các cộng sự, 2007)

11. Những trẻ em từng bị xâm hại tình dục có nguy cơ tự tự cao hơn 10-13 lần so với những trẻ em bình thường. (Plunkett A, O’Toole B, Swanston H, Oates RK, Shrimpton S, Parkinson P 2001).

12. Trẻ em không sống cùng cha mẹ (trẻ em được nhận làm con nuôi) có nguy cơ bị xâm hại tình dục gấp 10 lần so với những đứa trẻ sống cùng cha mẹ ruột.

Trẻ em sống cùng với cha/mẹ có một bạn tình khác sống chung trong nhà có nguy cơ bị xâm hại tình dục cao nhất. Nguy cơ này ở chúng cao gấp 20 lần so với những đứa trẻ sống cùng cha mẹ ruột. (Sedlack và các cộng sự, 2010).

Chuyên gia Jayneen Sanders chia sẻ: "Theo kinh nghiệm của tôi, trẻ em không nói dối về các vụ xâm hại tình dục và nghiên cứu khoa học cũng đã chứng minh điều đó. Hãy giáo dục con bạn về sự an toàn thân thể. Tôi thực sự hy vọng có thể chúng sẽ không bao giờ cần phải dùng tới những kiến thức này, nhưng hãy nghĩ về nó như một chiếc phao cứu hộ, có tính chất phòng ngừa trong vấn đề này".

D.KIM THOA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên