26/01/2017 09:01 GMT+7

​1.000 tỉ đồng mới được mở trường ĐH có đầu tư nước ngoài

NGỌC HÀ
NGỌC HÀ

TTO - Đây là điểm mới quan trọng trong Dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định về hợp tác, đầu tư của nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục vừa được công bố.

Ông Nguyễn Xuân Vang - vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế Bộ GD- ĐT - Ảnh: Ngọc Hà
Ông Nguyễn Xuân Vang - vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế Bộ GD-ĐT - Ảnh: NGỌC HÀ

Cơ sở nào khiến Bộ GD- ĐT đưa ra yêu cầu về năng lực tài chính của nhà đầu tư nước ngoài bất ngờ phải tăng gấp hơn ba lần so với quy định hiện tại khi muốn mở trường ĐH tại Việt Nam?

Ông Nguyễn Xuân Vang, vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế Bộ GD- ĐT, cho biết:

- Dự thảo nghị định quy định về hợp tác, đầu tư của nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục quy định dự án đầu tư thành lập trường ĐH phải có tổng số vốn đầu tư tối thiểu là 1.000 tỉ đồng (không bao gồm giá trị đất xây dựng trường). Vốn đầu tư được xác định bằng tiền mặt và tài sản đã chuẩn bị để đầu tư và được cơ quan có thẩm quyền xác nhận.

Trước đó, Nghị định Quy định về hợp tác, đầu tư của nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục hiện hành (Nghị định 73) quy định tổng mức vốn đầu tư cho trường ĐH còn thấp, chỉ cần từ 300 tỉ đồng trở lên.

Bộ GD- ĐT nâng yêu cầu mức đầu tư lên gấp hơn ba lần như vậy sau khi đã tham khảo về mức đầu tư thực tế để có cơ sở giáo dục ĐH đảm bảo chất lượng.

Hiện tại, một văn bản khác là dự thảo nghị định quy định về điều kiện đầu tư và hoạt động trong lĩnh vực giáo dục cũng nâng yêu cầu tài chính trong điều kiện thành lập trường tư thục là phải có vốn đầu tư tối thiểu 1.000 tỉ đồng.

Thành lập mới trường ĐH tư thục trong nước đã yêu cầu phải có vốn đầu tư 1.000 tỉ đồng, thì trường ĐH có đầu tư của nước ngoài cũng không thể thấp hơn được. Các trường phải đảm bảo đầu tư có chất lượng, chứ không thể chỉ đầu tư thấp để thu lời.

* Có ý kiến nghi ngờ về tính khả thi trong quy định về tiêu chuẩn giảng viên của dự thảo. Bởi lẽ, tỉ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ trong hệ thống giáo dục ĐH Việt Nam hiện nay chưa đạt 20%, nhưng Bộ GD- ĐT lại đưa vào dự thảo quy định tỉ lệ giảng viên trong các trường ĐH có đầu tư nước ngoài phải đạt tối thiểu 50%...

- Yêu cầu về trình độ giáo viên các trường mầm non, tiểu học, THCS, THPT có đầu tư của nước ngoài hầu như không thay đổi so với trước. Tuy nhiên, với đào tạo ĐH, dự thảo sửa lại để phù hợp với quy định tại Luật Giáo dục ĐH là giảng viên ĐH phải có trình độ thạc sĩ trở lên.

Trong đó, tỉ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ không ít hơn 50% tổng số giảng viên của cơ sở đào tạo. Quy định tỉ lệ tối thiểu 50% giảng viên có trình độ tiến sĩ nhằm đảm bảo các trường ĐH có chất lượng cao, giống hình mẫu của các chương trình đào tạo ở nước ngoài.

Tuy nhiên, với các ngành đặc thù như âm nhạc, thể thao, thời trang, ẩm thực..., do số lượng người có học vị tiến sĩ không nhiều, nên Bộ trưởng Bộ GD- ĐT sẽ xem xét quyết định cụ thể.

* Yêu cầu về vốn đầu tư tăng lên, tỉ lệ giảng viên ĐH có trình độ tiến sĩ cao hơn trước, nhưng nhiều quy định khác đi kèm dường như lại theo chiều hướng giúp nhà đầu tư “dễ thở” hơn.... Mục đích của những điều chỉnh đó là gì, thưa ông?

- Đúng là có những quy định trong dự thảo tạo điều kiện tốt hơn cho hoạt động của các nhà đầu tư, hướng đến mục tiêu tăng sức hút đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực giáo dục VN nhiều hơn.

Không ít nhà đầu tư đã phàn nàn về quy định các trường có vốn đầu tư nước ngoài đăng ký hoạt động từ hai mươi năm trở lên tại VN phải có kế hoạch xây dựng cơ sở vật chất của cơ sở giáo dục và phải được UBND cấp tỉnh đồng ý về việc giao đất hoặc cho thuê đất.

Vì vậy, dự thảo đã điều chỉnh thành trường có vốn đầu tư nước ngoài được phép thuê cơ sở vật chất ổn định trong thời gian ít nhất 5 năm và phải đảm bảo cơ sở vật chất đáp ứng quy định. Quy định này không chỉ tạo điều kiện cho các trường mà còn rất sát thực tế vì hiện nay có một số nhà đầu tư chuyên đầu tư cơ sở vật chất cho thuê dài hạn.

Ngoài ra, trước đây việc cho phép thành lập các cơ sở giáo dục có đầu tư nước ngoài đều phải trải qua ba bước: Cấp giấy chứng nhận đầu tư, quyết định cho phép thành lập cơ sở giáo dục và cấp giấy phép hoạt động giáo dục.

Còn dự thảo lại phân loại cơ sở đào tạo, bồi dưỡng ngắn hạn cấp chứng chỉ chỉ cần trải qua hai bước: cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và cấp quyết định cho phép hoạt động giáo dục.

Riêng các trường cấp văn bằng, có tính lâu dài thì vẫn quy định ba bước để đảm bảo chất lượng, đảm bảo cho quyền lợi người học.

Dự thảo cũng đưa ra cơ chế mở để nhà đầu tư nước ngoài được phép góp vốn, mua cổ phần, nhận chuyển nhượng quyền đầu tư của các trường có vốn đầu tư nước ngoài hoặc vốn đầu tư trong nước đã được thành lập ở Việt Nam.

Sẽ cho phép học sinh mầm non VN được học chương trình nước ngoài

Trong khi Nghị định 73 ghi rõ học sinh Việt Nam không đủ 5 tuổi không được tiếp nhận vào học chương trình của nước ngoài, thì dự thảo Nghị định quy định về hợp tác, đầu tư của nước ngoài lại cho phép chương trình giáo dục nước ngoài từ mầm non có thể tiếp nhận học sinh Việt Nam, nhưng phải đảm bảo các nội dung của Việt Nam theo yêu cầu như tiếng Việt, lịch sử, địa lý, văn hóa.

Dự thảo cũng đã bỏ hoàn toàn quy định khống chế tỉ lệ học sinh VN trong các trường có đầu tư nước ngoài (Nghị định 73 còn quy định số học sinh Việt Nam ở các trường này cấp tiểu học, THCS không quá 10% và cấp THPT không quá 20% tổng số học sinh của trường).

 

NGỌC HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên